259 lượt xem

PHẠM THỊ UYỂN

Bà Phạm Thị Uyển – vợ Mai Thúc Loan – được cho là hoàng hậu duy nhất trong lịch sử nước ta từng cầm quân đánh giặc.
 
Theo sách Những Phi – Hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam và thần tích của đình làng Hòa Mục ở Cầu Giấy, Hà Nội (nơi bà được thờ làm thành hoàng), Phạm Thị Uyển quê ở quận Nam Xương (Cầu Giấy ngày nay). Cha là ông Phạm Huyên, mẹ tên Phùng Thị Thảo (em của Phùng Hạp Khanh – bố của Phùng Hưng).

Vợ chồng ông Phạm Huyên muộn đường con cái nên thường đến chùa cầu tự. Sau đó, người vợ sinh ba con gồm một gái hai trai. Phạm Thị Uyển là chị cả, tiếp đến là 2 em Phạm Miện và Phạm Huy.

Hai người em sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Phạm Thị Uyển nổi tiếng xinh đẹp, mắt phượng mày ngài, đến năm 18 tuổi bà lấy Mai Thúc Loan.

Bấy giờ, đất nước ta đang bị nhà Đường đô hộ. Căm phẫn trước chính sách bóc lột tàn bạo của kẻ thù, năm 713, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa ở Nam Đàn (Nghệ An). Đến tháng 4.713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.

Sách Việt giám thông khảo tổng luận thời hậu Lê miêu tả rằng: “Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt”.

Tương truyền, vì mến phục tài năng của Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh đã gả cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển cho ông.

Sau khi về nhà chồng, Phạm Thị Uyển cùng chồng chung vai gánh vác sự nghiệp. Vốn là người có chí khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận việc cơ mật với Mai Thúc Loan.

Lúc đó, quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Nhà Đường sai Dương Tư Húc và Quang Sớ Khách mang 10 vạn quân sang đàn áp.

Thế giặc mạnh làm cho đội quân gồm những nông dân khởi nghĩa phải lui dần. Qua nhiều trận đánh, vì yếu thế, Mai Hắc Đế rút hết quân về Hoan Châu. Đệ nhị cung phi Phạm Thị Uyển tình nguyện ở lại chặn giặc.

Là người giỏi thủy chiến, Phạm Thị Uyển đem binh thuyền bày trận trên sông Tô Lịch. Chiến đấu dũng cảm nhưng do chênh lệch lực lượng nên quân ta tan vỡ. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, Phạm Thị Uyển cùng số ít binh tướng còn lại nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn vào ngày 15.7.722.

Thi thể của bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục -Cầu Giấy – Hà Nội) thì được nhân dân vớt lên chôn cất rồi lập đền thờ, phụng tôn là Ả Đại Nương. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch, đoạn gần cầu Trung Hòa.

Ngày nay, dân làng Hòa Mục thờ cả 3 chị em bà, tôn làm thành hoàng. Tháng 8 hàng năm, họ tổ chức hội lớn để tưởng nhớ những anh hùng đánh giặc giữ nước.

Trong lịch sử Việt Nam, nữ tướng đánh giặc theo truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu không hiếm nhưng hoàng hậu cầm quân đánh giặc có lẽ chỉ có vợ Mai Hắc Đế.

Tương truyền, đến thế kỷ XV, khi nghĩa quân Lam Sơn tổng công kích quân Minh, trong một lần hành quân, Lê Lợi nghỉ đêm ở miếu Dục Anh. Lê Thái Tổ được thần báo mộng sẽ âm phù cho quân khởi nghĩa diệt giặc. Sau này khi lên ngôi vua, Lê Lợi sắc phong cho bà là Khiêm Sung đại vương.
 
Theo Danviet