344 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở An Giang

Núi Tượng
Núi Tượng còn được gọi là Liên Hoa Sơn, nằm tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Núi Tượng thấp nhỏ, chỉ cao 145 m và chu vi 3.825 m.Nhiều người cho đây là một trong Thất Sơn. Từ xa, hình núi trông giống hình dạng con voi nên có tên là Núi Tượng.

Núi Dài
Núi Dài còn có tên Ngọa Long Sơn (núi rồng nằm), là trái núi dài nhất trong Bảy Núi (khoảng 8.000m), cao 580 m, nằm dọc theo tỉnh lộ 955B thuộc bốn xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì của huyện Tri Tôn tỉnh An Giang.

Núi Ông Két
Núi Két có tên chữ là Anh Vũ Sơn, người hành hương thì gọi là núi Ông Két; là một ngọn núi nhỏ trong Bảy Núi, thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam. Do ở vách phía tây ngọn núi có một tảng đá lớn nằm nhô ra. Người dân địa phương thấy giống như đầu một con chim két (chim anh vũ) nên đặt tên là Núi Két. Ngoài ra Núi Két còn có tên gọi mỹ miều khác là Anh Vũ Sơn hay Núi Ông Két.

Núi Dài Năm Giếng
Núi Dài Năm Giếng có tên chữ là Ngũ Hồ Sơn, còn được gọi là Núi Dài Nhỏ. Đây là ngọn núi cao đứng hàng thứ tư trong Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang, Việt Nam. Sở dĩ có tên Núi Dài Năm Giếng vì trên núi có năm nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. Núi tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây trĩu trái quanh năm, như: ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long v.v...Cho nên có người mô tả "nhìn theo hướng mỏ Két của núi Két, phía trước mặt là dãy Ngũ Hồ Sơn, có thể ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp".

Núi Cô Tô
Núi Cô Tô gọi tắt là núi Tô, còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng sơn, tên Khmer là Phnom-Ktô. Núi Cô Tô là một ngọn núi nằm trong dãy Thất Sơn, thuộc xã Cô Tô, H.Tri Tôn (An Giang).

Ô Tà Sốc
Theo cách giải thích của người Khmer thì Ô Tà Sóc có nghĩa là suối ông Sóc.

Cù lao Ông Chưởng
Với bốn mặt sông nước bao quanh (sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Chưởng và sông Vàm Nao), cù lao Ông Chưởng được nhiều người biết đến qua câu ca dao xưa :
“Bao phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”
Cù lao Ông Chưởng Tên một địa danh dân gian bao gồm phần lớn diện tích của huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên.
Trước đây, rạch Ông Chưởng được người xưa gọi là rạch Cây Sao bởi chảy cạnh bên cồn Cây Sao. Đến khi Khâm sai Chưởng binh lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến khai thác vùng đất này vào khoảng năm 1700 và có công dẹp yên Cao Miên, người dân nhớ công đức mà lập miếu thờ và đổi tên là rạch Ông Chưởng.

Tổng hợp: SGT Group.