302 lượt xem

Tính cách khách du lịch Bắc – Trung – Nam

Người Miền Bắc

Tính cách chung của người miền Bắc: tinh tế, thâm thúy, sâu sắc, mặt khác bảo thủ hoài cổ, lối nói vòng vo tam quốc.

Nơi xuất phát các luồng di dân đi các nơi khác. Bởi thế mà người miền Bắc thì có “anh cả”, còn miền Nam thì anh cả được gọi là “ anh hai”.

Có truyền thống ăn học, tầng lớp trí thức đông đảo, luôn đề cao hệ thống trường sở và chế độ thi cử để kén chọn người hiền tài đã có cách đây gần ngàn năm.

Người Bắc có tính khoe khoang (hay khoe giàu), rất trọng sĩ diện.

Văn hóa “quà” trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống.

Phụ nữ miền Bắc nổi tiếng về sự đảm đang, thủy chung, có sự hiểu biết rộng nhưng vẫn còn đâu đó (dù là rất ít) những chị em bị ảnh hưởng bởi những phong tục tập quán xưa kia, vẫn khép kín trong lối tư duy xưa cũ.

Người Miền Trung

Người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, hiếu học, tiết kiệm.

Phụ nữ miền Trung cần cù chịu khó, có sức chịu đựng rất cao trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, thùy mị đoan trang nhưng sống khép kín.

Do vùng đất khắc nghiệt, nên tính cách người miền trung thường hay nóng nảy (Nghèo khổ là nỗi buồn ám ảnh nhất, gay gắt nhất. Vì thế con người miền Trung luôn là những con người dễ cáu gắt, bực tức; Sống trong sự đe dọa thường trực, người miền Trung chịu ảnh hưởng bức bối thường xuyên. Nhu cầu đột phá và khả năng bị stress rất cao.), khá keo kiệt (Người miền Trung khó thay đổi nhanh nếp sống, cách sống nên họ thích “ăn chắc, mặc bền), phân chia thì rạch ròi.

Chính yếu tố này đã tạo ra những dấu ấn đặc biệt. Hò Sông Mã, hát giặm, hát ví Nghệ Tĩnh, ca Huế, hò Huế, dân ca Nam Trung bộ và Nhã nhạc cung đình Huế – cả thảy có 7 loại hình, vượt trội so với 4 ở miền Bắc (có Hát rống quân; Hát xẩm; Hát quan họ; Hát ghẹo Phú Thọ) và 1 ở miền Nam (Dân ca Nam bộ). Ca dao, dân ca miền Trung không lả lướt, uyển nhẹ như dân ca Bắc bộ, không có cái tôi cô đơn, khắc khoải và sâu thẳm như dân ca Nam Bộ nhưng thật da diết và nhiều lắm những trăn trở, những nỗi buồn.

Ca dao, dân ca miền Trung không có được nhịp điệu tươi vui như “Tình bằng có cái trống cơm” hay là điệu nhí nhảnh, rộn rã như “Ới con ngựa, ngựa ô”, mà man mác buồn, nỗi cám cảnh tụ lại thành những tiếng thở dài – đó là giai điệu chính của những câu hò, câu hát.

Miền trung khắc nghiệt, cay đắng của cuộc sống đã tạo nên nhu cầu bứt phá, thay đổi cũng như làm nên khả năng chịu đựng đến mức phi thường. Rất nhiều người Thanh Nghệ đã đi theo Nguyễn Hoàng. Không ít người miền Trung đã thành đạt, có tiếng tăm từ cái nhu cầu bứt phá. Sự gan lỳ, ý nghĩ chấp nhận, liều mình đã làm cho miền Trung tự lâu đời là cái nôi thành công của Lê Lợi, nơi sinh ra của kiêu binh thời Trịnh Nguyễn, bãi chiến trường của nhiều cuộc chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Trung bộ là nơi đến của vua Hàm Nghi. Càng không ngẫu nhiên miền Trung đã sinh ra những con người mà sự nghiệp của họ gắn liền với sự bất tử như Lê Lợi, Nguyễn Hoàng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Hồng Thái, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Võ Nguyễn Giáp và Hồ Chí Minh…

Đất miền Trung đã “phát minh” ra nhiều từ ngạo mạn. Huế có từ “chơ mấy” (Mua nhà hết vài trăm cây chớ mấy). Quảng Trị có từ “vẹ” (Tau vẹ mà mi không nghe). Nghệ Tĩnh có từ “phút mốt”(Chuyện nớ tau làm phút mốt. Một phút và một … giây?). Đà Nẵng, Quảng Nam có từ “nghe chưa”( Em kể…nghe chưa; em nói…nghe chưa…)… Đó là kết quả của sự kết hợp giữa tài năng với sự khốn cùng.

Người Miền Nam

Người Nam Bộ thì hướng ngoại, cởi mở, bộc trực, thẳng thắn, thích làm ăn lớn, thích phiêu lưu mạo hiểm, rất trọng nghĩa khinh tài.
Là vùng đất mới, trên vai không trĩu nặng truyền thống hàng ngàn năm đã khiến con người Nam Bộ trở nên mạnh bạo, năng động, cởi mở…

Phụ nữ miền Nam là mẫu người mạnh mẽ trong cuộc sống, phóng khoáng, rộng rãi, thích khám phá cái mới lạ nhưng lại khá thực dụng.

Tính cách Nam Bộ là một khía cạnh văn hóa ứng xử và để lại dấu ấn rõ rệt trong mọi mặt đời sống văn hóa. Người Nam Bộ được Trịnh Hoài Đức cho là những người “trọng nghĩa khinh tài”, Lê Quý Đôn thì coi người Nam Bộ là “dân dám làm ăn lớn”, người nước ngoài thì khái quát “hiếu khách hơn bất kỳ nơi nào ở Châu Á”.

Một phần người dân Nam Bộ từ gốc gác dân tội đồ, lưu tán đã tôi luyện ở họ tính mạo hiểm, thích nay đây mai đó nhưng vẫn hướng về cội nguồn. Ở nơi đâu họ đặt chân tới thì sẽ mọc lên các miếu thờ vọng về cố hương.

Những người khai phá vùng đất mới này là những người coi nghĩa khí làm đầu, họ cư xử hào hiệp, coi khinh tiền tài, có thể vì nghĩa khí mà xả thân không nuối tiếc. Họ còn là những người mến khách, thông cảm, quý trọng nhau có thể nhường cơm xẻ áo.

Trong ứng xử, họ cởi mở, chan hòa, dễ kết thân, dễ hòa vào với cộng đồng mới lạ, không sĩ diện kiểu kẻ sĩ, không đặt nặng vấn đề môn đăng hộ đối.

Người Nam Bộ xưa là những người ít học, và cũng không coi việc học hành là con đường tiến thân, đổi đời như người nông dân miền Bắc. Bởi vậy họ không phải là những con người sống nội tâm, chuộng suy tư mà là những người ưa hành động. Vì thế ứng xử của họ thường bộc trực, thẳng thắn;ngôn từ ít chữ nghĩa, văn chương chào đón.

Người Nam Bộ thích kết thân bạn bè để cùng nhau chè chén, ăn chơi xả láng, và cũng khá là ồn ào nhưng sẵn trong họ một cái gì đó mang nặng âm điệu sầu tư. Nên trong cuộc vui họ ham mê hát xướng, hát bội, hát cải lương, nhất là các âm điệu vọng cổ chứa chất sầu vọng. Đó là hai mặt trong tâm lý con người Nam Bộ.

Họ còn là những người sẵn sàng tiếp nhận và hướng về cái mới rất nhanh, nhạy cảm với cái mới trong cả việc làm ăn, lẫn vui chơi giải trí.

Nam Bộ có những nét riêng so với các vùng đất có bề dày lịch sử như Bắc Bộ, Trung Bộ đó là vùng đất giàu sức trẻ. Vị thế địa chính trị, địa văn hoá của Nam Bộ, khiến nó trở thành trung tâm mà quá trình tiếp biến văn hoá diễn ra nhanh chóng cả bề mặt lẫn bề sâu, cả về lượng và chất tạo cho Nam Bộ có những đặc thù riêng.

SGT tổng hợp.