254 lượt xem

TÔN ĐẢN - KỲ 2

Bàn về nhân vật Tông Đản 
 

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/ton-dan.png

Quân nỏ thủ người Mông (Miao) - (Nhân đọc sách Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của tác giả Hoàng Xuân Hãn).Nguồn: Sưu tập
 

Sách của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn chép:
 

“Đại-đội thủy-quân đóng ở Lục-Đầu, vùng Vạn-Xuân, để có thể tiếp-ứng được mọi nơi trên các đường thủy hoặc lên sông Đào-Hoa (sông Thương) hoặc lên sông Lục-Nam hoặc tới sông Nam-Định hoặc tới sông Thiên-Đức hoặc ra cửa biển Bạch-Đằng tiếp viện-thủy quân đậu ở sông Đông-kênh. Thế đất Vạn-Xuân thật là thế rẻ quạt. Thái-tử Hoằng-Chân (VSL, còn các sách Tống đều viết Hồng-Chân) đóng doanh ở đó. Bộ-hạ có thái-tử Chiêu-văn và tả-lang-tướng Nguyễn Căn (…) Lý Thường-Kiệt sai các hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn (VSL) đem thuyền chở quân đến chống lại. Hoằng-Chân có nuôi riêng 500 quân đặc-biệt; cấm mọi điều thị-dục, dạy cho trận-pháp. Đội quân riêng ấy rất giỏi. Hiệu-lệnh rất nghiêm. Người nào cũng cầm một cái kim-bài để làm hiệu riêng.

(Đàm Phố) Hoằng-Chân từ phía đông đem 400 chiến-hạm, chở vài vạn quân tới. Quân quát-tháo ầm-ỹ. Theo kế-hoạch Yên Đạt đã bàn, Quì rút quân. Quân ta đổ-bộ lên bắc-ngạn sông, đuổi đánh quân địch. Tiền-quân của Tống thua; Quách Quì phải cho thân-quân tới cứu. Tụi Yên Đạt cũng tiến theo (MC Quách Quì, theo TB 279/22a)Quân ta bấy giờ đã tiến sâu vào đất bằng (ĐP) có lẽ mé tây núi Nham-Biền. Quân Tống phản-công mạnh. Quân ta lui một ít. Quì sai các tướng Trương Thế-Cự, Vương Mẫn đưa kỵ-binh ra giúp sức. Giới Định đặt phục-binh ở trong núi (TB 281/14a) bấy giờ cũng đổ ra. Quân Tống giết chừng vài nghìn quân địch. Trên đất bằng, kỵ-binh Tống rất thắng lợi. Quân ta bị rối loạn, rút lui hỗn-loạn, tranh nhau sang sông trở về, bị chết đuối rất nhiều. Nước sông ba ngày chảy không hết xác (TB 279/22a).Ta ghé thuyền đưa quân về, bị quân Tống bắn đá xuống như mưa làm thuyền đắm. Hai hoàng-tử Hoằng-Chân và Chiêu-Văn đều bị chết chìm xuống sông (VSL). Thuyền của đội quân riêng của Hoằng-Chân bị đắm, nhưng ai cũng cầm vững kim-bài mà chết (ĐP). Tả-lang-tướng Nguyễn Căn bị tướng Tống là Đặng Trung bắt [Đoạn chú viết]: Tống-sử (TS 290) chép: “Ta đại-chiến ở sông Phú-Lương, chém được vương-tử giặc là Hồng-Chân”. Mộ-chí Quách Quì chép: “Giết được đại-tướng Hồng-Chân, bắt được tả-lang-tướng Nguyễn Căn”. Sách Thông-giám chép: “Bắt được thái-tử giặc là Hồng-Chân”. Sách Trường-Biên (TB 293/8a) chép: “Tướng Bạch Bảo bắt được thái-tử Hồng-Chân và tướng Đặng Trung bắt được tả-lang-tướng Nguyễn Căn. Nhưng tướng Tiết Đức lại nói chính mình giết được Hồng-chân ở ải Quyết-Lý”.

* Như những thông tin trên tôi ngờ rằng Hoằng Chân là 1 tướng thuỷ chiến, nếu có đánh 3 châu nhà Tống thì khả năng cao ngài cùng với Lý Thường Kiệt tiến theo đường biển đánh 2 châu Khâm Liêm chứ không phải là Tông Đản dẫn quân tiến đường bộ vây Ung Châu. Lại thêm, sách Việt sử lược cùng chép về Tông Đản và Hoằng Chân nên việc chép nhầm cũng rất khó xảy ra. Chỉ tiếc là Toàn thư không chép về Hoằng Chân để chúng ta có thể so sánh.
Nếu có xảy ra nhầm lẫn thì có lẽ khi soạn Đại Việt sử ký, Lê Văn Hưu chép mục năm 1075 là Tông Đản, còn sách Việt sử lược khi chép mục năm 1076 theo sách Đại Việt sử ký, vì lý do nào đó mà chép thành Hoằng Chân.

Nhưng sách sử phương bắc lại chép là Hoằng Chân thậm chí sách Tùng-đàm chép: “Tướng tiên-phong là Miêu Lý và Yên Đạt qua sông Phú-Lương. Đánh một trận, phá tan giặc. Bắt được thái-tử giặc là Phật-Nha” (TB 303/9a). Tên Phật-Nha ấy tuy khác các tên kia, nhưng chắc là đúng. Lý Thái-Tông khi còn thái-tử có tên là Phật-Mã, thì con có thể là Phật-Nha. Chắc đó là tên húy còn hiệu là Hoằng-Chân-vương hay Hoằng-Chân-hầu” [Hoàng Xuân Hãn]
Vậy thì sách sử chép rất rõ về Hoằng Chân, rất khó để có nhầm lẫn, trừ khi nhầm lẫn xảy ra tại mục năm 1075 trong sách Đại Việt sử ký. Lê Văn Hưu muốn chép là Hoằng Chân hoặc vì nhầm lẫn mà Lê Văn Hưu nhầm giữa Tông Đản và Hoằng Chân. Người đem quân vây thành Ung Châu là Hoằng Chân nhưng Lê Văn Hưu nhầm lẫn thành Tông Đản. Thực chuyện này không thể khảo được!

Cũng lạ là sử phương bắc biết rất tường tận về Hoằng Chân, về đội quân riêng 500 người, mà lại không biết ngài dẫn 1 đạo quân, tấn công Ung Châu ? Vì như Giáo sư Hãn viết: “Tống-sử và Tống-thư cũng không đâu nói đến”.

* Tông Đản không phải là Nùng Tông Đán hoặc con của Đán, cùng không phải là vương hầu Hoằng Chân ? Ngài không được sử phương bắc nhắc đến cùng chỉ được sử phương nam chép có duy nhất 1 lần. Trong khi vai trò của ngài trong trận đánh thành Ung Châu lại rất lớn. Đó là việc rất khó hiểu ?

Nếu như Tông Đản không chết trong cuộc chiến Tống Việt thì chắc chắn ngài phải được phong chức tước quan trọng, nhưng sử sách lại phủ nhận điều đó, vậy nên chúng ta sẽ tìm hiểu ngài trong các bộ tộc ở phía bắc. Trong tất cả các sách sử thì duy có Việt sử lược chép: “Trí Cao chạy sang nước Đại Đản”. Sách sử còn lại chép rằng Trí Cao chạy vào nước Đại Lý. Sách Việt sử lược lấy đâu ra cái tên Đại Đản ? Và cái tên này có liên quan gì tới Tông Đản hay không ? Có khi nào Tông Đản là vương hầu của nước Đại Đản cùng hợp binh với Đại Việt tấn công Đại Tống không? Tôi cho rằng rất khó vì từ Đại Đản mà sách Việt sử lược chép có lẽ là cách viết để tránh phạm tên huý của họ Trần. Nguyên tổ họ Trần có tên cúng cơm là Lý. Do vậy mà Việt sử lược đã chép từ Đại Lý thành Đại Đản, chỉ băn rằng vì sao lại là Đại Đản mà không phải là 1 cái tên khác? Có phải là liên quan tới phật giáo hay không ? Việc này sẽ bàn sau.

Thêm một câu hỏi nữa là nếu xảy ra trường hợp chép từ Đại Lý thành Đại Đản thì có xảy ra trường hợp chép từ Tông Lý sang Tông Đản hay không ? Việc này thực rất khó để khảo? Nếu như người thống lĩnh cánh quân đường bộ tấn công Ung Châu không phải là người giữ vai trò dẫn đường, cùng không phải là tướng quan trọng của triều Lý cử đi, thì tướng này phải là thổ binh thân tín của triều đình. Khi ngài Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La thì họ Lý giữ vùng sông nhị Hà, phía đông có họ Phạm và họ Đỗ thế lực, phía nam có họ Dương và họ Lê (Ái Châu) thế lực, phía tây và tây bắc có họ Lê, họ Đào và họ Hà thế lực, phía chính bắc và đông bắc có họ Thân thế lực. Vậy là bối cảnh chính trị thời Lý như vòng tròn có 3 biên giới. Chính tâm, thành Thăng Long họ Lý nắm quyền, chia sẻ quyền lực với họ Đỗ, họ Phạm. Biên giới thứ 2 là các họ Thân, Hà, Lê (Ái Châu). Với các họ phía bắc thì thông gia, với các họ phía nam thì đánh dẹp. Sau khi liên minh với các dòng họ ở vùng biên thứ 2 thì sẽ gây ảnh hưởng tới vùng biên thứ 3 cùng chính là họ Vi, họ Hoàng và họ Nùng.

Các dòng họ vùng biên giới Việt Trung ngày nay giữ vai trò tự trị từ thời Đường. Sau khi vùng đồng bằng sông Hồng giành độc lập và kiến tạo 1 chính quyền, các dòng họ ở vùng biến giới cũng muốn thiết lập 1 chính quyền như ở đồng bằng, trong đó những nỗ lực phải kể đến như của cha con Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao.

Tuy nhiên các dòng họ ở miền núi gặp khó hơn các dòng họ ở đồng bằng trong việc kiến quốc là: phía bắc và phía nam đều đã hình thành chính quyền và chính quyền nào cũng muốn các thế lực vùng biên giới phải phụ thuộc và trở thành 1 phần lãnh thổ của chính quyền ấy. Thế nên, hết xung đột với nhà Tống thì lại xung đột với nhà Lý.

Trong các sách sử thường nhắc đến các bộ tộc miền núi quy thuận, tuy nhiên cần hiểu từ quy thuận này 1 cách chính xác. Các tộc người vẫn cống nạp, vẫn xưng thần, không gây sự vùng biên cảnh thế nhưng họ tương đối độc lập, họ giống như 1 thế lực thứ 3 trong cuộc chiến Tống Việt. Và cái quyết định hành động của họ là lợi ích của họ chứ không phải mệnh lệnh của Thiên triều. Sử Việt và sử Tống gọi là giặc Nùng.

Nhưng câu hỏi ai mới là giặc? Đất Quảng Nguyên có phải là của họ Lý hay họ Triệu. Rõ ràng không phải đó là đất của họ Nùng. Vậy ai mới là giặc ? Vậy các sử gia đã sai sao ? Không phải, họ chỉ sai khác với chúng ta thôi, còn ở thời điểm họ chép sử thì giặc là kẻ thua còn vua là người thắng.

* Nếu xét về thân tín phía bắc không họ nào bằng họ Thân, họ Thân vốn là họ Giáp đổi sang. Rồi đời đời họ Thân lấy công chúa triều Lý. Ngay cả khi Tống tấn công Đại Việt, các dòng họ phía bắc hàng Tống triều, nhưng Thân Cảnh Phúc vẫn không chịu theo, quyết chống Tống tới cùng và đã tử trận vào năm 1077.

Sách của Giáo sư Hãn viết:

“Lạng-Châu có động Giáp rất to; chúa động thuộc họ Giáp sau đổi ra họ Thân, đã nhiều đời làm phò mã. Động Giáp ở phía nam ải Chi-Lăng. Sách MKBD chép rõ rằng: “Giáp động là một bộ lạc lớn. Chủ động tên Giáp Thừa-Quí, lấy con Lý Công-Uẩn rồi đổi ra họ Thân. Con Thừa-Quí là Thiệu-Thái lại lấy con gái Đức-Chính (Thái-Tông). Con Thiệu-thái là Cảnh-Long lại lấy con Nhật-Tôn (Thánh-Tông) (…) Con Thiệu-Thái và công chúa Bình-Dương là Thân Cảnh-Nguyên (VSL 1059) hay Đạo-Nguyên (VSL 1066) hay Cảnh-Long ( MKBD 2) hay Cảnh-Phúc (TB 279/11a) cũng được kén lấy công chúa Thiên-Thành năm Bính-Ngọ 1066 đời Lý Thánh-Tông (…) Sách Quế-Hải-chí (theo lời SK, nhưng sách QHNHC không chép) kể chuyện rằng: “Viên tri-châu Quang-Lang là phò-mã, bị thua, bèn trốn vào trong bụi cỏ. Thấy quân Tống đi lẻ-loi thì ra giết chết hoặc bắt về chặt ra mà ăn. Người ta cho là một vị thiên-thần”. Phò-mã nầy chắc chính là Thân Cảnh-Phúc coi châu Lạng”.

Rất khó để Thân Cảnh Phúc nhầm lẫn với Tông Đản. Nói thêm về các gia tộc vùng biên viễn. Sách Toàn thư chép: “Quý Mão [năm 1003] Dân ở thành Nhật Hiệu và đầu mục là bọn Hoàng Khánh Tập đem gia thuộc hơn 450 người trốn sang Khâm Châu nước Tống. Tống sai sứ đến dỗ bảo phải về. Bọn Khánh Tập sợ tội bảo về, bèn ra ở bờ biển”. Có thể nhân vật Hoàng Kim Mãn thủ lĩnh vùng Môn Châu, thuộc gia tộc họ Hoàng của Khánh Tập. Về họ Hà, sách sử phương nam chép nhiều. Trong các thủ lĩnh miền biên viễn, Lưu Kỷ là nhân vật rất đặc biệt.

Còn nữa

Nguồn: nghiencuulichsu.com