288 lượt xem

Tại sao gọi là Óc Eo?

Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho một địa điểm thuộc huyện Thoại Sơn, nằm ở phía nam tỉnh An Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực di chỉ Óc Eo huyện Thoại Sơn thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, tỉnh An Giang là khu vực được xem là “Thành Cổ Óc Eo” có diện tích rộng tới 450 ha. Thành Cổ Óc Eo là một đô thị mang đặc điểm cuả một thành phố ven biển với tiền cảng Tà Keo (Cạnh Đền) cách đấy 15km. Thành cổ Óc Eo là một thương cảng thời trung cổ bị chìm dưới đất, được phát hiện khi nhân dân đào kênh xáng Ba Thê.

Đây là một địa danh gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm, trong một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang ngày xưa nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7.

Tên gọi Óc Eo ban đầu dùng để chỉ cấu trúc hình chữ nhật trong khu vực nhưng sau đó Malleret dùng để chỉ toàn bộ khu vực. Theo L.Malleret, nền văn hóa Óc Eo có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm điạ bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất Đông Nam Campuchia.


 
Người viết sưu tầm: Phạm Xuân Khuyến