295 lượt xem

Hà Huy Giáp

Hà Huy Giáp, tấm gương sáng về học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ

Đồng chí Hà Huy Giáp. Nguồn: sưu tầm.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, Hà Huy Giáp sớm chịu ảnh hưởng của vùng đất quê hương giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Cuối năm 1926, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Sài Gòn. Ðây là thời kỳ ông hòa mình trong phong trào quần chúng công nông và "thấy họ vĩ đại".

Bị tòa án của thực dân Pháp kết án sáu tháng tù, nhưng điều đó không làm ông nhụt ý chí. Ra tù, ông lại lao vào hoạt động trong học sinh, viết sách báo tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, gây dựng cơ sở trong các đồn điền ở Nam Bộ.

Ngày 1-4-1931, Hà Huy Giáp lại bị thực dân Pháp bắt khi đang chuẩn bị cho việc kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5. Từ đó đến tháng 3-1945, hết vượt ngục rồi lại bị bắt lại, hết bị đày đi Côn Ðảo lại bị giam cầm ở các nhà lao ở Hà Tĩnh, Huế, Kon Tum, Phú Yên...

Những năm tháng tù đày liên miên đã thử thách, tôi luyện cuộc đời ông. Có nhiều chuyện ly kỳ về ông trong chốn lao tù thực dân - đế quốc, mãi sau này, qua tập "hồi ký viết vội" của ông trước ngày mất, qua những trang viết về ông của những người cùng thời, chúng ta mới hiểu rõ hơn về ông - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Ðó là, sau khi bắt được ông, biết ông là một trong những cán bộ quan trọng của Xứ ủy Nam Kỳ, bọn mật thám Pháp đã dùng đủ mọi ngón đòn tra tấn, nhưng ông đã kiên cường chịu đựng, giữ vững khí tiết cách mạng. Sự kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản đã khiến bọn mật thám Pháp phải kinh sợ, cảm phục. Sau mỗi lần chết đi sống lại bởi đòn thù, ông lại tiếp tục tìm cách tuyên truyền, giác ngộ bọn mật thám, lính kín, để rồi sau đó, Nguyễn Văn Chi(1) - một trong những người lính kín  đã mở còng để cho ông tự do, rồi tự tra chân vào cùm để nhận bản án chung thân thay cho ông, tạo điều kiện cho ông cùng một số đồng chí khác tổ chức vượt ngục.

Ðó là, năm 1933, sau khi bị  thực dân Pháp bắt lại, Hà Huy Giáp bị Tòa đại hình Sài Gòn xử trong vụ 121 người lãnh đạo cộng sản Việt Nam bị bắt trong phong trào 30 - 31. Ðiều khiến báo chí ngày đó xôn xao tường thuật, bình luận nhiều về vụ án khổng lồ ấy chính là sự khác thường tại phiên tòa. Bất chấp luật lệ của tòa án thực dân, bằng lời lẽ hùng hồn và tiếng Pháp lưu loát, ông đã cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng... biến nơi đây thành diễn đàn công khai luận tội thực dân Pháp, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ nguyện vọng chân chính đòi độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Khi bị kết án và đày ra Côn Ðảo, Hà Huy Giáp đã cùng các đồng chí của mình biến nhà tù thực dân - đế quốc thành trường học cộng sản. Ông tham gia dịch Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản và một số tài liệu khác, tuyên truyền và tổ chức các lớp học về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về đường lối cách mạng Việt Nam. Và, chính ở ngay nơi "địa ngục trần gian" này, những người cộng sản đã học được một lẽ sống: muốn sống thì phải liên tục đấu tranh. Các ông đã tranh thủ luyện rèn trong gian khó, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau... để rồi hơn chục năm sau trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, tập hợp toàn dân nổi dậy làm cuộc cách mạng "long trời, lở đất" giành lại nền độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Hạnh phúc lớn trong đời đối với Hà Huy Giáp là được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ. Lần đầu ông được gặp Người khá bất ngờ. Ðó là trong dịp đi dự Hội nghị Tân Trào (tháng 8-1945), được báo cáo với Người về tình hình khởi nghĩa ở Nam Bộ. Sau đó, do vị trí công tác, ông thường xuyên được gặp và làm việc dưới sự chỉ bảo trực tiếp của Người, từ những việc đơn giản như lời ăn tiếng nói, cách thức gặp gỡ, ứng xử với người, với việc, đến những việc lớn như công tác tư tưởng - văn hóa, chăm lo việc trồng người, xây đời sống mới...

Ông bảo, cứ sau mỗi lần gặp Bác, ông lại học thêm được ở Người một bài học, giúp ông hoàn thành trọng trách được giao. Nhờ vậy mà ông có được những đóng góp đáng kể trên các lĩnh vực mà ông phụ trách, cả về lý luận và thực tiễn, vừa có tính định hướng lâu dài, vừa có ý nghĩa thời sự, góp phần quan trọng cho các bước phát triển đi lên của nền văn hóa- giáo dục Việt Nam.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được Ðảng ta đặt ra từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Thời kỳ ấy, ông đã có nhiều bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Người qua đời, những bài nói, bài viết của ông về Bác Hồ kính yêu ngày càng nhiều, góp phần đặt nền móng cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo ông, học và làm theo đạo đức Bác Hồ chính là học và làm theo đạo đức cao quý của người cách mạng vĩ đại, một người cộng sản chân chính suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân; là phải đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; là thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống giản dị, chân thành trong mọi công tác và hành động đối với tập thể, đối với nhân dân, đối với mọi người; là kiên quyết quét sạch các thói hư tật xấu như: tham ô, hủ hóa, lãng phí quan liêu, tham danh trục lợi, địa vị quyền hành, chuyên quyền độc đoán, xem khinh quần chúng(2)... Ðó không chỉ là những điều ông hiểu, học, nói, viết, mà chính là những điều ông thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Ðó cũng là những gì ông muốn truyền đến mỗi người để mọi người cùng sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Sau khi lần lượt đảm nhận các chức vụ quan trọng do Ðảng và Nhà nước giao: Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng; Bí thư Ðảng Ðoàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục; Bí thư Ðảng Ðoàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Hội Văn nghệ; Phó Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ðảng Trung ương..., từ tháng 11 năm 1970 đến tháng 6 năm 1987 ông trở thành Trưởng ban phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, rồi Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khi tuổi đã cao, sức yếu, vì di chứng của những năm tháng bị tù đày gian khổ, ngày ngày ông vẫn ngồi hàng giờ liền để giảng giải, chỉ bảo cho chúng tôi trong từng công việc cụ thể từ cách sưu tầm, ghi chép, bảo quản tài liệu hiện vật về Bác Hồ, đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu- bảo tàng học chuyên sâu về Hồ Chí Minh.

Ông thường xuyên tổ chức các lớp học, trực tiếp giảng bài và dẫn đầu các đoàn công tác đi sưu tầm tư liệu, khảo sát các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương... Sự tận tụy, gương mẫu trong mọi việc ở ông đã cuốn hút mọi người, không chỉ các cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, mà cả những người làm công tác phục vụ trong cơ quan cùng nỗ lực cố gắng học và làm theo, cùng chung một suy nghĩ phải làm việc tốt hơn để giữ gìn và phát huy giá trị những di sản văn hóa của Bác Hồ...

Ðược ông dìu dắt và nâng đỡ, các lớp cán bộ từng bước trưởng thành và đã cùng ông góp một phần quan trọng cho sự ra đời của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhiều người được ông tin tưởng và tạo điều kiện, sau này đã trở thành những chuyên gia trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người khiêm nhường, ông luôn tâm niệm rằng mình chỉ là hạt cát trong biển cát mênh mông, nếu không có Ðảng, không có Bác Hồ và nhân dân thì ông có cố gắng mấy cũng chẳng thể làm được việc gì. Tám mươi bảy tuổi đời, hơn sáu mươi tuổi Ðảng, là một chặng đường dài ông đã đi và đã đến. Trên chặng đường ấy, ông để lại cho đời một tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Sống, ông đã hiến dâng cuộc đời mình cho Ðảng, cho cách mạng không một chút đắn đo, suy tính. Ngày về với đất Mẹ, ông cũng mong được "nhẹ cánh bay", không làm phiền đến anh em bạn bè, đồng chí... Cuộc đời ông trong sáng, vẹn tròn. Ông thật xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời khen ngợi của đồng chí Lê Duẩn: "Người nói hay nhất về đạo đức Bác Hồ là anh Hà Huy Giáp, vì anh Giáp nói điều anh ấy làm và làm được theo Bác" (3).

Tháng Tư này, tròn 100 năm Ngày sinh của ông (4-4-1908 - 4-4-2008), chúng tôi những người tiếp tục công việc của ông ở Bảo tàng Hồ Chí Minh xin viết đôi dòng tưởng nhớ ông, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
-----------------
(1) Ông Nguyễn Văn Chi được Hà Huy Giáp giác ngộ, sau này khi bị tù ở Côn Ðảo đã trở thành đảng viên Cộng sản, năm 1943 là Thành ủy viên Sài Gòn.
(2) Tuyển tập Hà Huy Giáp, Bộ Văn hóa - Thông tin, 1998, tr.161-162.
(3) Tuyển tập Hà Huy Giáp , Bộ Văn hóa - Thông tin, 1998, tr.480. TS.
Chu Ðức Tính Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh