226 lượt xem

Phan Đăng Lưu – Người cộng sản kiên trung, nhà báo cách mạng ưu tú

C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí với tư cách là vũ khí tư tưởng sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh xoá bỏ mọi áp bức, bất công, xây dựng một xã hội tự do, ấm no, hạnh phúc. Ở họ, người cộng sản và nhà báo cách mạng luôn kết hợp bền chặt, hài hoà. Viết báo để “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” (Lênin); “tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" (Hồ Chí Minh). Phan Đăng Lưu - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta thời kỳ trước năm 1940 là một trong những tấm gương như vậy.

Phan Đăng Lưu sinh ngày 5 tháng 5 năm 1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành ), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Họ Phan của ông chính là họ Mạc - một dòng họ danh tiếng của đất nước. Ngay từ nhỏ, Phan Đăng Lưu nổi tiếng về sự hiếu học, thông minh, mẫn tiệp hơn người. Tư chất đó giúp cậu học trò họ Phan sớm đến với tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Từ học chữ nho ở trường làng, học trường Pháp-Việt ở Vinh, học lên bậc trung học ở Huế, học trường Canh nông Tuyên Quang, về Vinh tham gia Hội Phục Việt, Phan Đăng Lưu luôn nhận rõ bản chất xấu xa của chế độ thực dân phong kiến, nỗi thống khổ của tầng lớp công nhân, nông dân; ngưỡng mộ những nhà yêu nước và cách mạng đáng kính như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc.

Quá trình gặp gỡ, kết thành đồng chí tiếp đó với Trần Phú, Trần Đình Thanh, Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập,… càng định rõ con đường dấn thân cho sự nghiệp cách mạng của ông.

Sự nghiệp cách mạng và báo chí của Phan Đăng Lưu thực sự sôi nổi, phong phú khi ông tham gia Đảng Tân Việt - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Khoảng cuối năm 1927, đầu 1928, để tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng dân chủ mới, Đào Duy Anh và lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế thành lập Nhà sách Quan Hải Tùng Thư. Trên cương vị là Thường vụ Tổng bộ phụ trách tuyên truyền, Phan Đăng Lưu - với kiến thức Hán học và vốn tiếng Pháp tinh tế đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như “A.B.C Chủ nghĩa Mác”, “Dân chủ mới”; dịch các cuốn “Xã hội luận”, “Lược sử các học thuyết kinh tế”… Các cuốn sách, bài báo của Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh và các tác gia ở Quan Hải Tùng Thư góp phần thức tỉnh nhiều thanh niên, học sinh yêu nước. Từ họ, tư tưởng tiến bộ, cách mạng lan toả, thấm dần vào các tầng lớp nhân dân. Trong chuyến đi Trung Quốc sau đó, được đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Ninh… Phan Đăng Lưu mang về nước nhiều tài liệu, sách báo về chủ nghĩa Mác rất quý giá. Một số tài liệu do ông dịch (khi tá túc trong căn nhà của ông Đăng Trọng Ninh ở phố hàng Vôi, Hà Nội), hiện vẫn được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ.

Tháng 9 năm 1929, trong chuyến sang Trung Quốc lần thứ hai để tìm gặp và liên kết Đảng Tân Việt với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Phan Đăng Lưu bị bắt ở Hải Phòng, bị đưa về nhà lao Vinh và bị kết án 5 năm tù khổ sai, lưu đày Ban Mê Thuột. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Phan Đăng Lưu được kết nạp Đảng ở trong tù và tham gia ban lãnh đạo những người cộng sản ở trong tù.

Theo hồi ký của Tôn Quang Phiệt (Nghiên cứu Lịch sử số 147, 148), Buôn Mê Thuột hồi đó là một khu tự trị với chính sách hết sức hà khắc của bè lũ thực dân và tay sai. Nhà tù ở đây tuyển lính gác gục là người Ê Đê vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc giữa Kinh và Thượng. Nhận rõ tình hình, nhiệm vụ lúc đó, Phan Đăng Lưu lao vào học tiếng Ê Đê và vận động các bạn tù cùng học. Chỉ vài tháng sau, ông đã sử dụng khá thành thạo thứ tiếng này. Để tuyên truyền, giác ngộ lính canh tù, ông lập ra tờ Doãn Đê tù báo (trong tiếng Ê Đê, Doãn là từ chỉ người Kinh, người miền xuôi). Tờ báo bí mật ra hàng tuần, vừa là công cụ giác ngộ binh lính người Ê Đê, vừa là tài liệu tuyên truyền nội bộ. Các bài viết ngắn gọn, đơn giản, trong đó nói về nỗi nhục mất nước; về quan hệ gắn bó giữa người Ê Đê và người Kinh cùng chung một nước; tấm gương tiết liệt, yêu nước của tù nhân cách mạng; về cách nhìn cảm thông của tù nhân cách mạng với những người Ê Đê bị ép buộc làm những điều mà họ không muốn. Tác dụng của tờ báo lúc đó rất lớn, rất hiệu quả. Mối quan hệ giữa người tù, lính canh được cải thiện rõ rệt. Một số lính canh còn giúp tù nhân nhiều việc có ích. Riêng Phan Đăng Lưu, dù bị bọn cai ngục “chăm sóc” rất kỹ, bị đánh đập dã man, bị giam cấm cố, nhưng ông vẫn viết báo đều, viết khoẻ và sắc sảo. Theo Tôn Quang Phiệt và những người bị giam ở Buôn Mê Thuột lúc đó như: Trịnh Xuân Quang, Hà Thế Hạnh, Bùi San…, để nắm được tình hình bên ngoài, Phan Đăng Lưu qua những người gác tù đã được giác ngộ, nhờ những người không bị quản chế chặt, bí mật nhặt nhạnh tất cả các mảnh báo, giấy tờ bị loại ra, kể cả chỗ “đi xia” mang về cho ông. Đó là tài liệu, là chút giấy ít ỏi để ông viết báo bằng ánh sáng lờ mờ từ lỗ thông hơi.

Vào quãng giữa năm 1932, sau cuộc phá ngục của tù nhân ở nhà tù Kon Tum, thực dân Pháp siết chặt chế độ lao tù đến mức hà khắc. Lãnh đạo nhà tù Buôn Mê Thuột, trong đó có cả Phan Đăng Lưu, chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, để khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo, tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân. Một số ít bài báo như vậy đã may mắn lọt ra ngoài. Bọn cai ngục ở nhà tù Buôn Mê Thuột tức lồng lộn, xoi mói, lùng sục các buồng giam kỹ hơn.

Một lần, người đồng chí của Phan Đăng Lưu là Đậu Hàm, quê Hà Tĩnh mãn hạn ra tù. Phan Đăng Lưu viết một bài báo bằng tiếng Pháp. Đêm đó, ông tách đế dép cao su của bạn, nhét tờ báo vào bên trong. Khoảng 3 giờ sáng, vì có nội gián, cai ngục và lính gác ập vào. Sự việc bị bại lộ, Phan Đăng Lưu bị tra tấn tàn khốc và bị tăng thêm án tù.

Vào giữa thập niên ba mươi, phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã bước qua thời kỳ thoái trào. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới đang đến gần. Trước đó, Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII họp tại Matxcơva (1-1935) nêu chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân rộng rãi trên thế giới chống chủ nghĩa phát xít, đòi tự do, dân chủ, hoà bình. Ở Pháp, đầu năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp và Chính phủ Pháp ra sắc lệnh ân xá chính trị phạm ở Đông Dương và ban hành một số chính sách tiến bộ khác. Phan Đăng Lưu được ra khỏi nhà tù Buôn Mê Thuột tháng 2 năm 1936 nhưng buộc phải “an trí” ở Huế.

Tại Huế, ông cùng các đồng chí của mình liên lạc với Đảng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới bằng những bài viết trên các báo. Tháng 3 năm 1937, tại Đông Pháp Lữ quán, số 7 đường Đông Ba, Đại hội Báo chí Trung kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Phan Đăng Lưu và các nhà báo cách mạng đã có công hướng Đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa lúc bấy giờ.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7-1936) xác định: Kẻ thù chủ yếu, trước mắt là bọn phản động thuộc địa, phải tập trung cho nhiệm vụ chống phát xít, chống chiến tranh, đòi dân chủ, hoà bình. Hội nghị chủ trương lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương (Mặt trận Dân chủ Đông Dương).

Ở Huế, Phan Đăng Lưu cùng Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Lâm Mộng Quang, Trịnh Xuân An, Hải Thanh... được Đảng giao hoạt động công khai và bán công khai. Và đương nhiên, báo chí là diễn đàn, là vũ khí đấu tranh phù hợp và sắc bén. Nguyễn Chí Diểu chỉ đạo nội dung Báo Nhành Lúa (do Nguyễn Xuân Lữ làm Chủ nhiệm), Phan Đăng Lưu và các đồng chí khác mua lại tờ Sông Hương của Phan Khôi, đổi tên thành Sông Hương tục bản, mời Nguyễn Cửu Thạnh làm Chủ nhiệm, Phan Đăng Lưu chỉ đạo nội dung và trực tiếp viết các bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm. Báo được in tại nhà in Vương Đình Châu ở Vinh. Trên tờ báo mới này, Phan Đăng Lưu và các đồng chí của ông trình bày quan điểm của Đảng; phát động quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, tự do; tuyên truyền cho cuộc vận động Đông Dương Đại hội Trung Kỳ; giải thích cho nhân dân biết về quyền bầu cử, ứng cử. Báo thể hiện tính giai cấp, tính chiến đấu rất sâu sắc. Mục “Chiếu điện” của tác giả Nghị Toét - bút danh của Phan Đăng Lưu, vạch mặt, chỉ tên bọn tay sai bán dân hại nước, dùng các âm mưu, thủ đoạn để lừa gạt cử tri (đó là Bùi Huy Trứ, Nguyễn Quang Triệt, Cao Văn Chiểu…). Còn 18 ứng cử viên là người của Đảng và có tư tưởng tiến bộ do Sông Hương tục bản giới thiệu, cổ vũ đã đắc cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, trong đó có đồng chí Đặng Thai Mai.

Sông Hương tục bản trên thực tế đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ, ra được 14 số (từ 15 tháng 6 đến 14 tháng 10 năm 1937), sau đó bị chính quyền thực dân thu hồi giấy phép.

Ngày 24 tháng 12 năm 1937, một số đại biểu vừa trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ qua sự gợi ý, đề xuất của Phan Đăng Lưu đã làm đơn xin xuất bản tờ báo lấy tên là “Dân”. Hai người quản lý báo Dân là Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Xuân Cát. Tuy nhiên, về thực chất, đây là tờ báo của Xứ uỷ Trung Kỳ do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ban Biên tập có Hải Triều, Bùi Công Trừng, Nguyễn Cửu Thạnh, Lâm Mộng Quang, Lê Bồi, Hà Thế Hanh… Báo Dân kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức, bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án Thuế thân và dự án Thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, làm rung chuyển bộ máy cai trị ở chính nơi đầu não của chúng. Trong thành công lớn lao ấy, Phan Đăng Lưu có những cống hiến hết sức quan trọng. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sắc sảo, các bài viết của ông thực sự là những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu, tính giai cấp, tính văn hoá, tính nhân dân.

Báo Dân không tồn tại được bao lâu do kẻ địch biết đó chỉ là sự thay đổi tên gọi của Sông Hương tục bản và đứng đằng sau tờ báo là Phan Đăng Lưu, cao hơn, là Xứ uỷ Trung Kỳ (Báo ra được 17 số, từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1938). Cơ quan Xứ uỷ và Phan Đăng Lưu tiếp tục cho ra tờ Dân Tiến. Theo tuyên ngôn của Báo: “Dân là dân, tiến là tiến tới. Dân tiến là dân tiến tới, dân cứ đi mãi. Dân có bị giết chết, bị tù, bị phạt, bị đói… dân vẫn cứ sống, vẫn cứ tới” (Dân Tiến, số 3, ngày 17/11/1938).

Để tránh sự kiểm duyệt gắt gao của Khâm sứ Trung Kỳ, Báo Dân Tiến được biên tập ở Huế, sau đó đưa vào Sài Gòn in ấn, phát hành ở Nam Kỳ vì ở đó, báo chí dễ “thở” hơn. Báo Dân Tiến vẫn do Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo, Huỳnh Văn Thanh làm Quản lý, Lưu Quý Kỳ làm Thư ký Toà soạn. Dân Tiến lại bị nhà cầm quyền đóng cửa. Không chịu khuất phục, Phan Đăng Lưu cho ra tiếp tờ báo mang tên Dân Muốn, vẫn biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn.

Trong các năm từ 1937 đến 1939, cùng với hoạt động báo chí sôi nổi, bản lĩnh, sáng tạo, Phan Đăng Lưu còn cho ra mắt bạn đọc các tác phẩm mang tính nghiên cứu, lý luận như “Xã hội Tư bản”, “Thế giới cũ và Thế giới mới”, “Thơ văn các nhà chí sỹ Việt Nam”. Là người rất gần gũi với Phan Bội Châu, được coi là Thư ký của cụ Phan, Phan Đăng Lưu còn động viên, giúp việc để cụ Phan hoàn thành cuốn sách “Phan Bội Châu niên biểu”. Phan Đăng Lưu cũng là người có ảnh hưởng sâu sắc đến những người hoạt động cách mạng ở Nghệ Tĩnh và Huế lúc đó như: Trịnh Xuân An, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Quang Xuân, Hà Thế Hanh hay lớp thanh niên yêu nước như: Tố Hữu, Trần Tống, Trần Quỳnh, Nguyễn Chí Thanh.

Tháng 9 năm 1939, Phan Đăng Lưu được Trung ương chỉ đạo rút vào Nam Kỳ hoạt động bí mật. Tháng 11 năm 1939, Ông ra Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII (tháng 11 năm 1939), được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta lúc đó. Tại Hội nghị này, ông báo cáo, phân tích tình hình ở Nam Kỳ, cho rằng tình thế cách mạng chưa chín muồi, xin Trung ương cho hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đề nghị của ông được chấp thuận. Ông vội vã trở lại vùng đất đang sục sôi khí thế cách mạng, nhưng không kịp. Cuộc khởi nghĩa đã nổ. Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi vừa đặt chân xuống Sài Gòn. Giữa năm 1941, Phan Đăng Lưu cùng các chiến sĩ cộng sản ưu tú Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập và nhiều đồng chí khác hy sinh oanh liệt trước mũi súng quân thù trong niềm tin tất thắng của cách mạng.

Đã 71 năm đã đi qua từ ngày Phan Đăng Lưu ngã xuống, con thuyền cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta đã cập bến độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Trong trang sử vàng của cách mạng Việt Nam, của báo chí cách mạng Việt Nam, Phan Đăng Lưu có một vị trí xứng đáng, trân trọng. Ông là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, nhân dân ta, một nhà báo cách mạng ưu tú, hết sức tiêu biểu thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam