311 lượt xem

Tại sao gọi là Đồng Tháp?

Đồng Tháp có tên gọi từ Đồng Tháp Mười, tư liệu thành văn viết "đồng Tháp Mười" (không viết hoa chữ "đồng"), có nghĩa "tháp thứ 10" hoặc "tháp 10 tầng", thậm chí có nhiều cách giải thích về 2 ý nghĩa trên theo nhiều giả thuyết khác nhau. Nhiều người cho rằng địa danh Tháp mười được hình thành và chuyển hóa như sau: tháp Mười -> gò Tháp Mười (gọi tắt Gò Tháp) -> đồng Tháp Mười -> vùng Đồng Tháp Mười -> Tháp Mười + Đồng Tháp.
Theo Trần Nhật Giáp


Chú thích năm 1970. Theo tôi, thuyết dưới đây của ông Lê Hương có phần đáng tin hơn cả. Trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên, tập san Sử Địa số 14, 15 năm 1969, ông viết: "Tháp mười là một trong những ngôi tháp làm bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất khắp lãnh thổ để thờ vị thần Bà La Môn Lockecvera là vị thần chuyên trị bệnh cho nhân loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng, bằng ngói hay bằng lá thốt nốt để người bịnh nằm dưỡng bệnh do nhân viên y tế hoàng triều coi sóc. Những ngôi tháp được xây dựng dọc theo các con đường lớn trong nước mà ngôi nằm trong đồng Tháp Mười, tính từ địa điểm xuất phát, đứng vào hàng thứ muời. Thời gian trôi qua, tàn phá tất cả các công trình kiến trúc của cổ nhân, dãy nhà gỗ tiêu tan, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi tên Tháp thứ mười. Trong năm 1932, nhà khảo cổ Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp bằng ghe và xuồng để đọc những chữ khắc vào đó và phát giác ra ngôi tháp..."
 Theo Trường Đại học Sư phạm TP HCM


Liên quan tới tên gọi Đồng Tháp Mười, có giả thuyết cho rằng cái tên Tháp Mười là do nơi đây có ngọn tháp 10 tầng của người Chân Lạp xưa, nên vào năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho xây ở Gò Tháp một ngôi tháp 10 tầng, cao 42 m có kiến trúc kiểu tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ (Huế), và sử dụng như một đài quan sát toàn vùng Đồng Tháp Mười. Sau đó ngôi tháp này đã bị lực lượng đặc công của Quân giải phóng đánh sập vào ngày 20.12.1959.
Theo thanhnien.vn


Là vì đồng nầy lấy tên một ngôi chùa cổ, hay gọi là tháp, theo kiến trúc Cao Miên, xây cao mười tầng trên mặt đất.
Theo Sách Tân An ngày xưa


Các giả thuyết trong dân gian Về tên gọi Đồng Tháp Mười có những giả thuyết như sau:
- Giả thuyết I: Ngày xưa, cánh đồng này thuộc một vương quốc giàu có. Trong nước có 10 đời quốc vương, mỗi ông xây cho mình một ngôi tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng; ngôi tháp của ông vua thứ 10 là ngôi tháp mà chúng ta đang nói (Tháp Mười). Từ đó, có lời đồn là trong Tháp Mười có vàng.

- Giả thuyết II: Cho rằng đây là cái chùa - tháp thứ 10, tính từ Lục Chân Lạp xuống, nối liền các chùa - tháp này là các con đường lót đá.

- Giả thuyết III: Đây là cái tháp 10 tầng của Chân Lạp; có lẽ, theo thuyết này nên chính quyền Ngô Đình Diệm, vào năm 1958, cho xây lại một cái tháp 10 tầng cao 42 m, theo kiểu tháp chùa Thiên Mụ (Huế), một loại hình kiến trúc Trung Quốc.

- Giả thuyết IV: Đây là tháp canh thứ 10 (tính từ Ba Sao vào Gò Tháp), hoặc 10 tầng (còn gọi là thang trong) của nghĩa quân Thiên Hộ Dương để canh chừng giặc Pháp.

Địa danh Tháp Mười có 2 âm tiết:
“/Tháp/ + /Mười/”, được hình thành theo dạng thức: danh từ + số từ.

Về âm tiết /Tháp/, Ở đây chữ ‘tháp’, một danh từ chung chỉ một công trình xây dựng: ngôi tháp, cái tháp; đã trở thành một yếu tố của địa danh Tháp Mười và chữ Tháp được viết hoa.
Về âm tiết /Mười/, nó vốn là danh từ chỉ số lượng (mười tầng, cũng có thể là mười ngôi tháp) hoặc số thứ tự (thứ mười), một đặc điểm của ngôi tháp.

Hiện nay, trong dư luận chưa có sự thống nhất về nội dung, ý nghĩa của âm tiết /Mười/. Địa danh Tháp Mười đều có thể mang nội dung tháp “thứ mười”, tháp “mười tầng” hay mười cái tháp.
Theo Nguyễn Hữu Hiếu - VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI
 

Tổng hợp: SGT Group.