Nguyễn Đăng Thịnh - thầy của chúa Nguyễn, là người xuất chúng trong nhiều lĩnh vực, là người có công lớn trong việc xây dựng vương triều của các chúa Nguyễn.
Dòng dõi thế gia
Nguyễn Đăng Thịnh (1694- 1755) tự Chuyết Trai hiệu Hương Danh, người thuộc xã An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ông là hậu duệ đời thứ 8 phái Đạt Lý họ Nguyễn Đăng (gốc là họ Trịnh).
Cha là Nguyễn Đăng Trị (1665- 1725) tự Đại Chánh hiệu Thuận Đức là cụ tổ phái thứ ba của dòng tộc. Ông là anh của danh sĩ Nguyễn Đăng Đệ (Trịnh Đăng Đệ). Trước kia đỗ Hương tiến làm quan tới chức Văn chức kiêm Giám trạng được phong là Triều nghị đại phu.
Nguyên xưa tổ tiên là người làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang Hà Tĩnh nay là xã Phù Lưu huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Nguyên họ Trịnh là một dòng dõi thi lễ, một dòng họ lớn ở Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh).
Trịnh Cam đậu tiến sĩ ra làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư kiêm chuyển vận sứ đời nhà Lê. Năm Đinh Hợi (1527), khi Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào bắt vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi, giáng vua Lê xuống làm Cung vương, Trịnh Cam không thể ngồi yên nhìn cảnh suy sụp của nhà Lê bèn bỏ quan về quê.
Họ Mạc biết Trịnh Cam là người hiền tài cố mời ông ở lại triều chính, nhưng Trịnh Cam kiên quyết chối từ rồi cùng con là Trịnh Quýt lúc bấy giờ đang giữ chức giáo thụ, bỏ quê hương vào ngụ cư tại làng Tiên Nộn thuộc huyện Phú Vang xứ Thuận Hòa.
Tại đây Trịnh Cam, Trịnh Quýt chiêu tập những người trung nghĩa ở châu Ô cùng chiêu tập trai tráng trong vùng để xưng nghĩa giúp vua Lê khôi phục lại cơ đồ. Công việc đang tiến hành thì Trịnh Cam lâm bệnh rồi mất, sau đó một thời gian không lâu thì Trịnh Quýt cũng mất.
Con cháu và các hào kiệt châu Ô vô cùng thương tiếc, sự nghiệp phù Lê diệt Mạc cũng nguội dần. Về sau, con cháu bèn nhập tịch ở làng An Hòa, huyện Hương Trà (nay là thành phố Huế).
Nguyễn Đăng Thịnh sinh ngày 24 tháng 4 năm Giáp Tuất (1694) trong một gia đình văn gia thế phiệt nên thiếu thời ông cùng với em họ là Nguyễn Cư Trinh được học Hán học và giáo lý Khổng Mạnh. Nguyễn Đăng Thịnh, học rộng thông thái, giỏi văn thơ, người đời thường tôn là bậc thầy nổi tiếng văn học ở Nam Hà.
Xuất chúng trong nhiều lĩnh vực
Năm Đinh Hợi (1707), Nguyễn Đăng Thịnh đỗ Hương tiến (Cống sĩ) khoa thi Tân Sửu (1721) và đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều các chúa Nguyễn. Đặc biệt, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng Quốc vương, thiết lập chính thức vương quốc Đàng Trong đối lập với vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Với tân chế độ được xây dựng nên đều có công lao rất lớn của Hương danh hầu Nguyễn Đăng Thịnh "cũng do có công đầu làm Kim sách tấn tôn, Nguyễn Đăng Thịnh được trao chức Lễ bộ kiêm Lại bộ vào năm Giáp Tý (1744) lúc ông 50 tuổi. Phàm những chế độ mới đặt như triều nghi, phục sắc, bàn lễ khảo văn... chủ yếu do Nguyễn Đăng Thịnh tán định".
Năm Ất Hợi (1755) ông mất khi còn đang giữ chức, thọ 62 tuổi, được truy tặng Tham nghị, Chính trị Thượng khanh, vinh phong "Tán trị công thần", được triều đình ban nhiều tiền lụa để hậu táng.
Nguyễn Đăng Thịnh là người xuất chúng trong nhiều lĩnh vực, cũng là thầy dạy của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát. Công lao và tài năng của Nguyễn Đăng Thịnh được các đời chúa Nguyễn khen ngợi, tôn vinh.
Sau khi ông mất, chúa Nguyễn sai người tới nhà thu thập các di cảo văn chương để xem, đọc tới nhiều bài, lấy làm khen ngợi nhớ tiếc. Nguyễn Đăng Thịnh có nhiều thi tập có giá trị như "Hiệu tần thi tập", "Chuyết trai văn tập", "Chuyết trai vịnh sử tập".
Hiện nay ngoài những bài thơ do Lê Quý Đôn sao chép lại trong Phủ biên Tạp lục, như Vịnh Hán an Đế, Vịnh Tống Chân Tông, Vịnh Tống Cao Tông, Vịnh Tống Độ Tông, hiện còn nhiều tác phẩm của ông còn thất lạc và chưa được giới thiệu đầy đủ…
Khoahocdoisong.vn