209 lượt xem

NGUYỄN CAO

Nguyễn Cao hiệu Trác Phong, người làng Cách Bi, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Quế Võ, Bắc Ninh).Vì ông từng giữ chức Tán lí quân vụ chống Pháp, nên thường gọi là Tán Cao.

Nguyễn Cao (1828- 1887)- một tấm gương yêu nước lẫm liệt
Đền thờ Nguyễn Cao tại thôn Cách Bi (đông), xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. (Nguồn: sưu tầm)

Cha ông là Nguyễn Hạnh, đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm Tri huyện Thủy Đường. Thân mẫu là Nguyễn Thị Điềm, tục gọi là Bà Huyện Quế Dương, thuộc dòng họ võ quan Nguyễn Đức ở Quế Ô. Còn rất nhỏ ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng nhờ có cả họ nội và họ ngoại tận tình giúp đỡ chu cấp, nên Nguyễn Cao vẫn được nuôi dạy hết sức chu đáo. Ông đỗ Giải Nguyên (đầu hàng cử nhân) tại trường thi Hà Nội năm Đinh Mão, tức năm Tự Đức thứ 20 (1867). Năm ấy ông 39 tuổi. Quan tỉnh Bắc Ninh mến tài Nguyễn Cao muốn bổ ông làm giáo thụ phủ Từ Sơn và chờ khi có khuyết chân Tri huyện ở đâu thì cho điều vào lập tức. Nhưng Nguyễn Cao trước sau đều khước từ và chỉ ở làng mở trường dạy học.

Năm 1873, thực dân Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất, ông hăng hái mộ được hơn 1.000 nghĩa dũng, phối hợp với Bố chánh Phạm Thận đánh giặc. Nhưng triều đình thỏa hiệp, ký hiệp ước năm 1874, ông buộc phải giải tán nghĩa quân. Sau nhân có công lao trong việc đánh dẹp các toán phỉ nhà Thanh tràn sang, ông được bổ làm Tri huyện Yên Dũng, rồi Tri phủ Lạng Giang. Nguyễn Cao làm quan rất thanh liêm, hết lòng lo lắng đến đời sống dân chúng, lại có công trong việc khai hoang lập ấp ở Nhã Nam, Phú Bình, nên được thăng chức Án sát Nam Định, rồi Bố chánh Thái Nguyên.

Khi giặc Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai năm 1882, Nguyễn Cao lại tổ chức quân lính và nghĩa dũng đánh giặc. Đội quân của ông cùng với nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy trấn giữ miền Đông Bắc đã đánh nhiều trận ở xung quanh Hà Nội, lập nhiều chiến công. Ngày 18-5-1883, ông bị thương nặng trong một trận đánh ở Gia Lâm. Sau khi vết thương lành, ông được cử giữ chức Tán tương quân vụ Bắc Kỳ. Nhưng rồi Bắc Ninh, Nhã Nam thất thủ, ông phải tạm lánh về dạy học tại làng Kim Giang, huyện Yên Lãng (nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông lại mộ quân phối hợp với Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Tạ Hiện lập “Đại nghĩa đoàn” lãnh đạo chống Pháp ở ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Ít lâu sau, thấy không ngăn nổi giặc, Nguyễn Cao lại trở về Kim Giang ẩn náu. Nhưng kẻ thù biết, bèn sai Đề Nhung tới dụ hàng và cộng tác với chúng. Ông không chịu khuất phục. Chúng bắt ông đưa về Hà Nội giam giữ và tra khảo tàn bạo. Ông đã đanh thép vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và hành động bán nước của bọn tay sai. Trong một lần hỏi cung, kẻ thù buộc tội ông là xấu bụng, làm trái lệnh triều đình. Ông mắng lại chúng rồi tự rạch bụng lôi ruột ra để kẻ thù thấy được bụng dạ của mình. Chúng cho y sĩ băng bó lại, nhưng ông giật tung băng bông ra. Biết không dụ được nữa, chúng đã đem ông xử chém ở pháp trường Vườn Dừa, nay là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội vào chiều ngày 14-4-1887.

Nghe tin Nguyễn Cao tuẫn tiết, Nguyễn Quang Bích lúc ấy đang chống Pháp ở vùng Tây Bắc đã làm bài thơ khóc ông như sau:

Bản dịch:

“Nguy nan xử trí vẫn thung dung,
Chê kẻ tham sinh, giọng nói hùng.
Mắng giặc người xưa tròn phận chết,
Moi lòng ông cũng tỏ gan trung.
Biết bao thanh giá ngoài khoa bảng,
Còn mãi tinh thần khoảng núi sông.
Quân giặc đứng trông đều hoảng sợ,
Mai này nước sẽ biểu dương ông”

Cái chết anh dũng của Nguyễn Cao đã để thương để nhớ cho mọi người. Người ta nói hôm đưa đám Nguyễn Cao, những câu đối và bức trướng đã phủ kín cả một cánh đồng. Không chỉ có những bạn chiến đấu khóc ông mà nhân dân các nơi nghe tin ông tử tiết đều khóc ông. Đặc biệt là nhân dân Kim Giang, người được chứng kiến tuổi thơ ấu cắp sách đi học và những ngày hoạt động cuối cùng của ông đã tỏ ra có cảm tình hết sức nồng nhiệt đối với ông. Mặc dù bị thực dân Pháp phạt 1.000 đồng vì tội chứa chấp và che giấu ông, nhưng nhân dân Kim Giang vẫn tìm mọi cách mong cứu ông thoát nạn, vẫn lo làm ma chu tất cho ông sau khi chết, và hằng năm những ngày tuần tiết, họ vẫn đặt bài vị để khóc và tế lễ ông.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn:
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục- 2005
Tri thức Việt Nam xưa và nay. Nxb Văn hóa- Thông tin. Hà Nội- 2006.
Bách khoa thư mở: vi.wikipedia