308 lượt xem

Thuyết minh các lăng vua triều Nguyễn - Kỳ 2: Lăng Minh Mạng

Lăng vua Minh Mạng là lăng thứ 02 của triều Nguyễn. Trong 21 năm trị vì ( từ 18201841), vua Minh Mạng thực sự là một kiến trúc sư đã kiến tạo nên diện mạo thời thịnh trị nhất của vương triều Nguyễn. Trong 13 đời vua triều Nguyễn, vua Minh Mạng được đánh giá là giai đoạn thịnh vượng nhất, hùng mạnh nhất của nước ta. Những thành tựu của vua Minh Mạng hết sức quan trọng, đó là: tiếp tục sự thống nhất và hoàn chỉnh lãnh thổ, phát triển văn hóa, mở mang kinh tế, củng cố quốc phòng…

GIỚI THIỆU VỀ VUA MINH MẠNG

Vua Minh Mạng tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 04 của vua Gia Long và bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu. Ngài sinh ngày 25 tháng 05 năm 1791. Chuyện xưa kể rằng, lúc đang mang thai, một hôm bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu nằm mơ thấy có một đám mây bay xuống đậu vào bụng bà, bà đem câu chuyện này kể lại cho vua Gia Long và quần thần. Nghe xong, triều đình cho rằng bào thai này khi sinh ra nếu là nữ thì sẽ xinh đẹp tuyệt trần, nếu là nam thì sẽ là một bậc đế vương văn võ song toàn, tinh anh, đĩnh đạc. Sau đó, bà hạ sinh ra một vị Hoàng tử, đặt tên là Đảm. Đảm (nghĩa là đám mây). Lớn lên hoàng tử Đảm là một người thông minh, hiếu học, tinh thông võ nghệ và văn chương và rất được vua cha yêu thương. Đồng thời nhận thấy Hoàng tử là người có tư chất thông minh, hiếu thảo nên vua Gia Long đã quyết định truyền ngôi cho Hoàng tử Đảm.

Tháng 01/1820 vua Gia Long băng hà, chiếu theo di chúc của vua cha, Hoàng tử Đảm lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Minh Mạng, lúc này đã 30 tuổi. Với quan niệm chết chưa phải là hết, mà cõi chết mới là cõi vĩnh hằng nên người xưa, đặc biệt là các bậc vua chúa đã luôn quan tâm tới việc kiến tạo khu lăng mộ của mình thành một công trình tuyệt đẹp, sống động, thể hiện quyền lực, tính cách của chủ nhân. Việc chọn lựa cuộc đất để an táng lúc băng hà thường được gọi là “Vạn niên cát địa”.

Vua Minh Mạng cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ, sau khi lên ngôi được 07 năm, nhà vua đã sai các quan trong triều giỏi về địa lý và phong thủy đi chọn lựa đất tốt để chuẩn bị xây lăng cho mình. Năm 1826, quan địa lý Lê Văn Đức đã chọn cuộc đất ở núi Cẩm Kê, ấp An Bằng gần với ngã ba Bằng Lãng, là nơi hợp lưu giữa hai dòng Tả trạch và Hữu trạch tạo nên dòng sông Hương. Nhưng vì tính cẩn trọng nên vua Minh Mạng vẫn chưa cho khởi công xây dựng, mãi đến tháng 04/1840 nhà vua mới thân hành lên xem lại chổ đất rồi mới quyết định chọn nơi này làm nơi xây dựng lăng cho mình. Khi chọn khu lăng ở đây nhà vua đã cho đổi tên núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn và đặt tên lăng là Hiếu Lăng.

Lăng được khởi công vào tháng 09/1840, công trình đang thi công thì vua Minh Mạng lâm bệnh và băng hà ngày 20/01/1841. Một tháng sau, ngày 21/02/1841 vua Thiệu Trị tiếp tục làm lăng cho cha mình. Nhà vua sai các các đại thần là Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Đường chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Công việc xây lăng đến năm 1843 thì cơ bản hoàn tất. Đến với Hiếu Lăng là đến với một mô thức xây dựng truyền thống của Huế. Ở đó cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc hòa quyện, tạo nên một cảm giác đây là một khu vườn tuyệt đẹp của người sống hơn là khu lăng mộ của người chết.

Với diện tích 16,5 ha, lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc bao gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ. Đây là khu lăng mộ toát lên vẻ đường bệ uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa giữa các công trình kiến trúc và thiên nhiên.

I. KIẾN TRÚC XÂY DỰNG

1.ĐẠI CUNG MÔN – SÂN BÁI ĐÌNH


Đại Hồng Môn là cổng chính của lăng, cổng này chỉ mở một lần duy nhất lúc đưa quan tài nhà vua vào lăng, từ đó được đóng kín để tỏ lòng tôn kính nhà vua. Ra vào lăng chỉ đi qua 02 cửa phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Đại Hồng Môn được xây dựng theo lối kiến trúc tiêu biểu kiểu cổng tam quan thời Nguyễn. Cổng xây bằng vôi gạch, cao hơn 09m, rộng 12m. Cổng có ba lối đi, các đồ án trang trí ở cổng phong phú như: hoa mẫu đơn và chim trĩ, hoa mai và chim sẻ, tùng và hươu, ngô đồng và chim phụng…; mái cổng với 24 lá mái lô nhô cao thấp và các đồ án cá chép hóa rồng, long vân cách điệu…đầu mỗi góc mái uốn cong như hình mũi hài tạo nên hình tượng những cánh sen nở rộng. Những bờ cong này đã xuất hiện trên các công trình tháp mộ của Huế từ thế kỷ 18. Cổng được sơn màu đỏ biểu tượng cho sự sống và sự trường tồn của vương triều Nguyễn. Sau Đại Hồng Môn là sân Bái Đình lát gạch Bát Tràng, hai bên có hai hàng tượng quan văn quan võ, ngựa voi bằng đá đứng chầu.

Những bức tượng ở đây được điêu khắc theo lối tả chân, gần giống với thực tế. Cái tài của người xưa là đã làm mềm mại tượng đá bằng những chi tiết trên thân áo của người hay trên bành và áo yên của voi, ngựa. Sau hai hàng quan văn võ thiết đặt hai con lân bằng đồng, làm nhiệm vụ giám sát lòng trung chính của văn võ bá quan đứng chầu ở sân Bái Đình.

Mỗi con đứng trên một bục đá cao 1,1m, được che bởi một ngôi thiết đình nhỏ có mái bằng đồng dáng mu rùa. Cuối sân là nhà Bi Đình tọa lạc trên Phụng Thần Sơn.

2. BI ĐÌNH.

Bi Đình được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của triều Nguyễn. Bộ mái lợp hai tầng, trên đỉnh mái trang trí bình hồ lô và hình rồng. Rồng tượng trưng cho nhà vua, hồ lô mang ý nghĩa hứng đựng những tinh tuý của trời đất. Bên trong Bi Đình trên các hệ thống vách ngăn được chia thành nhiều ô lớn nhỏ khác nhau. Mỗi ô được chạm một tiểu cảnh: hoa, lá, bát bửu, cùng một hoặc hai câu thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn bằng chữ Hán do vua Thiệu Trị sáng tác. Đặc biệt trên các dải vách bàn còn có 08 chữ Hán lớn viết theo lối triện: “Thánh Văn – Thần Võ – Chí Nhân – Đại Đức” của vua Thiệu Trị dành tặng cho cha mình với ý nghĩa ca ngợi vua cha Minh Mạng văn như thánh, võ như thần, nhân từ, đức lớn.

Nằm trung tâm nhà Bi Đình là tấm bia đá Thanh lớn gọi là “Ngự chế Thánh Đức Thần Công bi ký”. Trong bài văn bia này, vua Thiệu Trị nhắc lại lời của cha mình: “Trẫm khuya đã mặc áo, tối mới ăn cơm, chỉ mong sửa trị khiến mọi người giữ chức đều hiện lương, nhân dân được yên vui. Nước sông chảy thuận dòng, thóc lúa hàng năm được mùa, còn điềm tốt nào hơn thế”. Vua Minh Mạng trong mắt của con trai là một vị vua chăm việc nước, yêu thương dân, mở mang bờ cõi. Sau Bi Đình là sân triều lễ với một khoảng sân rộng chia thành bốn cấp, nhằm giảm bớt cảm giác choáng ngợp của con người trước sự mênh mông của kiến trúc.

3. HIỂN ĐỨC MÔN.

Từ trên cao nhìn xuống, tổng thể lăng Minh Mạng như cơ thể một con người đang gối đầu trên một ngọn đồi cao và tứ chi xuôi duỗi về ngã ba sông phía trước. Từng lớp công trình chính nằm trên một trục xuyên suốt hoặc đối xứng từng cặp qua qua trục này. Đây chính là trục thần đạo của lăng Minh Mạng.

Trong quy hoạch tổng thể của lăng Minh Mạng, trục thần đạo chính là trục xuyên tâm lăng. Các công trình được bố trí đối xứng theo từng cặp qua trục này, tất cả được xếp đặt theo một trật tự chặt chẽ có hệ thống rõ ràng. Bố cục kiến trúc này một mặt thể hiện tình hình xã hội thời bấy giờ; mặt khác cũng thể hiện tư tưởng, tính cách của vua Minh Mạng khi ông lựa chọn đồ án này. Các công trình kiến trúc được xây dựng đăng đối nhau dễ tạo nên sự cứng nhắc nhưng nhờ dựa vào thiên nhiên mà tất cả trở nên hài hòa thơ mộng. Trong vòng la thành có đến 12 ngọn núi nhỏ, 03 hồ lớn cùng hàng trăm cây thông già.

Thiên nhiên đã làm mềm mại tính đăng đối của các công trình kiến trúc, đó là một thành công của lăng Minh Mạng.Bước qua hệ thống sân chầu là một bức tường gạch cao, đó là tường giới hạn của một thế giới ngũ hành thứ hai mà trung tâm là điện Sùng Ân. Hiển Đức Môn là cánh cổng thứ hai nằm trên trục đường thần đạo, mở đầu cho khu vực tẩm điện, được giới hạn bởi khung thành hình vuông biểu trưng cho mặt đất (từ ý niệm trời tròn đất vuông).

Hiển Đức Môn được thiết kế như một tòa nhà hai tầng 03 gian không có chái nằm trên một mặt nền cao, được bó vỉa bằng đá Thanh. Toàn bộ hệ thống gỗ công trình được chạm nổi công phu và sơn son thếp vàng. Các vì kèo chạm lá hóa long và hoa cúc. Liên ba được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa”. Cánh cửa giữa được sơn màu vàng và hai cửa hai bên thì sơn son. Ngay trên vòm cửa giữa, phía trên là một bức hoành phi chạm nổi 03 chữ “Hiển Đức Môn”.

Công trình này đã được trùng tu nhiều lần để có diện mạo như ngày nay,( năm 2008 với sự tài trợ của quỹ Di tích Thế giới, kinh phí 75.000USD và năm 2010 từ khoản đóng góp một ngày lương của tập thể cán bộ CNVC Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam với kinh phí 3,2 tỷ). Vua Minh Mạng được xem là vị Tổ khai sáng của ngành Than Việt Nam.

Qua khỏi Hiển Đức Môn, hai bên sân là hai nhà Đông Phối điện và Tây Phối điện. Đây là nhà dùng để văn võ bá quan túc trực mỗi khi có việc lên Hiếu lăng, đồng thời cũng là nơi thờ các quan văn võ có công với triều đình dưới thời vua Minh Mạng. Mỗi nhà kết cấu 03 gian 02 chái với bộ kèo đơn trụ tiêu đỡ vì nóc, thường thấy trong kết cấu nhà rường. Mái của công trình được lợp bằng ngói âm dương tráng men xanh. Hiện nay nhà Tây phối điện được dùng làm nơi trưng bày các hiện vật nguyên gốc của công trình, các vật liệu mới được sử dụng để trùng tu cũng như một số bản đồ liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ lăng Minh Mạng.

4. SÙNG ÂN ĐIỆN.

Bố cục mặt bằng lăng của vua Minh Mạng được chia ra làm hai phần chính, đó là phần lăng và phần tẩm. Khu vực lăng là nơi an táng thi hài nhà vua, khu vực tẩm là nơi xây nhiều miếu điện, lầu gác…để lúc còn sống nhà vua thỉnh thoảng rời hoàng cung lên đây để tiêu khiển giải trí. Tuy nhiên, trong số các vua triều Nguyễn, chỉ có vua Tự Đức (đời vua thứ tư của vương triều Nguyễn) là nghỉ ngơi được trên khu lăng mộ của mình, còn các vua khác đều băng hà trước khi công trình hoàn thành. S

au khi vua băng hà, tất cả các công trình kiến trúc trong khu vực tẩm vẫn bảo lưu y nguyên để thờ phụng đấng quân vương. Xem như nhà vua đang còn sống, các phi tần cung nữ trong Hoàng cung phải lên đây ăn ở để khói hương thờ tự cho trọn kiếp người, coi đó là sự chung thủy đối với tiên đế khi về thế giới bên kia.

Sùng Ân điện là công trình kiến trúc nằm ở vị trí trung tâm của tẩm điện, nơi thờ bài vị của Hoàng đế Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa. Điện Sùng Ân được xây theo lối kiến trúc truyền thống của triều Nguyễn “trùng thiềm điệp ốc” (là công trình ghép hai ngôi nhà rường lại với nhau trên một mặt nền rộng để tạo thành một không gian nội thất đồng nhất). Nhà trước gọi là tiền điện và nhà sau gọi là chính điện. Tiền điện gồm 05 gian 02 chái đơn; nhà chính điện gồm 03 gian 02 chái kép. Nối giữa tiền điện và chính điện là hệ thống mái“thừa lưu” (hay còn gọi là trần vỏ cua). Bên trên trần có máng xối bằng đồng hứng nước của hai mái nhà này rồi chảy xuống mái hạ hai bên có miệng rồng đắp nổi.

Là công trình chính của Hiếu lăng nên tất cả đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Các đề tài trang trí bên trong nội thất điện đều là những đề tài thường gặp ở kiến trúc cung đình Huế: chữ thọ, hoa lá, bát bửu…tất cả đều hướng tới sự cầu phúc, cầu lộc, cầu thọ. Điều đáng lưu ý là các tiểu cảnh của bát bửu Nho, Phật, Lão đều có mặt đầy đủ và dường như không có sự ưu tiên nào. Chen giữa các ô tiểu cảnh còn có các ô chữ, đó là những câu thơ thất ngôn hay ngũ ngôn. Các nhà nghiên cứu đã ghép lại được 37 bài thơ tứ tuyệt và hai cặp câu đối, tất cả đều do vua Minh Mạng sáng tác. Phía sau Sùng Ân điện là hai công trình Tả Tùng Viện và Hữu Tùng Viện, nơi dành cho các cung nhân ở để chăm sóc, thờ phụng nhà vua. Hiện nay hai công trình này đang được trùng tu.

5. HOẰNG TRẠCH MÔN

Hoằng Trạch Môn là giới hạn kết thúc khu thành hình vuông của phần tẩm điện (biểu trưng cho cõi sống) và mở ra không gian khu vực lăng mộ, nơi an táng thi hài nhà vua (biểu trưng cho cõi vĩnh hằng). Kiến trúc của lăng vua Minh Mạng cho thấy thái độ thanh thản đối với cái chết tất yếu phải đến trong đời người. Lăng và tẩm chỉ gần nhau gang tất, thấu hiểu quy luật tự nhiên của đời người, vui vẻ trước cái chết và sẵn sàng chờ cho tử thần đưa họ về thế giới bên kia. Đó là ngôi nhà vĩnh cửu, nơi an giấc ngàn thu, cõi trường sinh bất diệt…

Con đường để đón linh hồn nhà vua đi vào cõi vĩnh hằng là cây cầu bắc qua hồ Trừng Minh để đến Minh Lâu, gọi là cầu Trung Đạo, hai bên còn có hai cây cầu Tả Phù và Hữu Bật dành cho tùy tùng. 6. Minh lâu Tòa nhà Minh Lâu được xây theo lối “phương đình” (đình hình vuông), tọa lạc trên ngọn đồi có tên gọi là Tam Tài sơn.

Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất, cao nhất và đẹp nhất ở lăng vua Minh Mạng (Minh Lâu có ý nghĩa là lầu sáng). Nhiều học giả cho rằng Minh lâu mang nhiều ý nghĩa triết lý phương Đông: Trên đỉnh nóc là bầu thái cực“vô cực sinh thái cực”, lầu có hai tầng chính, tượng trưng cho“lưỡng nghi”. Minh Lâu có hình vuông tượng trưng cho“tứ tượng”, bên trên có tám mái là “ Bát quái”, bát quái biến hóa tạo cho vạn vật sinh sôi… Ở giữa nhà Minh Lâu có đặt một sập thờ làm bằng một tấm gỗ lim lớn, quanh sập có trang trí hoa văn hoa lá được cẩn bằng xà cừ, dưới bốn chân sập được bịt đồng và có bốn bánh xe để dịch chuyển, đây là một trong những cổ vật giá trị còn bảo lưu được tại lăng vua Minh Mạng. Trên bốn dãy liên ba của nội thất tòa nhà được chia thành nhiều ô hộc với đề tài hoa lá, bát bửu và khắc chạm thơ. 

Với tên gọi Minh Lâu của công trình khiến nhiều người liên tưởng đến Minh lăng (Thập Tam Lăng) ở Trung Quốc, là nơi an táng các vua nhà Minh nằm trên một vùng núi cao, tại đó là cả một quần thể lăng tẩm đồ sộ nguy nga và các ngôi mộ liên quan chặc chẽ của gia đình triều đại nhà Minh. Và ở đó Minh Lâu là công trình quan trọng nhất trong lăng của các vị vua nhà Minh, nơi đặt bia chủ và là cửa mộ để đưa quan tài vua vào hầm mộ. Còn lăng tẩm các vua Nguyễn lại mang tính chất nằm độc lập riêng lẻ, đậm nét kiến trúc cảnh quan gần gủi với thiên nhiên và Minh Lâu của lăng Minh Mạng chỉ có chức năng là nơi dành cho các vị vua đến ngắm cảnh nghỉ ngơi, ngưỡng vọng về các bậc tiên đế. Có thể thấy được giữa các lăng của các vua nhà Minh và lăng của các vua nhà Nguyễn điều có những nét tương đồng và dị biệt. Nằm trong tổng thể kiến trúc của khu vực Minh lâu phía trước sát hồ Trừng Minh bên trái còn có Nghinh Lương Quán, xây theo lối “ phương đình”, trên có mái che lợp ngói liệt, các bờ quyết trang trí hình lá hóa rồng, chính giữa mái là bầu thái cực, nền nhà hình vuông lát gạch Bát Tràng. Kết cấu khung nhà bằng gỗ, gồm bốn cột với hệ thống liên ba chia ô hộc chạm nổi chữ “triện” và “bát bửu”.

Bên phải của Minh Lâu đối xứng với Nghênh Lương Quán là Điếu Ngư Đình, một ngôi đình bát giác kiến trúc rất tinh xảo gồm có hai tầng mái, là nơi vua ngồi câu cá, nay đã bị sập đổ chỉ còn lại phần nền. Năm 2004, các nhà nghiên cứu đã khai quât, khảo cổ công trình và đã cho thấy nền móng của Điếu Ngư đình có cấu trúc hình Bát giác, mỗi cạnh dài 03m, lòng rộng 7,68m; móng công trình xây bằng gạch vồ, trên bó vỉa bằng đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng hai màu xanh và vàng. Hệ thống chân táng bằng đá Thanh có kích thước 40 x 40 cm. Phía sau nhà Minh Lâu là hai bồn hoa xây hình chữ “Thọ”, trồng cây vạn tuế như lời chúc tụng nhà vua muôn tuổi. Hai bên còn có hai ngọn đồi Bình sơn và Thành sơn, giữa hai đồi dựng hai trụ biểu, như hai ngọn đuốc thiêng để đưa linh hồn nhà vua trở về với thế giới vĩnh hằng. Dưới chân hai trụ biểu còn đắp hai hòn dã sơn tạo thế phong thủy: “ Tả thanh long, Hữu bạch hổ” ( rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) chầu vào tòa nhà Minh Lâu.

7. HỒ TÂN NGUYỆT, CẦU THÔNG MINH CHÍNH TRỰC

– Hồ Tân Nguyệt: Trước mộ vua có hồ hình trăng non tên là Tân Nguyệt trì, ôm lấy Bửu Thành. Đây là hình ảnh của thế giới vô biên, hồ hình bán nguyệt ví như yếu tố “Âm” bao bọc, che chở cho yếu tố “Dương” là Bửu Thành – biểu tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện quan niệm của cổ nhân về sự biến hóa ra muôn vật. Đó là nhân tố tác thành vũ trụ.

– Cầu Thông Minh Chính Trực: Cầu Thông Minh Chính Trực nằm trên trục Thần đạo của lăng dàì chừng 50m. Mố cầu xây bằng gạch vồ, mặt cầu xây phẳng ngang bằng với mặt đất, nền lát đá Thanh. Hai bên cầu có hệ thống lan can bằng sắt. Theo điển tích của đạo Nho“ Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, nên hai đầu cầu bố trí hai vũ môn với các cột trụ bằng đồng, trang trí rồng uốn lượn từ trên xuống, đỉnh cột đặt búp sen bằng pháp lam. Phía trên phường môn có các lớp liên ba, chia ô hộc trang trí pháp lam với chủ đề: mây ngũ sắc, bát bửu và chữ Hán “Chính Đại Quang Minh” và “Thông Minh Chính Trực”.

Bước qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt có 33 bậc đá Thanh, là nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm trên một ngọn đồi mang tên Hiếu Sơn, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Hình tròn này nằm giữa những vòng tròn đồng tâm biểu trưng, được tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm trọn trái đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố.

8. MỘ VUA (BỬU THÀNH VÀ HUYỀN CUNG)

Bửu Thành là một vòng thành hình tròn xây quanh một quả đồi, tường xây bằng gạch vồ ngoài trát vữa, cao 3,5m, chu vi 273m. Bửu Thành chỉ trổ một cổng ra vào, cổng được xây theo kiểu vòm cuốn bằng đá Thanh, giữa có hai cánh cửa bằng đồng rất chắc chắn, cổng này thường ngày được khóa chặt và chỉ được mở trong lễ chạp hoặc lễ thanh minh, phía trên cổng có khắc 03 chữ Hán đại tự “Bửu Thành Môn”.

Bên trong Bửu thành trồng nhiều loại cây, nhưng chủ yếu vẫn là cây thông. Theo tư liệu nhà Nguyễn thì linh cửu của hoàng đế Minh Mạng được chuyển từ Long thuyền đậu ở bên bờ sông Hương vào quàn ở Điện lau (ngôi nhà lợp cỏ được dựng tạm bên phải Bửu Thành), sau đó được đưa theo toại đạo (đường hầm) qua ba lớp cửa đá vào đặt tại Huyền Cung (vị trí an táng ) nằm sâu trong quả đồi.

9. CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC PHỤ Ở LĂNG VUA MINH MẠNG.

Ngày nay khi đến thăm lăng Minh Mạng, ít ai nghĩ rằng xưa kia tại đây còn có nhiều tòa nhà lớn nhỏ nằm rải rác xung quanh 02 bờ hồ Trừng Minh và trên các ngọn đồi ở hai bên của lăng. Rất đáng tiếc là các công trình kiến trúc phụ ấy đều bị sự tàn phá của thời gian, mối mọt, mưa bão nhiệt đới, chiến tranh và sự thờ ơ của con người. Đâu đó chỉ còn sót lại một vài mảng tường, cổng vòm, nền móng, cùng với gạch ngói vươn vãi.

Linh Phương Các: Là công trình kiến trúc được xây dựng trên một ngọn đồi mang tên Khải Trạch Sơn nằm bên trái của lăng. Đây là một cái gác 02 tầng, xây trên 03 nền đất chồng lên nhau. Ở mỗi tầng nền đều có những hệ thống bậc cấp để lên xuống trổ ra bốn phía. Dưới chân núi đặt bia đá khắc chữ Hán “Khải Trạch Sơn”. Linh Phương Các được xây dựng để làm nơi ở cho các phi tần làm công việc hương khói trong lăng và sau này được dùng làm nơi thờ tự cho các bà cung phi sau khi các bà ấy qua đời.

Tả Tùng Phòng và Hữu Tùng Phòng: Hai công trình này được xây dựng trên đỉnh hai ngọn đồi nằm đối xứng nhau ở hai bên bờ hồ Tân Nguyệt. Tả Tùng phòng nằm trên đồi Tịnh Sơn và Hữu Tùng phòng nằm trên đồi Ý Sơn. Theo các tài liệu cũ cho biết thì hai công trình này đều có 03 gian, quay mặt về phía Bửu Thành Môn. Hai tòa nhà này dành cho đoàn tùy tùng của vua khi lên viếng thăm lăng và dùng làm nơi ở cho các bà vợ của nhà vua và các thái giám.

Quan Lan Sở: Quan Lan Sở có nghĩa là (nơi ngắm sóng nước trên mặt hồ), công trình này xây trên ngọn đồi có tên là Đạo Thống sơn. Nguyên là tòa nhà dành cho nhà vua hóng mát, ngắm cảnh hồ Trừng Minh, có kiến trúc kiểu 03 gian 02 chái. Dưới chân núi có bia đá khắc chữ Hán “Đạo thống sơn”. Hiện tòa nhà chỉ còn nền móng.

Truy Tư Trai: Truy Tư Trai có nghĩa là nơi chay tịnh lòng mình để nghĩ đến tổ tiên. Truy Tư Trai là tòa nhà nhìn ra hướng hồ Trừng Minh. Hiện nay dưới chân đồi còn lại tấm bia đá đề ba chữ “Phúc Ấm Sơn” (Phúc Ấm: ơn trạch của tổ tiên để lại cho con cháu nhờ). Truy Tư Trai đã bị đổ nát.

Hư Hoài Tạ và Trấn Thủy Đảo: Nằm đối xứng với Quan Lan Sở qua đường trục chính của lăng, một nền móng bằng đá Thanh sát mặt hồ Trừng Minh là Hư Hoài Tạ. Tòa nhà này nằm trên Trấn Thủy Đảo (trấn thủy: nghĩa là ngăn cản dòng nước để phù hợp với phong thủy địa lý). Hư Hoài Tạ là một công trình kiến trúc có kết cấu ba gian. Nhà chính mặt bằng hình chữ nhật: 10,7 x 4,7m, quay ra hướng Bắc, vì kèo có hai hàng cột, nền lát gạch Thanh lưu ly và Hoàng lưu ly xen kẽ nhau, phía trước có mái hiên, chung quanh có lan can bằng sắt. Căn cứ vào các vết tích còn lại, các nhà khảo cổ học đoán định Hư Hoài Tạ có hình thức kết cấu giống như Dũ Khiêm Tạ ở lăng Tự Đức. Hư Hoài Tạ một thời là công trình kiến trúc đẹp, một nhà thủy tạ soi bóng xuống hồ tạo nên vẻ đẹp nên thơ ở vườn lăng vua Minh mạng. Về ý nghĩa (Tạ: nghĩa là ngôi nhà làm nửa trên đất liền, nửa trên mặt nước, thường dùng để hóng mát, nghỉ ngơi), (Hư Hoài: nghĩa là không cố chấp ý kiến của mình). Khi dùng chữ Hư Hoài Tạ để đặt tên cho công trình kiến trúc này, vua Minh Mạng không những dùng nó để nghỉ ngơi mà còn làm nơi nhà vua tư duy để tìm ra cái hay, cái mới hơn chứ không cố chấp các ý kiến cổ hủ của kẻ khác hoặc của chính mình.

Thần Khố: Cách Trấn Thủy Đảo khoảng 20m về phía Tây Nam có một ngọn đồi không tên, trên đó có một công trình kiến trúc gọi là Thần Khố. Thần Khố là nhà kho cất giữ đồ dùng trong việc cúng tế. Hiện nay trên thực địa chỉ còn thấy một vài dấu vết của phần nền và tường bao bọc.

Tuần Lộc Hiên: Nằm trên ngọn Đức Hóa Sơn là nơi nuôi hươu nai. Hiện nay kiến trúc này bị triệt giải hoàn toàn, nền móng bị đất cát cây cỏ phủ kín. Dưới chân núi tấm bia đá bị mất chỉ còn bệ bia.

– Hồ Trừng Minh: Nhìn tổng thể lăng Minh Mạng thì hồ Trừng Minh và hồ Tân Nguyệt chiếm một diện tích đáng kể, vừa tạo ra các yếu tố địa lý phong thủy đồng thời cũng góp phần lớn vào việc tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của lăng. Hồ Trừng Minh nhận nguồn nước từ hai con suối nhỏ bắt nguồn từ núi Cẩm Kê chảy ngầm xuyên qua đường quốc lộ 49 và La thành của lăng, vòng tránh Bửu Thành đổ vào hai hướng phia núi Tịnh sơn và Ý sơn rồi chảy vào hồ. Diện tích hồ đo được 1702m2, bao quanh ba mặt của ngọn đồi Phụng Thần Sơn, nơi dựng điện Sùng Ân. Bờ hồ uốn lượn quanh co theo hình dáng của La thành, chảy qua mặt trước của Minh Lâu và mặt Tây của Phụng Thần Sơn, đây cũng chính là đoạn chia hồ ra làm hai phần khá đối xứng qua trục thần đạo. Hồ mang tên Trừng Minh với ý nghĩa là tỏa sáng, nếu nhìn từ không ảnh hoặc trên sơ đồ chúng ta dễ dàng nhận ra hồ có hình chữ: Nhật (mặt trời) và Nguyệt (mặt trăng), hai chữ này ghép lại thành chữ Minh, nghĩa là sáng (niên hiệu của vua Minh Mạng).

II. CUỘC ĐỜI VÀ CÔNG LAO CỦA VUA MINH MẠNG

Vua Minh mạng tên thật là Nguyễn Phúc Kiểu, còn có tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, con thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu Trần Thị Đang. Vua sinh ngày 25 tháng 05 năm 1791 tại làng Tân Lộc tỉnh Gia Định. Thuở nhỏ vua thông minh hiếu học, lại giỏi việc cởi ngựa bắn cung, tính tình nhân từ biết thương anh em và mọi người.

Năm 1815 ngài được làm Thái tử, làm quen với việc lãnh đạo đất nước. Năm 1820 ngài lên nối ngôi, là một vị vua có công lao rất lớn đối với quốc gia dân tộc. Trong thời kỳ trị vì vua đã thay đổi nhiều việc, từ đối nội, đối ngoại cho đến những cải cách kinh tế chính trị xã hội cùng những việc trong dòng họ.

– Về đối nội: bộ máy nhà nước được sửa đổi cải thiện theo chế độ trung ương tập quyền, cho bỏ các Dinh và Trấn mà thành lập các Tỉnh. Cả nước được chia thành 31 tỉnh, đồng thời đặt các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính sứ, Án sát và các Lãnh binh để trông coi. Năm 1820 cho thành lập Nội Các, năm 1830 đặt ra Cơ Mật Viện trông coi việc nước.

– Về đối ngoại: Nhà vua quan tâm chăm lo thấu đáo giữ gìn hòa hợp với các nước lân bang. Đặc biệt chú ý đến các nước phương Tây xâm chiếm thuộc địa. Vua cho thuyền đến Penang rồi Calcuta; cử phái bộ ngoại giao sang Anh sang Pháp. Những việc này cho thấy nhà vua có tầm nhìn xa trông rộng.

– Về cải cách: Để cho xã hội có quy cũ nề nếp vua cho thống nhất việc đo lường, cấp cho các phủ huyện mẫu cân, thước, đấu, hộc…Đặc biệt là thống nhất y phục cho cả 03 miền.

-Về kinh tế: Vua cho đúc tiền và vàng thoi lưu hành chung cả nước, chú trọng việc khai thác khoáng sản, củng cố hệ thống đê điều, đào kênh, mở mang đường sá đi lại. Vua còn ban dụ lập nhà Dưỡng tế tại các tỉnh để giúp đở cho những người nghèo khổ hoặc già cả không nơi nương tựa.

– Về khoa cử: Vua Minh Mạng rất quan tâm việc học hành và thi cử. Năm 1821 vua cho lập trường Quốc Tử Giám, ngoài thi Hương có từ trước vua còn mở thêm các kỳ thi Đình, thi Hội để tuyển chọn nhân tài khắp cả nước. Nhà vua còn cho sưu tập tài liệu sách sử, khuyến khích biên soạn sách, nhiều cuốn có giá trị như: Gia Định Thành Thông Chí, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí…

-Về chính trị, quân sự: vua Minh Mạng đưa nước ta hùng mạnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á. Đổi tên nước thành Đại Nam và cho vẽ An Nam Đại Quốc họa đồ, bờ cõi nước ta được mở rộng, lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ lớn nhất trong lịch sử.

-Việc dòng họ: Vua đã để tâm rất nhiều, nhất là khi con cháu ngày càng đông. Năm 1820 vua cho lập Tôn Nhơn Phủ để trông coi các việc trong Hoàng tộc. Quy định lễ nghi , âm nhạc lo việc tế giao, cúng bái tế tự. Vua còn Ngự chế Đế hệ thi và Phiên hệ thi để đặt tên cho con cháu và định thân sơ các nhánh trong họ Nguyễn Phúc Tộc…

Ngoài ra vua còn cho soạn sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (Thực lục đời các Chúa Nguyễn). Chăm lo tu bổ lăng tẩm của các Chúa Nguyễn; sửa sang lại các cung điện trong Hoàng cung như: Điện Thái Hòa, Đại Cung Môn, xây dựng Ngọ Môn, Hưng Miếu, Thế Miếu…Đặc biệt vua cho đúc 09 đỉnh đồng đặt trước Thế Tổ Miếu để làm báu vật cho muôn đời con cháu. Một kiệt tác bằng đồng của thế kỷ 19, nay là báu vật của Quốc gia. Trong sự nghiệp văn chương vua Ngự chế được 05 tập thơ (Minh Mạng Thánh Chế Thi Tập), 02 tập văn cùng các bài tản văn như: Thiên cơ Dự Triệu, Cổ Khí Minh Văn. Với mục đích là chuyển tải đạo đức. Ngày 28 tháng chạp năm Canh tý (20/01/1841) vua Minh Mạng băng hà tại điện Quang Minh hưởng dương 51 tuổi, trị vì được 21 năm.

III. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT LĂNG VUA MINH MẠNG

Lăng Minh Mạng được xây dựng vào giai đoạn hưng thịnh nhất của thời nhà Nguyễn. Với cuộc đất tốt do thầy địa lý Lê Văn Đức tìm được, gồm có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là qua những ý tưởng và yêu cầu của vua Minh mạng, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư của Bộ Công, cùng thợ thầy giỏi của cả nước thời bấy giờ đã làm nên một kỳ tích, đã biến một vùng đồi núi hoang vu trở thành một lăng tẩm kỳ quan có tên chữ là Hiếu Lăng nằm ở núi Cẩm Kê ấp An Bằng huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trong khoảng diện tích được giới hạn bởi vòng La thành dài 1.750 m là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình tạ… được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua. Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ trong tư thế thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba Tuần, hai bên là hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên. Điều nổi bật ở nghệ thuật kiến trúc của lăng Minh Mạng là sự đăng đối, nghiêm minh chặt chẽ, nhưng lại gần gủi hài hòa với thiên nhiên.

Các công trình chính được bố trí theo một trục dọc chạy thẳng từ Đông sang Tây: Thoạt tiên là Đại Hồng Môn (cổng Tam quan), sân Bái Đình, nhà bia, sân lễ, Hiển Đức Môn, sân điện, điện Sùng Ân, Hoằng Trạch Môn, cầu Trung Đạo, Minh Lâu, Cầu Thông Minh Chính Trực và cuối cùng là Bửu Thành, nơi yên nghỉ của nhà vua. Các công trình phụ đối xứng từng cặp: Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn, hai hàng tượng đá (người, voi, ngựa), hai con Nghê đồng, Tả Hữu Tùng Tự, Tả Hữu Tùng Viện, cầu Tả Phù Hữu Bật, Hoa biểu, Thành sơn, Bình sơn, Tả Hữu Tùng phòng, hai nửa hồ Trừng Minh, Điếu Ngư Đình và Nghênh Lương Quán.

Ngoài ra còn có các công trình phối thuộc như Linh Phương Các, Tùng Lộc Hiên, Hư Hoài Tạ, Trấn Thủy Đảo nằm bên bờ hồ Trừng Minh mang ý nghĩa như các tiểu hành tinh cùng xoay quanh mặt trời. Với hơn 600 bài thờ được khắc, khảm trên các liên ba, đố bản của các công trình như: Nhà Bia, Hiển Đức Môn, Điện Sùng Ân, Minh Lâu, tạo nên các tác phẩm mỹ thuật vừa mang tính chất sử thi vừa có nội dung mang tính đạo đức văn hóa thâm sâu, xứng đáng là di sản văn hóa của nhân loại

Nguồn bài viết: https://khamphadisan.com.vn/tai-lieu-thuyet-minh-hue-lang-vua-minh-mang/