309 lượt xem

Phan Văn Hớn

Ông Phan Công Hớn tên thật là: Phan Văn Hớn, sinh năm 1829 tại làng Tân Thới Nhứt, Tổng Dương Hòa, huyện Bình Long, phủ Tân Bình (nay là xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo, trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước quê hương Hóc Môn Mười Tám Thôn Vườn Trầu, có tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm. Ông là một nông dân văn hay, võ giỏi, có nhiều mưu trí, có tấm lòng hào hiệp ngay thẳng và yêu thương đồng bào, luôn bênh vực cho dân nên được sự cảm mến của dân; ngược lại, bọn tay sai và thực dân Pháp vô cùng căm ghét ông.

            Qua những cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân do ông Trương Định, ông Trương Quyền và ông Nguyễn Ảnh Thủ lãnh đạo, sau khi đồn Thuận Kiều thất thủ, thực dân Pháp đưa tên Đốc phủ sứ Trần Tử Ca về làm Tri huyện, huyện Bình Long (Hóc Môn). Trần Tử Ca là tay sai cho giặc rất đắc lực, từ một tên cai phó tổng với thành tích chỉ điểm cho giặc Pháp giết hại nhiều người yêu nước, hắn được thực dân Pháp đưa lên làm Đốc phủ. Tên Trần Tử Ca đã gây ra nhiều tội ác với Nhân dân như: áp bức bóc lột, độc quyền thu mua bán, vận chuyển, giết người, cắt cổ, bắt bỏ trẻ em vào cối giã gạo cho chày quết … bàn tay thâm độc của vợ chồng hắn luôn đẫm máu.

          Năm 1879, tên Trần Tử Ca vu khống ông Phan Văn Hớn âm mưu làm loạn nên bắt ông giao cho thực dân Pháp, đày ra Côn Đảo với án tù là 05 năm. Khi mãn hạn tù, ông Phan Văn Hớn về sống tại quê nhà làng Tân Thới Nhứt, chúng buộc ông phải thường xuyên đến trình diện tên Đốc phủ sứ.

          Với lòng căm thù bọn tay sai và thực dân tàn ác, ông tổ chức 02 trường gà: một ở Ngã tư An Sương và một ở làng Tân Thới Nhứt, đường ra Ngã tư Trung Chánh để che mắt địch và liên hệ với những người yêu nước. Ông tìm được người cùng chí hướng và đáng tin cậy như: ông Nguyễn Văn Quá (làng Mỹ Hạnh, Đức Hòa), ông Phan Văn Võ (cai võ), ông Phạm Văn Hồ, ông Nguyễn Kế, thầy Trang … là những người yêu nước nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa.

            Sau thời gian chuẩn bị lực lượng, tập hợp quần chúng, Nhân dân rèn sắm vũ khí, tích trữ lương thực, ông quyết định thành lập Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Ban chỉ huy gồm: ông Phan Văn Hớn - Tổng lãnh binh, ông Nguyễn Văn Quá - Chánh lãnh binh, ông Phạm Văn Hồ - Phó lãnh binh, ông Phan Văn Võ - Nội ứng trong Dinh Quận.

          Cuộc khởi nghĩa Mười Tám Thôn Vườn Trầu diễn ra vào ngày 09 tháng 02 năm 1885 (nhằm ngày 25 tháng chạp năm Giáp Thân 1884), cuộc khởi nghĩa có tên gọi là: Trận Thập Bát Phù Viên. Nghĩa quân được chia ra nhiều cánh, cánh quân tiến về Sài Gòn do ông Nguyễn Văn Bường làm chỉ huy, trên đường đi đã bị lộ nên ông Bường bị địch vây bắt. Cánh quân do ông Phan Văn Hớn và ông Nguyễn Văn Quá chỉ huy tiến thẳng vào Dinh Quận Bình Long (Hóc Môn), tên Đốc phủ và thuộc hạ rút lên lầu chống cự, nghĩa quân dùng rơm và dây cây đậu phộng khô có sẵn trong dinh đem chất xung quanh và đốt lửa. Vợ tên Ca bị chết cháy, tên Đốc Phủ Trần Tử Ca chạy được ra ngoài tìm đường trốn thoát, liền bị một số nông dân bắt giữ và giao cho nghĩa quân. Một tên tay sai của Pháp quá tàn ác và thâm độc với Nhân dân nên không thể khoan dung, nghĩa quân chém đầu hắn trước Dinh Quận, đầu hắn treo trên cột đèn để làm gương cho những tên bán nước khác. Mùa xuân năm ấy, vui mừng trước thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Mười Tám Thôn Vườn Trầu, tại Hóc Môn - Bà Điểm có câu ca dao: “Mừng xuân có pháo có nêu; Có đầu Đốc phủ đem bêu cột đèn”.

          Cuộc khởi nghĩa chưa lan rộng, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng thẳng tay đàn áp. Sau cuộc khởi nghĩa, ông Phan Văn Hớn rút về Gò Mây (Vĩnh Lộc), ông Nguyễn Văn Quá về quê làng Mỹ Hạnh (Đức Hòa). Chúng không bắt được hai ông nên thực hiện âm mưu thâm độc là bắt những người thân trong gia đình hai ông và nhiều người dân thường tại làng Tân Thới Nhứt giam cầm tra khảo.

          Với tấm lòng cao thượng, vì quá yêu nước, thương dân, hai ông tự ra nạp mình cho giặc Pháp để cứu những người thân và những người dân vô tội. Chúng giam giữ hai ông đến ngày 31 tháng 8 năm 1885, tòa án binh Gia Định của giặc Pháp mở phiên tòa xử những người lãnh đạo và tham gia cuộc khởi nghĩa Mười Tám Thôn Vườn Trầu, thời gian xét xử đến ngày 13 tháng 9 năm 1885, kết quả chúng xử: 14 án tử hình (trong đó có ông Phan Văn Hớn và ông Nguyễn Văn Quá); 03 án khổ sai chung thân; 02 án tù đài biệt xứ; 16 án 15 năm khổ sai; 01 án 10 năm tù; 01 án 5 năm tù. Chúng truyền lệnh hành xử tại một số điểm ở Bình Long (Hóc Môn).

          Sau khi hai ông hi sinh, thân tộc và Nhân dân làng Mỹ Hạnh, Đức Hòa đưa ông Nguyễn Văn Quá về an táng tại quê nhà và lập đền thờ (nay là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

          Gia đình và Nhân dân đưa thi hài ông Phan Văn Hớn về an táng tại quê nhà làng Tân Thới Nhứt (ấp Bắc Lân, Bà Điểm). Ông Phan Văn Lượng đứng tên xin khẩn đất để làm khu mộ họ Phan tại đây, ngôi miếu thờ ông cũng được dựng lên trên khu mộ. Năm 1959, ngôi miếu mục nát, ông Phan Văn Xã đứng ra xây dựng ngôi đền kiên cố, có sự hỗ trợ của ông Nguyễn Văn Sáng (cháu ngoại), mộ ông cũng được trùng tu vào dịp này. Trên mộ bia ghi: Vị thần Phan Công Hớn - từ trần ngày: 30/3/1886 (nhằm ngày 25.02 ÂL năm Bính Tuất), bên cạnh mộ ông là mộ bà.

          Ngôi đền thờ ông Phan Công Hớn được xây bằng gạch, mái ngói cao ráo khang trang cho đến ngày nay. Hàng cột mặt tiền đền thờ gồm 04 trụ cột, mỗi trụ cột chạm khắc một câu liễn song song thành 02 câu đối bằng Việt ngữ: “Nhớ công đức Tổ tiên gầy dựng nước; Rạng cơ đồ con cháu đắp bồi sau” - “Vì nước hy sinh gan liệt sĩ; Thương nòi chiến tử nghĩa anh hùng”. Cung cách thờ phụng khá trang nghiêm kính cẩn, bên trong chánh điện, bài vị thờ ông Phan Công Hớn uy nghi như một vị thần linh hộ quốc, cứu dân. Tả, hữu hai bên cũng thiết kế hương án vọng bái, chiêm ngưỡng thành kính.

            Cuộc khởi nghĩa Mười Tám Thôn Vườn Trầu là điểm son trong lịch sử, nêu cao tấm lòng yêu nước thương dân và hi sinh anh dũng của hai ông Phan Văn Hớn và ông Nguyễn Văn Quá, mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập noi theo. Ngày 31 tháng 12 năm 2003, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 327/2003/QĐ.UB xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố Đền thờ ông Phan Công Hớn. Hàng năm, vào ngày 24 và ngày 25 tháng 02 âm lịch, lãnh đạo chính quyền và thân tộc của hai ông Phan Công Hớn và ông Nguyễn Văn Quá (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn và xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) cùng tổ chức lễ giỗ và ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của hai ông trong cuộc khởi nghĩa Mười Tám Thôn Vườn Trầu năm 1885.


SGT tổng hợp.