280 lượt xem

Nguyễn Nễ

Bậc Kỳ Tài, Vua Quang Trung Nể Vì Học Thức Thường Gióng Ngựa Quý Tới Thăm
 
Từ cuối năm 1790, đến 1794. Nguyễn Du về sống tại Thăng Long, thời gian này anh Nguyễn Nể đang làm quan Tây Sơn tại Thăng Long. Đó là người anh thân thương nhất của Nguyễn Du, cùng cha cùng mẹ, cha mất lúc Nguyễn Du 10 tuổi, mẹ mất lúc 12 tuổi, anh em được ông anh cả Nguyễn Khản nuôi dưỡng. Ông anh cả Nguyễn Khản trong vụ án Trịnh Tông năm 1780, bị giam, nhà chúa nể tình tha cho không bị giết. Khi chúa Trịnh Sâm mất năm 13 tháng chín năm Nhâm Dần 1782 thọ 44 tuổi, Trịnh Cán còn thơ ấu được phe Quận Huy, Đặng thị Huệ bế lên làm chúa, quân lính không phục nổi loạn giết quận Huy, phò Trịnh Tông từ nhà giam lên nối ngôi, Nguyễn Khản thầy dạy Trịnh Tông trở thành Thượng Thư Bộ Lại kiêm trấn thủ Hưng Hóa và Thái Nguyên, năm đó Nguyễn Du thi đỗ Tam Trường, được Nguyễn Khản phong chức Chánh Thủ Hiệu quân Hùng hậu hiệu, nắm giữ đội quân hùng hậu nhất Thái Nguyên, cùng thuộc hạ là Nguyễn Đăng Tiến , tước Quản Vũ Hầu làm quyền Trấn thủ Thái Nguyên, Nguyễn Quýnh làm Trấn Tả Đội.
 
Tại Thăng Long Nguyễn Khản cùng em Thái Phi là Dương Khuông trở thành rường cột của triều đình toan thiết lập uy quyền. Nhân có 4 kiêu binh giả danh nghĩa hiếp đáp một người lái buôn mượn thuyền, bị đội trưởng phát giác, triều đình đem chém cả bốn. Tiếp đến kiêu binh rước hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ, bị giam con Thái Tử Lê Duy Vỹ bị chúa Trịnh bức tử, đưa Duy Kỳ lên làm Hoàng Thái Tử. Kiêu binh càng lộng quyền vì cho rằng chúa và vua đều do chúng dựng nên, họ kéo đến cung cua đòi ban thưởng, vua sai đánh cá hồ sen lên làm gỏi thết đãi cả bọn. Trong lúc kiêu binh đang chè chén. Nguyễn Khản và nhà chúa bàn và sai Triêm vũ hầu đem quân đến bắt được 7 tên, triều đình nghị sự đem ra chém. Vụ này làm bùng lên sự nổi giận của đám kiêu binh. Nguyễn Khản bị kiêu binh kéo đến đốt phá tiêu tan cả dinh thự, nhờ có người kiếm khách gốc người Trung Quốc chống cự, Nguyễn Khản trốn được lên Sơn Tây với Nguyễn Điều, đang làm Trấn Thủ Sơn Tây. Dương Khuông và Nguyễn Triêm trốn vào phủ chúa. Chúa Trịnh và Thái Phi phải ra khóc lóc kêu nài, và xin đem tiền chuộc mạng cho em Thái Phi là Dương Khuông, mới được tha. Triêm Vũ hầu Nguyễn Triêm bị kiêu binh giết chết. Nguyễn Khản và Dương Khuông đều bị bãi chức. Nguyễn Khản toan đem quân các trấn về, nhưng kiêu binh giam giữ chúa Trịnh nên không làm gì được, Nguyễn Khản bỏ về Hà Tĩnh. Quyền bính về tay đám kiêu binh, uy quyền vua Lê, chúa Trịnh chẳng còn gì cả. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh thuộc hạ của Hoàng Đình Bảo phe quận Huy và Đặng Thị Huệ phò vương tử Cán, Quận Huy bị kiêu binh giết, Chỉnh sang đầu hàng Tây Sơn, làm tiên phong dẫn quân Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Bắc, quân chúa Trịnh đánh đâu thua đó. Năm 1786, Nguyễn Khản từ Nghệ An về kinh làm cố vấn cho nhà chúa, bàn mưu chống cự Tây Sơn, bị bọn kiêu binh họp nhau ồn ào ầm ỹ, cho rằng Nguyễn Khản đưa giặc đến. Khản phải cướp đường chạy đi Sơn Tây. Trịnh Tông tế voi ra chiến đấu, thua trận chạy trốn và bị bắt phải tự vẫn. Nhà Trịnh sụp đổ, hai ông anh lớn Nguyễn Khản, Nguyễn Điều gia phả chép bị bệnh mà mất trong hoàn cảnh này và được an táng tại làng Tiên Điền.
 
Nguyễn Nể ra làm quan Tây Sơn, chống đỡ sự sụp đổ của gia đình. Có lẽ chúng ta chưa nghiên cứu kỹ về Nguyễn Nể và những đóng góp Nguyễn Nể với triều đại Tây Sơn. Lời Đoàn Nguyễn Tuấn khi sứ thần nhà Thanh hỏi : Ai là đỉnh cao thi ca nước Nam ? Đoàn Nguyễn Tuấn trả lời :  Là Quế Hiên Nguyễn Nể . Dưới ngòi bút Phan Huy Ích :  Nguyễn Nể là bậc kỳ tài, Vua Quang Trung nể vì học thức, thường gióng ngựa quý đến thăm .
 
Vua Quang Trung là người biết trọng nhân tài, trong lịch sử Việt Nam ít ai sánh bằng. Không ai cười vua Quang Trung văn viết nôm na, ít học khi viết phê việc Văn Miếu bị phá, nhưng kính trọng vua Quang Trung là người biết dùng nhân tài. Vua Quang Trung dùng Trần Văn Kỷ, Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở.. chúng ta đã biết, nhưng với Nguyễn Nể, vua không sai người triệu đến hỏi ý kiến mà thường gióng ngựa quý tới thăm, chứng tỏ Vua Quang Trung còn trân trọng với Nguyễn Nể, người anh của Nguyễn Du đến bậc nào.   
  
Anh Nguyễn Nể,(1761-1805) con quan Tư Đồ (Tể Tướng) Nguyễn Nghiễm và bà Trần thị Tần, ông ngoại là Trần Ôn, hiệu Quyển Lự, làm chức Câu Kê (Kế toán) cho Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, gia phả họ Trần sao chép năm Thành Thái thứ sáu (1906) làng Hoa Thiều, Từ Sơn, Bắc Ninh có hai người đỗ đạt là Tiến Sĩ Trần Ngạn Húc và Tiến Sĩ Trần Phi Nhãn.
 
Theo gia phả Nguyễn Nhiệm vị tổ đầu tiên gốc làng Canh Hoạch, Thanh Oai Hà Tây, sau khi ý đồ phục hưng nhà Mạc không thành vàio Tiên Điền tạo dựng cơ nghiệp vào giữa thế kỷ XVI. Nguyễn Nhiệm gắn bó với dân làng bằng nghề bốc thuốc. Trong trước tác họ Nguyễn Tiên Điền có hai tác phẩm về y học là Nam Dương tập yếu kinh nguyên và Từ Âu chân truyền của Nguyễn Quỳnh. Nguyễn Quỳnh sinh ba người con trai là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, và Nguyễn Trọng.
 
Quan Tư Đồ Nguyễn Nghiễm (1708-1775) tự Hy Tư, tiểu húy là Thiều, hiệu Nghị Hiên, Hồng Ngư cư sĩ, Anh ông là Nguyễn Huệ (1705-1733) tự Tư Hoà, hiệu Giới Hiên đỗ Tiến sĩ năm 1733 và mất sau ngày vinh quy năm 29 tuổi. Em ông là Nguyễn Trọng ( 1710-1789) tự Thúc Văn hiệu Nhã Hiên, 1732 đỗ Tứ Trường Thi Hương, làm Tri huyện Trường Khánh Lạng Sơn, 1743 thi Hội đỗ Tam Trường thăng Thừa Chánh Sứ Lạng Sơn. 1771 đổi sang võ chức Tham Đốc.
 
Nguyễn Nghiễm, đỗ Tiến Sĩ từng làm Tế Tửu Quốc Tử Giám sau làm quan đến chức Tư Đồ (Tể Tướng) tước Xuân Quận Công, ông có 8 người vợ và 21 người con trong đó có 12 người con trai.
 
Người cả là Nguyễn Khản (1734-1786) con bà Đặng Thị Dương quê Hà Tĩnh. Đỗ Tiến Sĩ năm 1760, làm quan to Tả Thị Lang, kiêm Hiệp Trấn Sơn Tây rồi Thượng Thư Bộ Lại. Ông là người phong lưu rất mực thích thơ nôm và đã diễn ca Chinh Phụ Ngâm (văn bản mới tìm được lại là bản F trong sách Chinh Phụ Ngâm bị Khảo của GS Hoàng Xuân Hãn). Ông là thầy của Thế Tử Trịnh Tông, và là bạn câu cá, ngâm thơ, hát xướng được ngồi ngang hàng với chúa Trịnh Sâm. Ngoài ra ông còn có tài kiến trúc, mọi việc xây dựng từ hòn non bộ đến cung vua phủ chúa đều do ông. Chính thất ông là Đặng Thị Vệ (1736 ?) người nuôi dưỡng anh em Nguyễn Du. Con ông Nguyễn Công tham gia Sùng Chính Viện của Nguyễn Thiếp đời Tây Sơn, hai con gái là Nguyễn Thị Bành, Nguyễn thị Đài lần lượt kết hôn với Nguyễn Huy Tự (1743-1790). Huy Tự đậu Tứ Trường thi Hương, làm quan Trấn Thủ Hưng Hóa, tác giả truyện nôm Hoa Tiên. Nguyễn Huy Tự có con là Nguyễn Huy Phó (1765-1838) đỗ giải nguyên, con thứ Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) tác giả Mai Đình Mộng Ký.
 
Nguyễn Điều hay Điền hay Cương ( 1736 – 1786), con bà Đặng Thị Thuyết em bà cả người Hà Tĩnh, đỗ Tứ Trường kỳ thi Hương năm Kỷ Mão 1759, làm Hiệp Trấn Sơn Tây, Hoàng Lê NTC đánh giá là người nhiều mưu kế. Con ông và bà phu nhân họ Bùi, con gái Đoan quận Công Bùi Thế Đạt là Nguyễn Thiện (1763-1818), tự Khả Dục, hiệu Thích Hiên, đỗ Tứ Trường năm Quý Mão 1783, có tham gia Sùng Chính Viện thời Tây Sơn, đời Gia Long ông ẩn cư ở quê nhà và nhận sắc truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự. Con thứ Nguyễn Điều là Nguyễn Hành (1771-1824) hay Đạm tự Tử Kính, hiệu Nam Thúc, Ngọ Nam, Nhật Nam, là một trong năm người An Nam ngũ tuyệt. Mất cha năm 15 tuổi, không thấy Nguyễn Hành ra thi cử thời Gia Long, ông sống thanh bần khi ở Thăng Long, khi ở quê nhà Hồng Lĩnh, ông có tham gia soạn Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh với Ngô Thời Nhậm. Hưởng dương 53 tuổi ông để lại hai tập thơ Quan Đông Hải và Minh Quyên thi tập.
 
Nguyễn Nhưng con bà Hồ Thị Ngạn ở Hà Tĩnh, đậu Tứ Trường năm Quý Mão 1783 ông ở Hà Tĩnh và sống về nghề thuốc. Có con là Nguyễn Y, tự là Giác Phủ người soạn tục biên gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, những lầm lẫn trong gia phả Nguyễn Tiên Điền về Nguyễn Du có lẽ xuất phát từ đây vì Nguyễn Y chỉ ở Tiên Điền nên không biết rõ những sự kiện xãy ra ở Thăng Long, Thái Nguyên cũng như ở Quỳnh Hải cũng như ở Hoa Thiều, Chu Kiều, Bắc Ninh.
 
Nguyễn Quýnh (1761-1791) hiệu Sĩ Hữu ,con bà Nguyễn Thị Xuyên, đậu Tam Trường làm quan Trấn Tả Đội, khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông cùng Quản Vũ Hầu Nguyễn Đăng Tiến, bị chỉ huy Giáo bắt giải về cho Vũ Văn Nhậm. Nhậm tha chết, cùng Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Du đi Vân Nam, đến Liễu Châu lại trở về chống Tây Sơn tại Tiên Điền, bị Trấn Thủ Tây Sơn là Lê Văn Dụ bắt giết, làng Tiên Điền bị làm cỏ.
 
Nguyễn Trứ hay Trừ (1760-1809) con bà Nguyễn thị Xuân quê làng Chu Kiều xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh  đậu Tứ Trường khoa Kỷ Hợi, năm 1779, từng làm tri huyện Siêu Loại, tri phủ Kinh Môn, Nam Sách, (Hưng Hóa), Theo Lê Quý kỷ sự tr 57 chép : Khi Lê Chiêu Thống lên ngôi, Nguyễn Trứ được mật dụ nhà vua sai tuyển phiên mục Hưng Hóa là bọn Đinh Công Hồ và Đinh Công Trinh dấy quân vào bảo vệ hoàng thành để gìn giữ cho nhà vua. Hồ vâng chiếu chỉ điều bát hết quân các bộ lạc và quân miền sơn cước Sơn Tây, được đến hơn một vạn người. Trấn Sơn Tây bị rung động. Chưởng phủ sự Hoàng Phùng Cơ xin với nhà chúa Trịnh Bồng kéo quân về Sơn Tây để trấn áp bọn Hồ. Thời loạn lạc ông về quê mẹ làm nghề thuốc. Có con gái là Nguyễn Thị Uyên nổi tiếng là thầy thuốc giỏi, được tuyển vào cung vua Gia Long làm ngự y chữa bệnh cho các cung nữ sau bà trở về quê mẹ huyện Yên Phong Bắc Ninh và mất năm 49 tuổi. Con trai là Nguyễn Trù làm tri phủ Vĩnh Tường.
 
Nguyễn Nghi, hiệu là Chu Kiều, con bà Nguyễn Thị Xuân, làm nghề thầy thuốc, có con là Nguyễn Toản ( hay Tản), nhà xã Cẩm Chương, Bắc Ninh, đậu Cử Nhân Khoa Mậu Tý (1828), đỗ Đồng Tiến Sĩ khoa Nhâm Thìn (1832) đời Minh Mạng làm quan đến chức Viên ngoại Lang, Nguyễn Toản học với quan Tế Tửu Phạm Đình Hổ, đỗ Tiến sĩ được Phạm Đình Hổ tặng hai câu : Thanh thủy luân khôi, Khoa đồ phát nhẫn (nước xanh đỗ trạng, khoa đồ vẻ vang)
 
Nguyễn Nghi diễn ca truyện thơ Quân Trung Đối, 1 116 câu (GS Võ Thu Tịnh giới thiệu in lại bản trên tạp chí Luận Đàm Sài Gòn năm 1961-1962 số 4-9, do GS Nghiêm Toản chú thích, nxb Đông Nam Á Paris ấn hành 1997, sách này lầm lẫn cho là tác phẩm Quân Trung Đối của Nguyễn Ức, nhưng Nguyễn Ức không phải là thân sinh của Nguyễn Toản và cũng không làm nghề thầy thuốc). Từ sau cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh, Tiên Điền bị làm cỏ, chi ở Chu Kiều hưng thịnh ngày nay còn giữ lại nhiều kỷ vật của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm.
 
Ngoài ra có Nguyễn Cảnh không rõ con các bà Phan Thị Diên, hay bà Hoàng Thị Thược là một thầy thuốc giỏi, gia phả cũng ghi : Ông học rộng, hay thơ nhưng không ra làm quan, chịu khó sưu tầm các sách y học.. Ông chế biến rất tài tình, nên người ta gọi thuốc ông là thuốc thánh. Nguyễn Hành gọi là lương tướng.
 
Bà  Trần Thị Tần(1735-1778) là vợ thứ ba có 4 người con trai và một người con gái :
 
-          Nguyễn Trụ tức Dao (1758-1776) thi Hương đậu Tứ Trường năm Tân Mão 1771, 15 tuổi, được bổ làm Hồng Lô tự thừa. Có tài thơ văn được Chúa Trịnh khen là Hổ phụ sinh hổ tử, tiếc thay mất lúc 18 tuổi.
-          Nguyễn Nể tức Đề (1761-1805) (Nể là kính nể viết dấu hỏi) đậu Tứ Trường năm Kỷ Hợi 1779.
-          Nguyễn Thị Diên, có chồng là Tiến Sĩ Vũ Trinh (1769-1828) đỗ Hương tiến năm 1786. Không rõ Nguyễn Thị Diên là chị hay em Nguyễn Du, gia phả chép là chị, nếu là chị sanh khoảng năm 1764 thì lớn tuổi hơn chồng nhiều quá ? có lẽ là em thì đúng hơn vì như thế sanh khoảng năm 1769, 1770.
-          Nguyễn Du (1766-1820) sinh ngày 23-11 năm Ất Dậu, âm lịch tính ra dương lịch là ngày 3-1-1766, đậu Tam Trường năm Quý Mão 1783.
-          Nguyễn Ức (1767-1823) tập ấm Hoàng Tín Đại Phu, Trung thành môn vệ úy. Năm 1811 Vua Gia Long vời ra bổ làm Thiêm sự Bộ Công đời Gia Long tước hầu, kiến trúc sư chỉ huy vẽ kiểu, sáng chế, tính toán các công trình xây dựng Kinh thành Huế thời Gia Long , Minh Mạng có con là Nguyễn Thắng.. 
 
Nguyễn Nể tự là Tiến Phủ, hiệu Quế Hiên , thi đậu đầu khảo khóa Quốc Tử Giám, đậu đầu thi hạch. Năm 1779 thi Hương đậu Tứ Trường, Nguyễn Nể được bổ vào Thị Nội Văn thường trực tại nhà học con chúa Trịnh (Trịnh Tông), sau kiêm Trị thị nội thư tả ở Phủ Chúa, cai quản đội quân Nhất Phẩm. Năm 1783 Nguyễn Điều thay anh Nguyễn Khản, Thượng Thư Bộ Lại làm Hiệp Trấn Sơn Tây, Nguyễn Nể phụ tá làm Hiệp tán quân cơ đạo quân Sơn Tây.
 
Khi Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh tôn phò nhà Lê năm 1786, được Vua Lê gả công chúa Ngọc Hân, vua Lê Hiển Tông băng hà, cháu nội Lê Duy Kỳ nối ngôi hiệu Chiêu Thống, nhân dịp quân Nam tôn phò, vua Chiêu Thống hăng hái tự gánh lấy việc nhất thống. Ngoài việc sai các hoàng thân, ai về quê quê ngoại nấy chiêu tập binh mã, vua còn tìm các nho sĩ mời vào giúp việc cho mình. Hoàng Lê NTC tr 149 chép : « về mặt quan văn đã thu dùng được Ngô Vi Quý, Vũ Trinh(1769-1828), Nguyễn Nể. vua Lê ngày đêm cùng họ trù tính mọi công việc, ngay cả những mưu kế phải dùng đến trong lúc bối rối bất ngờ, cũng được lo toan chu đáo ». Sau đó không còn thấy dấu vết Nguyễn Nể HLNTC chép mâu thuẩn giữa Ngô Vi Quý âm mưu giết Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Trinh can gián âm mưu này với vua Lê. Vũ Trinh tiếp tục là một vị quan đắc lực cho triều vua Chiêu Thống. Khi Tôn Sĩ Nghị sang nước ta Vũ Trinh là Chánh Sứ phụ trách mọi công việc bang giao với Tôn Sĩ Nghị. Suốt triều Tây Sơn, (1789-1801) Vũ Trinh lánh thân ở Hồ Sơn vùng Hà Nam ngày nay, dạy học và soạn sách. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Vũ Trinh được mời ra tham chính, nhận chức Thị Trung Học sĩ được thăng Hữu Tham Tri Bộ Hình năm 1807 làm Chánh Sứ cùng Ngô Nhân Tĩnh đi sứ nhà Thanh. Năm 1816 ông có ý bênh vực cho học trò ông là Nguyễn Văn Thuyên, con Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành nên bị đày đi Quảng Nam 12 năm, đến năm 1828 mới được ân xá, trở về quê vài ngày thì bị bệnh mất hưởng dương 59 tuổi.
 
Thời gian 1788, Tôn Sĩ Nghị sang chiếm nước ta, vua Lê Chiêu Thống thanh trừng những người cộng tác với nhà Tây Sơn. Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích nhận chức tước của vua Quang Trung, bị đục tên khỏi bia Văn Miếu, truất về làm dân về làng gánh vác sai dịch. Phạm Như Toại bắt em vua nộp cho Tây Sơn, Nguyễn Bành dẫn quân đuổi theo vua, bị chém ngang lưng. Nguyễn Quý Nha, Trần Bá Lãm, Võ Huy Tấn viết thư mạo xưng giám quốc Sùng Nhượng Công để mong xin hoãn binh, đều bị hạ ngục. Nguyễn Nể làm gì trong thời gian này, ông không có trong danh sách những người bị tội, có lẽ ông về quê mẹ, làng Hoa Thiều, Bắc Ninh. Năm 1789 vua Quang Trung ra Bắc đánh bại Tôn Sĩ Nghi quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Nể được vời ra bổ làm Hàn Lâm Thị Thư và làm Phó Sứ sang Trung Quốc cầu phong nhà Thanh cho Vua Quang Trung, Vũ Huy Tấn làm Chánh Sứ, sứ đoàn còn có Ngô Vi Quý , Nguyễn Đình Cử, Nguyễn Quang Hiến.. Trong cuộc đi sứ, vua Càn Long mời dự yến ở Các Tứ Quang ông làm thơ chúc mừng, vua Càn Long thưởng cho một tấm đoạn, hai thỏi mực và 3 tập hoa tiên lụa. Trở về được thăng Đông Các Học Sĩ, Thái tử Tả Thị Lang, Nghi Thành Hầu, được giao việc cai trị tại Bắc Hà. Do đó từ năm 1789 cho Nguyễn Nể và Vũ Huy Tấn là người có trách nhiệm về ngoại giao với nhà Thanh.
 
Vua Quang Trung mất ngày 29 tháng 7 năm 1792, để lại sự nghiệp dỡ dang, vua Cảnh Thịnh lên ngôi mới mười tuổi, mọi việc trong tay người cậu là Bùi Đắc Tuyên, không đủ bản lĩnh dùng người, các tướng lĩnh chia phe đánh nhau. Quân sư Trần Văn Kỷ bị đày, Ngô Thời Nhiệm từ năm 1798 lui về Bích Câu trở thành Hải Lượng Đại Hoà Thượng viết Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên Thanh, Phan Huy Ích lui về dạy học tại hồ Kim Âu . Năm 1794, Nguyễn Nể vào Phú Xuân làm việc Viện Cơ Mật, ông giao phó tiền bạc cho hai em là Nguyễn Du và Nguyễn Ức về xây dựng lại từ đường, đền thờ, cầu Tiên, chùa Trường Ninh làng Tiên Điền bị Hiệp Trấn Tây Sơn Lê Văn Dụ đốt phá nhân vụ Nguyễn Quýnh khởi nghĩa. Nguyễn Nể sau đó được phong Tả phụng Nghi Bộ Binh, hàm Tam phẩm, được cử làm Hiệp Tán Nhung vụ Quy Nhơn. Năm 1795 được cử làm Chánh Sứ sang dự lễ vua Càn Long nhường ngôi cho con là vua Gia Khánh. Nguyễn Nể dâng hai bài thơ ứng chế được vua Càn Long đích thân mời uống rượu và dự yến Các Tử Quang. Nguyễn Nể được vua Càn Long khen thơ và ban thưởng : gấm đoạn, trà sen, gậy tuổi già, ngọc như ý, tứ bửu.. Cháu 24 đời Chu Văn Công tri phủ Tứ Thành tặng bốn chữ Thiên Môn Tái Đăng (hai lần lên cổng trời) Trung Hiếu Đại Phu Hoàng Phu Thái tặng bốn chữ Hồng Sơn Thế Phổ (dòng dõi nổi tiếng núi Hồng), mùa thu 1796 sứ đoàn về nước, hai lần đi sứ của Nguyễn Nể đều được vẻ vang, vua và triều đình nhà Thanh kính trọng,trở về được vua Cảnh Thịnh ban thưởng 40 mẫu ruộng và thăng chức Tả Đồng Nghị Trung thư sảnh.
 
Khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân năm 1802, lên ngôi lấy hiệu Gia Long, Nguyễn Nể trốn tránh được gọi ra. Nguyễn Nể dâng sớ được Vua Gia Long ban thưởng và cho theo ra Bắc làm việc dưới quyền Tổng Trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành, (sự việc này các sách thường lầm lẫn với Nguyễn Du, vì lúc đó Nguyễn Nể đã có danh tiếng, nên Vua Gia Long đang cần đến ngoại giao với nhà Thanh mới mời ra, còn Nguyễn Du lúc đó vô danh, Nguyễn Nể không bị Đặng Trần Thường đem ra đánh tại Văn Miếu như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan.. )
 
Nguyễn Nể lo việc chỉ dẫn cho sứ đoàn Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức đi sứ cầu phong năm 1802. nhưng không thấy ông nhận một chức vụ gì. Năm Quí Hợi 1803-1804 sứ đoàn Tề Bồ Sâm nhà Thanh đến phong vương cho vua Gia Long, được Gia Long tiếp . Nguyễn Du là người tiếp sứ cùng với Tri phủ Thượng Hồng Trần Quý Chuyên, tri phủ Thiên Trường là Ngô Nguyễn Viên cùng tri phủ Tiên Hưng là Trần Lưu đi nghênh tiếp từ Lạng Sơn. Thơ văn tống tiễn sứ đều do Nguyễn Du thảo ra. Có lẽ Nguyễn Nể cũng đóng một vai trò cố vấn trong việc phong vương lần đầu tiên này, nhưng vì vua Gia Long vì muốn tránh tiếng hay nghi kỵ, không muốn dùng người Tây Sơn đã dùng, nên dùng Nguyễn Du thay cho Nguyễn Nể, và Ngô Thời Vị thay cho anh là Ngô Thời Nhiệm. Phan Huy Thực, Phan Huy Chú thay cha Phan Huy Ích. Phan Huy Thực, Chánh sứ năm 1817 Phan Huy Chú đi sứ làm Chánh sứ năm 1825, 1830. Năm 1820, Khi Nguyễn Du mất Ngô Thời Vị được thay làm Chánh Sứ. Năm 1805 nhân có người thiếp mất, Nguyễn Nể về quê bị tri phủ Trần Văn Chiêu truy bức, ông uất ức mà mất lúc 44 tuổi.
 
Các bạn đồng thời, những ngòi bút lớn như Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ninh Tốn.. ca tụng, và quý mến Nguyễn Nể một bậc kỳ tài, tài đức toàn diện. Ta thử đọc các bài thơ người đồng thời viết về Nguyễn Nể : Phan Huy Ích, trong Dụ Am Ngâm Lục tập II nxb KHXH Hà Nội tr 96 -101, Không biết trong sử sách có người nào được ca tụng hơn thế này không ? Nguyễn Nể được vua Quang Trung nể vì học thức thường gióng ngựa quý tới thăm, được vua trọng vọng nơi cung điện. Là bậc kỳ tài của châu Hoan, đạo đức làm rạng rỡ quê tổ tiên. Là người tiến thủ, tài ba, khí phách, (có lẽ Phan Huy Ích muốn nói, thời Lê Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị trở về, trả thù ông không bị tội, thời Gia Long lên không trị tội mà còn dùng ông) từ trẻ đã tỏ ra xuất sắc cơ trí ở đời từng trải sớm. Đức độ kiến thức ngày càng rộng lớn. Khí tiết như thông chịu đựng sương buốt. Phẩm chất như ngọc bao phen mài dũa. Bản lĩnh có từ lòng trung tín. Hành động cử chỉ đều lỗi lạc. Hiểu nghĩa lý đến tận kẻ tóc chân tơ. Thoáng câu chuyện tỏ ra người sắc bén. Làm bạn khắp thế gian, gắn bó như ruột thịt. Nhìn rõ mọi việc thiên hạ. Nắm vững để vận dụng. Tạo hóa ban phẩm chất kỳ lạ. Giao cho trách nhiệm thật xứng đáng… Ba năm cây đàn, thanh kiếm đi khắp đó đây. Khi chén rượu câu thơ vẫn thường vui vẻ. Đấng trượng phu trên đường công danh. Giữ chí sao mà đoan trang đúng mực . Phía Nam biển rộng mênh mang. Đất mới khai thác của triều thịnh. Quy Nhơn là ấp thang mộc quê hương vua Quang Trung. Cũng là nơi then chốt cần bậc anh tài. Dân vừa được vỗ về yên ổn. Uy danh quân đội đang lừng lẫy. Khi triều đình cần người đến trấn giữ bờ cõi, thì khẳng khái đến nơi hổ trướng cầm quân. Lòng hùng khiến mây khói khí độc tan hết, tiếng thanh cao tỏ rõ ở cây đàn, con hạc. Cửa bể Thị Nại sóng cuồn cuộn, đỉnh núi Cù Mông mây man mác, chí bốn phương nay thoả nguyền. mài núi khắc câu thơ đẹp. Khúc khài ca công lớn tâu lên. Miếng đỉnh chung ơn trên thấm xuống. Nâng chén rượu tiễn lá cờ người lên đường, kẻ ở lại lòng tự thấy thẹn. Còn có sự ca tụng nào hơn nhất là dưới một ngòi bút lừng danh như Phan Huy Ích từng dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc.
 
Bài Tiễn ông Tả Phụng Nghị Bộ Binh Nghi thành hầu họ Nguyễn đi thành Quy Nhơn.
 
Sông núi Hoan gấm vóc,
Chung đúc bậc kỳ nhân.
Rạng rỡ quê đạo đức,
Điềm lành sinh phượng lân.
Tiến thủ biết khí phách.
Từ trẻ tỏ xuất sắc,
Cơ trí từng trải đời,
Đức độ rộng kiến thức.
Khí tiết như tùng bách,
Phẩm chất mài như ngọc.
Bản lĩnh tự tín trung,
Hành động thường lỗi lạc.
Hiểu lý tận tóc tơ,
Nói chuyện người bén sắc.
Làm bạn khắp thế gian,
Gắn bó như ruột thịt.
Nhìn rõ việc thiên hạ,
Nắm vững để vận hành.
Tạo hóa tính kỳ lạ,
Giao trách nhiệm xứng danh.
Gặp gỡ thánh minh trị;
Đi thăm gióng ngựa quý.
Học thức vua nể vì,
Nơi thanh toả dốc trí.
Ba năm dạo gươm đàn,
Thơ rượu thường vui vẻ.
Đấng trượng phu công danh,
Chí dũng giữ đúng thể.
Phía Nam biển mênh mang,
Đất mới triều khai thác.
Ấp thang mộc Quy Nhơn,
Anh tài nơi then chốt.
Dân vỗ về yên ổn,
Uy danh quân lẫy lừng,
Triều đình cần người trấn,
Khẳng khái đến cầm quân.
Lòng hùng khí độc tan,
Thanh cao tiếng hạc đàn.
Thị Nại sóng cuồn cuộn,
Cù Mông mây mác man.
Chí bốn phương thoả nguyền,
Mài núi khắc thơ hùng.
Bài khải ca tấu khúc,
Miếng đỉnh chung thấm ơn.
Nâng chén rượu lên đường,
Kẻ ở lòng thấy thẹn.
 
Thơ Phan Huy Ích, Nhất Uyên dịch thơ
 
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Tiễn Binh Bộ Tả phụng nghị Nghi thành Nguyễn hầu
phó Quy Nhơn thành
 
Ngã Hoan hảo giang sơn,
Chung bẩm đa kỳ trác.
Thế đức diệu tiên hương,
Nhân thụy xuất lân nhạc.
Tiến phủ bão tài khí,
Diệu linh kiến đầu giác,
Cơ thức tảo duyệt thục,
Khí thế du hoành bác.
Tùng tiết nại nghiêm ngưng,
Ngọc chất kinh ma trác.
Bản lĩnh tự trung tín,
Động tức thường lỗi lạc.
Chúc lý cập hào mang
Lập đàn sinh phong ngọc.
Biến giao thế gian nhân,
Hệ thuộc vi tâm lạc.
Nhàn thị thiên hạ sự,
Vận dụng tại chưởng ác.
Tạo hóa dữ kỳ phẩm,
Giáng nhậm lương bất thác.
Tao tế thánh minh thì,
Tuân tư giá hoa lạc.
Vọng học vu thần cố,
Chu tuyền thanh tỏa các.
Tam niên cầm kiếm du,
Ngâm chước bất cải lạc.
Trượng phu pho công danh,
Bỉnh chí há đoan xác.
Hạo diểu hải chi nam,
Hy đại tân khai thác.
Quy Nhơn thang mộc địa,
Khu hoản ỷ khôi thạc.
Dân dung sơ phủ tập,
Quân thanh phương trấn bạc.
Triều đình trọng hành biên,
Khẳng khái tựu nhung mạc.
Tráng tâm tễ yên lam,
Thanh khiếu đái cầm hạc.
Thị Nại đào hung dũng,
Cù Mông vân lạc mạc.
Huyền hồ thù sơ chí,
Ma nhai lặc giai tác.
Khải ca tấu kỳ huân,
Chung đỉnh đàm tân ác.
Bả bôi tống chinh huy,
Cư giả diệc tâm tạc.
 
Đoàn Nguyễn Tuấn trong bài Kỷ Dậu trọng thu nghinh tiếp sách sứ. Sau khi Nguyễn Nể làm Phó Sứ cùng Vũ Huy Tấn làm Chánh Sứ sang nhà Thanh năm 1789-1790. Một sứ đoàn nhà Thanh sang phong vương, sứ giả hỏi: Ai là người hay thơ nhất nước Nam ?, Đoàn Nguyễn Tuấn trả lời : ấy là Quế Hiên Nguyễn Nể, đỉnh cao nhất trong thi ca Việt Nam đương thời: Sau gió Bắc Phong ca hát lại đến Nam Phong. Sau khi sứ đoàn nhà Thanh ngâm thơ tặng xong lại đến các quan Việt Nam. Vận nước cơ trời đổi thay, lại thông thương tiếp sứ với nhau. Chưa hỏi các ngôi sao sáng trong văn học Việt Nam đương thời, tôi chỉ là người khách biển theo phò. Lại làm quen với tao ông mặc khách từng ngao du sơn thủy khắp nơi. Tôi chỉ là người phương xa quê mùa, mấy thuở mới thấy được hội xiêm áo chốn cung đình, nửa đời công bút nghiên sắp vất hết để về vườn. Nếu khách hỏi ai là người giỏi nhất thi ca nước Nam hiện nay, thì Quế Hiên là đỉnh cao nhất.
 
THÁNG TÁM NĂM KỶ DẬU
ĐÓN TIẾP SỨ GIẢ SANG PHONG VƯƠNG
 
Bắc Phong ca hát đến Nam Phong,
Thay đổi cơ trời cùng lại thông.
Chưa hỏi Đầu Ngưu phò hải khách,
Làm quen sơn thủy với tao ông.
Phương xa mấy thuở hội xiêm áo,
Sắp ném nửa đời công bút nghiên.
Tiệc khách hỏi ai thơ nhất nước,
Quế Hiên thi trận đỉnh cao phong.
Thơ chữ Hán Đoàn Nguyễn Tuấn, Hải Ông thi tập
Nhất Uyên dịch thơ.
Phiên âm Hán Việt:
KỸ DẬU TRỌNG THU NGHINH TIẾP SÁCH SỨ
Bắc Phong ca bãi hựu Nam Phong,
Tạo hóa chân cơ nhất biến thông.
Vị vãn Đẩu Ngưu phù hải khách,
Quản giao sơn thủy thức tao ông.
Thù phương kỷ kiến y quan hội,
Bàn thế tương phao bút nghiễn công.
Tân tích nhược rạn ngô quốc tú,
Quế Hiên thi trận tối đầu phong.
 
Chú thích:
 
Ngưu Đẩu: hai ngôi sao trong Nhị thập bát tú (28 ngôi sao văn học) theo Cổ Đại Thiên Văn Học vị trí hai ngôi sao này ở phương Bắc.
 
Hải Khách: Đoàn Nguyễn Tuấn thường tự xưng mình là hải khách, khách biển, ông chài biển quê mùa.
 
Ninh Tốn (1743- ?) người xã Côi Trì huyện Yên Mô, Ninh Bình, 19 tuổi đỗ Hương Cống, năm 1778 đỗ Hội Nguyên, giữ chức Tri bình Phiên sĩ, Hình Bộ Hữu Thị Lang. Năm 1788 ra cộng tác với Tây Sơn giữ chức Hàn Lâm Trực Học Sĩ, năm 1790 thăng Binh Bộ Thượng Thư tước Trường Nguyên Bá. Trong Chuyết Sơn thi tập của ông có bài: Thơ tặng Nguyễn Nể khi ông được cử làm Chánh Sứ đi sứ lần thứ hai, Ninh Tốn xem ông là bậc phi thường, bậc tuấn kiệt mới được cử hai lần đi sứ, đi sứ là điển lễ lớn của thánh hiền giao hảo với lân bang, Ông quen biết rộng như ngựa quý nhân, kỳ quen đường đi, là bậc hiền tài như lân, phượng ít khi xuất hiện sự trọng vọng càng thêm cao. Núi sông lại mừng sẽ có thêm thơ mới. Mặt trăng, mặt trời lại soi rực rỡ cờ tiết mao đi sứ. Sau này trong tướng phủ trù tính việc gì với phương Bắc. Mọi cái ông đều nắm trong lòng bàn tay không có gì khó nhọc.
 
TẶNG TIÊN ĐIỀN NGHI ĐÌNH HẦU ĐI SỨ LẦN THỨ HAI (1795).
 
Giao hảo lân bang lễ thánh hiền,
Hai lần đi sứ bậc phi thường.
Nhân kỳ ngựa thuộc đường quen rộng,
Lân phượng tài danh trọng vọng tăng.
Giang sơn mừng có thêm thơ mới,
Nhật nguyệt soi cờ tiết ruổi rong.
Sau này tướng phủ cần phương Bắc,
Mọi việc trong tay chẳng nhọc công.
Thơ chữ Hán Ninh Tốn, Nhất Uyên dịch
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
 
TẶNG TIÊN ĐIỀN NGHI ĐÌNH HẦU TÁI SỨ
 
Thánh hiền đại điển tại lân giao,
Lưỡng độ hoàng hoa thuộc tuấn mao.
Am lộ nhân kỳ tư dị biến,
Tri danh lân phượng vọng tăng cao.
Giang sơn tục hỷ tân thi cú,
Nhật nguyệt trùng lâm cựu tiết mao.
Tướng phủ tha niên trù bắc sự,
Thủ trung vận lượng định vô lao.
 
Chú Thích:
 
Trong Tinh tuyển Văn Học Việt Nam quyển 5 tập 1. Văn Học thế kỷ XVIII; nxb KHXH Sài gòn 2004, tr 695 . PGS Nguyễn Thạch Giang biên soạn cho rằng Ninh Tốn mất năm 1790, điều này không đúng, vì 5 năm sau, 1795 Nguyễn Nể đi sứ lần thứ hai, Ninh Tốn làm tặng bài thơ này.
 
Nhân, Kỳ hai giống ngựa hay
 
Lân, phượng: Kỳ lân và Phượng hoàng hai giống linh vật ít khi xuất hiện giống như người tài được đời ngưỡng vọng.
 
Các người bạn đương thời ca tụng Nguyễn Nể, như thế, nhưng Nguyễn Du viết thế nào khi anh đi nhậm chức tại thành Quy Nhơn ? Một chức quan buộc anh ở phía Nam toà thành sáu tháp. Nguyễn Du không thích nhà Tây Sơn nên cho rằng chức quan chỉ là điều bó buộc. Ban đêm vượt đèo Hải Vân đá lỏm chòm. Năm 2011 tôi đi qua đèo này nay là một con đường rộng rãi, đọc lại thơ Nguyễn Du tưởng tượng ngày trước chỉ là một con đường đá cho xe ngựa chạy, đá lỏm chỏm, đi qua ban đêm hẵn nhiều gian nan, đường dốc, có cả cọp gầm trong bóng đêm, chưa kể có Ma lai Chiêm Thành.. Ba năm đóng thú nơi vùng núi lam chướng. Qui Nhơn nơi kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành, ấp thang mộc nơi quê hương của nhà vua Tây Sơn, Nguyễn Du vẫn xem là vùng núi hẻo lánh đầy sương lam chướng khí. Tiết tháng hai lạnh lẽo nhìn hoa khói quê nhà. Một phen từ biệt không biết rồi đây ở nơi nào. Cuộc trùng phùng có lẽ phải đợi đến kiếp sau. Trời biển mênh mông, đường xa nghìn dậm. Hồn phách tìm nhau, dù trong giấc mộng cũng khó. Năm 1794 Nguyễn Du từ Tiên Điền vào thăm anh ở Phú Xuân, để nhận thêm tiền bạc về xây dựng lại làng Tiên Điền, được tin anh sắp đổi đi Quy Nhơn làm quan. Nguyễn Du lúc đó chắc đã nghĩ đến chuyện vượt biên vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh nên nghĩ rằng sẽ không còn gặp anh nữa ! Điều đáng lưu ý là Nguyễn Du viết cho anh chỉ đề Ức gia huynh, không để tên anh, cũng không đề tự Tiến Phủ, không để cả bút hiệu Quế Hiên. Bài viết cho em Nguyễn Ức cũng thế : Ngô gia đệ cựu ca cơ. Người hát cũ của em tôi. Nhưng lạ thay thơ Nguyễn Nể viết cho Nguyễn Du lại viết: Ký Tố Như đệ, hay Ký đồng hoài Thanh Hiên Tố Như đệ. Anh em trong nhà không ai gọi nhau bằng bút hiệu cả, cũng không bao giờ ai viết hai bút hiệu một lượt, đó là dấu vết người sao văn bản cho Trường Viễn Đông Bác Cổ đời sau khoảng năm 1920, tự ý thêm vào. Trường hợp Nguyễn Hành và Đoàn Nguyễn Tuấn cũng thế.
 
NHỚ ANH
 
Lục tháp thành Nam buộc chức quan,
Gập gềnh đá vượt Hải Vân đêm.
Chướng lam ba tết xa đồn trú,
Hoa khói tháng hai nhớ quê hương.
Một biệt phương nào ai nhớ nhỉ ?
Kiếp sau hẹn đến cuộc tương phùng.
Biển trời mù mịt đường ngàn dậm,
Trong mộng tìm nhau cũng khó khăn.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ.
 
ỨC GIA HUYNH
 
Lục tháp thành Nam hệ nhất quan,
Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan.
Cùng xu lam chướng tam niên thú,
Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn.
Nhất biệt bất tri hà xứ trú,
Trùng phùng đương tác tái sinh khan.
Hải thiên mang điểu thiên dư lý,
Thần phách tương cầu mộng diệc nan.
 
Chú thích:
 
Lục tháp: chỉ thành Quy Nhơn, có tảy 8 cụm tháp, nhưng chỉ có 6 cụm ở gần đường nên gọi là lục tháp thành.
Hải Vân: đèo nằm giữa Thừa Thiên và Quảng Nam, nơi hiểm yếu được gọi là Đệ nhất hùng quan.
Cùng lam xu chướng, vùng núi sâu nhiều khí độc.
 
TS Phạm Trọng Chánh