311 lượt xem

Nguyễn Phúc Chú

Chúa Nguyễn Phúc Chú - Người mở đất Mỹ Tho, Vĩnh Long, đưa điều răn cấm rượu chè, cờ bạc

Chúa Nguyễn Phúc Chú còn có tên là Trú hay Thụ (1697-1738, ở ngôi chúa:1725-1738), là chúa Nguyễn thứ 7 trong lịch sử Việt Nam
Nguyễn Phúc Chú (chữ Hán: 阮福澍) sinh ngày 22 tháng Chạp năm Bính Tý (14 tháng 1 năm 1697). Chánh quán của ông ở Gia Miêu (huyện Tống Sơn, Thanh Hóa), và ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và bà Từ Huệ phu nhân Tống Thị Được.
Khi trưởng thành, nhờ có tài văn võ, Nguyễn Phúc Chú được cử giữ chức cai cơ tước Đỉnh thịnh hầu, đến năm 1715 được thăng làm chưởng cơ, làm phủ đệ tại dinh cơ Tả Sùng.

Năm 1725, ông nối ngôi lúc 29 tuổi, được tôn là Thái phó tước Đỉnh Quốc công, hiệu là Văn Truyền đạo nhân (vì mộ đạo Phật), đương thời gọi là Ninh vương (tục gọi là chúa Ninh).

Tháng Giêng năm Bính Ngọ (1726), chúa Ninh ban bố các điều răn, đại ý là khuyên dân siêng năng cày cấy và cấm đứt nạn rượu chè, cờ bạc.

Tháng 4 năm Kỷ Dậu (1729), chúa Ninh bắt đầu cho lập trường đúc tiền.

Năm Tân Hợi (1729), Prea Sot (Sá Tốt, gốc người Lào di cư sang ở tỉnh Banam nước Chân Lạp) xách động người dân Chân Lạp nổi dậy tàn sát tất cả người Việt ở trong vùng Banam mà họ gặp, rồi còn tiến sang quấy nhiễu ở Sài Gòn. Sau khi đánh đuổi xong, xét thấy cần phải có một cơ quan thống suất để kịp thời giải quyết việc binh ở vùng đất mới, năm Nhâm Tý (1732), chúa Ninh sai đặt sở Điều khiển ở Sài Gòn, cử hai tướng có công đánh đuổi quân Prea Sot là Trương Phước Vĩnh giữ chức Điều khiển sự sở Gia Định, Nguyễn Cửu Triêm làm Thống trấn dinh Trấn Biên (Biên Hòa).

Khi ấy, vua Chân Lạp là Sâtha (Nặc Tha) sợ vạ lây, liền gửi thư cho tướng Vĩnh để thanh minh rằng mọi việc trên đều do Prea Sot gây ra, và xin đem hai vùng đất là Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) dâng chúa Ninh để cầu hòa (1732). Bấy giờ, thấy đất Gia Định (tức toàn miền Nam) rộng rãi quá, để tiện việc coi giữ, chúa Ninh cho lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, bổ nhiệm quan lại rồi đưa thêm dân Việt đến khai hoang lập nghiệp.

Tháng giêng năm Quý Sửu (1733), chúa Ninh cho đặt đồng hồ ở các dinh trấn. Các đồng hồ này được chế tạo ở trong nước và phỏng theo kiểu cách phương Tây.

Chúa Nguyễn Phúc Chú được đánh giá là người đã có công trong việc thiết lập đơn vị hành chính mới, giữ gìn và mở mang vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam của Ts. Nguyễn Văn Kiệm