261 lượt xem

Lý Anh Tông - Kỳ 3 (Cuối)

Lý Anh Tông thuở nhỏ bị mẫu hậu và đại thần Đỗ Anh Vũ thay quyền làm vua, việc nước không kể lớn nhỏ đều giao cho Đỗ Anh Vũ. May sao, Đỗ Anh Vũ không phải chỉ là kẻ “bị thịt ăn không” nên quốc vận nhà Lý chưa đến nỗi suy vi những thói chuyên quyền, độc đoán của Đỗ Anh Vũ khiến triều cương nhà Lý có nguy cơ bị lung lay. 

Năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, Anh Tông thân điều khiển chính sự, phải đối mặt với vấn đề khá nan giải: làm sao để khôi phục vinh quang của Lý triều như dưới thời các tiên đế sau bao năm bị Đỗ Anh Vũ và phe cánh làm cho lay động?

Một điều hệ trọng nữa là, Đỗ Anh Vũ dù sao cũng quen chủ trì chính sự, là trụ cột của triều đình. Nay người đó không còn thì ai sẽ thay vào vị trí ấy. Lần này, Anh Tông phải tự phán đoán rồi lựa chọn sao cho đúng đắn, thích hợp nhất. Như vậy mới có thể giải bài toán tạo lập một triều đình với “vua sáng tôi hiền” dưới thời đại của ông.

Nhậm dụng hiền năng

Lúc ấy, chốn triều đường có khá nhiều gương mặt lẫy lừng, từng lập công cho xã tắc. Kì cựu thì có Thái úy Lưu Khánh Đàm (bậc hiền thần thời Nhân Tông và Thần Tông, từng nhận di chiếu phò tá Thần Tông), Thái phó Hoàng Nghĩa Hiền (người có công tôn lập Anh Tông), Thái sư Lý Du Đô (cựu thần thời Thần Tông); lớp trẻ thì có Tô Hiến Thành, Đỗ An Di, Đỗ Kính Tu, Phí Công Tín, Trần Trung Tá… Phải chọn ai trong số họ để làm người tâm phúc, giữ ngôi Tể Tướng triều đình, cùng với Anh Tông tạo thành “cặp bài trùng” để trị lí thiên hạ?

Suy đi tính lại, Lý Anh Tông quyết định đặt niềm tin vào lớp người trẻ hơn, bởi các huân thần kì cựu tuổi tác đã cao, quãng thời gian tham gia chính sự không còn lại là bao. Lớp trẻ đang sung sức, rất hợp với Anh Tông cũng tuổi trẻ và đang buổi đầu thân chính. Gọi những người như Tô Hiến Thành là trẻ, đó là đối sánh với lớp người huân cựu, chứ ngay như Tô Hiến Thành năm ấy (năm 1158) cũng đã 56 tuổi, so với Anh Tông thì niên tuế cách khá xa (Anh Tông năm ấy 22 tuổi).

Trong số các gương mặt nổi bật của lớp trẻ như kể trên, Lý Anh Tông quyết định tùy tài mà lục dụng. Trần Trung Tá làm Gián nghị Đại phu, giữ việc can gián nhà vua, sửa lỗi cho các quan; Đỗ An Di, Đỗ Kính Tu, Phí Công Tín đều làm tướng coi quân. 

Riêng Tô Hiến Thành, Thái phó đương triều, từng có huân công đánh dẹp cuộc nổi dậy của Thân Lợi năm 1140 – 1141, sau khi được chính Anh Tông khảo nghiệm về tài năng trong việc đánh dẹp Ai Lao và Ngưu Hống xâm nhiễu biên thuỳ năm 1159, đã chính thức trở thành Thái Uý, quyền chức ngang với Đỗ Anh Vũ năm nào.

Xứng danh anh quân

Những người được Anh Tông tín nhiệm đều dốc sức phụng sự Hoàng đế. Tô Hiến Thành thì càng tỏ rõ là bậc lương đống hàng đầu. Mọi việc đến tay ông đều được chu toàn. Xin kể ra vài ví dụ điển hình: Tháng 2/1161, nghĩa là một năm sau khi trở thành Thái Uý, Tô Hiến Thành được Anh Tông giao nhiệm vụ đi tuyển dân đinh sung vào quân ngũ. Cùng đi với Hiến Thành có Phí Công Tín. Cả hai tiến hành tuyển lựa kỹ càng rồi phân số người mới tuyển thành đội ngũ, sau đó, cử ra các tướng thông thạo binh pháp, am tường võ nghệ để chỉ huy và huấn luyện các tân binh.

Tháng 11/1161, Tô Hiến Thành được cử làm Đô tướng, cùng Đỗ An Di đem 2 vạn quân đi tuần tra các nơi thuộc biên giới phía Tây Nam. Năm 1164, dân vùng Lộng Lạc ở miệt sông Mang Quáng (nay thuộc Sơn La) nổi dậy chống triều đình, Tô Hiến Thành nhận lệnh đi đánh dẹp. Năm 1166, quân Champa (Chiêm Thành) cướp phá miền ven biển phía Nam Đại Việt. Năm sau, Tô Hiến Thành được lệnh đem đại quân đi thảo phạt.Vua Champa chống không nổi, buộc phải sai sứ xin hoà.Anh Tông ứng cho và gọi Hiến Thành đem quân trở về. Champa từ đó “giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu” (“Đại Việt sử kí toàn thư”). Sau chiến công này, uy vọng của Tô Hiến Thành ngày càng lớn, được Anh Tông tuyệt đối tin cậy.

Nhờ sự giúp rập của Tô Hiến Thành, việc trị quốc của Anh Tông ngày một phát huy công hiệu, đúng như sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” (thế kỉ XIX) tổng kết:

“Rồi ra vắng mặt quyền gian, (chỉ Đỗ Anh Vũ – người dẫn)
Hiến Thành hết sức cán toàn mới nên.
Khi triều Tống, khi sinh Nguyên,
Một niềm cung thuận đôi bên được lòng.
An Nam Tống mới cải phong,
Quốc danh từ ấy rạng dòng Viêm phương.
Thành Nam mở chốn võ tràng,
Tập tành cung ngựa, phô trương tịnh kỳ.
Uy thanh dậy đến biên thuỳ,
Chiêm Thành, Ngưu Hống man di cũng bình”.

Vào những năm cuối thời Anh Tông, Thái tử Long Xưởng phạm đại tội nên bị phế. Hoàng tử Long Trát được chọn là người thừa kế, lúc ấy mới chỉ hai tuổi. Lo sợ đế nghiệp sẽ lụn bại nếu một mai bản thân quy tiên mà Long Trát còn thơ dại, Anh Tông đã đem tất cả hi vọng gửi gắm cho Tô Hiến Thành, thăng ông lên tước Vương, xếp đặt ông là người sẽ phụ chính phò ấu chúa. Sự kí thác của Anh Tông hoàn toàn đúng địa chỉ. Sau này, khi Anh Tông băng hà, triều đình nhà Lý nhiều phen sóng gió bởi âm mưu giành lại ngai vàng cho con trai là phế Thái tử Long Xưởng của Chiêu Linh Thái Hậu. Nhưng vững vàng như cột đá giữa dòng nước xiết, Tô Hiến Thành một tay chèo chống con thuyền nhà Lý, gìn giữ vẹn toàn cơ đồ cho ấu chúa Lý Cao Tông (tức Long Trát).

Hành trạng của Tô Hiến Thành cùng lòng trung rực rỡ của ông được xem là mẫu mực về phận bề tôi của người làm quan thuở trước, được sử sách các đời hết lời tán dương.

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hiến Thành, không thể không nhắc đến người đã tạo ra môi trường để ông thi thố tài năng, sở nguyện – Hoàng đế Lý Anh Tông. Bằng tầm mắt nhìn xa thấy rộng, nhận rõ chân tài của Hiến Thành, Lý Anh Tông từng bước tin cẩn mà trao cho Hiến Thành nhiều trọng trách.Hiến Thành cũng dốc sức làm việc để đáp đền. Vua tôi tương đắc trong chỗ cùng dốc lòng lo nghĩ, lo toan cho dân cho nước, để rồi cơ nghiệp triều Lý được vững bền, quốc gia Đại Việt có thêm nội lực để đi lên, khiến một người được tiếng anh quân, một người lừng danh lương thần.Với cách dùng người đúng đắn như vậy, Lý Anh Tông xứng đáng là một vị vua sáng của triều Lý, như sử thần Ngô Sĩ Liên từng đánh giá:

“Anh Tông nối ngôi tuổi còn thơ ấu, việc của Đỗ Anh Vũ làm gì mà biết được, đến khi tuổi ngoại hai mươi, sai bọn Hiến Thành đem quân đi tuần nơi biên giới, lại thân đi xem khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần, về mặt giữ dân giữ nước, quy mô đã thấy rõ. Lại đặt Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa bình giảng võ, mưu lược đã thấy rõ. Thái tử Long Xưởng có tội thì phế đi mà lập Long Trát làm Thái tử, cho ở Đông Cung, để lòng người có chỗ gắn bó. Đến khi ốm nặng, Hoàng hậu xin lập lại Long Xưởng, thì lấy lễ nghĩa mà bác bẻ, không mê hoặc lời nói của đàn bà, lại cố gượng gọi Hiến Thành nhận di chiếu giúp Thái tử quyền nhiếp chính sự, phó thác được người giỏi để phòng lo sau, rốt cuộc mưu phế lập của Thái Hậu không thể làm được, trên yên dưới thuận, không phải là sức của Anh Tông sao? Còn như Cao Tông không phải là người hiền thì ngay lúc bấy giờ đã biết trước thế nào được? Vua chỉ thuận theo lẽ phải mà làm thôi” (“Đại Việt sử ký toàn thư”).../.

Nguyễn Thanh Tuyền - Baophapluat.vn