234 lượt xem

Trần Hữu Trang - Kỳ 8 (Cuối)

Đời cô Lựu


Nguồn: Sưu tầm

Tình hình như đã phân tích trên, ít nhiều đã được phản ánh trên sân khấu trong vở Đời cô Lựu.

Trước mặt Hội đồng Thăng, điền chủ, thì những người tá điền nghèo khổ, khúm núm sợ sệt như thể những con thỏ đứng trước con sói. Họ hết sức lấy lòng chủ điền, bằng không chủ điền lấy ruộng lại không cho làm nữa thì chết đói. Được lĩnh ruộng, người tá điền phải làm ăn vất vả và khổ sở, bị điền chủ bóc lột đến tận xương tuỷ. Một tá điền trong Đời cô Lựu đã nói: “Mấy người giỏi nịnh chủ, kẻ thế gì thì kẻ đi, kẻ sao cho vợ chồng tôi bị đuổi, đó cũng như mấy người làm phước giùm, chớ ở đây mà ăn lộc thực gì, theo riết hai dây ruộng đó có ngàn bán vợ đợ con mà đóng cho chủ cũng không đủ”.

Tuy vậy, tá điền vẫn cứ lạy lục điền chủ cho mướn ruộng. Vì có ruộng mướn, may ra còn có cái ăn, còn vay nợ chủ được. Nghĩa là người này bị kẹp giữa hai gọng kìm, bề nào cũng chết, đành chọn cái chết nào chưa đến ngay. Ông chủ chỉ nói “tao lấy ruộng lại” đó là lời tuyên án tử hình đối với tá điền và tất cả gia đình. Cho nên, khán giả đã thấy Hội đồng Thăng chỉ cần sai đứa học trò bảo Năm Vàng bắt cho một cặp gà giò là lập tức Năm Vàng đem cặp gà đến ngay. Và Hội đồng Thăng chỉ cần doạ thị Nguyên: “Tôi lấy ruộng lại hết rồi chết đói cả đám”, là thị Nguyên vội vã “có chục khô cá chạch đặng ông chủ uống rượu chơi”.

“Những người Việt Nam nói chung, đều phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Những người nông dân Việt Nam nói riêng lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người Việt Nam họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta cướp đoạt” (Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp).

Gia đình Hai Thành đã è cổ ra mà chịu “những công ơn bảo hộ” của nước Pháp. Hai Thành đang sống nghèo nàn nhưng tương đối yên ổn và hạnh phúc, bỗng nhiên bị khám nhà, bị bắt, bị tù, bị kết án hai mươi năm, đày đi Côn Đảo, mất vợ mất con, nhà cửa tan hoang. Nỗi oan ức ấy kêu trời không thấu.

Nhưng nỗi oan của Lựu lại còn cay đắng hơn nữa. Chồng bị bắt, gia đình tan nát, chịu nỗi nhơ nhuốc mong gỡ được tội cho chồng mà chồng vẫn bị tù, cắn răng sống đau khổ nhục nhã để giữ hạt máu của chồng, mà đẻ con ra con bị chết. Thế mà còn bị chồng căm giận khinh khi. Sau 19 năm trời đắng cay tủi nhục, giờ phút biết chồng con còn sống, được gặp lại chồng con, thanh minh sự hiểu lầm, đợt sống trầm luân nọ chưa qua thì đợt sống trầm luân mới đã dội đến. Con trai phạm tội sát nhân, con gái phát điên.

Kẻ tự tay gây ra tất cả những điều oan trái ấy là Hội đồng Thăng. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là sâu xa chính là chế độ xã hội ấy. Phơi bày được những sự kiện ấy trên sân khấu, vở Đời cô Lựu là một bản cáo trạng cụ thể, một bản phụ lục Bản án chế độ thực dân Pháp.

Đời cô Lựu là một tác phẩm có giá trị của dòng văn học hiện thực phê phán, viết về nông dân cùng với Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao.

Đời cô Lựu cũng có những hạn chế chung của các tác phẩm hiện thực phê phán trước Cách mạng Tháng Tám. Kết thúc của nó là một kết thúc bi kịch: Kim Anh điên, cô Lựu đi tu. Số phận của Hai Thành và Minh Luân chưa được giải đáp.

Nhưng vở Đời cô Lựu cũng có một số điểm trội, cần đánh giá đúng.

Điểm thứ nhất là sự kiện Hai Thành vượt ngục, vượt đảo trở về đất liền.

Côn Đảo là một nhà tù của thực dân Pháp chủ yếu để giam cầm những người yêu nước. Nhiều thế hệ chiến sĩ chống xâm lăng từ những cuộc kháng Pháp, khi Pháp mới đặt chân lên nước ta, đã bị đày ra Côn Đảo. Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, số chiến sĩ cách mạng bị đưa ra Côn Đảo rất nhiều. Nhưng từ năm 1933 đã bắt đầu có những cuộc tổ chức vượt ngục. Các chiến sĩ từ đảo về, cùng với các chiến sĩ trốn ở Thái Lan, các chiến sĩ ở Pháp, ở Trung Hoa về nước, lần lần gây lại cơ sở ở thành thị và ở nông thôn.

Soạn giả Trần Hữu Trang cho Hai Thành vượt ngục trở về được đến quê hương. Hai Thành bị kết án 20 năm, đến năm thứ 19 còn vượt ngục, điều này chứng tỏ chế độ nhà tù của thực dân dù khắc nghiệt, dã man nhưng không thể khuất phục được ý chí của con người.

Cuộc vượt ngục không phải ít gian nan. Hai Thành nói (ca lý Huế):

Bác ơi, sá quản bao muôn điều khổ cực

Trọn mấy tháng trường gian nan

Mười mấy ngày ròng rã lênh đênh trên mặt bể, chừng tấp vào nội địa, cháu phải lẩn lút mấy tháng trường mới về nhà.

Côn Đảo không làm tiêu tan được chí khí, trái lại còn hun đúc chí khí của những người bị tù. Hai Thành trước khi bị oan, là một nông dân nghèo, có biết ít chữ nghĩa, thật thà, tin người. Hai Thành đã nói với con: “Cha là môn đệ nhà Nho, bấy lâu cha một mực thanh liêm trung tín, có tiền kháng xa hoa, đói nghèo không dua bợ, cố giữ sự chân thành, cha đem sự hiền lành ra ở với đời”.

Sau những năm tù ở Côn Đảo, Hai Thành không duy trì cái nếp suy nghĩ “nhà Nho” ấy nữa.

Khi Hương lão khuyên:

“Cháu ơi, thiện ác đáo đầu, cháu cứ tin: hễ trồng dưa thì không bao giờ hái đậu, thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu, những kẻ ám hại cháu trước kia nó đã làm một việc vô lương, lưới pháp luật dẫu chưa vương, nhưng sự thưởng phạt của cao minh huyền diệu vô cùng.

Cháu cầm như năm vận tháng hạn, tai nạn đã qua rồi, niềm ân oán đừng bận tâm lo nghĩ tới, ơn nghĩa vợ chồng bác không cần cháu trả, mà cừu hận theo như ý bác cháu cứ thản nhiên rồi thế cuộc sẽ xoay vần, sớm muộn gì cái tội nó làm thì trời đất cũng không dung”.

Hương lão là một người tốt. Nhưng Hương lão như số đông Nhân dân ta trước kia dưới ách thực dân phong kiến mang một nhân sinh quan duy tâm, tin số mệnh, tin trời Phật, do đó thụ động tiêu cực.

Hai Thành trước khi ra đảo cũng thế, nhưng những ngày ở đảo đã thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của anh… Hai Thành trả lời Hương lão và Minh Luân:

“Con ơi, ba cảm động lắm. Bác ơi, lời vàng ngọc bác chỉ dạy, cháu dám đâu chẳng vâng theo, luật nhân quả cháu vẫn tin, những nỗi oan ức 19 năm, đầy một trời uất hận, bác cho phép cháu trang trải theo ý cháu để cho cháu được một chút hài lòng, rồi thì cháu phải đi vì tình cảm cháu không thể nào ở đây mà nhìn lại một vùng tang thương…”.

Sau này, Hai Thành cùng nói với Lựu:

“… Sống nơi Hải đảo Côn Lôn, tôi đã học khôn được những điều mà trước kia tôi trót dại…

… Bao nhiêu năm đã thay đổi quan niệm của tôi, nay là một thằng Thành đội trên đầu 19 năm tù, chớ chẳng phải là thằng Thành quá tin đời là chân thật như ngày xưa”.

Điểm thứ hai là soạn giả để Minh Luân đâm chết Hội đồng Thăng.

Ta nhắc lại lớp này:

Ông Hội đồng: Mầy là một thằng tù vượt ngục lại còn dám đương đầu lớn lối với tao, xảy ra những chuyện rắc rối này cũng tại nơi mày về đây mà gây ra cả. Bây giờ muốn cho yên ổn mọi việc tao phải tống cổ mầy trở ra Côn Đảo. Tao sẽ cho mày ở tù rục xương đặng cho mầy lớn lối với ai cho biết.

(Gọi) Sốp phơ! (dạ!) Mày quay xe báo với Sở Mật thám lập tức, nói có một thằng tù Côn Lôn vượt ngục hiện tại nó ở đây, cho mau lên!

Minh Luân: Ông Hội đồng, ông thật kêu lính tới đây bắt cha tôi phải không?

Ông Hội đồng: Tao sẽ cho cha con mầy ở tù rục xương!

Minh Luân: Ông thật là táng tận lương tâm. Ông kêu lính tới phải không?

Ông Hội đồng: Tao sẽ cho cha con mầy ở tù rục xương!

Minh Luân: Tôi sẽ cho ông một dao về chầu Diêm vương (đâm).

Tự miệng Hội đồng Thăng nói vì Hai Thành về nhà xảy ra những chuyện rắc rối. Vậy y muốn yên ổn thì phải tống Hai Thành ra Côn Đảo ở tù rục xương. Nghĩa là hai người mâu thuẫn đối kháng, có bên này không thể có bên kia. Khi Minh Luân hỏi lại, Hội đồng Thăng nói bổ sung: Tao sẽ cho cha con bây ở tù rục xương. Nghĩa là y quyết tâm bảo vệ địa vị, những đặc quyền đặc lợi của y, và muốn thế, y không những thủ tiêu Hai Thành mà cả con Hai Thành nữa cho tuyệt giống. Ý định của y rất quyết liệt. Y nhắc câu này hai lần. Vì vậy cho nên Minh Luân phải hạ sát y, không thể có con đường nào khác.

Đưa hai sự kiện này lên sân khấu, soạn giả Trần Hữu Trang đã thấy rõ con đường tự cứu của những người nông dân chỉ là con đường đấu tranh. Không thể chờ đợi một sự nhân đạo nào ở bọn cai trị, không thể có giải pháp dung hòa, thoả hiệp nào, cuộc đấu tranh phải triệt để.

Sau này, Trần Hữu Trang có dịp nói rõ ý định mà ông không thực hiện được trong bức thư ngày 26/6/1965 gửi soạn giả Sỹ Tiến nhân dịp với Đời cô Lựu được đưa ra công diễn ở Hà Nội, Hải Phòng:

“Như anh đã biết, vở ca kịch Đời cô Lựu tôi viết vào khoảng 1936, hồi ấy trong một hoàn cảnh bế tắc dưới chế độ của thực dân Pháp, nên về nhận thức cuộc sống cũng như cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của tôi trong vở Đời cô Lựu Cũng bị hạn chế. Cuối vở kịch, giết tên Hội đồng Thăng là giải quyết một cách dứt khoát kẻ sâu độc gian ác phải đền tội, nhưng lại để cô Lựu đi tu là tiêu cực. Sau đó, tôi muốn làm một cảnh vĩ thanh, cảnh hai cha con Hai Thành dìu nhau đi đến một chân trời mới, nhưng kiểm duyệt của chúng lúc đó không cho…”.

Đời cô Lựu là một vở cải lương đặc sắc. Giá trị hiện thực của nó là ở chỗ đã thể hiện được một số mặt của hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội ta trước Cách mạng Tháng Tám 1945, mâu thuẫn giữa Nhân dân thuộc địa và đế quốc thực dân, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ. Soạn giả đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật có sức tố cáo khá mạnh và cảm hóa sâu sắc khán giả. Viết và diễn trong thời kỳ Mặt trận bình dân, vở Đời cô Lựu có một tác động quan trọng đến công chúng. Trên các sân khấu, từ Nam đến Bắc, đâu đâu vở cải lương Đời cô Lựu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt.

Nguồn: Nghiencuulichsu.com