Pho sử sống – cuộc đời và sự nghiệp của Tể tướng Nguyễn Văn Giai là “cả một pho sử sống của một con người biết cật lực phấn đấu để chiến thắng số phận”.
Bài minh ở đền Đồng Cổ
Về sự nghiệp văn học, các nhà nghiên cứu chỉ nhắc tới bốn bài thơ Nôm của ông. Ông còn để lại một bài minh về đền Đồng Cổ.
Bia dựng ngày tốt tháng 11, Thịnh Đức thứ 4 (1656 thời vua Lê Thần Tông. Bài minh được Bùi Xuân Vĩ dịch như sau: Có núi thiêng Đồng Cổ – Ở Yên Định, Đan Nê – Dưới giữ gìn cõi đất – Trên chống đỡ cột trời – Vượt cao lên ngàn núi – Thiêng hun đúc muôn đời – Sánh Âu, Tô, Thần Phù – Bao tuấn kiệt anh tài – Hùng cứ trời Nam Việt – Thần thiêng ở đất này – Sông Mã dòng quẩn lại – Ngòi, thung Bắc trở về – Bốn phương người qua lại – Vui rầm rập bước đi – Khách trăm nhà buôn bán – Bao xe ngựa chen vai – Núi châu quanh sau trước – Đò qua lại đêm ngày – Đủ non xanh nước biếc – Phong cảnh đẹp xinh thay – Khí thiêng liêng nổi tiếng – Sức mỹ hộ, ra tay – Như nửa đêm rung trống – Đuổi giặc Ân – công sánh – Giúp vua Võ – công tày – Trải bao đời nối nghiệp – Vốn chủ có thần tài.
Nào khen phong tước hiệu – Nào phụng thờ lễ nghi – Triều Lê ta mở nước – Lê Thái tổ trị vì – Các vua sau nối dõi – Nhân nghĩa giữ nghiệp đời – Lê Trung hưng trở lại – Mọi khuôn phép trước đây – Từng xét trong phép điển – Khen phong tặng ngày rày – Thánh Hoàng khi nối trị – Chúa Trịnh lại giúp vì – Công lẫy lừng vũ trụ – Sức chỉnh đốn cao dày – Mạnh kế thừa yêu dấu – Tính bẩm thụ sáng ngời – Đổi thay sửa dựng miếu – Tụ tập có người về – Nhớ công thần cao cả – Giúp ngôi nước lâu dài – Thần được nhiều phong tặng – Đền mở rộng dựng xây – Ngày ngày càng hoàn hảo – Chế độ đẹp đẽ thay – Liệu cấp dân cả xã – Miễn tạp dịch sưu sai – Ghi công vào bia đá – Cùng ghi tạc lòng người.
Bài minh miêu tả và khắc sâu giá trị của đền Đồng Cổ. Tể tướng Nguyễn Văn Giai không chỉ hiểu rõ lịch sử ra đời của đền mà nêu rõ vai trò của ngôi đền thiêng và hiển hách nhất xứ Thanh trong đời sống tâm linh của người làng Đan Nê nói riêng, trong khát vọng hòa bình, phồn thịnh của nhân dân Đại Việt nói chung.
Ngôi đền có thế phong thủy, tạo nên sức mạnh tâm linh và khát vọng chinh phục vũ trụ bền vững “Dưới giữ gìn cõi đất, trên chống đỡ cột trời”…
Thành hoàng làng Đan Nê
Sau ngày ông mất, dân làng Đan Nê phụng thờ ông ở một ngôi nhà phía bên trái đền Đồng Cổ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tể tướng Nguyễn Văn Giai là “cả một pho sử sống của một con người biết cật lực phấn đấu để chiến thắng số phận”.
Những sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp của Tể tướng – nhà thơ Nguyễn Văn Giai còn sống trong tiềm thức và dòng văn hóa của người dân làng Đan Nê nói riêng, của nhân dân ta nói chung. Bài minh đã một lần nữa khẳng định sự có mặt lâu đời với khát vọng phồn thịnh, hòa bình của người Việt.
Mùa xuân 2011, dân làng Đan Nê trùng tu đền Phúc nằm ở trung tâm làng. Nhớ công Tể tướng Nguyễn Văn Giai, dân làng vẫn ngày đêm hương khói phụng thờ.
Người dân Đan Nê hôm nay thờ Nguyễn Văn Giai như vị Thành hoàng vì ông không chỉ là vị khai quốc công thần mà chính ông đã nối nền văn hóa của người Đan Nê xưa và nay. Từ âm vang của văn hóa Đông Sơn, người Việt Nam đang chảy tới mạch nguồn hiện đại.
Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên đường Nguyễn Văn Giai nối đường Đinh Tiên Hoàng với đường Mai Thị Lựu.
Nguyễn Thành Trung