271 lượt xem

Bùi Cầm Hổ - Vị quan triều Lê được đặt theo tiếng hổ gầm (kì 1)

Bùi Cầm Hổ - vị ngôn quan nổi tiếng

Bùi Cầm Hổ (1390-1483), danh nhân Việt Nam thế kỉ XV, làm quan Ngự sử ba triều vua đầu thời Lê Sơ (1428-1527). Ông sinh ra và lớn lên tại xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc (nay là thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh); là con trai thứ ba của cụ Bùi Tôn Đường, sinh cơ lập nghiệp tại chân núi Bạch Tỵ xã Đậu Liêu.


Tượng thờ Bùi Cầm Đài. Nguồn: sưu tầm

Am hiểu hơn cả thầy

Ông nội Bùi Cầm Hổ là quan Giám vận triều Trần, sống giữa thế kỉ XIV, quê xã Cổ Phi, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn (nay thuộc Hải Dương); là người phụ trách vận chuyển quân lương phục vụ cuộc Nam chinh của vua Trần. Khi đoàn thuyền đến bến Lang Cảnh (bến đò Cài), đã kết hôn với một phụ nữ người Kẻ Cài, xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc và ở lại đây, sinh tới 10 con trai, trong đó có ông Bùi Tôn Đường.

Theo tư liệu dòng họ, Bùi Cầm Hổ sinh ra có tướng mạo khác thường, mắt sáng, da đen. Khi Bạch Thái Bà trở dạ, trong nhà có tiếng hổ gầm cùng một luồng hang vận với mùi thơm lạ. Tôn Đường sang nhà chùa gần đó thỉnh cầu nhà sư, được bảo là điềm lành “Thiên nhạc giáng Thần”, lấy làm mừng và nhân đó đặt tên con nghĩa là: họ Bùi bắt được hổ.

Cậu bé Hổ sáng dạ, văn hay, chữ tốt, nhanh nhẹn, thông minh, khẳng khái hơn người, càng lớn càng bộc lộ nét tài hoa; được cha mẹ đặt kỳ vọng, cho ra Thăng Long theo học, với mong mỏi sẽ giành khoa bảng và không phụ lòng cha mẹ…

Một lần, cùng các học trò nghe quan Tư ở Quốc Tử Giám giảng về Kinh Dịch, giảng nghĩa câu “Hàm, Hoằng, Quang, Đại, Phẩm vật ham hanh”, Bùi Cầm Hổ cho rằng chưa thoát nghĩa.

Khi ra quán rượu ngồi bàn, nhiều người bảo: “thầy ta giảng thâm thúy đấy chứ!”, Bùi Cầm Hổ nói: “thầy giảng ở nơi hàng trăm học trò, tất không nói kỹ lưỡng được. Tôi nghe chỉ thấy dẫn lời của Chu Hy bàn về câu này thôi, mà không có chính kiến. Rồi ông nói thấu mọi nhẽ, khiến các học trò nghe mà giật mình về sự am hiểu của anh học trò xứ Nghệ.

Xử lại vụ án vợ giết chồng

Một hôm, Bùi Cầm Hổ cùng các nho sinh đi qua Dinh quan Ngự sử, nghe xôn xao vụ án “Vợ giết chồng” vừa mới xử. Dân tình nói rằng người vợ vì thương chồng mà mắc tội. Chị ta thấy chồng đi xa lâu ngày mới về, đã mua lươn nấu cháo cho chồng ăn, người chồng ăn xong thì lăn ra chết. Thế là chị ta mắc tội giết chồng.

Phỏng đoán được tình tiết của nỗi oan này, Bùi Cầm Hổ nói với các đồng môn: “án này, nếu tôi là pháp ty, ắt xử ra”. Lời ấy đến tai quan hữu ty.

Đang rối như canh hẹ không biết làm sao cho tỏ, quan hữu ty lập tức vời ông đến giao cho xem xét. Bùi Cầm Hổ “dựng lại hiện trường”, cho người đi các chợ mua gom loại lươn sắc vàng lẫn đen mà cổ có chấm lốm đốm, lại hay ngóc đầu lên ba đến bốn tấc thì mua đem về, nấu một nồi cháo lươn và xin cho một tử tù ăn. Tử tù vừa nuốt xong mắt đã trợn trừng chết ngay.

Bằng hiểu biết từ thực tế, Bùi Cầm Hổ cho mọi người hay rằng, có một loại rắn độc rất giống lươn, thường lẫn vào lươn mà khó phân biệt, cả người bán và người mua đều bị nhầm.

Các quan chấp nhận xét xử của Bùi Cầm Hổ, giảm tội chết cho người vợ và tâu vua trọng thưởng. Dân tình thì nức lòng khen anh học trò thông minh, dũng lược.

Bình Định vương Lê Lợi, thấy tấu trình về anh học trò dám cả gan xin xử lại vụ án giết người mà đã xử được, liền vời Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng và ban cho chức Ngự sử.

(còn nữa)