494 lượt xem

Nguyễn Quang Toản

Nguyễn Quang Toản (chữ Hán: 阮光纘, 1783 – 1802) hay Cảnh Thịnh hoàng đế (景盛皇帝), là con trai thứ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Ông lên ngôi tháng 8 năm 1792 khi mới 9 tuổi, sau khi Nguyễn Huệ mất, năm sau đổi niên hiệu thành Cảnh Thịnh. Tháng 8 năm 1801 ông đổi niên hiệu thành Bảo Hưng. Nguyễn Quang Toản là Hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn nhánh Nguyễn Huệ và cũng là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại này.

Cảnh Thịnh sau khi lên ngôi thì bị họ ngoại chuyên quyền, trong đó có cậu họ là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Vua Quang Toản nhỏ tuổi, không có kinh nghiệm nên không giữ được việc triều chính, làm cho các đại thần quay sang giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi và đây là cơ hội cho Nguyễn Ánh tấn công để giành lại chính quyền chỉ sau một thời gian rất ngắn.

Nội bộ lục đục

Khi vua Quang Toản mới lên ngôi thì mới có 9 tuổi, không có khả năng nắm việc triều chính. Cậu họ là Bùi Đắc Tuyên làm thái sư rất chuyên quyền, còn Ngô Văn Sở khi đó trấn giữ thành Thăng Long, coi hết việc quân dân, được thăng chức đại tổng lý, tước quận công.

Năm 1794, Cảnh Thịnh sai Vũ Văn Dũng ra coi binh mã bốn trấn Bắc Hà. Dũng đến trạm Hoàng Giang, gặp trung thư lệnh Trần Văn Kỷ phạm tội bị đày ở đó, Kỷ nói với Dũng rằng:

Quan thái sư chức vị đã cao tột bực, trong tay nắm quyền làm oai làm phúc, lại đẩy ông ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho nhà nước, các ông phỏng còn giữ được đầu chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi, sau này ăn năn sao kịp?
Dũng tin và trọng Kỷ, nên cho lời Kỷ là phải. Hôm sau, Dũng đem quân bản bộ quay về, hợp mưu với thái bảo Hóa, bắt phe đảng Đắc Tuyên bỏ ngục; lại sai người vào Quy Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ  (con Bùi Đắc Tuyên) và sai đô đốc Hài ra thành Thăng Long lập mưu bắt Ngô Văn Sở đưa về, thêu dệt thành tội trạng làm phản để dìm xuống nước cho chết hết. Sau đó, Dũng lại sai Hóa vào giữ thành Quy Nhơn.

Trần Quang Diệu đang ở Nha Trang thì được tin cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở đều đã bị Vũ Văn Dũng giết chết, sợ vạ lây đến mình, bèn kéo quân về, họp bàn cùng bọn tướng tá, định dùng quân lực bắt Vũ Văn Dũng. Ngay lập tức Diệu giải vây cho thành Nha Trang rồi kéo quân về thành Quy Nhơn để sau đó tiếp tục về kinh đô Phú Xuân (Huế). Về tới làng Yên Cựu ở phía nam kinh thành, trên bờ sông Hương, Diệu đóng quân ở bờ nam sông. Dũng cùng bọn nội hầu Tứ đem quân bản bộ đóng ở bờ bắc sông, mượn lệnh vua để chống lại với Diệu.

Vua Quang Toản phải sai các trung sứ qua lại vỗ về hoà giải, Quang Diệu mới chịu đem tả hữu vào yết kiến Cảnh Thịnh và giảng hòa với Vũ Văn Dũng; kế đó Diệu lại xin cho gọi Hóa về và xin cho Lê Trung thay chân Hóa, trấn giữ Quy Nhơn.

Khi ấy, các cận thần ở bên Cảnh Thịnh gièm pha rằng oai quyền của Diệu quá lớn, đang toan có mưu khác. Toản tin là thật, liền rút hết binh quyền của Diệu, chỉ cho giữ một chức quan vào hàng thị thần mà thôi. Quang Diệu vốn tương đắc với Lê Trung, nên gửi mật thư vào Quy Nhơn, hẹn Trung cất quân lập Nguyễn Quang Thiệu (con Nguyễn Huệ, anh Cảnh Thịnh) làm vua. Trung theo lời kéo quân về, Quang Thiệu đem quân tiếp ứng phía sau.

Quân của Trung về đến Quảng Nam, vua Quang Toản sai Diệu đi bảo Trung lui quân. Trung không thông báo cho Quang Thiệu mà một mình một ngựa theo Diệu về yết kiến Cảnh Thịnh. Quang Thiệu sợ hãi phải rút quân về Quy Nhơn, đóng chặt cửa thành để cố thủ.

Nguyễn Quang Toản sai tướng đến đánh liên tiếp mấy tuần không hạ được, tự mình làm tướng đem quân đi. Đến Lê Giang, thái phủ tên là Mân tâu với Toản rằng:

Cuộc biến loạn Quang Thiệu thực do Lê Trung gây nên, tội không thể tha, xin giết ngay để răn kẻ khác.

Cảnh Thịnh nghe theo và cho vời Trung vào dinh, sai võ sĩ trói lại đem chém. Con rể Lê Trung là đại đô đốc Lê Chất hận việc giết cha vợ nên đầu hàng Nguyễn Ánh. Sau đó, Toản tiến đánh Quy Nhơn, mười ngày sau hạ được thành, bắt Quang Thiệu cùm đưa về, dùng thuốc độc giết chết. Toản để Mân ở lại giữ thành Quy Nhơn.

Nguồn : https://nguoikesu.com