261 lượt xem

Thục Phán ( An Dương Vương) - Kỳ 3 (Cuối)

Nguồn gốc của Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc - Kỳ 3
 
Một chi tiết khá đặc biệt khác là ở Cao Bằng hiện nay vẫn còn lưu truyền huyền thoại về thành Nà Lự của Bế Khắc Thiệu chống lại triều đình nhà Lê năm 1430
 
https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/mychautrongthuy2.jpg
Truyền thuyết Mị Châu Trọng Thủy
 
18. Câu chuyện Bế Khắc Thiệu xây thành và làm nỏ thần gần như được mô phỏng theo truyền thuyết Rùa Vàng. Điều đáng được quan tâm nữa là người Tày ở Nà Lự hiện nay khi nhắc tới huyền thoại này lại giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ Tày đậm đặc từ Việt cổ 

19. Huyền thoại về thành Nà Lự phổ biến trong tâm thức dân gian Tày và truyền thuyết An Dương Vương trong tâm thức người Việt, nhất là ở vùng Cổ Loa phải chăng là có cùng một nguồn cội sâu xa?

Khi nghiên cứu địa danh khu vực Cổ Loa, các nhà dân tộc học cũng tìm thấy nhiều điểm tương đồng với văn hoá truyền thống cũng như ngôn ngữ của tộc người Tày Thái.

GS. Trần Quốc Vượng nhận thấy sự xuất hiện một số từ thuộc ngôn ngữ Tày cổ còn lưu lại trong địa danh khu vực Cổ Loa, trong đó quan trọng nhất là địa danh “Viềng”. Viềng trong tiếng Tày cổ có nghĩa là thành, xuất phát từ việc An Dương Vương xây thành trên  đất Cổ Loa. Có thể chữ “Viềng” sau được dân gian dùng để gọi tên một số làng trong phạm vi khu vực thành Cổ Loa xưa. Đặc biệt hơn là khi nghiên cứu cấu trúc thành Cổ Loa, các nhà dân tộc học nhận thấy rất rõ nét tương đồng của nó so với kết cấu thành Xam Mứn của người Thái xây dựng khoảng thế kỷ XIII-XIV ở Mường Thanh (Điện Biên Phủ). Hai tòa thành này về cơ bản đều có ba lớp luỹ thành. Thành Xam Mứn được xây dựng ven sông Nậm Rốm có ba vòng là: Vòng thành trong gọi là Viềng công, vòng thành giữa gọi là Viềng có, vòng thành ngoài gọi là Viềng nọ. Đồn canh của thành gọi là Che; phía ngoài Che có những luỹ bảo vệ gọi là Dom Che. Không chỉ giống về cấu trúc mà tên gọi các bộ phận thành của thành Cổ Loa cũng tương tự thành Xam Mứn. Những địa danh còn ở Cổ Loa như: Tó, Dục Nội, Uy Nỗ, Cường Nỗ, Kính Nỗ… chính là mang âm nguyên gốc hoặc biến âm từ những Đồn- Tó-Nọ… trong tiếng Tày – Thái.

20. Có thể hình dung người Tày cổ – bộ tộc Tây Âu biết cách đắp thành từ rất sớm, đã đem kinh nghiệm đắp thành xuống vùng đồng bằng, tích hợp với kỹ thuật đắp đê truyền thống của người Lạc Việt tại đây. Cuối cùng, một toà thành Cổ Loa đồ sộ và kiên cố đã được xây dựng nhờ sự chung sức của cả hai cộng đồng Tây Âu và Lạc Việt. Điều này cũng góp phần cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa vùng Cổ Loa và miền núi phía Bắc, giữa An Dương Vương và người Tày cổ.

Nhà Thái học Cầm Trọng khi nghiên cứu sử thi Táy Pú Xớc đã đưa ra một gợi ý khá thú vị là Thục Phán chỉ là tên phiên âm Hán – Việt của Túc Phắn, mà Túc Phắn là nhân vật Pú Túc Phắn (Ông Đánh Chém – Thủ lĩnh chinh chiến) trong Táy Pú Xớc của người Thái. Giả thuyết này đã được GS Trần Quốc Vượng và nhiều người nghiên cứu lịch sử – văn hoá Việt Nam đồng tình.

21. Nguồn tư liệu dân gian còn cho thấy lòng tôn kính của người dân Cổ Loa đối với Thục Phán – An Dương Vương. Người dân Cổ Loa hết sức tự hào vì quê hương họ được chọn làm đất đóng đô của An Dương Vương, vì những vòng luỹ thành bao quanh làng mình xưa là thành trì của vua Thục. Họ luôn luôn coi toà thành là thánh địa, là một khu vực bất khả xâm phạm. Hương ước Cổ Loa lập đầu thế kỷ XX, điều 47 quy định rất cụ thể việc giữ gìn và bảo vệ nguyên trạng tòa thành Cổ Loa cổ kính.

Việc thờ cúng An Dương Vương đã trở thành truyền thống văn hoá – tín ngưỡng lớn ở Cổ Loa. Lễ tế An Dương Vương hàng năm và cả trong cúng Tết của người Cổ Loa không thể thiếu món bánh chưng tròn dài, gọi là Bánh chưng Tày. Lễ hội ở đền Thượng (ngày 6 tháng Giêng) luôn được tổ chức một cách chu đáo và trở thành một lẽ sống thiêng liêng của mỗi một người dân trong vùng:

 
“Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống thì không bỏ mồng sáu tháng Giêng”.

 
Những tư liệu dân gian như thế chắc chắn còn phải được tiếp tục lọc nhiễu và phân tích, nhưng đặt trong mối quan hệ tổng thể với các nguồn tư liệu thư tịch và nhất là tư liệu khảo cổ học được phát hiện trong mấy thập kỷ gần đây, đã xác nhận một cách rõ ràng nguồn gốc người Tày cổ của Thục Phán – An Dương Vương. Thục Phán – An Dương Vương là thủ lĩnh của liên minh bộ lạc Tây Âu sống liền kề bộ lạc Văn Lang chứ không phải là con vua nước Thục ở mãi tận Tứ Xuyên, Trung Quốc.

 Chỉ có vậy mới có thể giải thích được những truyền thuyết, những địa danh, những nét tương đồng văn hoá đã trình bày ở trên cũng như thái độ cảm mến và kính ngưỡng của dân gian đối với người anh hùng dựng nước Thục Phán – An Dương Vương.

Năm 221 TCN, Tần Doanh Chính kết thúc cuộc nội chiến thời Chiến Quốc, thống nhất lãnh thổ toàn Trung Hoa, dựng nên một đế quốc tập quyền lớn mạnh, tự xưng là Tần Thủy Hoàng đế và tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ ra hai phía Bắc, Nam. 

Ở phía Nam, kế tục mưu đồ “bình Bách Việt” của nước Sở trước đây, năm 218 TCN, nhà Tần đã phát 50 vạn quân do Đồ Thư cầm đầu chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt. Sau khi chiếm được đất Đông Việt, Mân Việt lập ra các quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận, năm 214 TCN, quân Tần đã áp sát địa bàn Tây Âu và Lạc Việt. Cao Bằng- trung tâm của nước Nam Cương của Thục Phán đã trở thành tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Tần của cả hai bộ tộc Tây Âu, Lạc Việt. Theo sách Hoài Nam tử thì: “Trong ba năm [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh lính đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống”

22. Có thể hình dung cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt và về phía lực lượng kháng chiến cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Tuy vậy sự hy sinh của người dân và tù trưởng Tây Âu Dịch Hu Tống trên tuyến đầu không làm cho Tây Âu, Lạc Việt nao núng. Trái lại, vẫn theo sách Hoài Nam tử , lúc đó trước thế mạnh của quân Tần “người Việt vào rừng ở với cầm thú, không chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh nhau với quân Tần”

23. Người kiệt tuấn đó không phải ai khác mà chính là Thục Phán. Việc cả Nam Cương và Văn Lang, cả Âu Việt và Lạc Việt đều thống nhất cử Thục Phán làm người chỉ huy chung cao nhất toàn bộ cuộc kháng chiến đã phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần yêu nước, của ý chí đoàn kết quyết tâm bảo vệ trọn vẹn non sông, lãnh thổ.

Thần tích đền Chèm (Từ Liêm) và sách Lĩnh Nam chích quái cho biết trước cuộc tấn công của quân Tần, An Dương Vương đã cống Lý Ông Trọng cho quân Tần để cầu hoà. Lý Ông Trọng (Lý Thân) vốn không phải là tướng của An Dương Vương mà là tướng của Hùng Vương thuộc nước Văn Lang. Chi tiết này xác nhận An Dương Vương thực sự là người đứng đầu lãnh đạo kháng chiến và đại diện chung cho toàn bộ cộng đồng Nam Cương, Văn Lang.

Hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hoá lại có điều kiện liên kết chặt chẽ với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là quân Tần dưới sự lãnh đạo chung của Thục Phán. Lực lượng kháng chiến của người Việt do biết đoàn kết thành một mối, có tổ chức và chỉ đạo thống nhất đã phát triển nhanh chóng, trong khi quân Tần càng ngày càng bị dồn vào tình thế nguy khốn và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt (Âu Việt và Lạc Việt) tổ chức các trận đánh lớn liên tiếp tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Tần là Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh.

24. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta chống lại hoạ xâm lược và nô dịch của kẻ thù phương Bắc. Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong cả bộ lạc Lạc Việt. Sau khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt – Tây Âu đã hình thành và uy tín của Thục Phán ngày càng cao, Thục Phán đã quyết định thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc.

Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Âu (Tây Âu/ Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt), phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản – nghĩa là trên căn bản nhà nước Âu Lạc vẫn được tổ chức theo mô hình nhà nước Văn Lang của Hùng Vương. Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Nam Cương. Trong quá trình thành lập nước Âu Lạc chắc chắn không tránh khỏi những mâu thuẫn, thậm chí là cả những xung đột, chống đối như sách (Đại) Việt sử lược và một số thần tích, truyền thuyết dân gian phản ánh.

Tuy nhiên phải thấy rõ một thực tế là nước Âu Lạc ra đời trong hào quang chiến thắng, sự thành lập nước Âu Lạc gắn liền với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tần do Thục Phán lãnh đạo chứ hoàn toàn không phải là một cuộc chiến tranh thôn tính. Đây về căn bản chỉ là kết quả của một quá trình hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Âu Việt, của vua Hùng và vua Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không đầy 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 TCN), nhưng cũng đã có những đóng góp đặc biệt to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước.

Thành quả nghiên cứu về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự hình thành nước Âu Lạc mấy chục năm qua đã góp phần làm sáng rõ thời đại dựng và giữ nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thời đại đắp móng xây nền và quyết định đường hướng phát triển của lịch sử đất nước. Việc hiểu rõ nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự thành lập nước Âu Lạc còn là cơ sở để nhìn nhận một cách chính xác khuynh hướng vận động chủ đạo của của lịch sử Việt Nam là đoàn kết, tập hợp mọi thành phần cư dân, mọi lực lượng của đất nước trong sứ mệnh lịch sử chung. Quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam là quá trình vừa mở rộng, vừa quy tụ; quy tụ là cơ sở để mở rộng và mở rộng lại làm tăng thêm sức quy tụ. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một cộng đồng cư dân nhiều tộc người, có tộc người đa số, có những tộc người thiểu số, có những tộc người gia nhập cộng đồng ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, có những tộc người gia nhập cộng đồng muộn hơn, nhưng một khi đã tự nguyện hòa chung vào cộng đồng dân tộc Việt Nam thì đều chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ đều là những chủ nhân chân chính và vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam.


Nguồn: SGT Group tổng hợp.