307 lượt xem

Nguyễn Thông và vẻ đẹp thơ văn nhà Nho hành đạo nửa sau thế kỷ XIX

Nguyễn Thông (1827-1884) vốn xuất thân là một nhà Nho và sự nghiệp hành đạo của Nguyễn Thông chứng minh cho sự tồn tại để xác lập nên một mẫu nhà Nho hành đạo trong thời đại mới ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX trong lịch sử văn chương Nho giáo Việt Nam. Ông đồng thời là nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, nhà sử học có ý thức trách nhiệm cao, có đóng góp rất tích cực cho sự nghiệp chung của đất nước.

1. Nguyễn Thông tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am; là quan lại triều Nguyễn và là danh sĩ nổi tiếng Việt Nam thế kỷ XIX. Ông sinh ngày 22-6-1827 tại làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Ông từng có điều kiện theo học trường của thầy Võ Trường Toản tại Gia Định. Năm 1849, ông thi đỗ cử nhân lúc 23 tuổi. Hai năm sau thi Hội, vào đến trường ba nhưng vì quyển thi của ông lấm mực nên bị đánh hỏng. Vì gia cảnh nghèo, không thể tiếp tục theo đuổi việc học, Nguyễn Thông đành phải nhận chức Huấn đạo ở huyện Phú Phong (An Giang). Đến năm 1856, nội các đề cử ông ra Huế dự việc biên soạn sách. Năm 1859, khi thực dân Pháp xâm chiếm miền Đông Nam Kỳ, ông xin vào Nam tòng quân và được cử làm tham mưu (coi việc cơ mật) cho tướng Tôn Thất Hiệp. Năm 1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông được thăng từ Vệ úy lên Chưởng vệ, sung chức Phó Đề đốc để hiệp thương cùng Trương Định chống giặc. Năm 1862, triều đình nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Hưởng ứng phong trào “tị địa” (không sống chung với giặc), ông về miền Tây giữ chức Đốc học Vĩnh Long, dưới quyền của Phan Thanh Giản. Đến khi ba tỉnh này cũng bị mất vào năm 1867, Nguyễn Thông nhận chỉ ra Bình Thuận làm Án sát rồi tiếp theo là Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi. Ở những nơi ấy, ông cho lập nhiều trang trại, thu nạp dân Nam Kỳ ra đấy ngụ cư, vận động nhân dân địa phương khẩn hoang, làm thủy lợi, trồng cây... và dốc sức diệt tệ nhũng lạm, cường hào.

Trong tình hình đó, Nguyễn Thông đã bị bọn xôi thịt, hủ lậu cấu kết nhau gièm pha. Cộng thêm ông bị tên Lê Doãn vu cáo; cả tin, triều đình ra lệnh cách chức, bắt giam và xử đánh roi ông. May mà nhờ bạn bè, nhân dân hết sức minh oan, ông mới được giảm tội... Năm 1873, do nhiều bệnh, Nguyễn Thông xin cáo quan về nghỉ ở Trại Núi (Bình Thuận), lập thi xã, mở trường dạy học. Năm 1876, ông ra Huế làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, rồi lại về Bình Thuận giữ chức Phó sứ Điền nông kiêm Đốc học. Bấy giờ bệnh của ông ngày càng nặng, bởi những trận đòn tra khảo năm xưa cùng tâm trạng luôn lo âu vì nạn dân, nạn nước... nên vào năm 1878, Nguyễn Thông xin nghỉ dài hạn tại Phan Thiết. Dù vậy, thường ngày ông vẫn cùng quan lại địa phương sốt sắng giải quyết việc cho dân. Nơi đây ông lập một nhà học lấy tên Ngọa Du Sào (Tổ nằm chơi). Năm 1881, Nguyễn Thông được lệnh ra Bình Thuận đảm đương trọng trách cũ và ông đã qua đời tại đây (ngày 7-7-1884), hưởng thọ 57 tuổi.

Như vậy, với những gì đã thể hiện, có thể khẳng định, Nguyễn Thông trước hết đã xác lập trên tư thế một nhà Nho hành đạo trong thời đại mới, thời đại của sự đổi thay mẫu người này trong lịch sử Nho giáo trung đại. Nếu nhà Nho hành đạo trước đó theo đuổi, gắn bó với sự nghiệp khoa cử với khát vọng kinh bang tế thế, khát vọng được hiện thực hóa giáo lý của Nho giáo, được mang tài năng phục vụ triều đại và nhân dân thì đến giai đoạn này, khi Nho giáo dần không đảm nhiệm được sứ mạng của nó và chuyển lại cho các học thuyết chính trị - xã hội mới thì nhà Nho hành đạo cũng buộc phải có một sự lựa chọn con đường hành đạo của riêng mình. Cùng với một số nhà Nho - nhân sĩ trí thức thức thời của thời đại, Nguyễn Thông đã tích cực tham gia vào công cuộc kháng Pháp. Mặc dù thất bại, song qua đó những nhà Nho hành đạo đã bộc lộ được vẻ đẹp cá nhân của mình với tư cách một người yêu nước, yêu dân và khát vọng độc lập dân tộc tiêu biểu của Nam Bộ giai đoạn từ sau năm 1858 đến hết thế kỷ XIX.

2. Trước tác Nguyễn Thông hiện còn 76 bài thơ, 25 bản văn, 6 bản sớ điều trần; và có khoảng 200 đầu sách nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của ông. Tiêu biểu có: Ngọa Du Sào thi tập, Ngọa Du sào văn tập, Kỳ xuyên công độc văn sao, Việt sử cương giám khảo lược, Nhân sự kim giám… Thơ văn Nguyễn Thông có nội dung khá phong phú. Trong đó, một số lượng đáng kể ông dành cho việc tỏ bày, thể hiện nỗi xót xa, đau đớn khi chứng kiến cảnh khói lửa của quê hương trong cuộc đối đầu không cân sức giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp lúc bấy giờ. Vì nạn ngoại xâm cộng thêm thiên tai mất mùa triền miên, sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá áp bức nên người nông dân nhiều nơi ly tán, loạn lạc, đói rách… Lời thơ của ông vì lẽ đó mà được viết ra với một nỗi đồng cảm chia sẻ hết sức sâu sắc:

Ngóng về nơi sực mùi máu chiến tranh phía trời Nam,

Mười năm mơ được quay đầu ngựa về hướng Mai Đình.

Nào hay ngay chốn xa xôi mưa Mường khói Mán,

Cũng vẫn có mặt vị khách tinh lưu lạc giang hồ.

(Ở xứ Bình Hòa gặp người đồng hương là Hà Lang)1

Nhìn cảnh triều đình liên tiếp nhượng bộ kẻ thù, mặc cho bọn thực dân ra sức thao túng, hoành hành ở miền Nam, trong khi miền Bắc thì vẫn hừng hực khí thế của các cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu và nông dân yêu nước, song tất cả đều thất bại… mà lòng ông quặn thắt. Tác giả nhìn đâu cũng thấy chiến trường máu đổ mà mình thì dường như bất lực trong khi bầu máu nóng với dân, với nước vẫn nguyên vẹn. Cuối năm 1861, khi quân Pháp chiếm thành Biên Hòa, quân triều đình rút lui về Phước Tuy, Nguyễn Thông có đi theo. cảm khái trước hoàn cảnh lúc bấy giờ, ông viết:

Ve kêu không biết ở nơi nào,

Lúc chiều tối, tiếng nghe càng thêm buồn thảm.

(…)

Nơi mình nghĩ tới ở chân trời xa vời,

Dùng dằng nhưng làm sao trở về được.

(Từ Long Thành đi Phước Tuy cảm hoài trên đường)

Bên cạnh đó, thơ Nguyễn Thông còn thể hiện tình cảm chân thành, giản dị mà sâu sắc đáng quý của ông cho gia đình, vợ con nói riêng, cho xóm làng nói chung:

Sách Âm phù đã mọt, gươm đã rỉ hoen,

Khó hẹn đến khi ngựa mọc sừng, ở mãi đất khách khóm tóc mai đã pha bạc.

Đêm qua nằm mơ về trên sông hưởng cái thú canh rau cần chả cá vược,

Giấc mơ ấy đã theo vòng xuyến bà về quê nhà trước.

(Tiễn vợ về Nam kỳ 2)

Ông nặng lòng với nấm mồ của người em quạnh quẽ nơi đất khách. Đây là bài thơ ông viết về người em tên Hải, tự Quý Hòa, mất và được chôn ở thôn Trung, xã Mỹ Thạnh, huyện Vĩnh Bình (tỉnh Vĩnh Long). Ngày 19-5-1867 (Ðinh Mão) thành Vĩnh Long thất thủ, Nguyễn Thông nhận chỉ đổi ra Bình Thuận. Ngày 5 tháng 7, trước khi ra đi, ông làm bài thơ này để từ biệt nấm mồ người em:

Việc trong Nam biết bao giờ xong?

Mồ chôn nơi đất khách nay lại càng thêm hiu quạnh

Rưới một chén rượu vào đám cỏ thơm trên mồ

Hai hàng nước mắt lã chã rơi dưới bóng chiều tà…

(Từ biệt mộ người em)

Đặc biệt, Nguyễn Thông còn dành tình cảm khá sâu nặng của mình để bày tỏ sự sẻ chia với những nhân sĩ vì chí, vì nghĩa lớn mà phải bỏ mình. Đó là những vần thơ viết về Phan Văn Đạt, Trương Định, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy… Trường hợp ông viết về Nguyễn Duy là một ví dụ tiêu biểu. Ngày 16 tháng giêng năm Tân Dậu (1861), quân Pháp đánh đồn Phú Thọ. Nguyễn Duy (cháu Nguyễn Tri Phương), lúc bấy giờ làm chức tán lý khu Ðịnh Biên, ra sức chống trả, bị tử trận, xác không còn nguyên vẹn, nhờ có người nhận ra dấu áo ông thường mặc mới thu lượm xác đem về táng ở cửa Ðông thành Biên Hòa. Khóc Nguyễn Duy ông viết: “Gió tây xô cây đại thụ/ Một đêm ngã lấp cửa viên/ Khắp đất vùi chôn thịt xương người thao lược hùng tài/ Ba quân khóc nhớ ơn xưa/ Người người tiếc chỉ chôn có chiếc áo không mà thôi/ Nào hay hạo khí mãi vẫn còn/ Hàng năm trên chỗ mộ phần rỗng/ Các bậc di lão vẫn rưới rượu lên ngọn cỏ thơm”.

Trong cuộc đời hành đạo của mình, Nguyễn Thông còn có đóng góp quan trọng trong công cuộc tổ chức, vận động đưa dân đi khai hoang, làm thủy lợi, trồng cây ở hai xứ Quảng Ngãi và Bình Thuận. Những việc làm của ông trên mặt trận này càng cho thấy ở Nguyễn Thông một năng lực tư duy và hành động gắn chặt với thực tiễn, tiến bộ; yêu quý và chủ động gắn bó, gần gũi với đời sống của người nông dân đương thời. Nội dung này cũng đã được ông phản ánh sinh động trong sáng tác của mình. Tiêu biểu như các bài: Khuyến cần nông (Khuyên chăm việc làm ruộng), Khuyến hưng cừ (Khuyên chấn hưng việc thủy lợi), Khuyến tài thực (Khuyên trồng trọt), Tân lang thụ (Cây cau), Ngô đồng (Cây ngô đồng)…

Một nội dung nữa cũng cần phải nhắc đến trong thơ văn Nguyễn Thông chính là sự quan tâm của ông đối với sự nghiệp giáo dục nhằm nâng cao học phong của thời đại bấy giờ. Nguyễn Thông đã có quãng thời gian khá dài với tư cách Đốc học và đây chính là cơ hội giúp ông hiện thực hóa tư tưởng thực học của mình được khơi nguồn từ trước đó qua nhà Nho Võ Trường Toản. Với những trải nghiệm quý giá của mình trên các cương vị khác nhau, đặc biệt là những công việc có liên quan đến giáo sự, Nguyễn Thông càng có thêm cơ hội và kinh nghiệm thể hiện tư tưởng giáo dục cũng như sáng tạo nghệ thuật gắn với thực tiễn hiện thực của đời sống xã hội. Vì lẽ đó mà ông phản đối lối học cũ sáo mòn, tầm chương trích cú, hoa mỹ hình thức và không đào sâu vào nội dung tư tưởng. Kẻ sĩ thì không chỉ sách vở ru rú một xó mà phải xông pha, tham gia xâm nhập đời sống của nhân dân thì mới có thể có những trang viết sinh động và thuyết phục được người đọc.

Bên cạnh những quan hoài trở trăn của mình trên tư cách của một nhà nho yêu nước và hành động hướng về đất nước dân tộc, về người dân cũng như học phong Nam Bộ lúc đó, trong thơ Nguyễn Thông còn một số bài thơ hướng nội với sự thể hiện những ưu tư thân phận cá nhân, lời thơ buồn váng vất mà đẹp đẽ. Đó cũng là lúc ông hướng sự quan tâm của mình tới thiên nhiên trăng gió với mong muốn được hưởng chút an nhàn của kẻ sĩ mà cả cuộc đời hành trình cùng thời đại đau thương của đất nước.

3. Một đóng góp quan trọng khác của Nguyễn Thông không thể không nhắc tới chính là những nội dung tư tưởng của ông được thể hiện qua điều trần bốn việc nội trị khi được vua Tự Đức cầu lời nói thẳng. Bốn việc đó là: chọn nhân tài bổ làm quan; cải tiến việc võ lược; sửa đổi thuế và thổ sản; chú trọng điều khoan hậu. Các nhà nghiên cứu đã từng đánh giá, mặc dù bản tấu này của ông đã có lịch sử hơn một thế kỷ song nó vẫn chứa đựng nhiều giá trị, nhất là với công cuộc cải cách, đổi mới của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ví như về việc chọn nhân tài bổ làm quan, Nguyễn Thông viết: “Thời xưa chọn kẻ sĩ, phải xem xét rõ ràng, chắc chắn rồi mới bổ làm quan. Vì chức quan mà chọn người, không vì người mà chọn chức quan... Thế mà nay những học trò sơ học non nớt, những con nhà quyền quý vênh váo, những bọn lại điển tầm thường; không xét hạnh kiểm, không lường tài năng, chỉ căn cứ vào phẩm hàm của cha ông mà giao ngay cho trách vụ trọng yếu. Làm quan không có đủ tư cách mà cho giữ chức điều khiển, không trong sạch mà cho giữ quyền tài chánh, không giỏi phán đoán mà cho giữ việc can răn, quen thói nể nang mà cho làm việc điều bổ quan chức (... ).

Từ nay xin, mỗi lần chức vụ có khuyết thì Bộ Lại phải xét trước những người đáng được điều bổ. Phẩm hàm ngang nhau thì xét hạnh kiểm. Hạnh kiểm ngang nhau thì xét tài năng. Tài năng ngang nhau thì xét công trạng... Sau khi đã nhận chức, nếu có người nào làm công việc không chạy hoặc làm điều tham ô, thì Bộ ấy phải chịu trách nhiệm. Có như thế, ở triều đình không có người bất tài, quan lại không có người lạm chức...”.

Qua những ý tưởng và cách làm của Nguyễn Thông trên đây, đặt trong bối cảnh hiện nay của đất nước, một lần nữa chúng ta chia sẻ với ông về khát vọng, tâm huyết trong việc xây dựng một bộ máy quan lại trong sạch, vì dân và chế độ. Chỉ tiếc là nhà Nguyễn đã không nghe theo điều trần của ông như đã từng không nghe nhiều đề nghị canh tân của nhiều trí thức cấp tiến lúc bấy giờ (Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ...). Âu đó cũng là quy định và hạn chế có tính lịch sử mà rõ ràng nhà Nguyễn đã không vượt qua được.

Đánh giá về thơ văn Nguyễn Thông, tác giả Lê Chí Dũng và Nguyễn Kim Hưng viết: “Thơ văn Nguyễn Thông là tấm lòng ưu ái đối với những người xấu số, sự quan tâm đến nghề làm ruộng và gắn bó với đời sống của nông dân. Ông ca ngợi và xót thương những người hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Nổi bật và bao trùm là tấm lòng yêu mến quê hương mà ông phải lìa bỏ vì không chịu sống trên đất kẻ thù đã chiếm đóng... Đó là nét đặc sắc của một con người tiêu biểu cho phong trào tị địa - một trong những phong trào yêu nước ở Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX”2. Về bút pháp, nhận thấy, hầu hết trước tác của ông đều thiên về tả thực, hướng đến và thể hiện sự gắn bó sâu sắc với tình hình chính trị - xã hội cũng như đời sống của người dân lúc bấy giờ. Thơ ông giàu tính chất trữ tình, mang tính tố cáo cao, không sa đà viển vông hay sáo rỗng... Tuy nhiên, đôi lúc trong thơ văn ông, nhất là những bài thơ mang tính hướng nội, khai thác cái tôi cá nhân trong sự đối diện với mất mát của dân tộc hay trở trăn phận vị theo truyền thống Nho giáo thì xúc cảm không tránh khỏi sự buồn bã, hiu hắt của một nhà Nho cảm thấy bất lực trước vận mệnh tồn vong của non sông mà ông yêu mến thiết tha.

* * *

Nguyễn Thông là một nhà trí thức yêu nước, nhà văn hóa lớn tiêu biểu của Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX. Tài năng và nhân cách của ông là một tấm gương sáng về hình ảnh một trí thức chân chính, một con người mà cuộc đời từng trải qua nhiều cay đắng song luôn giữ trọn lòng trung hiếu, sắt son luôn hướng về đất nước và người dân. Đó sẽ là những phương diện vẻ đẹp vĩnh viễn lưu dấu đối với mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước hôm qua, hôm nay và mai sau.

PGS. TS. Lê Văn Tấn

Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam