239 lượt xem

NGUYỄN CÔNG THÁI

Nguyễn Công Thái (1684-1758) còn có tên là Nguyễn Kim Thái, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ông từ thuở đi học đã nổi tiếng văn tài, đến năm 1703 dự kỳ thi ở trấn đỗ thứ nhất, sau đó dự kỳ thi Hương đỗ đầu (Giải nguyên), tại kỳ thi hội năm Ất Mùi (1715) đời Lê Dụ Tông, ông lại đỗ đầu đoạt danh hiệu Hội nguyên Tiến sĩ.

Nguyễn Công Thái làm quan 40 năm, đảm nhận nhiều chức quan như Hiến sát sứ Nghệ An, Đốc đồng xứ Thanh Hóa, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, phong công thần, tước Kiều Quận công. Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Công Thái là việc tham gia đấu tranh bảo vệ biên giới lãnh thổ, tranh biện và bẻ lý đòi lại đất đai bị bọn thổ ty phủ Khai Hóa, Mông Tự thuộc Vân Nam của nhà Thanh chiếm đóng, giữ lại được mỏ đồng Tụ Long ở châu Vị Xuyên, giành lại 4 xã ở Bảo Sơn (nay thuộc Cao Bằng).

Nguyễn Công Thái chính là thầy học của chúa Trịnh Sâm nhưng ông khước từ mọi ân huệ, tiền của mà học trò tặng, chỉ nhận đất lộc điền 100 mẫu do vua ban cho nhưng lại mang chia hết cho con cháu và dân làng cày cấy. Sự giản dị, thanh khiết của ông còn thể hiện ở đời sống, dù làm quan to nhưng nhà ông chỉ làm bằng tre nứa đã cũ, các con đều ăn cơm hẩm và đi bộ...

Theo gia phả họ Nguyễn có chép về hành trạng của ông thì sáng sớm đã vào triều chầu vua, mặt trời lặn mới về, ở chốn công đường trọn ngày ngồi chững chạc, không hề có dáng lười biếng. Kiệu ngồi không tô vẽ lộng lẫy, khi vào triều để nón lá và áo tơi ở sau kiệu, mũ để trong hòm có gia nhân mang theo. Khi đi trên đường phố, người kinh đô bảo nhau cứ thấy phu kiệu dóc tóc là biết ông đi qua vì quân hai đội tiềm xa lực của ông đều dóc tóc. Tuỳ binh chỉ có 30 người. Ngày giỗ kỵ không tiếp tân khách, không nhận quà biếu. Sau khi mất, Nguyễn Công Thái được triều đình truy tặng hàm Thái bảo.

Ngoài “Tứ hổ” nói trên, đất kinh kỳ Thăng Long vào thế kỷ XVIII còn có 4  danh sĩ cũng được tôn là “Tràng An tứ hổ” là Nguyễn Huy Kỳ, người Thủy Nguyên, phủ Kiến An, trấn Hải Dương (nay là huyện Kiến An, TP Hải Phòng); Trần Danh Tân, người Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, trấn Hải Dương (hay thuộc huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng); Nguyễn Bá Cư (không rõ quê quán) và Vũ Toại, người huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Tổng hợp SGT Group