272 lượt xem

Đào Cam Mộc

DANH NHÂN ĐÀO CAM MỘC


Nguồn: sưu tầm.

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ có hai đoạn chép về Đào Cam Mộc trong các năm 1009 và 1015. Đoạn năm 1015 vẻn vẹn có một dòng ghi việc ông qua đời và được truy phong là Á vương. Đoạn năm 1009 thì nhiều thông tin hơn và ngòi bút của sử gia Ngô Sĩ Liên ngả sang tính ký sự.

Những sự việc có liên quan đến Đào Cam Mộc diễn ra như một tấn tuồng ba hồi, có thể đặt tên là “Đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Hồi một khá sinh động, có nội dung là họ Đào thăm dò, gợi ý Lý Công Uẩn để rồi nắm được ý tứ của Lý là chấp nhận việc lên ngôi. Sử chép:

Đào biết Lý Công Uẩn muốn lên ngôi vua, nhân lúc vắng người Đào hỏi để thăm dò: “Chúa thượng (Ngọa Triều) tâm trí u tối, bạo ngược, làm nhiều điều bất nghĩa. Trời đã chán, không cho sống lâu, con nối ngôi còn nhỏ, chưa đảm đương được việc nước. Dân chúng muốn tìm chân chúa. Thân vệ sao không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang Vũ, gần xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý nguyện của dân, cứ bo bo giữ tiểu tiết hay sao?”.

Lý Công Uẩn rất thích khi nghe lời này, song còn e Đào Cam Mộc có mưu kế gì nên giả cách mắng rằng: “Sao ông lại nói thế, tôi phải bắt ông nộp quan”. Đào thản nhiên nói: “Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế cho nên tôi mới dám nói. Nay ông muốn cáo giác tôi, thì tôi không phải là người sợ chết”. Lý Công Uẩn vội nói: “Tôi đâu dám cáo giác ông, chỉ sợ lời nói ấy tiết lộ thì chết nên răn ông đó thôi”.

Sang hồi thứ hai, sử gia cho thấy Đào đã động viên Lý Công Uẩn, thúc đẩy quyết tâm giành ngai vàng. Đào khẳng định lòng dân đã hướng về Lý và lòng trời cũng đã ngả về Lý. Điều này vừa củng cố quyết tâm của Lý và hối thúc phải hành động ngay kẻo mất thời cơ có một không hai này. Sử ghi:

Hôm sau, Đào lại nói: “Người trong nước ai cũng bảo họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi, đó là cái họa không thể che giấu được nữa. Chuyển họa thành phúc chỉ trong sớm chiều. Đây là lúc trời trao người theo, Thân vệ còn ngại ngần gì nữa”.

Lý Công Uẩn nói: “Tôi đã hiểu rõ ý của ông, không khác gì ý của Vạn Hạnh, nếu theo như lời ấy thì nên tính kế thế nào?”.

Đào đáp:

“Thân vệ là người khoan thứ nhân từ, lòng người chịu theo, hiện nay trăm họ mỏi mệt, không chịu nổi. Thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được”.

Hồi thứ hai này cho thấy không riêng gì Đào Cam Mộc mà Vạn Hạnh cũng khuyên Lý phải hành động và hẳn Lý đã có kế hoạch nhưng còn thiếu người làm ngòi nổ. Nay người đó chính là ông Chi hậu họ Đào này. Chi hậu là chức quan trong nội đình (sau này Lý Thường Kiệt cũng từng giữ chức Chi hậu), tất phải có thế lực, lực lượng hậu thuẫn hẳn cũng không phải ít, đủ sức khống chế các triều quan. Và thế là chuyển sang điểm đỉnh.

Hồi thứ ba quyết định sự thành công của cuộc đảo chính. Sử ghi:

“Ngay ngày hôm đó, Đào Cam Mộc nói với triều thần rằng hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy tai biến gì, chúng ta có giữ được cái đầu không?

Mọi người vui vẻ nghe lời, dìu Lý Công Uẩn lên điện, tôn lên ngôi Hoàng đế, trăm quan đều quỳ dưới sân, tung hô vạn tuế”.

Theo sử ghi như vậy thì: Cuộc thay ngôi diễn ra nhanh chóng. Vai trò của Đào Cam Mộc như vậy thực là quan trọng. Chắc chắn là ông đã ngầm vận động các triều thần và chắc chắn đã nắm chắc lực lượng vũ trang nên “mọi người (mới) vui vẻ nghe theo” như sử đã ghi. Thực tế trong triều tất thể nào cũng còn hoàng thân quốc thích nhà Lê cùng những kẻ cận thần sủng ái của Ngọa Triều. Vậy mà cuộc đảo chính diễn ra êm thấm, “vui vẻ” không có một phản ứng thì đủ tỏ sức sắp đặt, bài binh bố trận tài tình của Đào Cam Mộc. Tất nhiên phải có cả tác động của sư Vạn Hạnh. Có điều là sử không hề ghi chép gì.

Vai trò họ Đào quan trọng như vậy mà gốc gác quê hương không tỏ. Trước đây các nhà nghiên cứu vẫn coi ông Đào là người Bắc Ninh, đồng hương với vua Lý. Nhưng tra thần tích 16 xã huyện Tiên Du và 10 xã huyện Từ Sơn đều không thấy nơi nào thờ Đào Cam Mộc.

Chỉ khi đọc trên tờ báo Thăng Long - Hà Nội văn hiến số 43, xuất bản tháng sáu năm 2007, bài Thái sư Á vương Đào Cam Mộc của Lê Thành Hiểu, mới biết quê nội của ông là làng Tràng Lang, nay thuộc xã Định Tiến huyện Yên Định, Thanh Hóa và quê ngoại là làng Nam Thạch cùng huyện.

Không biết có tài liệu nào đề cập tới vấn đề này trước đó không? Gần đây tôi có về lại các nơi này để tìm hiểu thì thực tế thu nhận được như sau:

Ngay ở quê nội và ngoại đó nhiều người già không hề biết là làng mình có ông Đào Cam Mộc. Chỉ gần đây, nhiều người tìm về hỏi han họ Đào, thế là người hai làng trên đều công nhận sự thể đó.

Có điều là đền thờ - coi là đền Đào Cam Mộc - thì ở cả hai nơi đã bị phá từ thời nào rồi, vài năm gần đây mới làm lại và không còn thần tích, thần phả, kể cả bài vị Đào Cam Mộc cũng không có. Ở quê Tràng Lang có một số sắc phong nhưng là của các vị thần khác. Ở quê Nam Thạch cũng không còn thần tích, sắc phong, chỉ có hai ngai ở trong đặt bài vị nhưng chẳng có chữ. Tại Tràng Lang có họ Đào nhưng lại từ nơi khác đến cư ngụ mới khoảng bảy tám đời. Còn Nam Thạch không có họ Đào.

Tuy nhiên, ở Nam Thạch có một ông già kể, cụ Đào Cam Mộc quê nội là Tràng Lang nhưng từ nhỏ đã mồ côi cha, nên về ở quê mẹ. Nhà nghèo phải mò cua bắt ốc để sinh sống, được cái là Đào rất khỏe. Một hôm thuyền vua Lê Đại Hành qua làng bị cạn, quân lính không sao kéo thuyền đi được. Đang lặn ngụp dưới sông, Cam Mộc liền ghé vai nâng thuyền lên và thế là thuyền dịch chuyển được. Vua Lê bèn tuyển Cam Mộc vào đội vũ sĩ. Và thế là từ đấy chàng Đào theo vua Lê đi chinh chiến, trở thành tướng giỏi.

Quê hương bản quán vị khai quốc công thần nhà Lý, như vậy còn nhiều vấn đề lớn chưa tường được. Mong các nhà sử học xác minh thêm, cũng như thập phương cung cấp được tư liệu gì… Làm được điều này cũng là góp phần tìm ra diện mạo người có công với đất Thăng Long.