228 lượt xem

Hoàng Hoa Thám - Kỳ 2

Hoàng Hoa Thám, bậc thầy về chiến tranh du kích chưa từng qua một trường lớp quân sự nào

Đã hơn một thế kỉ trôi qua, nơi núi rừng Yên Thế, có một người nông dân Việt Nam chưa từng qua một trường lớp quân đội nào với chiến thuật đánh du kích đã lãnh đạo nghĩa quân chống lại nhiều tướng Pháp trong suốt 30 năm.

Người nông dân và vị tướng

Ngày 6/11/1890, viên tướng Godin – người đứng đầu quân đội thuộc địa Pháp mở một cuộc tấn công lớn vào vùng núi Yên Thế, nơi có những người nông dân đang nổi dậy chống lại quân xâm lược. Sau trận đánh đó, một viên sĩ quan tham mưu của ông ta đã báo cáo:

“…Đó là cuộc đụng độ đầu tiên của quân đội ta với các băng nhóm Yên Thế, và nó đã làm cho chúng ta đổ nhiều máu…”

Một tháng sau, cũng viên sĩ quan ấy đã nhận định về kết quả của cuộc tấn công thứ hai như sau:

“Cuộc chinh phạt thứ hai được bắt đầu bằng ba đợt tấn công không thành công… và những mất mát của chúng ta thậm chí còn tàn khốc hơn…”

Vậy đối thủ đáng gờm đứng đầu nghĩa quân này là ai mà đã làm cho tướng và binh lính Pháp phải run sợ đến thế? - đó chính là Đề Thám, một người nông dân. Cuộc chiến chống thực dân do ông lãnh đạo kéo dài suốt 30 năm qua tuy cuối cùng thất bại nhưng cái tên Đề Thám ấy vẫn còn sống mãi trong trái tim của người dân Việt Nam.

 

Đề Thám và con gái

(Nguồn: Sưu tập)

 

Một người chỉ huy chưa từng qua một trường lớp quân đội nào

Đề Thám sinh vào khoảng giữa những năm 1856 - 1858 trong một gia đình nông dân nghèo. Ở tuổi mà những đứa trẻ khác được tới trường thì ông phải đi làm thuê cho các địa chủ lớn trong vùng. Sau đó, người thanh niên trẻ tuổi đó đã được tuyển vào trong hàng ngũ của nghĩa quân du kích đấu tranh chống thực dân. Nhờ vào nghị lực, sự tài trí và sự dũng cảm của ông, ông đã sớm trở thành người chỉ huy đáng gờm của kẻ thù. Ông chưa bao giờ theo học một lớp quân sự nào, nhưng chính trong chiến tranh đã tạo nên ông, một người thủ lĩnh tài ba. Và cũng từ cuộc tấn công của Godin vào Yên Thế, Đề Thám được coi là thủ lĩnh của nghĩa quân.

Trung tá Péroz đã phải thừa nhận: “…không thể tranh cãi, ông là bậc thầy, người duy nhất luôn được nghĩa quân tuân theo, là người nông dân áo vải đang ẩn náu nơi rừng sâu: Đề Thám! ...”

Khu vực mà người thủ lĩnh anh hùng của chúng ta hoạt động thực sự có giá trị chiến lược lớn đối với thực dân Pháp. Để có thể kiểm soát vùng Yên Thế, chúng đã từ bỏ việc khai thác toàn bộ vùng Đông Bắc nước ta.

Hố tử thần

Viên tướng Bichot đã hiểu rất rõ điều đó nên trước khi giao cho Péroz tiến hành đàn áp, đã nhắc nhở: “Đề Thám là linh hồn của kháng chiến. Chừng nào hắn chưa chết hay chưa đầu hàng, sao có thể tính toán chuyện gì lớn lao?”
Vì thế, mặc dù bị thất bại nhiều lần nhưng quân Pháp chưa bao giờ có ý định từ bỏ “sứ mệnh khai hóa” của chúng.

Tháng 3/1892 người Pháp đã triển khai lực lượng lớn, bằng việc tăng cường chi viện, hỗ trợ trọng pháo cho cuộc tấn công mới, và chiếm được một vài căn cứ trống.

Tháng 5/1894, Đề Thám đã chuyển sang thế tấn công và trong trận đánh ở Hữu Nhuế, ông đã thành công khi loại bỏ những người đứng đầu quân viễn chinh chiếm đóng ra khỏi căn cứ. Báo Chiến dịch của quân đội thực dân đã gọi Hữu Nhuế là: “Hố tử thần”.

Sau những mất mát nặng nề liên tiếp trong nhiều năm bị dồn nén đã khiến những kẻ thực dân phải tìm đủ mọi cách, kể cả đến những thủ đoạn hèn hạ.Chúng đã sử dụng kẻ phản bội Bá Phức là bố nuôi của Đề Thám để ám sát ông.

Người đàn ông khét tiếng này đã đến căn cứ của Đề Thám hai lần. Lần thứ nhất, hắn bỏ trộm chất độc màu tím vào trong cốc trà mà Đề Thám định uống. Nhưng ông đã phát hiện ra hành động nham hiểm đó qua ánh mắt gian dối của kẻ phản bội, nên đã đổi cốc trà và rộng lượng để cho ông ta đi. Lần thứ hai, hắn ta đến và mang theo chất nổ. Qua lời kể của Ajalbert trong “Những đám mây ở Đông Dương” thì “ngày 18/5/1894, vào lúc đêm, Bá Phức đến chỗ Đề Thám… Sau những cuộc trò chuyện, hắn tưởng ông đã ngủ nên đặt thuốc nổ dưới gầm giường rồi châm ngòi nổ và rút khỏi căn cứ. Tất cả đã nổ. Đến sáng, theo như đã dự đoán về sự thành công, một đội quân đã bao vây tiến vào căn cứ… và những người thợ chế tạo vũ khí đã bị thương với những mảnh đạn nhỏ…”

Thực ra Đề Thám đã giả vờ ngủ. Sau khi Bá Phức đi, ông đã cùng với nghĩa quân rời căn cứ vào trong rừng và yên lặng ở đó đợi “những người thợ ấy” đến.
Những thủ đoạn đó cũng không có tác dụng gì hơn, người Pháp buộc phải ký giảng hòa với Đề Thám, nhưng họ đã 2 lần bội ước.

Trong lần giảng hòa thứ nhất năm 1894, Gallieni đã chỉ huy tác chiến. Cũng như những người tiền nhiệm trước, ông ta cũng bị thất bại.

Ở cuộc giảng hòa thứ hai, người Pháp đã điều động 15.000 quân lính và một pháo thuyền. Nhưng cũng đều vô ích.

Một đối thủ “ma”

Chiến thuật của quân viễn chinh Pháp là tập trung quân đội nhanh chóng, tấn công chớp nhoáng, trong khi đó nghĩa quân ta có chiến thuật đánh du kích đối lập hẳn với chúng: tránh các cuộc đụng độ, ẩn nấp trong rừng rậm, chờ thời cơ thích hợp để tiêu diệt nhóm riêng lẻ, tấn công tàu và các đoàn áp tải để kẻ thù dấn sâu vào rừng và cắt đứt sự rút lui của chúng. Quân thuộc địa phải chịu nhiều tổn thất nặng nề không thể tiếp cận với nhóm chiến đấu của Đề Thám. Nghĩa quân thoắt ẩn thoắt hiện như những bóng ma trong bụi rậm yên tĩnh, quân địch đối mặt với những hố sâu phủ đầy mũi tên độc dưới chân họ. Còn về phía đối thủ, bọn thực dân không thể có bất kỳ thông tin nào, bởi vì ở khắp mọi nơi, chúng chỉ thấy rừng rậm và sự im lặng của dân chúng.

Bouchet, một viên sĩ quan cấp cao của Pháp trong một lần đến khu căn cứ thấy ngạc nhiên về sự trang bị vũ khí Label và 86 của nghĩa quân lại chính là súng trường hiện đại nhất thời bấy giờ, được thu giữ từ lực lượng viễn chinh Pháp.
Trong sự nghiệp của Đề Thám, người ta không thể quên sự thuần khiết và vẻ mặt phúc hậu của vợ ông, người đã chiến đấu suốt 30 năm bên cạnh chồng mà vẫn giữ được sự trung thành ngay cả khi ở trong các nhà tù thực dân. Được biết, trên đường đi đày, bà đã nhảy xuống biển ở Djibouti.

 

Vợ Đề Thám

(Nguồn: Sưu tập)

 

Những ngày cuối cùng của “Hùm thiêng Yên Thế”

Trước sự không cân sức về lực lượng, hàng ngũ nghĩa quân ngày càng sa sút. Để cách ly thủ lĩnh Yên Thế với dân chúng, thực dân đã thắt chặt vòng vây xung quanh căn cứ của Đề Thám, tất cả nhà cửa đều bị kiểm soát, cắt đứt các đường tiếp viện. Nhiều tướng lĩnh chủ chốt của nghĩa quân bị bắt trong trận chiến đã bị bêu đầu ở các chợ để khủng bố dân chúng.

 

Nhiều người trong nghĩa quân bị bắt giết

(Nguồn: Sưu tập)

 

Nhưng nhờ được dân chúng bảo vệ, Đề Thám đã thoát được khỏi sự truy bắt của kẻ thù. Trong cuốn “Ở xứ Bắc Kỳ”, Bouchet đã thuật lại:

"... Đề Thám sống ở đâu đó trong rừng sâu; tối đến, một người bạn bí mật đi ra từ túp lều của anh ta cùng chiếc túi đựng đồ ăn, qua một con đường nhỏ vòng vèo trong rừng nơi Đề Thám đang ẩn náu. Ở đó, anh ta đặt cái túi xuống dưới gốc cây và trở về nhà ... Vì vậy, Đề Thám có thể đi lại thoải mái, được giúp đỡ bởi những người bạn cũ ở đó..."

Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 02 năm 1913, một kẻ phản bội đã tìm ra nơi ẩn náu của thủ lĩnh phong trào nông dân và sát hại ông. Do đó, Đề Thám đã hy sinh và cuộc nổi dậy của nông dân Yên Thế chống lại sự thống trị của thực dân Pháp cũng kết thúc từ đó.

Đề Thám và những người nông dân Yên Thế đã viết lên những trang sử vinh quang nhất của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Cuộc Khởi nghĩa Yên Thế tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của nông dân Yên Thế nói riêng và những người nông dân Việt Nam nói chung vẫn mãi lưu truyền, khích lệ tinh thần chiến đấu, tạo dấu mốc quan trọng và tiền đề cho các phong trào đấu tranh và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta trong suốt thời kỳ thống trị của thực dân Pháp. Cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã nổ ra.  Việt Nam đã loại bỏ ách đô hộ của thực dân, giành lại vị thế là một quốc gia tự do và độc lập ở Đông Nam Á.

Nguồn: luutruquocgia1.org.vn