Nguyễn Hữu Cầu quê làng Lôi Động, huyện Thanh Hà, trấn Hải Dương (nay thuộc Thanh Hà, Hải Dương); xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm nên từ nhỏ đã phải lao động kiếm sống; là người thông minh, nhanh nhẹn, có tài cả văn kiêm võ, múa đao, phi ngựa và đặc biệt bơi lội rất giỏi nên được gọi là quận He, tên một loài cá ở Biển Đông.
Bất bình trước cảnh bất công, quan lại tham nhũng, ức hiếp dân chúng và nhà rất nghèo nên vào những năm 1737-1738, Cầu đã tham gia nhiều vụ cướp thuyền buôn, lấy lương thực chia cho người nghèo.
Năm 1739, Nguyễn Hữu Cầu tham gia cuộc khởi nghĩa của anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá (Hải Dương) và với tài võ nghệ, nghĩa khí, nhanh chóng được thủ lĩnh tin tưởng, được Cừ gả con gái là Nguyễn Thị Quỳnh cho.
Là dũng tướng tài năng, lập nhiều chiến công, góp phần cùng nghĩa quân đánh thắng nhiều trận, tạo uy tín lớn; năm 1741, khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Nguyễn Tuyển chết, Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu trở thành lãnh tụ mới của nông dân vùng châu thổ sông Hồng; đưa quân đánh chiếm vùng Đồ Sơn và đất Vân Đồn làm căn cứ; vì đây là địa bàn thuận lợi để phát triển phong trào và dễ dàng phối hợp với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở trấn Sơn Nam.
Tướng bảo vệ nhân dân
Từ năm 1742 – 1744, Nguyễn Hữu Cầu lần lượt đánh bại nhiều cuộc tấn công đàn áp lớn của chúa Trịnh. Trong trận Cát Bạc (vùng cửa sông Cấm đổ ra biển), Nguyễn Hữu Cầu tổ chức nghi binh khéo léo, nhử đối phương vào trận địa mai phục, sử dụng hơn 100 chiến thuyền, đánh tan Thuỷ Đạo đốc binh của chúa Trịnh, giết chết chủ tướng Trịnh Bảng.
Sau chiến thắng, thanh thế nghĩa quân và uy danh Nguyễn Hữu Cầu ngày càng lớn. Để tập hợp dân chúng, Nguyễn Hữu Cầu làm lễ tế cờ, tự xưng là Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân (nghĩa là vị tướng bảo vệ nhân dân), còn nhân dân tôn danh là quận He.
Nguyễn Hữu Cầu xây dựng lực lượng, tổ chức đóng chiến thuyền, rèn đúc vũ khí nên chỉ trong thời gian ngắn đã làm chủ một vùng rộng lớn (Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay).
Tháng 5/1744, chúa Trịnh sai Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng hợp sức vây Đồ Sơn; Nguyễn Hữu Cầu chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu và sơ hở, bí mật phá vây, rút quân về đánh chiếm Thọ Xương (khúc sông Thương thuộc Bắc Giang), chiếm trấn lị Thị Cầu. Trấn thủ Trần Đình Cẩm và Đốc đồng Vũ Phương Đề bỏ ấn tín mà chạy. Trận đánh gây chấn động cả Kinh thành Thăng Long.
Khi Trịnh Doanh tập trung 5 đạo quân với 10 đại tướng, 64 liệt hiệu và hàng vạn quân tấn công, Nguyễn Hữu Cầu thấy không thể cùng lúc đối phó với tất cả mà chọn đạo quân mạnh nhất của Trương Khuông, tổ chức trận đánh ở làng Ngọc Lâm (thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), nơi có địa hình hiểm trở, đặt mai phục.
Vẫn bằng lối đánh nghi binh, dẫn dụ, Nguyễn Hữu Cầu thống lĩnh quân khởi nghĩa đánh tan quân Trương Khuông; bốn đạo quân còn lại, không đánh mà tự vỡ.
Năm 1745, Trịnh Doanh lại sai Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đem binh đánh bại Nguyễn Hữu Cầu ở Xương Giang (Bắc Giang), buộc Cầu phải rút về vùng duyên hải Đông Bắc, đóng quân tại Hạc Động (giáp giới Hải Phòng và Quảng Ninh).
Từ đối chữ sau lại đối địch
Nguyễn Hữu Cầu được các sử gia đánh giá là người kiệt hiệt, nhiều mưu mẹo nhất trong các thủ lĩnh khởi nghĩa lúc đó. Có khi bị vây liền mấy vòng, ông chỉ một mình một ngựa phá vây, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo.
Các tướng họ Trịnh ai cũng sợ quận He, duy chỉ có Phạm Đình Trọng là bạn học thuở nhỏ là người hiểu quận He. Hai người đố kị nhau từ trước, từ đối chữ sau lại đối địch… Do có nhiều hiềm khích nên Phạm Đình Trọng thề không cùng sống ở đời với Nguyễn Hữu Cầu.
Trước tình thế khó khăn, năm 1746, Nguyễn Hữu Cầu sai người đem vàng về đút lót Đỗ Thế Giai và người nội giám là Nguyễn Phương Đĩnh để xin hàng.
Trịnh Doanh thuận và phong chức Ninh Đông tướng quân, tước Hương Nghĩa hầu. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Cầu bị Phạm Đình Trọng, bất chấp chỉ dụ của Chúa, đem quân đánh úp, buộc phải rút chạy.
Bước sa cơ
Tháng 9/1748, Nguyễn Hữu Cầu đem quân băng qua Duyên Hà đánh vào Sơn Nam. Dù thắng được ở Sơn Nam, nhưng nghĩa quân bị đại bại trong trận Cẩm Giàng (Hải Dương). Nguyễn Hữu Cầu nhận định, quân Trịnh sau chiến thắng tất sẽ chủ quan, Thăng Long không được phòng bị chu đáo, đã đưa quân tiến về Bồ Đề (Gia Lâm) định nửa đêm vượt sông vào Thăng Long.
Chúa Trịnh Doanh biết trước, kịp thời cầm quân chống cự, lại được Phạm Đình Trọng về tiếp ứng. Quân Nguyễn Hữu Cầu bị tổn thất nặng phải rút lui.
Năm 1749, Nguyễn Hữu Cầu lại liên kết với Hoàng Công Chất hoạt động ở Sơn Nam, nhưng bị thất bại liên tiếp ở Thái Bình, buộc phải kéo về Hải Dương. Năm 1751, thất bại lớn, Nguyễn Hữu Cầu dẫn một số người chạy vào Nghệ An, dựa vào lực lượng của Nguyễn Diên, bạn chiến đấu cũ trong cuộc khởi nghĩa Ninh Xá.
Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh, Nguyễn Hữu Cầu thấy bất lợi, định cùng một số tướng lĩnh vượt biển về Hải Dương nhưng gặp thời tiết xấu, phải lên bờ và bị thuộc tướng của Phạm Đình Trọng là Phạm Đình Sĩ bắt sống ở núi Hoàng Mai (bắc Nghệ An, giáp Thanh Hoá), đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh.
Lúc này, Trịnh Doanh cũng dẹp và bắt được Nguyễn Danh Phương mang về kinh đô. Đến làng Xuân Hy, huyện Kim Anh, gặp người của Phạm Đình Trọng giải Hữu Cầu đến, bèn mở tiệc khao quân, bắt Danh Phương dâng rượu, Hữu Cầu thổi kèn. Hữu Cầu nuốt nhục hầu chúa, khi về đến kinh thành định vượt ngục nhưng không thành. Tháng 3/1751, ông bị hành hình.
Thầy sợ không dám dạy
Tương truyền thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng cùng học một thầy. Trọng hay được thầy khen nhưng Cầu không phục. Một hôm đi đám ma, thầy cho cả hai theo, khi về nhà đám biếu thủ lợn, Cầu và Trọng tỵ nhau không ai chịu xách. Thầy bèn ra vế đối, bảo ai đối được thì không phải xách:
– Huề trư thủ (xách đầu lợn)
Trọng đối lại: – Phan long vân (vịn vây rồng)
Còn Cầu đối: – Diệt Tần phá Sở
Thầy gõ quạt lên đầu Cầu mà rằng, câu đối không chuẩn, thừa chữ và bắt xách thủ lợn. Cầu gân cổ cãi: – Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vịn vảy rồng như Trọng !
Một lần khác thày ra vế đối: – Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo.
Trọng đối: – Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc.
Cầu đối lại: – Tháng mười sấm rạp, tháng chạp sấm động
Thầy nghe xong bảo: – Thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc!
Rồi từ đó ông đồ sợ không dám dạy Cầu nữa. Sau này quả nhiên Trọng làm quan cho nhà Lê, còn Cầu khởi nghĩa chống triều đình.
Cũng tương truyền có lần hai bên đối trận, Phạm Đình Trọng ra vế đối sai người đưa cho Cầu như sau: Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ. Nghĩa là: chữ “Thổ” bỏ nửa một nét ngang, để xuôi là chữ “Thượng”, để ngược là chữ “Hạ”. Câu này có ý đe dọa Cầu, nếu thuận theo triều đình thì có chức, chống lại thì bị diệt.
Cầu viết thư đối lại rằng: “Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương”. Nghĩa là: bộ “Ngọc” có một dấu chấm, để lên đầu là chữ “Chúa”, bỏ đi là chữ “Vương”. Ý nói, chí lớn của mình chẳng làm chúa cũng làm vua chứ không chịu hàng.
Trước khi bị đem hành hình, Nguyễn Hữu Cầu đã làm bài thơ “Chim trong lồng”. Bài thơ còn lưu truyền đến ngày nay. Tương truyền, khi Cầu bị bắt, Trọng lại gần xem Cầu có kêu cầu gì không, nhưng Cầu thản nhiên ngồi hát xướng rất ngang tàng.
Trọng hỏi: – Bây giờ như chim trong lồng, còn gì mà hát? Nghe nói ông có tài thơ, trong trường hợp nào cũng làm được, vậy thử làm bài thơ “Chim trong lồng” xem sao?
Không cần đợi giục, Cầu liền ngâm: “Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu – Vạn lý phong vân cử mục tần – Hỏi sao sao luỵ cơ trần – Bận tài bay nhảy, xót thân tang bồng – Nào khi vỗ cánh rỉa lông – Hót câu thiên túng trong vòng lao lung – Chim oanh nọ vẫy vùng dậu bắc – Đài loan kia túc tắc cành nam – Mặc bay đông ngữ tây đàm – Chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung – Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán – Phá vòng vây làm bạn kim ô – Giang sơn khách diệc tri hồ”.
Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng một đời đối địch. Những người tin vào tâm linh có thể coi hai người như có nợ từ kiếp trước, chẳng những đối địch từ khi đi học đến khi cầm quân, khi ra trận, không chỉ đối địch gươm mà đối cả chữ.
Hai người chí hướng khác hẳn nhau, người ra làm quan, người đi làm giặc. Cầu đào mộ mẹ Trọng thì đúng là hành động quân cường khấu, nhưng Trọng là đại quan triều đình cũng trả thù quật lại mộ cha Cầu thì cũng không khá hơn giặc cướp.
Dẹp được Cầu, Trọng được phong làm Binh bộ Thượng thư. Nhưng cũng chỉ ba năm sau (1754), Trọng chết lúc mới 40 tuổi. Có Cầu thì có Trọng đối địch. Cầu không còn thì Trọng cũng ra đi như truyện dân gian: “Trạng chết thì chúa băng hà”.
Thờ Phạm Đình Trọng, thờ cả Nguyễn Hữu Cầu
Ngày nay có nhiều nơi thờ Nguyễn Hữu Cầu. Tại thôn Cựu Điện xã Nhân Hoà huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có đền thờ Nguyễn Hữu Cầu rất lớn. Tại Đồ Sơn, ông được thờ ở miếu Ngọc Xuyên, trong sáu vị tiên công và hai vị thần có Nguyễn Hữu Cầu (gọi là Bát bộ tôn thần).
Cũng tại Đồ Sơn có “Đài lên ngôi” của quận He. Tại làng Trà Cổ, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có đình Trà Cổ thờ các vị tổ (thành hoàng làng) đồng thời là nơi thờ quận He.
Tại thôn Kinh Giao, An Hưng, An Nại, Hải Phòng quê của Phạm Đình Trọng, bên cạnh đền thờ Đình Trọng có cả đền thờ Nguyễn Hữu Cầu.
Giữa cánh đồng Chàng làng Đồng Hổi gần sông Ngựa Lồng, quê hương ông (Tân An, Thanh Hà, Hải Dương) có miếu Quận. Đây chính là mộ của cha ông, nơi phát tích của quận He; trong miếu có bia ghi: “Tiên triều Ninh Đông vương phát tích mộ”. Đình Lôi Động thờ tam vị thành hoàng trong đó có quận He. Hàng năm vào ngày 11-13/3 âm lịch tổ chức lễ hội.
Theo dân gian truyền miệng ở Đồ Sơn, hội chọi trâu có liên quan đến khởi nghĩa quận He. Tương truyền khi Nguyễn Hữu Cầu mang quân về đây, dân trong vùng mang 3 con trâu ra khao, Quận He định làm thịt 3 con trâu đó để khao quân thì bất ngờ chúng xông vào húc nhau. Quân sĩ của ông và nhân dân kéo tới xem. Từ đó, hàng năm nhân dân vùng Đồ Sơn thường mở hội chọi trâu để tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cầu.
Nguồn khoahocdoisong.vn