315 lượt xem

Nguyễn Trung Trực - Cái chết bất tử của người anh hùng

Bản khảo cung quân Pháp dùng để tra khảo Nguyễn Trung Trực gồm tất cả 19 câu hỏi và đáp. Tất cả các câu hỏi này đều xoay quanh trận đánh đồn Kiên Giang. Quá trình khảo cung do Piquet - trung úy hải quân Pháp thực hiện. Trong suốt thời gian bị tra khảo và giam giữ, Nguyễn Trung Trực không lúc nào yếu đuối, mà tỏ ra cương quyết, thẳng thắn và đường hoàng. Nguyễn Trung Trực công nhận các chiến công của mình và cũng nhận là mình đã khinh thường sức mạnh của quân Pháp. Ngoài ra, Nguyễn Trung Trực chỉ yêu cầu ban cho mình một ơn huệ - đó là được xử tử ngay tức khắc.

Pháp thấy ở Nguyễn Trung Trực một người trung hiếu, nghĩa khi và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chống Pháp ở Nam Bộ nên đã ra sức chiêu dụ. Huỳnh Văn Tấn và các viên chỉ huy của Pháp đưa ra nhiều lời hứa hẹn, ban chức tước, lợi lộc nhưng chẳng thể lay chuyển được Nguyễn Trung Trực. Nguyễn Trung Trực trả lời dứt khoát: “Nếu có chức vụ nào giết hết Tây dương cướp nước thì ta nhận chức đó”; và khẳng định ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam: “Bao giờ Tây nhổ hết có nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Theo tài liệu của Pháp, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp xử chém tại Rạch Giá vào ngày 27-10-1868.Tương truyền, ngày Nguyễn Trung Trực bị xử chém, dân chúng thương tiếc người anh hùng đã làm lễ tế tiễn ông dọc hai bên đường. Trước khi hành quyết ông Nguyễn, Pháp hỏi ông có cần gì không. Nguyễn Trung Trực chỉ xin uống một trái dừa tươi. Uống xong, Nguyễn Trung Trực ngâm bài thơ tuyệt mệnh, thi sĩ Đông Hồ (Lâm Tấn Phát) dịch:

“Theo việc binh nhung thuở trẻ trai
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài
Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chang chang chẳng đội trời”.

Hay tin Nguyễn Trung Trực bị pháp hành hình, Đức Cố Quản Trần Văn Thành đang dấy binh chống Pháp tại Bảy Thưa, Châu Đốc đã tổ chức cho nghĩa quân làm lễ tưởng niệm ba ngày và lập hương án thờ phụng. Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt khóc Nguyễn Trung Trực bằng một bài thơ điếu, ca ngợi hai chiến công bất hủ và khí phách oanh liệt của người anh hùng. Trong bài thơ điếu, có hai câu thơ được người đời lưu truyền, nhắc nhớ và rất nổi tiếng, đó là: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

Với tất cả lòng tôn kính và ngưỡng mộ, người dân Kiên Giang đã tạo nên và truyền khẩu rất nhiều câu chuyện kể về Nguyễn Trung Trực và về những giờ phút cuối cùng của người anh hùng. Khí phách hiên ngang của Nguyễn Trung Trực khi ra pháp trường đã làm cho dân chúng Kiên Giang không thể nào quên và ngưỡng vọng, tôn kinh ông như thần thánh. Nhân dân Kiên Giang đã dùng chiếu bông được dệt tại làng Tà Niên trải nơi pháp trường, làm lễ tế sống Nguyễn Trung Trực. Chiến công, khí phách và cái chết hiên ngang của Nguyễn Trung Trực đã tổ thắm thêm trang sử vàng lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

“Sanh vi tướng, tử vi thần” (Sống làm tướng, chết làm thần). Thần hóa hoặc phụng thờ người có công vì dân, vì nước đã qua đời trở thành nét văn hóa riêng của người Việt Nam. Tình cảm của người dân Nam Bộ dành cho Nguyễn Trung Trực thật to lớn và sâu sắc; xuất phát từ lòng ngưỡng mộ chân thành đối với một con người lịch sử, đã tạo nên lịch sử, khẳng định được tinh thần yêu nước, thể hiện khí phách anh hùng, tài năng quân sự hơn người. Người dân Nam Bộ không chỉ cảm phục, ca ngợi khí tiết Nguyễn Trung Trực mà còn tri ân công lao, đề cao đức độ, ngưỡng mộ Nguyễn Trung Trực như một vị thần. Ông làm vị thần do chính nhân dân phong tặng, tôn vinh và thờ phụng hàng trăm năm qua.

(Còn tiếp)

(Lược trích theo quyển sách “Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”)

Hoàng Giám