483 lượt xem

THÁI ÚY PHẠM CỰ LƯỢNG VÀ ĐÌNH LƯƠNG SỬ

…Đình Lương Sử (cũng gọi là Đền Lương Sử, Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lượng) hiện ngự tại ngõ Lương Sử A, phố Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.


Nguồn: sưu tầm

Đền được dựng từ năm Đinh Sửu-1037, niên hiệu Thống Thụy (1034-1038) năm thứ tư, theo ý chỉ của Vua Lý Thánh Tông (trước khi xây dựng Văn Miếu-Quốc Tử Giám 33 năm). Sự kiện này được ghi rõ trong Đại Việt Sử ký toàn thư -Tập I (trang 392, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội năm 2000) và Việt Điện U Linh. Như vậy, đến nay Đình này đã có bề dày lịch sử là 978 năm, hiện còn lưu giữ được thần phả và nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến.

Đền được Vua Lý Thánh Tông cho lập để thờ Thái úy Phạm Cự Lạng, hay còn gọi là Phạm Cự Lượng là Đại tướng đời Đinh Tiên Hoàng và được Lê Đại Hành phong đến chức Thái úy, là chức quan cao nhất của triều đình, sau khi ông đã mất được trên 50 năm ông được Vua Lý Thanh Tông phong làm Hoằng Thánh Đại Vương với chức “Đô hộ phủ ngục trung minh chủ” để trông coi việc xử án. Ông “sinh vi tướng, tử vi thần”.

Phạm Cự Lượng sinh năm 944 tại làng Trà Hương, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông nội ông là Phạm Chiêm, đại thần có công lớn với nhà Ngô giữ chức Đông Giáp tướng quân, vơi tên thường gọi là Phạm Lệnh Công. Cha là Phạm Mạn, làm tham chính đô đốc đời Hậu Ngô Vương – Nam Tấn Vương.

Ông có công lớn, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân được phong chức Phòng Ngự sử tiên phong Tướng quân giữ cửa biển Đại Ấc (Nam Định) rồi Tâm phúc Tướng quân coi việc thị vệ. Khi Triều Đinh có biến (Đinh Tiên Hoàng và Đinh Toàn bị ám hại), giặc Tống lăm le xâm lược nước ta, ông đã phò Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi rồi được Lê Hoàn phong làm Đại Tướng quân, cùng Lê Hoàn cầm quân đánh thắng quân xâm lược Tống năm Tân Tỵ-981. Năm Nhâm Ngọ -982 ông lại phụng mênh vua đi đánh và thắng Chiêm Thanh. Hết giặc, đất nước thái bình, năm Quý Mùi-983 ông lại được vua Lê Hoàn trao trọng trách đi khai sông, làm đường tại Thanh Hóa. Công trình đào sông Nhà Lê do Lê Hoàn khởi xướng mà Phạm Cự Lượng là người thực hiên là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt Nam. Con sông đào đầu tiên này từ núi Đồng Cổ ở Đan Nê (huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa ngày nay) tới Bà Hòa (nay là xã Đồng Hòa, huyện Tĩnh Gia) là sự nghiệp mở đầu vĩ đại, đã trở thành phương châm hành động của các triều đại sau này và hình thành hệ thống sông đào ở đồng bằng Bắc Bộ đến Thanh-Nghệ-Tĩnh. Ông còn lập trại luyện quân cung cấp quân sĩ cho triều Lê Đại Hành. Lê Hoàn là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất ở Việt Nam. Phạm Cự Lượng là người có công đầu trong sự nghiệp của Lê Hoàn với công Giúp Đinh, Phò Lê, Đánh Tống bình Chiêm, Thời bình – Khai sông trị thuỷ. Do công lao to lớn của ông, năm Bính Tuất-986 ông được Vua Lê Đại Hành phong tới chức Thái úy là chức quan đầu triều. Đôi câu đối ở Đình Lương Sử và các đền thờ ông ở vùng biern Nam Định đã khái quát công lao của ông:

 
Khuông Lê vĩ tích tồn sơn hải,
Bình Tống, anh thanh quán cổ kim
(Công lớn phò giúp nhà Tiền Lê, còn tồn tại với nước non,
Tiếng vang oai hùng đánh giặc Tống, còn vọng mài từ xưa đến nay).

Chính sử không ghi ông mất năm nào. Thần phả ở các nơi thờ ông thi mỗi nơi viết mỗi khác. Ở Đình Lương Sử và nhiều nơi thì ghi ông mất ngày 12-9 năm Giáp Thân-984 tại nơi ông đang làm việc (khai sông, mở đường) ở Đồng Cổ, Thanh Hóa. Riêng ở Ninh Bình thì ghi ông mất ngày 26-11 năm Mậu Tuất-998. Các nơi tổ chức ngày lễ giỗ theo Thần phả của mình.

Đình Lương Sử nơi thờ ông một thời gian dài bị lấn chiếm. Nhân dân làng Lương Sử từ năm 1997 đã dần dần đòi lại được một phần đất và trùng tu khôi phục lại nhờ sự đóng góp công của của nhân dân phường Văn Chương, làng Lương Sử xưa và thập phương, nay đã khang trang. Một năm 3 lần: 20 tháng Giêng- Tế Xuân, 20 tháng 7 âl -Tế Thu, 12-9 âl – lễ giỗ, đồng thời là nơi hội họp thường xuyên của tổ dân phố Lương Sử. Mấy năm gần đây, từ khi có Ban Liên lạc (nay là Hội đồng) Họ Phạm Việt Nam thì các ngày lễ này bà con Họ Phạm khắp nơi về dâng hương rất đông.

Ngoài Đền chính thờ ông tại Lương Sử – Hà Nội, nhân dân còn lập nhiều Đền thờ ông ở: Đồng Cổ (Thiệu Yên-Thanh Hóa, nơi ông đào sông làm đường), Hưng Nguyên-Nghệ An, Phú Bình-Thái Nguyên (nơi ông được Vua cử phụ trách việc khai thác gỗ về xây dựng Thành Hoa Lư và khai thác gỗ cho trận đánh Tống ở Bạch Đằng), vùng biển Nam Định (nơi ông được vua ban 7 thực ấp, ông từng sống ở đó và lo việc triều đình), và Ninh Bình là nơi hoạt động chính của ông tại triều Đinh và triều Lê. Được Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm VN khóa VI thông tin và tổ chức kết nối, 3 nơi chính thờ ông là Đình Lương Sử, Thị trấn Yên Ninh-Ninh Bình và quê ông (Thụy Trà-Hải Dương) đã gặp gỡ nhau để cùng tưởng nhớ ông. Bà con làng Lương Sử và đệ tử của Đền Lương Sử còn quyên góp tiền đưa về Ninh Bình đóng góp tu bổ ngôi mộ mà họ Phạm Ninh Bình xác định là mộ Thái úy Phạm Cự Lượng.

Đình Lương Sử với lịch sử hình thành và xây dựng gần 1000 năm, với việc thờ một vị anh hùng dân tộc có nhiều công lao lớn với đất nước từ thời Đinh- Tiền Lê, còn lưu giữ được thần phả và nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến, với những hoạt động văn hóa truyền thống liên tục, rất xứng đáng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Ban Quản lý Di tích Đình Lương Sử và phường Văn Chương, quận Đống Đa đã làm Hồ sơ và nộp lên Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Thành phố Hà Nội, đang chờ được duyệt.

Phạm Thị Thúy Lan