248 lượt xem

Thượng thư Nguyễn Mại - Bao Công đất Việt - kỳ 2: Tài cảm hóa lòng người

Tài cảm hóa lòng người của Nguyễn Mại còn khiến cho từ giặc cướp, giặc phỉ đến các tù nhân... đều thán phục. Tuy nhiên, cuộc đời ông lại chịu nhiều oan khiên.

Trộm cướp cũng phải thán phục

Sách Đăng khoa lục sưu giảng còn lưu lại câu chuyện Nguyễn Mại phân xử vụ tranh chấp màn giữa hai người đàn bà. Một lần Nguyễn Mại đi qua chợ Bảo Khám ở Gia Bình (Bắc Ninh), thấy người đàn bà mất màn (sách Hải Dương phong vật chí thì ghi là mất con gà) đang to tiếng chửi rủa. Có lẽ vì xót của mà bà ta lôi cả tam đời ngũ đại kẻ đánh cắp ra chửi.

Nguyễn Mại nghe thấy bèn sai trói người đàn bà ấy ở quán, mắng là ác khẩu, mất một cái màn đáng giá bao nhiêu mà chửi cả tổ tông người ta. Nói rồi ông sai tất cả người dân trong làng, cả già trẻ gái trai, đến vả vào mồm bà này.

Mọi người vì sợ lệnh quan mà miễn cưỡng chấp hành, nhưng vẫn thương hại bà không nỡ tát mạnh. Duy có một người đàn bà lại tát hết sức mạnh. Nguyễn Mại lập tức cho bắt lại và tra hỏi.

Quả nhiên đó chính là thủ phạm, vì bị chửi rủa mà căm phẫn bất bình, tát cho sướng tay nên mới lộ chân tướng tội phạm. Ai cũng khen Nguyễn Mại là thần minh

Ngoài việc xét xử như thần, Nguyễn Mại còn có tài năng cảm hóa lòng người. Tương truyền, thời còn làm Đốc trấn Cao Bằng, ông thường xuyên phải đối phó với nạn trộm cướp từ giặc phỉ. Suy xét kỹ thì thấy đám giặc phỉ này thực chất chỉ là nông dân nghèo, vì quá đói kém nên mới sinh trộm cướp.

Thế rồi, ông sai quan quân dàn trận bắt sống cả lũ nhưng không hề xét xử, cũng không hề báo cho quan lại. Việc duy nhất ông làm là thả chúng về. Ít lâu sau, giặc phỉ lại tràn sang. Ông bắt rồi lại thả về, thậm chí còn cấp lương cho ăn dần. Nguyễn Mại bắt rồi thả đám giặc phỉ tổng cộng ba lần. Kể từ đó, trấn Cao Bằng không còn chịu nạn giặc phỉ sang cướp phá nữa.

Một lần khi làm Đốc trấn Sơn Tây, nơi ông làm việc bất ngờ bị cháy. Đám cháy lớn lan nhanh sang cả nhà ngục bên cạnh, nơi đây nổi tiếng giam giữ những tên đầu trộm đuôi cướp, lưu manh của cả trấn.

Lúc này, Nguyễn Mại ra một quyết định đầy nguy hiểm là sai người mở khóa thả toàn bộ tù nhân ra. Ông sợ nếu cứ để họ trong đó, tất cả sẽ chết cháy. Khi đó những tên này hoàn toàn có thể chạy trốn, nhưng không ai bảo ai, mọi người ở lại chuyền tay nhau từng gáo nước dập lửa. Sau đó, tất cả trở về trại giam không sót một ai. Tài đức của Nguyễn Mại khiến cả trộm cướp cũng phải thán phục như thế.

Cuối đời chịu nhiều oan khiên

Nguyễn Mại có hai con trai sinh đôi. Năm 16 tuổi, cả hai đều đỗ Hương cống nhưng chẳng may mắc phải nạn dịch nên đều chết. Ông rất đau buồn nhưng không vì thế mà bỏ bê công việc, giữ gìn gia phong và xét xử các vụ án công minh.

Là người thanh liêm chính trực, nhưng cuối đời Nguyễn Mại lại chịu nhiều oan khiên và chết trong bí ẩn. Có tài liệu nói là vì mạo phạm can gián chúa Trịnh Cương mà ông bị ám sát khi còn đương chức. Người con trai thứ ba đưa linh cữu cha về an táng tại quê nhà.

Tuy nhiên, ngay cả khi nằm xuống, vị quan thanh liêm này vẫn không tránh khỏi tai ương. 20 năm sau khi Nguyễn Mại mất, năm 1740, nông dân vùng Chí Linh nổi dậy, tập hợp nghĩa quân chống lại triều đình vì không chịu nổi áp bức. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là anh em Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, đó là  hai cháu nội của Nguyễn Mại.

Chúa Trịnh sai quân đi đánh dẹp vùng Chí Linh. Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển bị bắt, quy kết tội làm phản nên chịu tội chém đầu, tru di tam tộc. Mồ mả họ hàng nhà hai ông bị xâm phạm, trong đó có cả mộ Nguyễn Mại.

NGUYỄN THÀNH TRUNG