1158 lượt xem

Tại sao gọi là Bà Rịa - Vũng Tàu?


Bà Rịa - Vũng Tàu là địa danh ghép bởi Bà Rịa và Vũng Tàu. Địa danh Bà Rịa là phiên âm tên nữ thần trấn sóng Chăm Po Riyak, cũng có thể được cấu tạo theo phương thức chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa người Phú Yên, năm 15 tuổi cùng đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên vào nam, có công lớn trong việc khai khẩn vùng rừng núi Đồng Xoài.

Vũng Tàu được thành lập năm 1895, tuy nhiên trong bộ Phủ biên tạp lục năm 1776 của Lê Quý Đôn đã nhắc đến chữ Vũng Tàu: "Đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có dân cư", đó chính là ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam được chúa Nguyễn Phúc Tần lập năm 1658, vùng đất này có ba mặt giáp biển, rất thuận lợi cho tàu bè đậu tránh gió trước khi vào Gia Định, nên về sau gọi là Vũng Tàu.
Theo Trần Nhật Giáp

 
Địa danh Bà Rịa đã được cấu tạo dựa theo một phương thức chuyển hóa từ nhân danh. Điều này có nghĩa là được lấy từ tên Nguyễn Thị Rịa, đây là một người phụ nữ quê gốc ở Phú Yên và đã có công lao to lớn trong việc khai khẩn để đặt tên cho vùng đất này. Theo như các nhà nghiên cứu của người Pháp thuộc vào hiệp hội nghiên cứu Đông Dương và căn cứ vào sự lưu truyền của dân gian đã giải thích rằng nguồn gốc địa danh của Bà Rịa là nhằm tưởng nhớ bà Nguyễn Thị Rịa.

Theo như truyền thuyết trong vùng này đã kể rằng bà Rịa đã đến và trú ngụ tại đây vào năm 179 mà tên của bà đã được lưu truyền như là cư dân đầu tiên. Điều này giúp khẳng định rằng có thể đã được thổi phồng, tuy nhiên người ta vẫn tin rằng bà đã tập hợp được một số người dân cư và lập nên làng. Bà cuốn hút họ bởi đức hạnh và phẩm chất cao đối với những người dân cần cù. Mãi về sau thì bà mới chia số đất đai do Bà tổ chức khai phá cho dân cư.

Ngày nay mộ Bà Rịa vẫn còn đó, cây cầu Bà Nghè nối Tam Phước với An Nhứt cũng vẫn còn đó và người dân nơi đây vẫn nhớ ngày giỗ Bà Rịa là ngày 16/6 âm lịch, cúng đúng 12 giờ trưa và được xem là một phong tục đẹp mà nhân dân địa phương vẫn tiến hành hàng năm.
Với những căn cứ trên nhiều nhà khoa học cũng đã tán thành với cách giải thích về địa danh của Bà Rịa được chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa trong phương thức cấu tạo nên địa danh. Điều này cũng càng nâng thêm sự tự hào về lịch sử, cũng như di sản của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế.


Bà Rịa là tên một vùng đất

Vấn đề này đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu. Sử gia Trịnh Hoài Đức (1765-1825), trong cuốn Gia Định thành thông chí viết: “Bà Rịa là ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng (...). Tân Đường thư nói: Bà Lỵ ở ngay phía Đông Nam Chiêm Thành, từ Giao Châu đi ghe theo biển, trải qua các nước Xích Thố, Đan Đan rồi đến Đại địa châu Đà Mã (cũng gọi là Mã Lễ, quốc tục xỏ tai, đeo hoa, lấy một bức vải quấn ngang lưng) (...) Chữ Lợi âm là lục địa thiết âm là “lịa” vậy nghi chữ Bà Rịa tức nước Bà Lợi thuở xưa...”. (Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, tập thượng, quyển I và II, Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn 1972, tr 35-36)

Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, biên soạn trong 17 năm (1865-1882), các tác giả có quan điểm gần với Trịnh Hoài Đức: Bà Rịa là tên núi, còn gọi là núi Bà Địa: “Núi Bà Địa ở Đông Nam huyện Phước An 8 dặm, núi đá lởm chởm ngó xuống chợ Long Thạnh, có đường lớn ngang qua...”. Mục Thị điếm (chợ quán), Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Chợ Hắc Lăng: ở thôn Hắc Lăng, huyện Phước An, gần đó có núi Bà Rịa, có tên là chợ Bà Rịa”.
Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Imprimerie Rey, Couriol, Sài Gòn 1895) cũng giải thích tương tự: “Bà Rịa: tên xứ ở tại Hắc Lăng, bây giờ là tiếng kêu chung của cả hạt Phước Tuy” (Tome 2, tr 256).

Các tác giả bộ “Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh” đồng kiến giải với Trịnh Hoài Đức.
Những tư liệu đã dẫn cho thấy, tên vùng đất Bà Rịa xuất hiện sớm nhất trong sử sách với tư cách là tên gọi một ngọn núi, một cái chợ, một xứ đất, lần đầu tiên được mang tên gọi một tỉnh là năm 1865, do thực dân Pháp đặt tên.

Bà Rịa là một địa danh

Sử sách triều Nguyễn đều ghi Bà Rịa là một địa danh. Đại Nam thực lục tiền biên (Quốc sử quán triều Nguyễn) ghi nhận địa danh Bà Rịa sớm nhất từ năm 1690: “Năm Canh Ngọ (1690), Cai cơ Nguyễn Hữu Hào đem quân đi đánh Nặc Thu, vua Chân Lạp, rồi rút từ Bích Đôi (Chân Lạp) về đóng ở Bà Rịa”.

Địa danh Bà Rịa được Lê Quý Đôn nhắc tới trong sách “Phủ biên tạp lục” qua sự kiện “Tháng 4 năm Bính Thìn (1776) chúa Nguyễn Phúc Thuần đã bỏ Phú Xuân chạy vào xứ Bà Rịa”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã dẫn tài liệu của một giáo sĩ Pháp về Các họ đạo của xứ Đồng Nai từ năm 1747 để kết luận rằng: “Tác giả Địa chí Bà Rịa 1902 đã sai lầm khi nói đất Bà Rịa mới có hơn trăm năm nay, “một bà tên là Rịa tới lập làng Phước Liễu rồi mất vào năm Gia Long thứ 2 tức 1803” (...) Sự sai lầm về “Bà Rịa mới lập làng Phước Liễu từ 1789” được đính chính mạnh nhất khi tìm thấy địa danh Bà Rịa và Đất Đỏ đã được ghi vào danh mục “các họ đạo của xứ Đồng Nai từ 1747”. Trong danh mục ấy còn ghi rõ Bà Rịa có 140 giáo dân và Đất Đỏ có 350 người theo đạo công giáo”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Linh dẫn lời ông L.Malleret, Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội: “Địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ tên gọi Khơme của một cái bàu gần Long Điền là Bà Rày hay Bà Rey, chuyển sang âm Việt chệch đi thành Bà Rịa. Cái Bàu đó sau đã mang một cái tên Việt ngữ là Bàu Thành”.  Nguyễn Linh cho rằng, ý kiến của L.Malleret đã giải quyết một cách xác đáng hướng nghiên cứu về nguồn gốc địa danh Bà Rịa từ góc độ địa danh học.
Bà Rịa là một tộc danh

Một trong những hướng nghiên cứu đáng chú ý là địa danh Bà Rịa có nguồn gốc từ một bộ tộc. Cụ Vương Hồng Sển viết trong cuốn Tự vị tiếng Việt miền Nam (1993) như sau: “... không rõ bà gốc Chàm, thổ dân sơn cước hay Cơ Me. Duy biết chắc Thổ gọi Iéay Ria (đọc là “Vây Ria”). Vây là mụ, là bà lão; Ria là tên tộc. Tương truyền bà là tiền hiền có công khai thác”. Trong truyền thuyết, thường là có một phần nào sự thật, được cải biên khi truyền miệng. Truyền thuyết sẽ đọng lại trong một chừng mực hợp lý, tương đối phù hợp với những kiến giải đương thời. Nếu lấy mốc cuốn sách xuất bản sớm nhất có viết về nhân vật bà Rịa là cuốn Địa chí tỉnh Bà Rịa và Thành phố Cap Saint-Jacques, in năm 1902 thì có thể tạm coi là truyền thuyết về bà Rịa xuất hiện trước đó, hoặc cùng thời với bối cảnh thực dân Pháp xâm lược và đặt chế độ cai trị vùng đất này. Song, theo như truyền thuyết được chép lại thì Bà Rịa cũng chưa thuộc lớp người đầu tiên tới khai phá vùng đất Mô Xoài.
Theo NGUYỄN ĐÌNH THỐNG


Trong sách sử của người Việt Nam tên gọi Vũng Tàu đã có từ khá lâu, các sách dẫn dưới đây tính theo thứ tự thời gian:

- Sớm nhất có lẽ là sách của nhà bác học Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục viết năm 1776 (thời hậu Lê), Lê Quý Đôn đã nói đến Vũng Tàu dưới tên gọi Hán-Việt "Vịnh Tào". Sách viết: Bính Thân, năm thứ 37 (năm 1776 dương lịch), tháng 1, sửa sang thành lũy lại bố trí trọng binh để khống chế một phương. Phúc Thuần độc chiếm ba phủ là Gia Định, Bình Khang (vùng đất nay thuộc Khánh Hòa) và Bình Thuận (tương ưng với Ninh Thuận, Bình Thuận bây giờ). Tháng 2 (1776), Văn Nhạc sai em đem chiến thuyền đánh vào Bình Thuận, nhưng không được. Tháng 3, đánh phá Cửa Lạp và Vịnh Tào (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Vũng Tàu), rồi vào cửa biển Cần Trừ (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Cần Giờ), lấy được ba dinh Phan (Phiên) Trấn, Biên Trấn và Long Hồ. Tên Vũng Tàu đã được Lê Quý Đôn nói đến vào năm 1776.

- Sách Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức biên soạn, được dâng lên vua Minh Mạng từ năm 1820. trong sách chép: "Thất Sơn (tục gọi là núi Ghềnh Rái) vây che đứng sững bên ngoài, Thuyền Úc (tục gọi Vũng Tàu) vũng lớn bát ngát ở trong, lòng cảng sâu và rộng, bốn mùa gió đều được yên ổn...". Trong mục viết về Trấn Biên Hòa sách chép: "... qua Vụng Tàu là ra núi Ghềnh Rái...", ở đây sách chép là "Vụng Tàu".

- Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn bởi Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn từ năm 1861 đến 1882), trong mục tỉnh Biên Hòa có nói đến những ngọn núi ở Vũng Tàu như núi Thùy Vân, núi Bà Rịa, núi Nứa, núi Ghềnh Rái... và địa danh Vũng Tàu. Sách viết: "Núi Ghềnh Rái:... Đầu núi làm cửa hữu cho Ngọc Tỉnh, đuôi núi làm bình phong cho Cần Giờ, ở trong có vũng lớn, tục gọi là Vũng Tàu. Vũng này bảo vệ cho ghe thuyền đậu nghỉ...".
Vũng Tàu (Thuyền Úc): Ở phía Tây Nam huyện Phước An 31 dặm, tách dòng từ bến sông Phước Thắng, tục gọi là Vũng Tàu... Thuyền Úc, cũng có sách chép là Thuyền Áo (Áo, âm khác của Úc), là tên viết và đọc theo âm Hán-Việt.

- Sách Đại Nam thực lục, cũng được biên soạn bởi Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn từ năm 1821 Minh Mạng năm thứ hai, đến năm 1909 Duy Tân năm thứ ba mới hoàn thành), cũng có nói đến Vũng Tàu với hai ý nghĩa:
+ Thứ nhất Vũng Tàu là tên riêng: "... đạo thủ Vũng Tàu Ghềnh Rái, ba thuyền Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam thuộc binh...". Ở đây đạo thủ Vũng Tàu Ghềnh Rái là tên gọi hành chính lúc bấy giờ.
+ Thứ nhì Vũng Tàu là danh từ chung: "Mùa thu, tháng 7 (Nhâm Tý 1793), thuyền vua về đậu ở Vũng Tàu Phan Rang...". Sách Đại Nam thực lục ghi chú: "Vũng Tàu tức là cửa biển Phan Rang, khác với Vũng Tàu ở cửa biển Cần Giờ". Ở đây sách phân biệt Vũng Tàu Phan Rang và Vũng Tàu Cần Giờ, như vậy Vũng Tàu ở đây là để chỉ nơi thuyền neo đậu.

Theo Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư, tên gọi Vũng Tàu có từ thời chúa Nguyễn và thời Gia Long. Năm Minh mạng thứ 5 đổi thành Thủ Phước Thắng. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời kỳ Pháp thuộc gọi chung là Cap Saint Jacques và lập thành Thị xã từ 1-5-1895. Ngày 14-1-1899 giải thể Thị xã Cap Saint Jacques, đổi thành Tổng Vũng Tàu. Ngày 11-11-1899 lập lại Thị xã Cap Saint Jacques. Ngày 30-4-1929 đổi Tổng Vũng Tàu thành khu hành chính tự trị của Nam Kỳ gọi là Tỉnh Cap Saint Jacques. Ngày 27-11-1934 giải thể Tổng Vũng Tàu từ 1-1-1935, hạ Tỉnh Cap saint Jacques xuống Thị xã. năm 1947 nâng cấp trở lại thành Tỉnh Vũng Tàu. Năm 1952 hạ còn Thị xã Vũng Tàu.

Đến thời Đệ nhất Công hòa ngày 22-10-1956 hạ Tỉnh Vũng Tàu xuống Quận Vũng Tàu thuộc Tỉnh Phước Tuy. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa ngày 8-9-1964 chuyển thành Thị xã Vũng Tàu.
Sau ngày 30-4-1975 Thị xã Vũng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 30-5-1979 Thị xã Vũng Tàu hợp với Huyện Côn Đảo thành Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngày 12-8-1991 giải thể Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thành lập Thành phố Vũng Tàu. Ngày 16-9-1999 Thành phố Vũng Tàu được xếp vào đô thị loại II.

Bổ sung:
Trong từ điển Annamite-Francais của tác giả Jean Bonet xuất bản năm 1899 có giải thích từ Vũng và địa danh Vũng Hàn, Vũng Tàu:
Từ Vũng được giải thích là Ao, vũng, vũng nước; vũng tàu, vịnh, vũng, vụng,..  trong mục từ Vũng có từ Vũng Hàn giải thích là vịnh ở Tourane (Tourane tên gọi Đà Nẵng thời Pháp), và Vũng Tàu: vịnh (cap Saint-Jacques).


Trích Tử điển Annamite-Francais, Jean Bonet, xuất bản năm 1899.
Từ Vũng được giải thích là Ao, vũng, vũng nước; vũng tàu, vịnh, vũng, vụng,..  trong mục từ Vũng có từ Vũng Hàn giải thích là vịnh ở Tourane (Tourane tên gọi Đà Nẵng thời Pháp), và Vũng Tàu: vịnh (cap Saint-Jacques).

- Về tên gọi Saint Jacques, Saint James:
Như ta đã biết thời thuộc Pháp Vũng Tàu được người Pháp gọi là Cap Saint Jacques, Au Cap Saint Jacques, và trong một quyển sách của một người Anh viết vào năm 1830 gọi Vũng Tàu là Saint James. Câu hỏi tôi muốn nêu ở đây Saint Jacques, hoặc Saint James là ai? hoặc có nghĩa là gì?

Có hai cách giải thích về từ Saint Jacques:

- Saint Jacques: có nghĩa là Thánh Jacques (Saint là Thánh). Theo trang Wikipedia: Jacques là viết theo tiếng Pháp, viết theo tiếng Anh là James, tiếng Tây Ban Nha là (San) Tiago, và tiếng Việt là Gia-cô-bê hay Gia-cơ. Như vậy trong sách của người Anh gọi là Saint James, chỉ là cách gọi theo tiếng Anh của Saint Jacques.
Trong quyển Từ điển Tôn giáo thế giới giản yếu của tác giả người Hoa Kỳ John Bowker (NXB Từ điển Bách Khoa-2011), có viết về Saint James như sau: JAMES tên của hai hay ba Kitô hữu thuở đầu. Thánh James, con của Zebedee, là anh của John, và là một trong các môn đệ thân thiết của Jesus. Ông chịu chết vì đạo vào năm 44 CN. (Công vụ Tông đồ 12. 2). Thánh James, "anh em của Chúa" (Mark 6. 3), người trở thành lãnh đạo Kitô giáo thuở ban đầu tại Jerusalem sau khi rời bỏ Peter. Thư của James là thư đầu tiên của các thư chung trong Tân ước.

- Saint Jacques: bắt nguồn từ chữ "coquille Saint Jacques", đây là tên củamột loại sò lớn mang tên Thánh Jacques (coquille: con sò) ăn ngon, giả thiết này cho là ngày xưa các thủy thủ người Châu Âu tìm thấy loại sò này ở biển Vũng Tàu. Tuy nhiên sách vở cũng cho biết loại sò "coquille Saint Jacques" sinh sống ở Đại Tây Dương, không sống ở vùng biển Vũng Tàu.
Theo Chauphuochuy.com

Về ý nghĩa tên gọi Vũng Tàu, có ý kiến cho rằng vùng đất này có ba mặt giáp biển, rất thuận lợi cho tàu bè đậu tránh gió trước khi vào Gia Định, nên được gọi là Vũng Tàu. Khi người Bồ Đào Nha đến đây, họ lại đặt tên cho nơi đây là Oporeto CIN CHAGAS VERDAREIRAS (có nghĩa là "Năm vết thương của Chúa Cứu Thế"). Sở dĩ gọi như vậy bởi vì Vũng Tàu, nhìn từ ngoài khơi vào, người đi biển thấy có năm ngọn núi, biểu tượng của niềm vui, của sự cứu giúp đối với họ. Đó là năm ngọn núi có tên là Kỳ Vân, Núi Dinh, Núi Nứa, Núi Lớn, Núi Nhỏ.

Còn trong cuốn hải trình nổi tiếng Biển Phương Đông của một nhà hàng hải Pháp thì Vũng Tàu lại có tên là Cap Saint Jacques. Từ thời Việt Nam thuộc Pháp, Vũng Tàu còn được gọi là Ô Cấp hoặc Cấp - phiên âm của chữ Pháp Au Cap trong câu "Aller au cap"(đi ra đất mũi).

 
Tổng hợp: SGT Group