240 lượt xem

Đỗ Thanh Nhơn – cái chết của vị dũng tướng – kỳ 2: Cái chết không ngờ

Cái chết không ngờ của Đỗ Thanh Nhơn- viên mãnh tướng không chết nơi sa trường mà chết ngay trong cung vị chúa mà mình phụng sự. Đỗ Thanh Nhơn là viên tướng đầu tiên của Gia Định tam hùng chết sớm nhất.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/vua-gia-long-300x207.png

Vua Gia Long. 
Nguồn: sưu tầm.

Cái chết không ngờ

Tháng 11 năm Bính Thân (1776) do sức ép của Lý Tài, chúa Nguyễn Phúc Thuần làm lễ nhường ngôi cho cháu ruột mình là Nguyễn Phúc Dương (Tân Chính Vương). Lý Tài được Nguyễn Phúc Dương phong là Bảo giá đại tướng quân.

Năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ đem quân đánh chiếm Gia Định lần thứ 2. Quân Tây Sơn đánh bại quân Nguyễn nhiều trận, sau đó truy lùng gắt gao, cả Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương cùng một số quan lại bị bắt và bị giết năm đó.

Lý Tài ở Bến Nghé đem quân giao chiến mấy lần với thủy quân của Nguyễn Huệ đều thất bại. Hoảng loạn, Lý Tài đem quân chạy về Ba Giồng thì bị quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân đón đường giết chết.

Không thể để ngôi chúa bỏ trống, đầu năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh, cháu Nguyễn Phúc Thuần, khi này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Kể từ đó, Đỗ Thanh Nhơn được kề cận để phò tá Nguyễn Phúc Ánh.

Cũng ngay năm này, Đỗ Thanh Nhơn cùng Lê Văn Quân giết Tư Khấu Oai ở sông Bến Nghé, rồi cùng Hồ Văn Lân đi Chân Lạp, giết Nặc Ong Vinh, tôn con là Nặc Ong Ẩn lên ngôi Chân Lạp, để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ, còn kéo quân về lại Gia Định.

Mùa xuân năm Canh Tý (1780), Đỗ Thanh Nhơn được chúa Nguyễn Phúc Ánh phong làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công. Đúng một năm sau (tháng giêng năm Tân Sửu (1781), Thanh Nhơn bị Nguyễn Phúc Ánh giả bệnh gọi đến chầu rồi ngầm sai võ sĩ giết chết.

Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đáng sợ nữa

Hai tướng tâm phúc của Thanh Nhơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng, sau khi an táng chủ tướng xong, cùng rút binh về Ba Giồng, chống Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Ánh cho người đi khuyết dụ, nhưng hai vị tướng này không tin nữa. Về sau nhờ cho người trà trộn vào trong quân, bắt sống được Võ Nhàn và Đỗ Bảng đem chém. Từ đó, binh Đông Sơn bị phân tán.

Hay tin Đỗ Thanh Nhơn bị giết, Nguyễn Nhạc nói: Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đáng sợ nữa, rồi cùng em là Nguyễn Huệ cử đại binh vào đánh Gia Định. Quân Tây Sơn vào cửa Cần Giờ, đại thắng trận thủy chiến trên sông Ngã Bảy, khiến Nguyễn Phúc Ánh phải bỏ thành Sài Gòn chạy về Ba Giồng rồi lánh sang Phú Quốc…
Lý giải về con người Đỗ Thanh Nhơn và cái chết của ông, sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết: Trước, Đỗ Thanh Nhơn tự phụ là người có tài và dũng cảm hơn thiên hạ, trong tay lại có đội quân Đông Sơn cho nên vẫn ngấm ngầm làm chuyện ngang ngược và lộng hành.

Từ khi có chút công lao phò tá, y lại càng sinh kiêu căng hơn; tự cho mình là người có quyền sinh sát, ai sống, ai chết hoặc giả có ban chức tước cho ai đều do hắn quyết định. Thậm chí, hắn còn tự ý cắt bớt sự chi dùng trong cung, không chịu cung đốn đầy đủ, đến cả ngày kỵ ở Hưng Miếu mà hắn cũng không dâng lễ vật khiến Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh phải bỏ của nhà ra mà sắm sửa lấy.

Trong đám tay chân, hắn thấy ai nặng lòng với mình thì cho lấy theo họ của hắn. Xử tội thì dùng cực hình, dám thiêu cả người sống, bắn giết cả đàn bà có thai… Ai ai nghe chuyện cũng nghiến răng tức giận. Khi Tây Sơn vào lấn cướp (chỉ việc Tây Sơn tấn công vào Gia Định), hắn lén đem quân vào núi để đầu hàng làm phản, nhưng mưu ấy không thành.

Vua Gia Long vẫn nghĩ đến công lao của hắn mà ưu đãi, dung túng. Vua thân đến nhà riêng mà Đỗ Thanh Nhơn cũng không biết kính giữ lễ. Đã thế bọn tay chân của hắn càng phụ họa thêm, không biết kinh sợ, chỉ rắp tâm làm điều trái phép mà thôi.

(còn nữa)

Nguyễn Trung Thành