233 lượt xem

Nguyễn Phạm Tuân - Chết vì vua còn gì phải sợ – kỳ 2: Người giữ ấn của vua Hàm Nghi

Người giữ ấn của vua Hàm Nghi

Từ cuối năm 1885, thực dân Pháp và tay sai đem hết đạo quân này đến đạo quân khác thọc sâu vào miền rừng núi bắc Quảng Bình và nam Hà Tĩnh tìm bắt Hàm Nghi và bộ chỉ huy kháng chiến.

Đầu năm 1886, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phạm Tuân và các tướng liên tiếp đánh bại nhiều cuộc tấn công lớn của giặc.

Ngày 17/1/1886, tại khe Ve nghĩa quân đã bắn chết tên quan hai Pháp Camus và bắn trọng thương tên quan ba Hugo. Khoảng một tuần sau cũng tại khe Ve nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm, đánh lùi một đạo quân do thiếu ta Pelletier chỉ huy. Hai trận đánh này đã củng cố được tinh thần chiến đấu của nghĩa quân và thu hút nhiều trai tráng trong vùng gia nhập nghĩa quân.

Tuy giành được những thắng lợi nhất định trong một số trận đánh, song lực lượng nghĩa quân cũng bị giảm sút, vấn đề lương thực, vũ khí chiến đấu ngày một khó khăn do bị bao vây, phong tỏa của kẻ địch.

Trước tình hình đó, tháng 3 năm 1886, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn quyết định sang Trung Quốc cầu viện, đã trao toàn bộ quân đội và nội chính cho Nguyễn Phạm Tuân với chức Thượng tướng cùng Đề đốc Lê Trực và hai con trai Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chống Pháp.

Ông là người giữ ấn tín của vua Hàm Nghi và có vai trò to lớn trong việc chỉ huy nghĩa quân chống lại cuộc càn quét của giặc. Trong thời gian này, nghĩa quân của ông chiến đấu rất dũng cảm và đã lập được nhiều chiến công.

Có lần nghĩa quân đã đột nhập vào thành Quảng Bình giết chết bố chánh Nguyễn Đình Dương tại Đồng Hới. Bấy giờ quân của Đề đốc Lê Trực đóng ở mạn Thanh Thủy, quân của Tôn Thất Đàm là con Tôn Thất Thuyết thì đóng ở mạn Hà Tĩnh, về mạn Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Còn Tôn Thất Thiệp và Nguyễn Phạm Tuân thì phò tá vua Hàm Nghi ở huyện Thanh Hóa.

Đích thân vua Đồng Khánh ra chiếu phủ dụ

Sau những lần càn quét bất thành, tháng 7 năm 1886, Đồng Khánh đã ra tận Quảng Bình để yết sức: “Tất cả đầu mục bọn giặc biết dẫn thân đầu thú ở nơi hành tại, đều miễn tội, người nào nguyên trước có quan chức đều vẫn cho theo như cũ, người nào bắt chém được đầu sỏ bọn phản nghịch là Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Phạm Tuân thì thưởng quan hàm có thứ bậc: bắt sống thì được bổ làm quan tam phẩm và được thưởng 200 lạng bạc; chém được đầu thì bổ làm quan tứ phẩm và được thưởng 100 lạng bạc”.

Sau đó Đồng Khánh lại dùng chiêu bài mua chuộc, dụ dỗ thân hào giải tán binh dõng, trở về với triều đình. “Hiện nay chuẩn cho cựu thần Hoàng Tá Viêm khai phục Đông các Đại học sĩ sung làm An phủ kinh lý đại thần Hữu trực kỳ cũng muốn cho yên dân, không phải muốn đánh lấy thắng. Từ nay, thân hào đều nên sớm biết quay đầu về, cho giải tán binh dõng, bó thân về với triều đình hoặc do các địa phương, hoặc do các quân thứ các tỉnh bẩm xét…”.

Tuy đích thân vua Đồng Khánh đã ra chiếu phủ dụ những lãnh tụ phong trào Cần Vương chiêu hàng nhưng đều thất bại. Sau đó Hoàng Kế Viêm đích thân ra Quảng Bình, sai người đi dụ ông Lê Trực về nhưng Lê Trực cũng không chịu trở về, chỉ có bọn thủ hạ lác đác vài người ra đầu thú mà thôi.

Do đó, việc Hoàng Kế Viêm ra kinh lược cũng không thành công cho nên tháng 5 Đinh Hợi (1887), Hoàng Kế Viêm phải quay về.

(còn nữa)

Dương Tuấn