Nguyễn Tư Giản là một danh sĩ và là một vị quan từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ bảy đời vua nhà Nguyễn, gồm: Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh.
Ông sinh năm 1823 tại làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), trong một gia đình khoa bảng nhiều đời, nhưng thanh bạch.
Lúc đầu tên là Văn Phú, sau đổi ra Địch Giản, Vua Tự Đức ban tên là Tư Giản. tự là Tuân Thúc, Hy Bật, hiệu: Vân Lộc và Thạch Nông.
Ông là cháu nội Nguyễn Án, tác giả sách Tang thương ngẫu lục, cùng với Phạm Đình Hổ và nữ sĩ Hồ Xuân Hương gọi là tam tài tử.
Cha ông là Nguyễn Tri Hoàn, là hậu duệ của hoàng giáp Nguyễn Thực làm đến tể tướng đời nhà Lê trung hưng và làm quan tới chức Lang trung bộ Hình dưới thời Minh Mạng.
Từ nhỏ, Nguyễn Tư Giản nổi tiếng thông minh hay chữ. Lên 5 tuổi, thì mẹ mất, lên 11 tuổi thì cha mất, nên ông phải đến ở nhà ông bà ngoại bên ngoài Cửa Bắc thành Hà Nội, gần hồ Trúc Bạch.
Trong bài thơ Đề Phổ Quang tự, ông có lời chú nhắc lại chuyện cũ như sau:
“Ông ngoại tôi làm Thiếu tư khấu (Tham tri bộ Hình), có nhà riêng ở phía bắc cố đô Thăng Long. Nhà kề vườn sau của chùa Phổ Quang. Lúc nhỏ tôi được nuôi dưỡng ở bên ngoài. Hàng ngày tôi thường sang chơi đùa bên sân chùa, đá cầu, cưỡi ngựa tre.”[1]
Ban đầu, học với anh cả ông là Nguyễn Đức Hiến đỗ giải nguyên,làm Đốc Học, sau theo học ông Nghè Vũ Tông Phan, ở thôn Tự Tháp, nằm ở phía tây Hồ Gươm thuộc phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Năm 19 tuổi, ông đi thi nhưng bị hỏng, ba năm sau mới đỗ Cử nhân ở trường Hà Nội, năm sau thì đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp (tức Hoàng giáp) khoa Giáp Thìn (1844) dưới triều vua Thiệu Trị.
Sau khi vinh quy bái tổ ở quê nhà, ông vào Huế để nhận chức Tu soạn Hàn lâm viện, được cử vào ban biên tập bộ Thiệu Trị văn quy và được vua cho đổi tên Văn Phú thành Định Giản. Ở đây ông gặp gỡ nhiều nhân sĩ có tư tưởng tiến bộ như như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện.
Quan niệm người Việt Nam dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức
Thời bấy giờ, tư bản Âu châu phát triễn mạnh cho nên họ tìm thị trường tiêu thụ và nguyên liệu mới để tiếp tục phát triễn công nghệ. Châu Á đất rộng người đông nhưng lạc hậu, tiếp tục văn minh Trung Hoa thởi trung cổ và trở thành mồi ngon của thực dân Âu châu.Việt Nam được xem là bàn đạp để xâm chiếm Trung Hoa.
Trong hoàn cảnh này, vua Thiệu Trị và các đại thần như Trương Đăng Quế, Nguyễn Văn Giai cho rằng ” người Pháp là cuồng di”, những ý kiến lầm lạc ấy tỏ rằng các ngưởi cầm vận mệnh nước ta không hiểu thời thế thiên hạ chút nào cả.[2]
Vua Tự Đức nối ngôi của vua Thiệu Trị là ngưởi giỏi nho học và tôn sùng nho giáo. Cũng như đa số nho sĩ thời đó, nhà vua không hiểu rõ thời thế , cứ tưởng chỉ có nước Trung Hoa và Việt Nam mới là văn hiến.Quan niệm người nước ta còn cho người Âu Châu là rợ như rợ Kim đời nhà Tống có võ bị tài giỏi nhưng là giống người dã man, không đáng cho ta bắt chước.
Năm Bính Thân (1846), Nguyễn Tư Giản được cử làm Tri phủ Ninh Thuận, nhưng vào mùa thu năm sau (1847), vua Tự Đức cho triệu ông về kinh.
Trong mười năm ở kinh đô Huế (1847–1857), ông được nhà vua cho đổi tên lần nữa (Định Giản trở thành Tư Giản), và lần lượt trải các chức vụ: Khởi chú ở lầu Kinh Diên, Thị giảng học sĩ ở Hàn lâm viện, Binh khoa cấp sự trung, Quang lộc tự khanh sung Biên nội các sự vụ.
Năm Đinh Tỵ (1857), Nguyễn Tư Giản được phép về thăm quê, đồng thời nhận nhiệm vụ nghiên cứu tình hình sông ngòi và đê điều ở đất Bắc. Khi trở lại, ông đề xuất “Phương lược trị thủy Nhị hà” gồm 10 điểm lên vua Tự Đức, rồi được chuyển xuống cho các bộ liên quan để cùng bàn bạc thực hiện.
Phương lược trị thủy
Vào thời gian này các đê sông ở Bắc Kỳ thường bị vỡ, gây tai họa lớn. Trong triều đình lúc bấy giờ có hai chủ trương trái ngược nhau:
Phái phá bỏ đê và phái tiếp tục đắp đê thêm. Cho nên nhân chuyến về thăm quê, nhà vua muốn Nguyễn Tư Giản đi tra xét luôn việc này. Khi trở lại Huế, ông đã phân tích rồi kết luận rằng việc phá bỏ đê là một điều rất nguy hiểm. Sau đó ông đề nghị mười điểm:
1/ Đắp đê ở bờ biển để ngăn nước mặn.
2/ Nạo vét cửa biển để khỏi ứ đọng sỏi cát.
3/ Xây các đập để ngừa lúc nước lên to bất ngờ.
4/ Đào các sông nhánh để giữ dòng chính.
5/ Khơi các dòng cũ để phân tán sức nước lũ.
6/ Lấp các nguồn nước đọng để khỏi đọng bùn cát.
7/ Dự trữ tiền gạo để có sẵn chi phí.
8/ Trả tiền công hậu cho những người làm đê.
9/ Mở rộng việc quyên tiền để giúp cho những người trị thủy.
10/ Đặt ngạch dân đinh chuyên trách coi sóc đê điều, chống lụt.
Tuy đang làm Thị lang bộ Lại, ông được cử làm Hiệp chính Biện lý đê chính sự vụ để lo việc trị thủy ở Bắc Kỳ.
Sau khi ký Hiệp ước Thiên Tân với Trung Hoa ngày 27̉-6-1858, thực dân Pháp nổ súng chiếm bán đảo Sơn Trà. Quân triều đình phản công lại, nhưng thất bại. Chiếm xong Sơn Trà, tướng Rigault de Genouilly đưa hải quân vào chiếm Sài Gòn. Đến mùa hè năm 1859, quân Pháp chuẩn bị chiếm Kinh thành Huế, vua Tự Đức và các đình thần hốt hoảng lo lắng. Họp triều bàn thì có nhiều ý kiến trái ngược nhau, tất cả đều được Nguyễn Tư Giản biết.
Tình hình triều đình lúc này được miêu tả bởi nhận xét của Phan Bội Châu như sau:[3]
…Đất nước Việt Nam vào thời kỳ này (nhà Nguyễn) so với từ đời Đường (Trung Quốc) trở về trước, thật đã được mở rộng lên gấp 5, 6 lần.
Nếu như vua quan triều đình Việt Nam đều lo tiếp tục cầu tiến, nâng cao dân trí, phát triển nhân tài; kế hoạch hóa quốc gia, tình hình quân sự mỗi bộ môn, mỗi phương diện đều chăm lo tiến hóa, thì thực lực quốc gia đâu có khác gì lửa hồng gặp củi khô, hừng hực dâng cao cháy đỏ rực cả một góc trời!
….người Việt Nam ta lúc bấy giờ lại có thái độ tự mãn “ôm vàng vác mặt”, ngồi đáy giếng chẳng biết có trời rộng mênh mang. Văn hóa cũng như quân sự đã hèn kém mà ngày càng thêm sa sút; lại thêm quan niệm hủ chấp chính giáo, mỗi việc đều chỉ biết mô phỏng theo các triều đại Minh, Thanh. Văn nhân thì chỉ biết “ôm cây đợi thỏ”, câu nệ theo sách xưa, tục học tầm chương mà cứ vênh vang đắc chí. Người có trách nhiệm về võ thì cũng chỉ lấy cờ trống làm vui làm đẹp, lấy con quyền làm trò khoe tài du hý trẻ con; tự cho mình là hạng người tài hoa chưa từng có.
Điều đáng chê trách hơn nữa là những người có trách nhiệm về vận mạng quốc gia lúc bấy giờ lại còn ra mặt coi rẻ nhân dân, xem thường dư luận. Mọi việc có quan hệ đến đường lối quốc gia, người dân chẳng được hay biết mảy may, chỉ đứng ngoài mà ta thán.
…..Dần dà đến năm Tự Đức nguyên niên , Pháp thấy rõ Việt Nam chỉ là một quốc gia hèn kém về chính giáo, dân quyền ngày càng bị tước đoạt, nhân dân ấm ức bất mãn; đúng là triệu chứng báo hiệu thời kỳ bại vong.
Về nội bộ triều đình, bấy giờ có mấy ý kiến khác nhau: phái Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản là hai viên quan đứng đầu triều chủ trương nghị hòa để giữ thế thủ; phái Trương Quốc Dụng và Phan Huy Vịnh chủ trương chống giữ lâu dài; phái Tô Trân, Hồ Sĩ Tuấn,… chủ trương quyết đánh, không nghị hòa với Pháp. Vua Tự Đức không quyết đoán giữa các chủ trương đó. Ngoài ra chẳng thấy ai hiến kế gì mới hơn.
Tháng 7 năm Kỷ Mùi (1859), Nguyễn Tư Giản dâng sớ về Huế, mong nhà vua đừng hòa với thực dân Pháp. Đại Nam thực lục (đệ tứ kỷ, quyển 19) có ghi: Quan đê chính là Nguyễn Tư Giản dâng sớ nói thiết tha rằng không nên hoà với Tây Dương.[4]
Bản mật sớ này phân tích kỹ lý do vì sao không nên giảng hòa với giặc, mà cần kiên trì kháng chiến để bảo toàn lãnh thổ và giữ cho được chủ quyền đất nước trước cuộc xâm lăng của Tây dương.
Vua đưa tờ sớ ấy hỏi ý kiến Viện cơ mật; đại thần Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản cực lực phản đối và cho rằng tờ sớ của ông đã xúc phạm đến ý tốt của họ.
Vua Tự Đức không nghe những lời can gián của Nguyễn Tư Giản và trả lời như sau: “Xử lý việc Dương di, là xuất từ ý trẫm. Để trẫm bàn lại với các đại thần trong triều, mong sao cho công việc tốt đẹp, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Khanh đang ở bên ngoài, nghe tin đồn chưa chính xác, nên lời lẽ hùng hồn mà không trúng, thậm chí quá đáng. Tuy nhiên, nói thật nói thẳng cũng là bổn phận của bề tôi, trẫm miễn tội cho khanh. Mọi việc đã có triều đình lo liệu, khanh nói lắm làm gì?”
Tuy nhiên, vua Tự Đức vẫn công nhận ý kiến của Nguyễn Tư Giản là chân thành, thẳng thắn, xuất phát từ lòng yêu nước.
Ông quan tâm nhiều đến việc chống Pháp, lại thiếu sở trường về mặt trị thủy, nên ông gặp khó khăn, các năm sau vẫn có chỗ vỡ đê.
Vua Tự Đức không hài lòng, nên công việc hộ đê không có kết quả như mong muốn nên ông đã bị vua khiển trách. Tháng Giêng năm Tân Dậu (1861), ông và Nguyễn Văn Vỹ đều bị giáng chức, rồi cho giải tán Nha đê chính vào mùa xuân năm 1862.
Những đề nghị trị thủy của ông phù hợp với sự hiểu biết theo nho học thời bấy giờ. Tuy thiếu phần kỹ thuật khoa học nhưng là kết quả của những nhận xét tinh tế của ông theo hoàn cảnh lúc đó.
Ông phải đi hiệu lực, dẹp giặc ở vùng biển Quảng Yên chờ cơ hội lập công chuộc tội.
Lúc này ở Bắc Ninh đang có cuộc nổi dậy do Tạ Văn Phụng mạo xưng là dòng dõi vua Lê Lợi, đổi họ tên là Lê Duy Minh, đã nêu chiêu bài “phục Lê, diệt Nguyễn”, cùng với Nguyễn Huân tự xưng là cháu ba đời dòng vua Lê, đổi tên là Lê Huân, làm minh chủ cho đạo quân của hội Công giáo, cấu kết với thế lực hải tặc ở Quảng Yên gây biến loạn, đời sống nhân dân rất khổ.
Giặc biển thường gọi là Giặc Tàu Ô do gian thương, dân lưu vong nhà Thanh có hàng trăm thuyền chiếm đóng huyện Nghiêu Phong, huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Yên và huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương. Tại đây chúng thường xuyên kéo quân đi cướp của, giết dân,rất thảm khốc.
Nguyễn Tư Giản được bổ làm Tham biện quân vụ Hải-Yên (Hải Dương –Quảng Yên), dưới quyền chỉ huy của Tổng thống quân vụ Trương Quốc Dụng để giúp việc đánh dẹp.là một việc làm rất khó khăn, mới lạ đối với ông. Các trận đánh lớn ở Cát Bà, Chàng Sơn, Cành Động, U Lang, Trực Cát, Đồ Sơn, giặc có hàng trăm thuyền lớn, hàng ngàn tay súng. Quân triều đình cần có nhiều lương, nhiều thuyền, nhiều súng mới có thể dẹp nổi giặc. Nguyễn Tư Giản cùng các cộng sự thật khó lòng xoay xở đầy đủ. Điều khó khăn cho ông nữa là: khi vua điều ông lo việc quân nhu, vẫn bắt ông kiêm nhiệm lo cả việc đê điều với lý do chưa có người thay thế.
Lúc huyện Cẩm Giàng, thành tỉnh Hải Dương đều bị quân nổi dậy kéo tới huy hiếp, ông bị đình thần hạch tội là bất lực và nhà vua đã chấp thuận cho bãi chức ông.
Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), tướng Dụng bị tử trận ở Hà Nam, nhà vua liền điều Tuần phủ Đỗ Quang, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thường, rồi lại phái thêm Thống tướng Nguyễn Tri Phương, Đốc binh Ông Ích Khiêm cùng Tán lý quân vụ Phạm Chi Hương hội quân đi đánh, mãi đến mùa thu năm Ất Sửu (1865), sáu viên chỉ huy của đối phương, trong số đó Tạ Văn Phụng mới bị bắt và bị tử hình…
Sau đó, Nguyễn Tư Giản mới được xét lại và cho khôi phục.
Nguyễn Tư Giản về dạy học ở làng Đôn Thư (Thanh Oai, Hà Tây ) trong khoảng một năm, rồi chuyển ra Hà Nội dạy ở phố Hàng Bồ thêm khoảng hai năm nữa, thì được lệnh gọi vào Huế làm Tu soạn ở Viện Hàn lâm, rồi Thị độc học sĩ ở lầu Kinh Diên (Kinh Diên Khởi chú là một chức chuyên lo việc ghi chép những điều giảng bàn của vua và các quan)
Nhận thức về thời cuộc
Năm Đinh Mão (1867), thăng Nguyễn Tư Giản làm Hồng lô tự khanh.
Tháng 6 năm Mậu Thìn (1868), ông được vua cử đi sứ nhà Thanh. Sứ đoàn Việt Nam do Lê Tuấn làm Chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm Phó sứ. Mọi biểu sớ giấy tờ quan hệ đều do ông thảo. Qua chuyến đi sứ Thanh, Nguyễn Tư Giản hiểu biết thêm về tình hình Trung Quốc, Nhật Bản và tình hình các châu lục. Ông thấy thanh niên Trung Quốc du học nhiều nước trên thế giới; ông cũng muốn nước ta quan hệ với Âu Mỹ để cho người sang học kỹ nghệ mới lạ.
Trong chuyến đi sứ này, ông có gặp Chánh sứ đoàn Triều Tiên Kim Hữu Uyên, hai Phó sứ là Triệu Bỉnh Cảo, Nam Đình Thuận và hai bên có trao đổi thơ văn.
Hai tác phẩm Yên thiều thi thảo và Yên thiều thi tập của Nguyễn Tư Giản có ghi chép khá cụ thể về cuộc tiếp xúc giữa hai đoàn sứ thần cùng hai bài thơ xướng họa.[5]
Khi về nước sau khi đi sứ Trung Quốc , ông cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân tự cường, như cho mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài để học kỹ nghệ mới lạ…Trên đường đi sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh) năm (1868), Nguyễn Tư Giản có làm bài Biện di thuyết khá nổi tiếng. Theo lời ông kể, khi đoàn sứ bộ ta tới Quảng Tây, thấy trong hiệu sách đang bày bán tập ‘Việt Tây dư địa đồ thuyết’, trong đó, phàm những nơi đất Trung Hoa tiếp giáp với Việt Nam đều ghi là “giáp mỗ di châu, di huyện”. Do đó, ông viết bài Biện di thuyết.
Đi sứ về ông được thăng Thị lang bộ Lại kiêm phó Tổng tài Quốc sử quán. Ở chức vụ này, ông đã tham gia biên soạn và xét duyệt lần cuối bộ sử lớn của nhà Nguyễn Việt sử thông giám cương mục.
Đề nghị canh tân hành chính
Là vị quan luôn luôn lo lắng cho vận mệnh của dân, của nước, Nguyễn Tư Giản đã nhiều lần dâng sớ, làm các bài ứng chế có nội dung cổ động cho việc canh tân đất nước, tỷ như:
Theo Nguyễn Tư Giản, để ứng phó được với những khó khăn của thời cuộc (nói về họa xâm lược của Thực dân Pháp), cần phải làm cho nước mạnh, dân giàu. Muốn thế, điều cần phải làm ngay là thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia, thay đổi tình trạng kém hiệu quả của bộ máy nhà nước đang diễn ra trầm trọng. Trong bài Ứng chế đệ lên vua Tự Đức năm Quý Dậu (1873), Nguyễn Tư Giản đã nêu lên 6 tệ lớn của quan lại các cấp đương thời, mà đứng đầu là nạn tham nhũng và tình trạng quá nhiều quan lại bất lực. Điều này, theo Nguyễn Tư Giản, không chỉ liên quan đến đạo đức của người làm quan như nhiều người trước đó đã chỉ ra, mà trước hết là do chế độ lương bổng, việc đãi ngộ nhân tài, thể chế làm việc của nhà nước và sự nghiêm minh của luật pháp có những vấn đề bất cập.
Ông viết về tình trạng thực lúc này : “Nay, ở trong Kinh đô thì các nha môn thuộc sáu bộ, ngoài Kinh thì từ tỉnh, phủ, huyện châu, cho đến dinh vệ, số viên chức lên tới hàng vạn, bệ hạ có chắc họ trong sạch cả không? Lương cấp cho họ có đủ để trên thì phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì nuôi nấng vợ con không? Với cảnh lương bổng ít ỏi như hiện nay mà ngày nào cũng yêu cầu quan lại phải thanh liêm thì khác nào ngựa nuôi trong chuồng, rơm cỏ không cho ăn đủ mà đòi trở thành thiên lý mã; cây trồng vừa mới lớn, nước nôi không tưới đều mà đòi trở thành danh mộc to mấy sải ôm. Trong khi đói rét bức bách, hình pháp đốc thúc, triều đình đãi ngộ nhân tài một cách vô liêm sỉ như vậy thì quan lại làm sao không tham nhũng, dân chúng làm sao không khốn khổ?”.
Về tình trạng có quá nhiều quan lại bất lực, Nguyễn Tư Giản chỉ rõ, đó là do bộ máy hành chính quá cồng kềnh. Ông viết: “Đất chỉ vừa bằng một huyện thì bày đặt số quan lại cho một tỉnh, đất chỉ vừa một tổng thì bày ra thành một phủ, đất chỉ vừa một ấp thì bày ra thành một huyện, số quan lại văn võ trong và ngoài triều đình ăn lương nhà nước do vậy mà trở nên quá đông. Quan nhiều thì công việc không thể không rối rắm, mà công việc đã rối rắm thì dân không thể không oán trách. Ấy là cái nạn “nhũng viên”, tức những kẻ nhàn tản quá nhiều trong cơ quan nhà nước“.
Để giảm bớt các tình trạng đã trở thành tệ nạn trên đây, Nguyễn Tư Giản đề nghị thải bớt quan lại, nhất là những người kém tư cách , không có năng lực, chọn lọc người tài năng vào các cơ quan nhà nước, trả lương thích đáng cho họ; đặc biệt, cần đào tạo lại đội ngũ quan lại trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý hành chính, trước hết là những người giữ vai trò hành chính ở triều đình. Thực hiện ý tưởng đó, Nguyễn Tư Giản đã cùng một số đình thần đề nghị Vua Tự Đức mở các buổi thuyết giảng các tác phẩm về thuật trị nước an dân của người xưa, nhằm trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực quản lý đất nước cho quan lại trong triều, bởi theo ông, đó là biện pháp để “trình bày tường tận cái học của các bậc thánh, bồi dưỡng đức độ cho nhà vua hiểu được nỗi sâu kín trong lòng dân, cứu xét những đắc thất trong việc trị nước”.
Vua Tự Đức đã chấp thuận đề nghị này và buổi thuyết giảng đầu tiên đã được tổ chức vào tháng Hai năm Kỷ Dậu (1849). Tại buổi khai giảng này, Nguyễn Tư Giản đã làm bài Phú có đoạn: “Chiếu giảng đã bày, cử tọa tề chỉnh, giảng quan mở sách kinh điển, giảng giải những chỗ thực hư khó phân biệt, cùng những ý nghĩ sâu xa để thấy rõ con đường trị loạn hưng phế, hiểu được chuẩn mực của tu – tề – trị – bình“. Ngoài các buổi thuyết giảng, Nguyễn Tư Giản còn đưa ra hình thức đào tạo mang tính chuyên sâu là “ngự chế” và “ứng chế”. Ngự chế là nhà vua nêu một vấn đề bức xúc của đất nước đề các quan “ứng chế”, tức trình bày những quan điểm cùng các kiến giải về các vấn đề đó. Nhiều quan đại thần là các nhà khoa bảng đã tham gia các chuyên đề trên đây. Riêng Nguyễn Tư Giản đã có nhiều bài có ý nghĩa thực tiễn lớn như “Bàn về việc học phải lấy việc phục vụ đời sống làm đầu”, “Làm cho quan lại có thói quen thành thật đáng tin cậy” và “Nhân hòa hơn thiên thời địa lợi”…
Như vậy, một trong những tư tưởng canh tân đất nước của Nguyễn Tư Giản nhằm vào việc cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước mà trước hết và trọng tâm là thải bớt quan lại nhàn tản, xây dựng đội ngũ quan lại tài năng và thanh liêm, bằng cách tăng cường trình độ lý luận và thực tiễn để năng lực quản lý hành chính cho họ, trả lương thích đáng để họ yên tâm làm việc.
Mùa hạ năm Quý Dậu (1873), triều đình Huế cử một phái bộ sang Pháp để điều đình chuộc lại Nam Kỳ. Ông được đình thần cử sung chức Chánh sứ , ông dâng sớ trình bày về điều được, điều hỏng. vua bèn thôi không sai nữa.
Vua Tự Đức bèn cử Phan Thanh Giản làm chánh sứ sang Pháp.Phan Bội Châu viết:[3]
“Nếu như hai viên Khâm sai phụng mệnh đi thương nghị đều là những người có đảm lược cơ mưu, dựa theo tinh thần hòa ước giao thương và giảng đạo đã có từ trước mà cương quyết giữ vững lập trường tranh luận, thì cũng chưa đến nối để mất hết lợi quyền quốc gia về tay giặc. Nhưng đáng phàn nàn biết bao! Hai viên Khâm sai đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Nghĩa lúc bấy giờ tinh thần cũng như tài năng quá non kém, đầu chồn gan thỏ; vừa thấy quân Pháp đã sợ run, mồ hôi tuôn như mưa xối. Giả sử người Pháp có bắt phải đem nộp cả cha mẹ, dâng cả chức tước, thì hai ông này cũng cứ cúi đầu mà dâng nộp cả hai tay, nói chi đến 6 tỉnh Nam Kỳ “.
Nguyễn Tư Giản cùng Hoàng Phan Thái, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện… lập ra Tân Đảng một tổ chức hoạt động cứu nước . Vua Tự Đức cũng biết ông là nhân vật quan trong trong đảng này, nhưng không cấm, vẫn giao ông đảm đương nhiều công việc, rồi còn tin dùng bổ chức Thượng thư bộ Lại năm Ất Hợi (1875) kiêm lãnh việc Quốc tử giám và một phần việc ở Nha Thương bạc bộ Lễ, sung Cơ mật viện đại thần. Nhưng đến tháng 7, thì Nguyễn Tư Giản lại bị giáng chức phải ra làm Sơn phòng sứ ở Chương Mỹ (thuộc Hà Tây cũ) coi việc lên khẩn hoang để chuộc tội (do vậy ông có thêm hiệu mới là Thạch Nông). Bởi trước đây ông đã cho một học trò tên Phan Văn Nhã vào làm thư lại. Sau đó, Nhã đã làm ấn giả, bảng Cửu phẩm giả. Vì cả tin, nên Nguyễn Tư Giản, Tham tri Nguyễn Văn Thúy, Thị lang Nguyễn Mậu Đạo đều điềm nhiên ký tên và đóng dấu vào. Việc bị phát giác tâu lên, vua giao cho Pháp ty chiếu luật định án.[6]
Bất hợp tác
Năm 1878, gặp tiết Ngũ tuần đại khánh của vua Tự Đức, dụ rằng : “Tư Giản vì văn học mà được dùng đến, không phải đã không lâu ngày và hiện nay ít người hơn được. Nay gặp lúc nước nhà luôn hàng năm có việc khánh tiết, cần đến từ chương. Vậy chuẩn cho khai phục Hàn lâm viện thị độc học sĩ sung quản Hàn lâm viện”[7]
Ông được triệu về Huế, trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết và khảo duyệt bộ Việt sử cương mục.
Sau biến cố tại Kinh thành Huế xảy ra vào đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó nên ông cáo ốm xin về nghỉ.
Năm 1886, Tổng trú sứ Paul Bert đã ký nghị định thành lập Viện hàn lâm Bắc Kỳ (Académie Tonkinoise). Viện do chính Paul Bert làm chủ tịch. Ngoài một số người Pháp còn có trí thức An Nam, trong đó có Tiến sĩ đệ nhị giáp Nguyễn Tư Giản (1823-1890) và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909). Mục đích của Viện là nghiên cứu tất cả những gì có thể về văn hóa vật thể và phi vật thể ở Bắc Kỳ, giữ gìn, bảo tồn chùa chiền, đền đài; giúp người dân hiểu biết về khoa học hiện đại và những tiến bộ của văn minh thế giới bằng cách cho dịch tư liệu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt,thành lập thư viện tại Hà Nội… [8]
Năm này, theo ý của Pháp, Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp cho mời một số danh sĩ ra làm việc. Từ chối mãi không được, Nguyễn Tư Giản phải ra làm Tổng đốc Ninh-Thái (Bắc Ninh-Thái Nguyên).
Tháng 3 năm 1887, vua Đồng Khánh trích công quỹ một ngàn đồng Đông Dương để Chính phủ Pháp mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert. Nhân đó, các quan trong Nha Kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Chính cũng bày ra chuyện lạc quyên ở các tỉnh để góp thêm tiền mua đồng. Thế nhưng, các quan chức ở tỉnh Ninh-Thái không quyên góp một đồng nào. Lập tức, Nha Kinh lược tâu lên vua, xin cho tra vấn và đổi chức. Thuận theo yêu cầu, vua Đồng Khánh cho Nguyễn Xuân Duẩn đến thay đồng thời triệu Nguyễn Tư Giản về Nha Kinh lược xét hỏi.
Bị tra vấn, Nguyễn Tư Giản biện giải rằng:
Việc này, không do chỉ dụ nhà vua giao trách nhiệm cho cả ba kỳ. Chỉ riêng Nha Kinh lược Bắc Kỳ định ra, các Tổng đốc không được dự bàn thì không trách cứ được. Việc quyên góp là việc làm tự nguyện, pháp luật cũng không ràng buộc, các quan chức Ninh-Thái hiện nay đang rất túng quẫn, không thể có tiền góp sang nước Pháp
Sau đó, Nguyễn Tư Giản xin được từ quan, về ẩn thân dạy học ở Phát Diệm (thuộc Ninh Bình) cho đến năm Canh Dần (1890) thì mất tại đây, thọ 67 tuổi.
Văn tài nổi tiếng
Là nhà nho nổi tiếng hay chữ,vua Tự Đức công nhận: “cứ kể tài học của viên ấy (chỉ Nguyễn Tư Giản), đời này ít có ai hơn” . Nguyễn Tư Giản để lại khá nhiều tác phẩm gồm nhiều thể loại. Những tác phẩm chính của ông như:
Nguyễn Tuân Thúc thi tập,
Sử lâm kỷ yếu,
Thạch Nông thi tập,
Thạch Nông toàn tập,
Thạch Nông văn tập,
Vân Điềm Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả,
Yên thiều thi văn tập,
Yên thiều thi thảo,
Yên thiều thi tập.
Ngoài ra, ông còn tham gia tham gia biên soạn:
Liễu Đường biểu thảo,
Như Thanh nhật ký,
Thạch Nông tùng thoại tập,
Trung ngoại quỳnh dao tập,
Hà phòng tấu nghị,
Việt sử thông giám cương mục.
Trải qua hơn 40 năm làm quan trong triều, những điều ông nghĩ, những việc ông làm xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân. Có trí thức rộng, ông dành tâm trí cho những vấn đề quốc kế dân sinh.
Nhờ có cơ hội đi xứ , ông đã ghi nhận những biến đổi quan trọng của nước người trong khi nước nhà vẫn còn trong tư tưởng nho giáo hũ lậu.Các nhà trí thức có tư tưởng canh tân thời bấy giờ đều có dịp ra khỏi xứ mở rộng kiến thức như Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ…
Lòng yêu nước thương dân của ông bộc lộ rõ trong những bản điều trần, trong lời sớ thiết tha mong vua đừng nghị hòa với quân Pháp Nguyễn Tư Giản đã sớm rời khỏi chốn quan trường để trở về quê sống trong sạch tuy nghèo nàn.
Làm đến Tổng đốc Thượng thư, mà không có tài sản ở quê nhà.Ông có một bản lĩnh vững vàng của một danh nho quân tử và có tầm nhìn thức thời trong hoàn cảnh bấy giờ. Nhà nước đã quyết định lấy tên ông đặt cho một đường phố ở Hà Nội, ở Huế và ở TP Hồ Chí Minh.
nghiencuulichsu.com