So với con dâu là Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Bà hoàng Nguyễn Thị Hoa Dung ở đẳng cấp cao hơn hẳn về đức độ và tài năng chính trị. Bà là con gái của Quận công Nguyễn Đình Tư ở Linh Đường - một danh sĩ đương thời, là thầy dạy cả chúa Trịnh Doanh lẫn vua Lê Ý Tông.
Các tư liệu lịch sử cho hay, bà Hoa Dung còn có tên gọi khác là Nguyễn Thị Khương; quê ở làng Thịnh Liệt, huyện Thanh trì (nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cha bà, ông Nguyễn Đình Tư, thấy Trịnh Doanh thông minh, chăm học, trầm tĩnh và có chí khí, rất nhiều triển vọng lên ngôi chúa thay cho người anh trai hoang dâm tửu sắc Trịnh Giang, nên đã tiến cung con gái mình.
Bấy giờ, bà Hoa Dung là trang tài sắc nổi tiếng kinh kỳ. Khi Trịnh Doanh nối ngôi cha, bà đã dâng kế sách “Ngũ qui” (mọi việc qui vào năm rường mối), Chúa khen hay, lấy làm rường cột cải tổ triều chính. Đi kinh lý, Chúa nhờ bà buông rèm trông coi việc triều. Bà được thoả chí thi thố tài năng tạo phúc cho trăm họ.
Chuyện đời không được như ý muốn! Dù bà Nguyễn Thị Hoa Dung đã hạ sinh được con trai trưởng - Trịnh Sâm, nhưng khi ấy, Chúa Trịnh Doanh đang yêu mê mệt người vợ họ Nguyễn Mậu ở Thanh Hóa - đã phong bà này làm Chính phi (Phủ chúa không tôn xưng hoàng hậu); bà Hoa Dung chỉ được phong Trường cung. Từ đây, một nỗi ấm ức, ghen tỵ bắt đầu nảy sinh trong đầu người đàn bà đẹp này.
Ghét bà Chính phi... ghét lây cả con rể
Năm Quý Dậu (1753), Trịnh Sâm chính thức được lập làm Thái tử. Những năm sau đó, bà Chính phi và Chúa Trịnh Doanh lần lượt qua đời, Trịnh Sâm nối ngôi chúa, đã phong tước cho tất cả người thân thích của mẹ và bà Hoa Dung cũng được gọi là Quốc mẫu.
Ở đỉnh cao quyền lực, bà Hoa Dung vẫn đau khổ và căm phẫn người đã chết... đến nỗi ghét lây cả con rể của bà Chính phi là Thái tử Duy Vĩ. Vì thế, khi Trịnh Sâm thực hiện hành động trả thù truy bức Duy Vĩ một cách vô cùng dã man thì bà Hoa Dung đang giúp con điều hành triều chính, đã không có ý kiến gì can ngăn.
Sách Việt sử thông giám cương mục chép lời phê của Vua Tự Đức: "Một việc vô cùng thê thảm, đau đớn đến ngàn đời. Đọc sử đến đây làm cho lỗ mũi người ta phải chua xót... Lại đáng giận lúc ấy khanh tướng đầy triều không một người nào dám nói. Như thế, có thể nói, trong triều lúc bầy giờ không có người nào ra gì cả... Đến cả Nguyễn Thị Hoa Dung, mẹ Trịnh Sâm, cũng không nói một lời để giải cứu, thế thì bụng dạ Nguyễn Thị ra thế nào?".
Cũng theo Việt sử thông giám cương mục, sau khi Duy Vĩ bị truất, Duy Cận là con thứ 4 của nhà vua, ra vào phủ Chúa Trịnh, tôn thờ mẹ Trịnh Sâm rất kính cẩn...
Can thiệp khá sâu vào chính sự
Sử sách chép rằng, càng về sau này, bà Hoa Dung càng can thiệp sâu vào chính sự của chúa Trịnh, đặc biệt là việc sắp đặt ngôi Thế tử. Cụ thể, khi Trịnh Sâm quá mê mẩn Đặng Thị Huệ, muốn bỏ con lớn, lập con nhỏ, thì bà đã vào cung, nói thẳng cho Chúa biết điều hơn lẽ thiệt: "Thế tử Tông với Vương tử Cán đều là cháu, ta thực không coi đứa nào hơn đứa nào. Có điều, Thế tử đã lớn mà khoẻ mạnh, còn Vương tử thì tuổi nhỏ, lại đau yếu. Chúa hãy nghĩ đến tôn miếu, xã tắc, tạm dành ngôi đông cung lại đó (đông cung là ngôi Thế tử), may ra Tông nó biết hối lỗi thì hay (lúc ấy Tông bị cho là có tội, bị giam lỏng). Bằng không, Vương tử khôn lớn hãy lập trưởng cũng chửa muộn gì".
Trịnh Sâm đã không nghe lời bà. Chúa ngã bệnh, ngày càng nguy kịch. Quốc mẫu Hoa Dung hoảng sợ, thường vào cung chăm sóc. Khi Chúa lâm chung, sai thảo cố mệnh đưa Trịnh Cán lên ngôi. Bà đau lòng vì sắp phải vĩnh biệt đứa con độc nhất, nhưng vẫn rất tỉnh táo, bảo đưa chiếu cho xem. Rồi tự tay bà dùng bút son phê: "Không phải bút rồng của tiên vương, không đủ làm bằng”.
Nhưng tình thế không thể đảo ngược. Phe cánh Thị Huệ áp đảo vì Quận Huy nắm binh quyền đã ngả theo, Trịnh Cán đang thoi thóp trên giường bệnh, vẫn lên ngôi chúa. Thị Huệ và Quận Huy cùng nhiếp chính.
Sau này, khi quân Tam phủ mưu lật Trịnh Cán để đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa, đã xin ý chỉ của Quốc mẫu thì bà đã đồng ý ngay và ra lệnh cho Quận Huy công Hoàng Đình Bảo hãy để Trịnh Khải nắm quyền. Khi Quận Huy không chịu nghe theo thì bà đã để mặc cho quân Tam phủ giết; phế Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ. Ở đây phải nói, tất cả các bước như xin chỉ dụ của Quốc mẫu, rồi tâu lên nhà vua phong Khải làm vương... đều có ý kiến và bút phê của Quốc mẫu Nguyễn Thị Hoa Dung.
Năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long phò Lê diệt Trịnh. Trịnh Khải phải bỏ kinh thành chạy lên phía Bắc, rồi bị bắt và tự sát. Bà Hoa Dung bỏ về quê ở ẩn và mất tại đó.
Vĩnh Khang (tổng hợp)
baodatviet.vn