444 lượt xem

Tại sao gọi là Tràm chim?

Trước hết, phải hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của từ “Tràm”, tuy nhiên đây lại là chủ đề gây tranh cãi chưa có hồi kết của một số nhà nghiên cứu! “Tràm” là danh từ chỉ một loại cây (cây tràm) hay là danh từ chỉ một loại địa hình (vùng trũng thấp, ngập nước lưu niên, có nhiều tràm) có nguồn gốc từ “krom” của người Khmer (còn thấy trong từ “Khmer krom” tức là Khmer ở vùng trũng thấp, ta hay nói là “Khmer hạ”) hoặc “kram” của người Mã Lai?

Với nhiều địa danh có từ “Tràm” ở Đồng Tháp (tràm Sình, tràm Chim, tràm Cù Lao Dung, tràm Dơi,...) và quy luật tiếp biến văn hóa trong quá trình cộng cư của người Việt, Hoa, Khmer và cả những tộc người gốc Mã Lai thì giả thuyết sau là hợp lý hơn. Người Khmer, Mã Lai đã có nhiều từ chỉ địa hình rất đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước trong kho từ vựng của họ, và lưu dân người Việt chỉ cần “Việt hóa” nó ở mức độ mà 2 bên đều có thể hiểu được khi nói chuyện với nhau. Một số ví dụ: “bâng” trong tiếng Khmer có nghĩa là cái hồ lớn, ta gọi là “bưng”, tương tự “trốp”, “péam, piam”, “prek” của người Khmer, “kulao” của người Mã Lai thành “trấp”, “vàm”, “xẻo” và “cù lao” của người Việt.


Ở Nam bộ, nhất là ở Đồng Tháp Mười và Cà Mau, có nhiều địa danh mang từ tố “tràm”. Về mặt cấu tạo, loại địa danh có từ tố “tràm” có 2 dạng: từ tố khác + /tràm/ (Đồng Tràm, Rõng Tràm, Rạch Tràm,...), “tràm” trong dạng thức này có nghĩa là cây tràm (bách bì), và do đó Đồng Tràm có nghĩa cánh đồng có nhiều tràm; /tràm/+ từ tố khác: tràm + một loài động vật (chim, dơi,...) hoặc một dạng địa hình (sình, cù lao,...), từ tố /tràm/ trong dạng thức này có thể có nghĩa là vùng trũng thấp, vùng ngập nước, đồng nghĩa với “hõm” và “chằm”, như trong câu “Nó nằm ở chỗ đất hõm sâu”. /Tràm/ âm ra tiếng Hán - Việt là /khảm/, /chằm/hoặc /trầm/, do vậy trước đây, người Hoa thường gọi Hà Tiên là Mang Khảm (xóm dân vùng ngập nước) hoặc trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức gọi vùng Đồng Tháp Mười là “chằm Mãng Trạch”.

Như vậy, địa danh Tràm Chim có nghĩa là vùng ngập nước có nhiều chim. Nhưng trong thực tế người ta thường hiểu rằng đó là khu rừng tràm có nhiều chim, vì có sự đồng âm giữa “tràm” là “cây tràm”, “tràm” là “vùng ngập nước”, thêm vào đó ở Nam bộ, vùng ngập nước thường có rừng tràm.