563 lượt xem

Trùng Quang Đế

Đi bi tráng ca v vua nhy xung bin t vn

Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ thất bại, một số tôn thất và quan lại cũ triều Trần đã tìm lập vua mới, dựng cờ chống giặc phương Bắc, sử gọi đó là nhà Hậu Trần. Vị vua cuối của nhà Hậu Trần - Trần Trùng Quang - tuy không thỏa chí lớn cứu nước cứu dân nhưng đã để một tấm gương sáng trong buổi “nước non nghiêng cả một thời đau thương”.


Dân chúng nô nc đón mng quân nhà Hu Trn (Tranh minh ha)

Tháng 10 năm Đinh Hợi (1407) một hoàng thân cũ của nhà Trần là Trần Ngỗi trốn giặc, náu mình về vùng Mô Độ, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình) được một thủ lĩnh địa phương là Trần Triệu Cơ đón về, lập làm vua lấy hiệu là Giản Định, đặt niên hiệu là Hưng Khánh.

Lên ngôi trong cơn binh lửa

Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc đến ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409) thì Giản Định Đế bị ép “tôn lên làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc” (Đại Việt sử ký toàn thư). 

Trần Quý Khoáng (có sách chép là Trần Quý Khoách), là con thứ của Mẫn Vương Trần Ngạc, là cháu nội của Trần Nghệ Tông, gọi Giản Định Đế bằng chú. Tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409) Trần Quý Khoáng lên ngôi vua tại Chi La (nay thuộc Hà Tĩnh) lấy niên hiệu là Trùng Quang, Nguyễn Súy được giữ chức Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã… 

Vào ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Sửu (1409), Trùng Quang đế mặc thường phục xuống thuyền đón rước tôn Giản Định làm Thái thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc. 

Qúy Khoáng lên ngôi anh hùng,
Mời Giản Định đế ra vùng Nghệ An.
Cầu mong đất nước giang san,
Thái bình thịnh trị, dân an nước giàu.
Hai người tính kế dài lâu,
Luyện tập quân sĩ để mau diệt thù…

(Việt Nam bốn ngàn năm – Tác giả: Nguyễn Thị Huệ)

Một mình chống giặc với gian nan

Sau khi thống nhất lực lượng, tháng 7 năm Kỷ Sửu (1409), Giản Định và Trùng Quang ra quân đánh giặc. Thượng hoàng tiến quân tới Hạ Hồng, vua đem quân đến Bình Than, quân Minh đóng ở cửa thành cố thủ không dám ra đánh.

Vừa khi đó tổng binh Trương Phụ, với tước Anh quốc công mang ấn Chinh Di tướng quân sang cứu viện, Thượng hoàng Giản Định rút đến trấn Thiên Quan thì bị quân Minh đuổi theo bắt được, giải về Kim Lăng, rồi bị hại chết.

Còn lại một mình chỉ huy đánh giặc nhưng Trùng Quang Đế không hề nao núng, vẫn tập hợp lực lượng, dựa vào sự đóng góp của nhân dân từ Nghệ An, cho đến Tân Bình, Thuận Hoá tiếp tục kháng chiến trong tình thế khó khăn nhưng cũng giành được nhiều thắng lợi, trong đó phải kể đến trận Bến La ở châu Hạ Hồng (nay thuộc Hải Dương) vào tháng 5 năm Canh Dần (1410) và trận Thái Dà (nay thuộc Triệu Phong, Quảng Trị) tháng 9 năm Quý Tỵ (1413) suýt bắt sống được Trương Phụ. 

Tuy nhiên do giặc Minh liên tục được chi viện, vừa đánh vừa dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc người nên đã có một bộ phận nhát gan phản bội đất nước, tiếp tay cho giặc đàn áp càng mạnh hơn lực lượng của Trùng Quang Đế. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca ra đời vào thời Nguyễn có đoạn viết:

Quân Minh chiếm giữ Bắc Kỳ,
Vua Trần lánh ở Nam thùy một nơi.
Đặng Dung, Cảnh Dị mấy người,
Thế cùng dù có tướng tài cũng thua.

Anh hùng gặp bước sa cơ

Cuối năm Quý Tỵ (1413) quân Minh do tướng Trương Phụ cầm đầu tập trung một lực lượng lớn tấn công Nghệ An, Trùng Quang Đế phải rút về Châu Hóa, sai Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong, đến Nghệ An bị Trương Phụ bắt giữ, giết chết; hai tướng Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung cũng sa vào tay giặc. Trước tình thế bất lợi đó, Trùng Quang Đế chạy sang nước Lão Qua (nước Lào ngày nay) nhưng bị giặc Minh bắt được vào tháng 12 cùng năm.

Hậu Trần quan tướng lao đao,
Giặc càng quyết đuổi gắt gao đến cùng.
Vua cùng quan tướng đồng lòng,
Thà chết hoặc thoát khỏi vòng hiểm nguy.
Quân Phụ chặn hết nối đi,
Biển xanh tự vẫn một khi cùng đường.
Hậu Trần là một tấm gương,
Chiếu cho dân Việt muôn phương không mờ.

(Việt Nam bốn ngàn năm – Tác giả: Nguyễn Thị Huệ)

Sự nghiệp của Trần Trùng Quang diễn ra trong giai đoạn đất nước có những biến động mạnh, đánh giặc trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng vẫn không hề nản chí. Trong suốt 5 năm ở ngôi (1409-1413) ông nỗ lực chiêu binh mãi mã, sử dụng người tài, kêu gọi quân dân các nơi ứng nghĩa chống giặc Minh, nhưng “vì trời không phò nhà Trần, có chí mà không làm được, nuốt giận mà chết, đáng thương” (Việt sử tiêu án).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết về Trần Trùng Quang: “Vua gặp thời loạn lạc, gắng chí mưu việc khôi phục, nhưng vì trời không giúp nhà Trần nữa, nuốt hận mà chết, thương thay”.


Đền thờ Trần Trùng Quang tại xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An). Nguồn: Sưu tập

Cái chết của Trần Trùng Quang được sử sách ghi lại rõ ràng, trong sách Việt sử tiêu án ghi: “Trương Phụ bắt được Trùng Quang, đưa về Yên Kinh, đến giữa đường vua nhảy xuống nước chết”. 

Trong bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn cũng viết tương tự: “Tháng 4, mùa hạ. Trương Phụ đưa Đế Quý Khoáng sang Yên Kinh, chưa đến nơi thì Quý Khoáng mất, bình chương Đặng Dung, thái phó Nguyễn Súy đều chết theo.

Trương Phụ đã bắt được Đế Quý Khoáng và Dung, Súy, bèn dẫn quân về thành Đông Quan, sai người đưa vua tôi Quý Khoáng sang Yên Kinh. Khi đi đến giữa đường, Đế Quý Khoáng nhảy xuống sông chết; Dung nhảy theo”.

Bộ sử đầu tiên đề cập và có lời khen về cái chết của Trần Trùng Quang là Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Mùa hạ, tháng 4, tổng binh Trương Phụ, Mộc Thạnh, Binh bộ thị lang Trần Hiệp của nhà Minh đem trùng Quang Đế, Nguyễn Súy và Đặng Dung về Đông Quan.

Quan lại các phủ, châu, huyện sắm lễ vật cùng trướng vẽ cờ thêu đến mừng. Sai người giải về Yên Kinh. Trùng Quang Đế đi đến nửa đường nhảy xuống nước chết… 

Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao?.

Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh! Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với nước, thực đúng là "quốc quân chết vì xã tắc", mà các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả”.

Ngưỡng mộ, tri ân anh hùng

Có thể nói Trần Trùng Quang là một anh hùng, anh hùng trong thời loạn, dù nghiệp lớn không thành nhưng ông vẫn được đời sau ca ngợi, tôn kính bởi “luận anh hùng đâu bởi thành bại”.

Một điều cũng nên cần biết, đó là về cái chết oai hùng của Trần Trùng Quang, sử sách không đề cập đến cụ thể đến nơi ông tuẫn tiết khiến không ít người băn khoăn rằng vua đã tự vẫn khi vẫn ở trên đất Việt hay mất nơi đất khách.

Mặc dù chính sử không ghi chép nhưng theo dã sử thì vua Trần Trùng Quang đã tự vẫn tại vùng biển thuộc Hà Tĩnh ngày nay. Theo đó, khi bị bắt đưa về phương Bắc, không để giặc làm nhục, lúc thuyền đi đến gần cửa Hội Thống (tức Cửa Hội, nay thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lợi dụng lúc quân giặc sơ hở, Trần Trùng Quang đã nhảy xuống biển tuẫn tiết.

Thi hài vua được nước thủy triều và sóng biển đưa vào bờ tả ngạn sông Lam, người dân nơi đây liền đưa về an táng tại làng Biện Thịnh (nay là làng Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An). 

Hiện nay mộ và nơi thờ vua Trần Trùng Quang vẫn được giữ gìn dù trải qua bao thăng trầm, biến động, sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh. Ngôi mộ vua không to lớn mà nhỏ, đơn giản được xây trên một vùng cát chạy dài, ngoảnh mặt về hướng Nam, đầu chếch về hướng Đông Bắc, hai bên có những lạch nước nhỏ chạy bao quanh. 

Theo ngày kỵ được tổ chức hàng năm ở đây, vua Trần Trùng Quang mất vào ngày 9 tháng 5 năm Giáp Ngọ (1414). Gia phả được lưu giữ tại nhà thờ họ Trần cũng ghi: “Tổ họ Trần là Trần Quý Khoáng được tôn Trùng Quang đế, trên đường đi đánh giặc Minh, hy sinh ngày 9 tháng 5 năm Giáp Ngọ, mộ táng tại thôn Biện Thịnh, xã Ngô Xá, huyện Chân Lộc, Nghệ An.

Sau khi mất rất linh thiêng, nhân dân lập đền thờ, được vua Cảnh Hưng sắc phong Quyết thắng Võ liệt Đại Vương”. Tuy nhiên theo ngày kỵ ở đền Tức Mặc (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) thì ngày mất của vua Trùng Quang là ngày 14 tháng 4 âm lịch. 

Ghi nhận công lao của người anh hùng không gặp thời, phải nuốt hận nơi cửu tuyền, để lại sự nghiệp đang còn thực hiện dang dở, các triều đại sau này từ Hậu Lê đến Nguyễn đều ban sắc phong thần, lệnh cho dân địa phương bốn mùa cúng tế, hương khói không dứt. Bản sắc phong năm Đinh Tỵ (1857) đời vua Tự Đức triều Nguyễn viết:

“Sắc rằng:

Trần long thao hổ lược đại tướng quân họ Trần đã từng phò nước giúp dân, từ lâu hiện rõ linh ứng.

Nay kính vâng mệnh sáng của trời, tưởng niệm công tích tốt đẹp của thần, gia tặng bốn chữ: “Tuấn lương chi thần”.

Chuẩn cho ba xã Ngô Trường, Ngô Xá, Chân An, huyện Chân Phúc hương khói, phụng thờ như cũ.

Thần khá bảo hộ lê dân của trẫm.

Nay sắc,  ngày 6 tháng 12 năm Tự Đức thứ 10”.

Nguồn: Baophapluat.vn