258 lượt xem

Lê Cơ

LÊ CƠ
 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Lê Cơ, thường gọi là Xã Sáu, tên gọi mà nhân dân Phú Lâm cũng như các vùng lân cận đã nhắc đến với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ, ông sinh năm 1859 (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1870) trong một gia đình vọng tộc tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ ông là Lê Tuân tức ông Bá Tư, anh ruột bà Lê Thị Trung, mẹ của Phan Châu Trinh, thân mẫu là bà Nguyễn Thị, là ngoại thích của Thượng thư bộ Lại Nguyễn Thuật (thường gọi là cụ Thượng Hà Đình).

Sớm tiếp thu tư tưởng của phong trào Duy Tân là muốn cứu nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp trước hết phải "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", ông lập trường tân học Phú Lâm, với cách tổ chức, nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến nhất so với cả nước thời bấy giờ.

Phú Lâm là trường đầu tiên của Bắc và Trung kỳ (không kể Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp) có lớp nữ sinh riêng và nữ giáo viên, trẻ em, người lớn đều được đến trường không hạn chế tuổi tác, học theo thời vụ "thả học thả canh", trường dạy quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp, các môn khoa học tự nhiên và xã hội. 

Lê Cơ sinh năm 1859 ở làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương ( nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam ) trong một gia đình trung nông. Do gia đình khá giả nên ông được ăn học chu đáo, nhưng vì sống ở vùng quê nên chỉ học đến trường Ba, từ đó ông không đi thi tú tài, chỉ ở làng làm nông. Đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ, dân quyền ở các nước Nhật, Trung Quốc và Châu Âu thâm nhập vào giới sĩ phu Việt Nam. 

Năm 1903, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng cuộc vận động Duy Tân, lúc này tại làng Phú Lâm, Lê Cơ ra nhận chức lý trưởng, ông suy nghĩ " Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương "( Nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì cũng làm những việc đúng trong một làng )". 

Từ đây, Lê Cơ được nhân dân gọi là Cụ Xã Sáu. Trong bối cảnh nước nhà bị nô lệ, nạn cường quyền áp bức làm cho đời sống nhân dân cơ cực, Lê Cơ nhận thấy việc cải cách xã hội, làng xã là việc cần thiết trước hết là để tự cường, sau đó là xây dựng nền dân chủ để cứu nước. Lê Cơ đã hưởng ứng phong trào Duy Tân và ông đã thực hiện công cuộc cải, lập trường tân học, mở mang dân trí. Ngày 25/12/1903, Lê Cơ đưa đơn lên tri phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ quốc ngữ. Ông hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của, công sức xây dựng một trường học ở làng Phú Lâm. Ngày 30/4/1904, trường quốc ngữ Phú Lâm khai giảng dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật dân trong làng và các vùng lân cận đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nghe nói vè, đánh cờ... Năm 1915, số người trong làng và vùng xung quanh xin học quá đông, Lê Cơ lập thêm 4 trường dạy nam giới học chữ quốc ngữ, trường cũ chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên. Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như lịch sử, địa lý, hát, vẽ, toán đố. Dần dần một số thanh niên được học tiếng Pháp và tiếng Nhật, đặc biệt trường Phú Lâm còn dạy quân sự, rèn luyện sức khoẻ cho học sinh dưới hình thức thể thao, luyện võ. Các trường có trên 100 học sinh nam, nữ. Trường Phú Lâm trở thành trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân và cũng là trường đầu tiên ở Quảng Nam và cả nước dạy nữ học sinh. Ngoài việc thành lập trường Phú Lâm, Lê Cơ tham gia cùng với các nhân sĩ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh vận động thành lập trường Dục Thanh ( trường tân học ở Phan Thiết ) và Công ty Liên Thành vào năm 1906.

Tại làng Phú Lâm, Lê Cơ cũng tích cực thực hiện cải cách xã hội. Ông tổ chức họp dân để diễn thuyết, nghe những bài thơ cổ súy tinh thần yêu nước, vận động mọi người mặc áo tây, cắt tóc ngắn. Tháng 5 năm 1904, ông kêu gọi nhân dân góp cổ phần thành lập Thương hội bình dân, phân công người đem nông sản đi bán các nơi và mua hàng hóa về bán lại cho dân trong vùng, riêng các loại hàng giấy mực chỉ bán một số ít, chủ yếu cấp không cho dân nghèo đi học. Khi trường tân học Phú Lâm hoạt động ổn định, Lê Cơ cho người vừa đi mua bán vừa liên lạc tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước để vận động cho phong trào Duy Tân. Trước thực trang người nông dân bị thực dân phong kiến bóc lột, sưu cao thuế nặng, không có ruộng cày phải đi làm thuê, Lê Cơ đã nghĩ ra phương cách sản xuất tập thể với tên gọi Nông đoàn, Hợp xã. Để khuyếch trương công nghệ, ông thành lập lò rèn, lò gạch, lò gốm), xưởng mộc trong làng để sản xuất phục vụ nhân dân và trao đổi buôn bán với bên ngoài.

Thời kỳ này, Phú Lâm thực sự trở thành trung tâm điểm thực hành cải cách ở Việt Nam, làng Phú Lâm như một đơn vị kinh tế độc lập, phát triển mạnh về sản xuất, kinh doanh buôn bán, nghề thủ công và trình độ dân trí, dân quyền được nâng lên rất nhiều so với trước, làng Phú Lâm như là một đơn vị hành chính riêng lẽ không bị phụ thuộc chính quyền thực dân phong kiến, mọi công việc trong làng đều do Lê Cơ và những sĩ phu yêu nước điều hành hoạt động, người dân thực sự sống trong xã hội dân chủ, no ấm và hạnh phúc.

Mặc dù việc làm cải cách trong làng theo chủ thuyết Duy Tân, nhưng tư tưởng của Lê Cơ vẫn âm thầm chuẩn bị cho bạo động. Để bảo vệ làng xã và tránh sự can thiệp của thực dân phong kiến, Lê cơ cho dân làng cắm biển yết thị giờ giấc ra vào tại các cổng ngõ, dựng điếm canh bên trong đặt cùm sắt để răn đe kẻ phi pháp. Ông thành lập một đội tuần đinh lấy tên là Đoàn Kiết, chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 10 người để tuần phòng làng xã vào ban đêm, lúc rổi ông còn đến thăm công việc sản xuất, việc ăn ở vệ sinh theo đời sống mới, việc luyện tập võ nghệ, quân sự của các gia đình trong làng. Công việc cải cách tại làng Phú Lâm đang tiến triển thì một số kẻ ganh ghét báo với thực dân Pháp rằng ông mưu đồ chống chính phủ bảo hộ, Tri phủ Lê Bá Đằng đến Phú Lâm định thu giấy phép mở trường học, nhưng Lê Cơ phản đối quyết liệt, kiện tòa công sứ Pháp tại Hội An. Tại tòa sứ, trước lý lẽ thuyết phục của Lê Cơ về dân sinh, dân quyền, mở mang dân trí cho nhân dân, thực dân Pháp buộc phải cho phép ông tiếp tục thực hiện công việc. Phong trào cải cách ở Phú Lâm phát triển mạnh, trong nước đều nghe tiếng, các nhà yêu nước ở các nơi đến Phú Lâm học tập. Từ mô hình trường tân học và công cuộc cải cách ở Phú Lâm, lần lượt cho ra đời nhiều trường tân học ( tỉnh Quảng Nam có thêm 40 trường tân học, sau đó là trường Dục Thanh, Phan Thiết thành lập năm 1906, trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nghệ An thành lập năm 1907 ).

Trước tình hình phát triển của trường tân học và công cuộc cải cách thực nghiệp ở Phú Lâm và các nơi khác trong nước, thực dân Pháp lo sợ bắt đầu chú ý đề phòng. Đầu năm 1908, cuộc biểu tình kháng thuế nổ ra ở Đại Lộc, lan xuống Điện Bàn, Hội An; tại Tiên Phước, Lê Cơ cùng Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy, Phan Quang, Trần Thuyết... tổ chức họp kín ở Phú Lâm, vận động học trò làm đơn, cổ động nông dân kéo xuống phủ đường Tam Kỳ xin giảm sưu thuế. Ngày 21/2/1908, gần 500 nông dân Hà Đông kéo đến phủ đường Tam Kỳ đưa đơn. Có sự liên kết từ trước, khi nông dân Đại Lộc biểu tình, ngày 26 -28/3/1908, nông dân các làng thuộc tổng Vinh Quý, Phước Lợi, Chiên Đàn và các tổng khác tổ chức họp dân diễn thuyết và bàn việc bao vây phủ đường Tam Kỳ. Sáng 30/3/1908, Lê Cơ lãnh đạo hàng nghìn nông dân tập trung tại các đình làng hô hào chống sưu thuế, bắt cường hào, rồi kéo xuống bao vây phủ Tam Kỳ ba ngày đêm, đề đốc Trần Tuệ là tên cai phu gian ác hoảng sợ, hộc máu chết. Sáng 4/4/1908, thực dân Pháp giải vây, bắt Lê Cơ, Trần Thuyết, Lê Vĩnh Huy giam ở nhà lao Hội An và đàn áp khốc liệt cuộc biểu tình ở Đại Lộc cũng như ở Hà Đông. Làng Phú Lâm bị lính canh giữ, triệt phá các cơ sở cải cách, bắt trên 500 người về phủ Tam Kỳ. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt đày biệt xứ đi Côn Đảo. Lê Cơ, Lê Tiệm, Lê Kiều, Lê Vĩnh Huy và nhiều người khác bị kết án 5 năm khổ sai tại nhà lao Hội An. Năm 1913, Lê Cơ ra tù về lại Phú Lâm. Lúc này một số sĩ phu yêu nước chuyển sang tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du, chuẩn bị cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội. Lê Cơ bí mật tiếp xúc các chí sĩ yêu nước ở Quảng Nam đứng đầu là Thái Phiên. 

Tháng 8/1915, các tổng Vinh Quý, Phước Lợi, Chiên Đàn ở Hà Đông đã thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa. Lê Cơ được cử vào Ban chỉ huy của tổng Vinh Quý, ông bí mật rèn vũ khí ở làng Phú Lâm, may trang phục, quân dụng và lên Đại Lộc, cùng Đỗ Đăng Tuyển rèn thêm vũ khí, tích trữ lương thực. Ngày 1/5/1916, cuộc khởi nghĩa nổ ra, Lê Cơ được giao nhiệm vụ cùng Thái Phiên chỉ huy tấn công cửa Nhà Đồ, Huế. Tại Quảng Nam, lực lượng khởi nghĩa được chuẩn bị trước kéo xuống bao vây phá phủ Tam Kỳ. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa bị lộ, Pháp đàn áp dữ dội, Thái Phiên, Trần Cao Vân bị chém tại An Hoà, Huế; Trần Huỳnh bị chém ở chợ Cũi, Vĩnh Điện. Lê Cơ, Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy, Đỗ Đăng Tuyển... bị tuyên án 10 năm khổ sai đày đi Lao Bảo. Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy chết trong ngục, Đỗ Đăng Tuyển tự vận. Cuối năm 1916, tại nhà tù Lao Bảo, Lờ Cơ bị bắt đi làm phục dịch, đang vót tre, ông thấy một người tù bị kiết lỵ ngồi trong đám cỏ mà bọn lính tàn ác dùng báng súng đánh đập, ông cầm rựa xông đến can thiệp thì bị bắn chết. Lê Cơ hy sinh lúc 57 tuổi.

 Và hơn 20 năm sau, cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại trên báo Tiếng Dân: "Ông Lê Cơ lo công việc, sắp đặt trong làng... Ông ta là con nhà cô cậu với cụ Phan Châu Trinh nên biết việc cải cách là cần, bắt đầu thực hành trong làng, lập trường học, rước thầy dạy quốc ngữ (lúc ấy trong nhà quê nhiều nơi không biết chữ quốc ngữ là gì, nhiều vị lão thành ra sức phản đối) cho trẻ con trong làng học, ít lâu sau lại thêm một trường nữ học nữa (nữ học ở trong Quảng Nam, về mấy phủ huyện trong, trường Phú Lâm là đầu tiên). Đồng thời trong làng chung lại mở vườn trồng quế, lập cuộc buôn, dựng lò rèn (rèn đồ nông khí), lập cuộc bảo hiểm canh phòng kẻ trộm cướp. Ở trong một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch, quê mùa, bỗng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tin phục, mà những người xa, nhất là người đã nếm mùi Âu hoá đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng lên đến làng Phú Lâm đặng xem công việc sắp đặt của một ông lý. Công việc ông lý nào có hèn đâu!".

Trong Đăng cổ tùng báo ở Hà Nội, Phan Châu Trinh cũng viết: "Ông Lê Cơ, lý trưởng làng Phú Lâm là một tay có học thức sắp đặt việc trong làng, nào canh phòng trộm cắp, nào khuyên vỡ núi trồng quế, nào mở trường học, việc gì cũng có ngăn nắp. Ông có xin bằng quan phủ mở một nhà buôn chung vốn mua những đồ giấy mực, sách vở bán cho học trò, cùng mắm muối đồ rèn bán cho dân làm nông".

Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Lê Cơ dài 120m, rộng 3,5m, từ đường Lê Bá Trinh chạy song song với đường Châu Thượng Văn đến khu tập thể Hòa Cường.

Nguồn: danang.gov.vn