303 lượt xem

NGUYỄN BẠT TỤY

Nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tuỵ sinh năm 1920 tại Hà Nội, từ năm 1945 sống và làm việc tại Sài Gòn, Đà Lạt. 

Thời niên thiếu học Tiểu học ở Hà Nội, đậu bằng Thành chungBrevet Elémentaire năm 1938, năm 1939 đậu Tú tài I Pháp. Sau đó vào học năm cuối Trung học để thi Tú tài II. Tại đây, nhân một buổi đi học trễ ông bị giám thị người Pháp mắng “người Việt Nam lười biếng”. Ông phẫn nộ, bỏ học, từ đó tự học và sau này trở thành một học giả có cá tính.

Năm 1943, ông vào Nam sống bằng nghề dạy học tư tại Sài Gòn, có lúc làm phiên dịch cho người Nhật rồi bỏ việc, tiếp tục dạy học tư. Nhiều lần được các Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đà Lạt và Huế mời giảng về một số chuyên đề ngôn ngữ học, dân tộc học, ông cũng từ chối chỉ làm một giáo sư dạy tư.

Những năm 1960-1970 ông được Học viện Viễn Đông bác cổ Paris và trường Đại học Sorbonne trợ cấp hàng tháng trong nhiều năm giúp ông có điều kiện khảo sát, nghiên cứu về ngôn ngữ học, dân tộc học thuộc các sắc dân thiểu số trên dãy Trường Sơn từ Quảng Trị đến Bình Long.... Năm 1973 ông dự định thành lập một trung tâm nghiên cứu Dân tộc học và ngôn ngữ học có tên Trung ương Nguyễn Bạt Tụy nghiên cứu dân ngữ (Nguyễn Bạt Tụy Centre for Ethnological and linguistic Researches) để khai thác số tài liệu ông sưu tầm được trong gần 30 năm. Đây là kho tư liệu tư nhân đồ sộ, phong phú mà chưa có kho tư liệu nào có thể sánh kịp.

Ông là một nhà lập thuyết về ngôn ngữ học (nhất là ngữ âm học); chính ông là người phát kiến ra thuyết độ chạm (degré de Contact) trong ngữ âm nói chung và ngữ âm tiếng Việt nói riêng. Phát hiện này của ông được nhiều nhà ngôn ngữ học Pháp (Gustave Meillon, François Martini, Maurice Durant, Martine Piat) đồng tình và tán thưởng.

Từ sau năm 1975, ông bị bệnh và không có điều kiện, phương tiện nhằm giới thiệu các công trình nghiên cứu về Dân tộc học, Ngôn ngữ học và Sử học của mình.

Ông mất ngày 16 tháng 4 năm 1995 tại Đà Lạt, thọ 75 tuổi.
 

Tác phẩm

Chữ và vần Việt Nam khoa học (1949)

Ngôn ngữ học (1950)

Phonologie Vietnamienne (Học Âm - lời Việt Nam) (1960) và rất nhiều bản thảo.

Nguồn: http://mobile.coviet.vn