232 lượt xem

NGUYỄN ĐÌNH HIẾN

Làm quan và làm thơ

Nguyễn Đình Hiến, tự Dực Phu, hiệu Án Nam, thụy Mạnh Khả, sinh năm Nhâm Thân (1872) trong một gia đình khoa bảng, quê quán làng Lộc Đông tổng Trung Lộc (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1900, ông đỗ cử nhân (còn gọi là á nguyên) tại trường Thừa Thiên. Năm ông 30 tuổi đỗ phó bảng kỳ thi Hội, khoa Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái 13 (1901).

Sau khi vinh quy được triều đình cử giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo. Đầu năm 1906, Nguyễn Đình Hiến được cử sang Pháp học chính trị và phong tục và đã viết cuốn Tây sai kỳ lãm trình vua Thành Thái.

Sau chuyến đi sứ về, Nguyễn Đình Hiến được bổ nhiệm Đồng tri phủ giữ chức Tri huyện huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Năm 1912, Nguyễn Đình Hiến được thăng chức Hồng Lô tự Thiếu khanh, lãnh chức Quân đạo đạo Ninh Thuận. Năm 1913 Nguyễn Đình Hiến lại được thăng chức phủ thừa phủ Thừa Thiên và năm sau 1914 được thăng Quan Lộc tự Thiếu khanh làm việc tại triều đình Huế.

Năm 1919 được nhà vua cử làm phó chủ khảo khoa thi Hội, sau đó được phong Bố chánh sứ tỉnh Hà Tĩnh, rồi về Huế giữ chức Tả thị lang bộ Lại. Năm 1920 được điều chuyển làm chánh sứ tỉnh Quảng Bình, rồi chuyển về giữ chức Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Năm 1922, giữ chức Tuần phủ Quảng Ngãi. Năm 1923, thăng tổng đốc Bình Phú (Bình Định, Phú Yên).

Năm 1927 là thời gian ông về hưu với hàm Hiệp tá Đại học sĩ, sau đó trở về Huế và ở tại ấp Bình An, gần dốc Nam Giao một thời gian. Đến năm 1935, Nguyễn Đình Hiến trở về nguyên quán ở làng Lộc Đông, an hưởng tuổi già và qua đời ngày 17/3/1947, hưởng thọ 75 tuổi.

Ngoài một mệnh quan triều đình, Nguyễn Đình Hiến còn là một nhà văn, nhà thơ. Thơ văn của ông để lại không nhiều, nhưng giá trị văn chương của các tác phẩm của ông là dấu ấn của văn học Việt Nam. Trong số đó có những bài thơ có tên như Bang Sơn Đông (Vịnh núi Trà Bang) ở tỉnh Ninh Thuận là những bài thơ hay.

Lạc quyên để làm đường

Khi đã về an dưỡng tuổi già, Nguyễn Đình Hiến cũng có những đóng góp to lớn góp phần thay đổi bộ mặt của một vùng quê hoang vắng. Còn nhiều khó khăn, cách trở đi lại. Đó là đóng góp vào việc khai mở một con đường qua đèo Le.

Vùng quê ông sống trước đây bốn bề là rừng rậm núi cao, mọi sự giao lưu với bên ngoài đều phải qua đường thủy xuôi dòng sông Thu Bồn, còn đường bộ thì không có. Việc đi lại theo dòng sông Thu Bồn vừa xa vừa không an toàn. Nhân dân trong vùng đã phải băng rừng, vượt núi dần thành một lối mòn băng qua núi và được gọi là đèo Le.

Năm 1936 vào một ngày mùa đông, khi Nguyễn Đình Khôi (tổng đốc Quảng Nam lúc bấy giờ) đi kinh lý các tổng miền thượng du, Nguyễn Đình Hiến đã đề xuất với Tổng đốc về việc mở con đường qua đèo Le kéo dài từ đông sang tây, rộng 3m với chiều dài 7 cây số…

Sau đó Nguyễn Đình Hiến cùng tú tài Lầm Xuân Quế ở xã Phước Bình, cửu phẩm Nguyễn Đình Dương ở xã Lộc Đông đứng ra vận động lạc quyên để khai mở con đường. Các ông đã đi vận động nhân dân trong  tổng lạc quyên được số bạc 4000 đồng lẻ, đồng thời cũng trích số bạc tư ích ở các tổng và thu bạc Hội chờ rồi giao cho quan Lục bộ cùng với tri huyện Nguyễn Trọng Thuần đốc thúc tiến hành.

Việc khai mở đèo Le được bắt đầu từ mùa hè năm Đinh Sửu (1927) và trải qua 2 năm trời với bao khó khăn, gian khổ, vất vả con đèo Le mới được hình thành.

Sau khi con đường làm xong vào năm Canh Thìn (1940), Nguyễn Đình Hiến đã biên soạn bốn tấm bia dựng tại đèo Le. Nội dung các tấm bia ghi lại công tích mở đường đèo Le, ghi lại danh sách các vị hảo tâm góp tiền của để mở đường. Những tấm bia này đến nay còn ba tấm còn một tấm chưa tìm được.

Tổng hợp SGT Group