392 lượt xem

Tại sao gọi là Xuyên Mộc?

Xuyên Mộc là vùng rừng rậm hoang vu, đầy thú dữ, nước độc, là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc ít người Châu Ro sống du canh du cư. Khi người Việt từ Đàng Ngoài vào tìm đất khẩn hoang, lập nghiệp, ở đây chỉ có một số đồng bào người dân tộc Châu Ro sống rải rác sâu trong núi. Đất rộng, người thưa nên việc khai phá đất đai để làm ăn sinh sống trở nên dễ dàng. Những bãi biển Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu là những bến dừng chân đầu tiên của người Việt.

Từ năm 1623, với tư cách là con rể của chúa Nguyễn Phúc Chu; vua Chân Lạp (Chey Chetta II) chấp thuận cho người Việt ở xứ Đàng Trong vào làm ăn ở xứ Đồng Nai, Bến Nghé. Năm 1758 vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân với tư cách là vua một phiên quốc nước Đại Việt, lại một lần nữa cho phép người Việt vào làm ăn ở xứ Mô Xoài (Bà Rịa và miền Đông Nam Bộ ngày nay).

Một số sách xuất bản trước năm 1975 đã đưa ra một giả thuyết giải thích về cái tên Xuyên Mộc là do lớp người Việt đầu tiên đến vùng rừng hoang này, họ thấy rải rác nhiều xương người chết. Từ đó, họ gọi vùng đất này là "xương mục", lâu ngày đọc trại ra là Xuyên Mộc (?).

Cũng có ý kiến cho rằng từ thế kỷ XVII-XVIII, người Việt từ Đàng Ngoài vào khai phá xứ Đàng Trong, từ vùng Thuận Hóa cho đến Bình Định, Phú Yên, đến vùng đất ngày nay là Xuyên Mộc, vì thú dữ và thời tiết ác nghiệt, khó sinh sống, họ phải băng qua những cánh rừng già dày đặc về hướng Đất Đỏ, Long Điền, Phước Lễ định cư và đặt tên vùng đất Bà Rịa là xứ Mô Xoài. Phải chăng vì thế mà người Việt gọi tên cho vùng đất đã đi qua là Xuyên Mộc (Xuyên: băng qua. Mộc: cây).

Gần đây, các tác giả nghiên cứu địa chỉ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định, Xuyên Mộc là tên một loài cây lớn, mọc khá nhiều ở vùng đất này trước đây. Khi người Đàng Ngoài vào thực ra khi đến ngay Bình Châu, Hồ Tràm mà định cư. Cách giải thích này có sức thuyết phục, vì khi đó Xuyên Mộc là rừng già bạt ngàn, không nằm trong lộ trình mở đất của lớp người tiên phong hồi cuối thế kỷ XVII. Khi đó người Việt vào xứ Mô Xoài (Bà Rịa – Đồng Nai) chủ yếu là đi đường biển, ghé những nơi có cửa biển, ven sông, chọn nơi đồng bằng ven sông, ven biển dễ khai phá, tiện giao thông mà định cư, rồi mới khai phá rộng ra. Điều này có thể thấy rõ hơn qua phần thống kê dân cư vào đầu thế kỷ XX, khi đó, dân cư trên địa bàn Xuyên Mộc còn thưa thớt hơn vùng Đất Đỏ, Long Điền, hay Long Kiên, Long Xuyên (Hòa Long), Long Phước…


xuyenmoc.baria-vungtau.gov.vn