253 lượt xem

Nguyễn Ư Dĩ

Nguyễn Ư Dĩ - khai quốc công thần nhà Nguyễn. Ông là người thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo phò tá Nguyễn Hoàng.

Nuôi dạy chúa Nguyễn Hoàng

Nguyễn Ư Dĩ là con quan Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân thị vệ sự nhà Lê, Nguyễn Minh Biện, Triệu tổ Tĩnh hoàng hậu là con gái ông. Ư Dĩ làm quan với nhà Lê tới chức Thiếu phó Uy Quốc công.

Năm Bính Tuất (1526) nhà Lê bị nhà Mạc soán ngôi, Triệu tổ Tĩnh hoàng đế qua Ai Lao dấy binh để khôi phục nhà Lê, gửi Thái Tổ hoàng đế (Nguyễn Hoàng) lúc đó mới hai tuổi ở nhà với cậu là Nguyễn Ư Dĩ. Ư Dĩ hết lòng chăm sóc. Khi Nguyễn Hoàng đến tuổi nhược quán (tuổi làm lễ đội mũ), Ư Dĩ thường lấy việc dựng mở cơ nghiệp để khuyến khích.

Lớn lên, Nguyễn Hoàng làm quan cho triều Lê, tước phong đến Hạ Khuê hầu, từng đem quân đánh Mạc Phúc Hải, lập công lớn được vua Lê phong Đoan Quận công.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (gần Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế ngày nay), Ư Dĩ xuất lĩnh con em đi theo. Mùa hạ năm 1593, Nguyễn Hoàng ra Đông Đô, ở lại đó 8 năm, tham gia cùng Trịnh Tùng đánh dẹp quân Mạc, Ư Dĩ đều ở bên cạnh.

Mùa hạ năm 1600, Nguyễn Hoàng theo đường biển trở về Nam. Thuyền về tới Thần Phù, dân có người đi theo. Ư Dĩ thấy quân địch đuổi theo, sai quân ra sức chèo. Quai chèo bị đứt, bà Phạm Thị Công, người huyện Yên Mô dâng một bó tơ sống làm dây buộc quai chèo, thuyền lại đi nhanh (Phạm Thị Công vào Thuận Hóa, khi chết được tặng Thị tùng hộ giá Phạm phu nhân).

Tới Thuận Hóa hai năm, Ư Dĩ được về thăm Quý hương, Nguyễn Hoàng tặng cho nhiều quà. Ư Dĩ đem chia hết cho tướng sĩ. Sau khi hết hạn, Ư Dĩ quay vào Thuận Hóa phục vụ Nguyễn Hoàng.

Người đi lĩnh ý trạng Trình

Nguyễn Ư Dĩ là nhân vật lịch sử gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phía Nam của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Ư Dĩ suốt đời lo việc bảo dưỡng, trù bị, khởi xướng đại cuộc, phò tá Nguyễn Hoàng dựng nên nghiệp lớn cho Chúa Tiên. Chính Nguyễn Ư Dĩ là người thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu đến Ái Tử (huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị).

Nhờ uy tín đức độ của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ mà rất nhiều anh hùng hào kiệt tìm về đầu quân dưới trướng Nguyễn Hoàng. Người dân nghèo đến nơi này được tự do khai khẩn đất hoang lập ruộng, biến một vùng khô cằn, đá sỏi thành ruộng vườn trù phú màu mỡ.

Trong các công thần khai quốc thì Ư Dĩ đứng thứ nhất. Đến năm Giáp Thìn (1844) Nguyễn Ư Dĩ được vua Thiệu Trị truy tặng là "Khai quốc công thần đặc tiến Tráng võ tướng quân Trung Quân Đô thống phú Chưởng phụ Thái sử" thụy là Trung Trinh, tước là Uy Quốc công. Miếu cũ ở Quý hương, cho Ư Dĩ được phối hưởng. Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), Đông các học sĩ Vũ Xuân Cẩn xin truy xét công cho Ư Dĩ vào bàn thờ thứ nhất ở Hữu vu nhà Thái miếu.

Khi thái phó Nguyễn Ư Dĩ qua đời, hậu thế tưởng nhớ đúc tượng thờ. Hiện nay bức tượng tọa lạc ở thôn Trà Liên Tây, xã Triều Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trước đây tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ thờ ở chùa Liễu Bông (Liễu Ba).

Năm 1972 chùa bị bom đạn phá sập nhưng pho tượng vẫn đứng uy nghi trên bệ đá. Năm 1980, tượng còn thờ trên di tích chùa Liễu Bông. Theo một số người được biết có lần pho tượng của ngài Ư Dĩ bị kẻ trộm lấy cắp, người dân làng Trà Liên, xã Triệu Giang, phải mất một thời gian tìm kiếm mới tìm được pho tượng chôn ở bờ sông Ái Tử.

Sau sự việc xảy ra, dân làng Trà Liên đã  thỉnh tượng ngài Ư Dĩ, chuyển về gần đình làng Trà Liên và xây miếu thờ, đổ bê tông, xây kín ba mặt, còn một mặt để trống để mọi người đến lễ bái, thắp hương và chiêm ngưỡng.

TRỊNH DƯƠNG