251 lượt xem

Thái úy Đỗ Anh Vũ và vụ án tư thông với Lê Thái Hậu – kỳ 3: Công và tội

Công và tội của Thái úy Đỗ Anh Vũ vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau. Các nhà sử học rất nặng nề về tội tư thông với Thái hậu, thậm chí còn gọi ông là kẻ đại ác.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/do-anh-vu-300x177.jpg

Hình minh họa. Nguồn: sưu tầm.

Trả thù

Có điều kiện để trả thù kẻ đã lập mưu hãm hại mình, Đỗ Anh Vũ tự lập đội Đô Phụng Quốc Vệ gồm hơn 100 người khỏe mạnh, thân tín, hễ ai phạm tội thì giao hết cho lính ở đội này bắt đi.

Lợi dụng lúc vua tin dùng, Đỗ Anh Vũ tâu rằng “Trước kia bọn Vũ Cát Đái tự tiện đem quân xông vào tận cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sẽ sinh biến, không thể lường trước được”.
Vua Anh Tông y lời tâu, sai quân bắt bọn Vũ Cát Đái giam vào ngục trị tội. Vua còn hạ chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, các Hỏa đầu gồm 8 người bị đem chém ở chợ Tây, Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Cát Đái thì đem chém ở Giang Đầu, Phò mã Dương Tự Minh bị đày lên vùng nước độc. Số còn lại đều bị giáng chức làm khao giáp và điền hoành.

Thời điểm xảy ra vụ việc này được sử sách ghi chép không thống nhất. Đại Việt sử lược chép sự việc này năm 1148, còn Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép năm 1150.

Đỗ Anh Vũ qua đời ngày 20/1/1159. Ông làm phụ chính triều Lý trong 22 năm, hưởng thọ 46 tuổi.

Ông được triều đình truy phong “Suy trung Hiệp mưu Bảo tiết Thủ chính Tả Lý Dực đái công thần; Thủ Thượng thư lệnh, Khai phủ nghị đồng tam ti; Nhập nội Nội thị tỉnh đô đô trị, Kiểm hiệu Thái úy, kiêm Ngự sử đại phu, Dao thụ chư trấn Tiết độ sứ, Đồng trung thư, Minh chính Bình chương sự, Thượng trụ quốc, Thiên tứ tính. Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Nguyên soái Đại Đô thống”.

Đám tang do đích thân Tô Hiến Thành chủ lễ.

Những đánh giá khác nhau

Tại quê hương, ông được thờ như Thành hoàng và thường được gọi là Đức Thánh Lác. Văn bia ông hiện lưu giữ tại Đền thờ An Lạc, Đồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên.

Văn bia mô tả công đức của ông đối với triều Lý; ghi rõ ông là người khảng khái, cả đời trong sạch, liêm chính, luôn tỏ rõ một lòng trung thành với vua Lý.

Văn bia khắc vào thời Lê Trung hưng, văn tự khắc trên tấm bia bằng chữ Hán cổ, được soạn tỷ mỷ và tuân theo thể văn Gối hạc – Tứ tuyệt.

Ngoài hai tấm bia đá, một tấm còn nguyên vẹn, một tấm hiện bị vỡ thành 4 mảnh thì trong đền An Lạc thờ Đỗ Anh Vũ còn có bức hoành phi sơn son thếp vàng mô tả rõ việc an táng ông.

Việc an táng được yêu cầu đào sâu chôn chặt và tuân theo quy luật Cửu Trù.

Xét công của Đỗ Anh Vũ với nhà Lý có thể thấy trong bối cảnh loạn lạc, vua còn nhỏ tuổi, ông đã dám xả thân, chịu nhiều oan ức để đứng ra bảo vệ vương triều, giúp nhà Lý giữ thế cân bằng để tiếp tục truyền ngôi cho các thế hệ tiếp theo.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại ý kiến của sử gia Lê Văn Hưu về Đỗ Anh Vũ như sau: “Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng.”

Còn sử gia Ngô Sĩ Liên cũng đánh giá Đỗ Anh Vũ “là kẻ đại ác”.

Tuy nhiên, tấm bia thời Lê Trung hưng mô tả về cuộc đời của Đỗ Anh Vũ lại cung cấp một góc nhìn khác về vị quan này, theo đó Đỗ Anh Vũ đã được khen ngợi về tính cách cao quý và cống hiến của ông đối với sự ổn định của triều đại nhà Lý.

Một bằng chứng lịch sử để phản bác lại lời Ngô Sĩ Liên nói chính là ngôi đền An Lạc được dựng thờ từ thời Lý. Nếu ông là một kẻ có tội với triều đình, có tội với dân thì theo quy luật của phong kiến Việt Nam ngôi đền này đã bị phá dỡ.

Nguyễn Thành Hữu

Khoahocdoisong.vn