Nguyễn Quang Bích, còn có tên là Ngô Quang Bích, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong; là quan nhà Nguyễn, nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Tây Bắc.
Nguyễn Quang Bích sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức 7 tháng 5 năm 1832). Quê hương của ông thuộc làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông vốn họ Ngô, dòng dõi Ngô Quyền, nhưng do ông nội ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử sách thường gọi ông là Nguyễn Quang Bích.
Ngay từ nhỏ Nguyễn Quang Bích nổi tiếng thông minh học giỏi nhất trong vùng, ông là học trò của tiến sĩ Doãn Khuê (1813-1878). Năm 1858 ông đỗ tú tài, năm 1861 đỗ cử nhân và được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1869, ông đỗ Hoàng giáp và được cử làm Tri phủ tại phủ Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ ngày nay), rồi làm Tri phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa ngày nay), những năm tiếp sau ông làm các chức vụ: Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc Tử Giám Huế, Án sát tỉnh Bình Định. Năm 1875, ông được vua Tự Đức giao cho duyệt bộ sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, cũng trong năm triều đình mở doanh điền Hưng Hóa (Phú Thọ) vừa khai hoang vừa phòng vệ núi rừng Tây Bắc, Nguyễn Quang Bích được cử làm Chánh sơn phòng sứ. Năm 1876 kiêm thêm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa. Khi làm quan, Nguyễn Quang Bích luôn tỏ ra là một vị quan thanh liêm, có đức độ nên được nhân dân các địa phương rất ngưỡng mộ và thường gọi ông là “Hoạt phật” (Phật sống).
Khi ông giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa, ông là người cương quyết chống lại đường lối thỏa hiệp với Pháp (Hiệp ước Quý Mùi 25-8-1883) của triều đình nhà Nguyễn. Năm 1883 Pháp tấn công Hưng Hóa, ông đã chỉ huy binh lính giữ thành. Quân thì ít, thế thì nguy, Nguyễn Quang Bích định liều chết để giữ thành những các tướng lĩnh bên cạnh đã kịp thời đưa ông lên ngựa, phá vòng vây của quân Pháp chạy về Tam Nông (Phú Thọ ngày nay), sau đó ông đến Cẩm Khê thu thập quân binh tính chuyện cố thủ lâu dài.
Năm 1885, khi vua Hàm Nghi, phát động phong trào Cần Vương kêu gọi văn thân sĩ phu và nhân dân cả nước đúng dậy chống Pháp cứu nước. Cùng lúc đó có dụ khai phục và thăng chức cho các quan văn võ ngoài Bắc. Nguyễn Quang Bích được phong cấp Thượng thư bộ Lễ sung Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ, có toàn quyền chọn văn võ các cấp và được giao nhiệm vụ mang quốc thư sang Trung Quốc cầu viện. Ngoài việc đi Trung Quốc nhờ giúp đỡ về quân sự, Nguyễn Quang Bích còn có mục đích bí mật yêu cầu Lưu Vĩnh Phúc đưa đội quân Cờ Đen xuôi sông và Tôn Thất Thuyết thì từ miền Trung ra để phối hợp chiến đấu cùng một lúc nhân dân Trung và Bắc Kỳ đồng loạt nổi dậy. Nhưng trước đó triều đình nhà Thanh mới ký thêm với Pháp Điều ước Thiên Tân (9-6-1885), hoàn toàn nhượng bộ tư bản Pháp, công nhận nền đô hộ của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Nguyễn Quang Bích hai lần sang Trung Quốc cầu viện, chuyến đi thứ hai cũng không mang lại kết quả gì đáng kể. Khi đó thực dân Pháp đã khóa chặt biên giới hai nước, Nguyễn Quang Bích phải luồn rừng vượt suối trở về nước tập trung lực lượng, lập căn cứ mới tại vùng Nghĩa Lộ (châu Văn Chấn, nay là thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) để tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Nhân nhân các châu huyện xung quanh ủng hộ lương thực, lập kho dự trữ để đảm bảo cho cuộc chiến. Nghĩa quân ngày càng tăng, nên quân Pháp mấy lần càn quét hai huyện Văn Bàn và Văn Chấn (đầu tháng 12-1886) , đánh vào Đại Lịch (1-1887) đều bị nghĩa quân của ông phục kích đánh, quân Pháp thiệt hại phải rút lui. Bị thất bại, quân Pháp một mặt dùng quân đội đàn áp, một mặt cho tay sai là Bố chánh ngụy tỉnh Hưng Hóa và Tri phủ ngụy Lâm Thao đến dụ dỗ nhưng Nguyễn Quang Bích đã cự tuyệt. Tháng 11 - 1887, Pháp tấn công vào Nghĩa Lộ. Tháng 4 năm 1888, Soái phủ Nam kỳ gửi thêm viện binh ra Bắc, ngay sau đó quân Pháp chia thành hai đạo quân tiến lên Nghĩa Lộ. Nguyễn Quang Bích tập hợp các tướng sĩ bố trí một trận phục kích lớn, dọc đường cả hai dạo quân của Pháp đều chịu thiệt nặng vì bị mai phục, nên mặc dù quân Pháp chiếm được một số nơi mà vẫn phải triệt hồi. Thời gian sau Nguyễn Quang Bích rời căn cứ Nghĩa Lộ đến Yên Lập là một huyện của tỉnh Phú Thọ để củng cố phong trào kháng chiến tại vùng này. Ở đây, Nguyễn Quang Bích đã phái nhiều đạo quân đi đánh nhiều nơi và cũng thu được một số kết quả.
Năm 1890, Nguyễn Quang Bích chuyển bệnh rồi mất. Thi hài ông được chôn cất trên ngọn núi Tôn Sơn (căn cứ của nghĩa quân) thuộc xã Mộ Xuân, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Về Sự nghiệp văn chương: Nguyễn Quang Bích để lại Ngư phong thi tập (Tập thơ Ngư Phong), gồm 97 bài thơ bằng chữ Hán phần lớn theo các thể Đường luật, sáng tác trong những năm ông lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, biểu lộ tiếng nói bi phẫn, đặc trưng cho một giai đoạn lịch sử. Ngoài ra, ông còn có các bài văn, câu đối, liễn điếu viếng các đồng đội tử trận, và "Thư trả lời quân Pháp" với lời lẽ khảng khái, ý chí quyết hi sinh vì độc lập, dân tộc.
Dưới đây xin giới thiệu bài thơ “Đi dường núi tự an ủi” - một bài thơ ông làm khi đang đi chinh chiến.
Nguyên văn:
山 路 行 自 慰
崎 嶇 莫 怕 路 行 難,
圖 報 餘 生 誓 寸 丹。
頭 上 君 親 天 日 照,
江 山 到 處 護 平 安。
Phiên âm: Sơn lộ hành tự uỷ
Khi khu mạc phạ lộ hành nan,
Đồ báo dư sinh thệ thốn đan.
Đầu thượng quân thân thiên nhật chiếu,
Giang sơn đáo xứ hộ bình an.
Dịch nghĩa: Đi đường núi tự an ủi
Gập ghềnh chẳng sợ đường khó đi
Kiếp sống thừa thề đem tấc son để lo toan báo nước
Quân thân đặt trên đầu, có mặt trời soi xét
Khắp non sông, đến nơi nào cũng được phù hộ bình yên.
Dịch thơ (Bản dịch của Kiều Hữu Hỷ)
Gập ghềnh nào sợ bước gian nan
Cứu nước thân già dạ sắt son
Trung hiếu trên đầu trời chiếu rọi
Giang sơn che chở được bình an
(Ngày 10 tháng 7 năm Ất dậu (19 - 8 -1885) Nguyễn Quang Bích phụng mệnh đi sứ sang Vân Nam xin quân cứu viện của Trung Quốc, dọc đường tức cảnh làm bài thơ này).
Ngày nay, tên Nguyễn Quang Bích được đặt cho một con phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Nguyễn Quang Bích dài khoảng 120m, nối phố Phùng Hưng với phố Nguyễn Văn Tố . Ngoài ra, tên ông còn được đặt cho các đường phố và trường học ở các địa phương khác như ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Bình v.v...
Nguồn: baotanglichsu.vn ; thivien.net