Tổng tài Hoàng Việt luật lệ, Nguyễn Văn Thành không chỉ là một võ tướng mà còn là người rất coi trọng việc học hành thi cử, ông cho khắc sách Đại học diễn nghĩa.
Coi việc xây dựng Bắc thành
Cũng trong năm Giáp Tý 1804 ông đã nỗ lực thống nhất các đồ cân, đo, lường ở các trấn Bắc thành. Đồng thời cho đúc thước đạc điển dùng từ Quảng Bình trở vào Nam và thước Kinh được dùng từ Nghệ An trở ra Bắc.
Cùng thời gian lãnh mệnh triều đình đứng ra coi việc xây dựng lại Bắc thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu- Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Đây là một kiến trúc có giá trị độc đáo về văn hóa và mỹ thuật.
Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chọn hai ngày Đinh lệnh cho quan đến tế, lại lấy bốn tháng giữa Xuân, Hạ, Thu, Đông tổ chức khảo thí học trò.
Năm Bính Dần 1806, sau khi xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc đường biên phía bắc dựa vào địa dư từ thuở trước đến thực tế, Tiền quân Nguyễn Văn Thành đề nghị đưa thư và xin đề cử người trao đổi với nhà Thanh, vạch rõ địa giới hai nước, dù vua Gia Long chưa quyết định.
Vào mùa đông cùng năm, khi vào kinh chầu, Tiền quân đã dâng bản đồ nội ngoại 11 trấn và các phủ, châu, huyện tất cả 164 bản.
Tổng tài Hoàng Việt luật lệ
Tháng 12 năm Đinh Mão 1807, Tiền quân cho khắc sách Đại học diễn nghĩa. Năm Kỷ Tị 1809, gặp Bắc Thành dân đói, ông dâng sớ tâu: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm, xin bàn cách phát chẩn và cho vay để đỡ túng ngặt cho dân”. Vua đều nghe theo.
Năm Canh Ngọ 1810, ông được triệu về kinh, lãnh ấn Trung quân, rồi được giao cử chức Tổng tài cùng với Vũ Trinh và Trần Hựu soạn bộ Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long).
Việc soạn Hoàng Việt luật lệ bắt đầu từ tháng 2/1811- 8/1812 thì hoàn tất. Bộ luật có hai phần, chia làm hai mươi hai quyển, có tất cả 398 điều, ban hành năm 1812, đến năm 1815 được khắc in. Hoàng Việt luật lệ là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất thời bấy giờ.
Trước khi ban hành, Nguyễn Văn Thành dâng sớ tâu lên vua Gia Long, trong sớ ông trình bày việc: “… đặt lại quy tắc khoan hồng và thưởng phạt. Khi xem đến luật triều Thanh, đức Thánh thượng nhận thấy đó là bộ luật gồm đủ các sắc luật của các triều đại trước, nên ban sắc chỉ dạy các quan đem ra bàn bạc, xem xét cùng hạ thần ngỏ hầu chọn lấy những gì khả dĩ soạn thành bộ luật riêng để dùng trong nước…
Sách đã dạy: Trừng phạt để về sau không còn phải trừng phạt nữa, đặt ra tội hình để về sau không còn phải dùng đến tội hình nữa. Điều đó há chẳng phải là điều mà Đức Thánh thượng hằng mong muốn hay sao?”
Hoàng Việt luật lệ là một bộ luật phối hợp, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Hoàng Việt luật lệ là luật thực định của một triều đại tồn tại hơn một thế kỉ, góp phần ổn định trật tự xã hội, củng cố các phong tục, tập quán cổ truyền tốt đẹp của dân tộc cùng với nhiều định chế rất tiến bộ.
Điều dễ thấy nhất trong bộ luật là các cực hình trong luật nhà Thanh như tru di tam tộc, lăng trì… đều hoàn toàn bị loại bỏ.
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành