Lúc còn nhỏ hoàng tử Hồng Nhậm sức khỏe đã không được tốt, lớn lên thì gầy yếu và luôn đau ốm, năm 19 tuổi ngài lại mắc bệnh đậu mùa nặng vì thế thể chất suy yếu cho đến cuối đời. Năm 1842 khi hoàng tử Hồng Nhậm 13 tuổi đã được phò tá vua cha ra Thăng Long nhận lễ thụ phong của nhà Thanh. Năm sau hoàng tử được vua cha phong tước Phúc Tuy Công.
Tháng 10 năm Đinh Mùi (1847) hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa lấy niên hiệu Tự Đức (1848-1883). Vua Tự Đức trị vì trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước vào nữa cuối thế kỷ XIX với bối cảnh kinh tế chính trị xã hội rối ren. Bên trong hoàng tộc mâu thuẫn nội bộ, tranh giành ngôi báu. Ngoài Bắc nạn đói kém mất mùa, thiên tai dịch bệnh xảy ra liên tiếp khiến cho các cuộc khởi nghĩa nông dân đã diễn ra khắp nơi. Bên ngoài thì phải đối phó với giặc xâm lăng, bản thân nhà vua hay đau ốm bệnh tật, lại không có con,vua thường day dứt với nhiều nỗi buồn…
Phải nói rằng cuộc đời của nhà vua là một bi kịch lớn của một vị hoàng đế! Theo quan niệm “Sinh ký tử quy” có nghĩa là “sống gửi thác về” để yên tâm trước khi nhắm mắt xuôi tay các vị hoàng đế triều Nguyễn đều cho xây dựng lăng tẩm cho mình khi còn tại vị trên ngai vàng. Theo tiền lệ đó vua Tự Đức đã cho xây dựng cung điện thứ hai của mình làm nơi nghỉ ngơi và phòng khi ra đi bất chợt. Sau nhiều năm tìm kiếm, các quan địa lý đã chọn được cuộc đất tốt “vạn niên cát địa” (đất tốt vạn năm) tại ấp Trâm Bái, làng Dương Xuân, huyện Hương Thủy (nay là phường Thủy Xuân, thành phố Huế).
Đến tháng 12 năm năm 1864 thì lăng được khởi công xây dựng, với tên gọi ban đầu là “ Vạn Niên Cơ”. Theo dự kiến của Bộ Công thì công trình sẽ được thi công trong vòng 06 đến 07 năm với sự góp mặt của 3.000 lính và thợ, đặt dưới sự trực tiếp chỉ huy và điều hành của Thị lang Bộ Công Nguyễn Bỉnh (sau này là Thượng thư Bộ Công) cùng Biện lý Bộ Công Nguyễn Văn Chất và Thống chế Lê Văn Xa. Các lính thợ sẽ được thay phiên nhau về nghỉ 03 tháng một lần. Năm 1865 Nguyễn Văn Chất và Lê Văn Xa muốn được lòng vua Tự Đức nên đã tâu xin rút ngắn thời gian thi công xuống còn 03 năm.
Để đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn, hai viên quan này đã tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ thi công. Hàng ngàn lính thợ đã không có thời gian nghỉ ngơi, lại phải lao động quá sức dưới những điều kiện khắt nghiệt, nên vào năm 1866 tại công trình đang thi công này đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của lính và thợ dưới sự lãnh đạo của Đoàn Trưng, Đoàn Tư Trực, Đoàn Hữu Ái. Nhà Nguyễn gọi cuộc khởi nghĩa này là Giặc Chày Vôi, bởi vì binh lính và thợ thuyền đã dụng cụ lao động là chày giã vôi làm vũ khí tấn công vào hoàng cung. Tuy cuộc khởi nghĩa bị thất bại, họ Đoàn còn bị tru di tam tộc, nhưng cũng từ đó thanh danh của vua Tự Đức bị tổn thương nặng nề, một bầu không khí tang tóc bao trùm đất Kinh đô và công trình Vạn Niên, dân chúng oán thán:
“Vạn niên là vạn niên nào Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.
Và để xóa đi những ký ức ấy trong dân chúng nhà vua cho đổi tên công trình “Vạn Niên” thành “Khiêm Cung” và sau khi nhà vua mất gọi là Khiêm Lăng. Sau cuộc khởi nghĩa Chày vôi vua Tự Đức đã điều Nguyễn Tri Phương về Kinh để ổn định tình hình trị an, đồng thời cho Trần Đình Bình đọc chiếu . Công việc xây dựng Khiêm lăng lại được tiếp tục, đến năm 1867 thì cơ bản hoàn thành. Lúc sinh thời vua Tự Đức chỉ thiết kế hơn một nữa đồ án quy hoạch của Khiêm Cung, tức là chỉ bao gồm các công trình để làm nơi nghỉ ngơi, giải trí chứ chưa cho xây những công trình dành cho người đã chết như: sân Bái Đình, Huyền Cung hay huyệt mộ. Ngày 16 tháng 06 năm Quý Mùi (19/07/1883) vua Tự Đức băng hà, đến tháng 08 năm 1883 bộ Công mới cho xây đường Toại đạo và Huyền cung. Nhưng đến ngày mồng 02 tháng Chạp năm Quý Mùi (30/12/1883) mới làm lễ an táng nhà vua. Sau đó bộ Công tiếp tục xây dựng đến tháng 09 năm Giáp Thân (10/1884).Trong khu vực Khiêm lăng sau này còn xây thêm lăng vua Kiến Phúc, là con nuôi của vua Tự Đức (18841885) và lăng của bà Lệ Thiên Anh hoàng hậu (1902-1903).
1. Vụ Khiêm Môn và Chí Khiêm Đường Qua khỏi cửa Vụ Khiêm men theo lối đi lát gạch Bát Tràng uốn lượn mềm mại, là Chí Khiêm Đường, nơi thờ các phi tần của các triều vua trước và các phi tần của vua Tự Đức. Khu vực này có khuôn viên hẹp, qua thời gian đã bị xuống cấp và ngày nay đã được trùng tu, tôn tạo khang trang.
2. Hồ Lưu Khiêm và Đảo Tịnh Khiêm Từ cửa Khiêm cung môn bước xuống hai tầng sân là hồ Lưu Khiêm. Các nhà kiến trúc thời đó đã lợi dụng nguồn nước của 02 con suối tự nhiên để đào sâu, nới rộng và uốn nắn các thế đất tạo nên hồ Lưu Khiêm. Hồ vào mùa hè được trồng sen tạo cảnh đẹp, ngày xưa trên hồ có hai con thuyền tên là Thuận Khiêm và Ổn Khiêm thi thoảng nhà vua dạo thuyền ngắm cảnh. Giữa hồ là đảo Tịnh Khiêm, một hòn giã sơn lớn, trồng nhiều cây quý và nuôi thú hiếm, trên đảo còn có 03 ngôi đình nhỏ: Nhã Khiêm, Lạc Khiêm và Tiêu Khiêm. Hồ Lưu Khiêm và đảo Tịnh Khiêm là yếu tố minh đường, tụ thủy tích phúc cho con cháu đời sau.
3. Dũ Khiêm Tạ và Xung Khiêm Tạ. Bên hồ Lưu Khiêm có nhà Dũ Khiêm Tạ và Xung Khiêm Tạ, là nơi nhà vua ngồi ngắm cảnh và làm thơ, mỗi công trình đều có nét kiến trúc độc đáo và trang trí mỹ thuật tinh xảo góp phần tạo nên sự phong phú cùng vẻ đẹp thanh thoát cổ điển cho toàn bộ công trình. Hồ Lưu Khiêm, đảo Tịnh Khiêm cùng với Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ là những yếu tố cấu thành vẽ đẹp mang tính chất lãng mạn trữ tình trong Khiêm lăng. Một trong những khu vườn lăng nổi tiếng tại Huế.
A. KHU TẨM ĐIỆN
Tổng thể lăng vua Tự Đức được bố trí thành hai khu riêng biệt: khu Tẩm điện và khu Lăng mộ, hai khu vực này được ngăn cách bởi một bức tường cao. Khu vực tẩm điện có qui mô khá lớn. Chính giữa mặt tường phía trước là Khiêm Cung Môn. Bước qua cửa là một sân rộng lát gạch Bát Tràng, hai bên có hai tòa nhà Lễ Khiêm Vu và Pháp Khiêm Vu, nằm ở vị trí chính giữa là Hòa Khiêm Điện. Sau điện Hòa Khiêm là Lương Khiêm Điện, hai bên có hai công trình khác là Minh Khiêm Đường và Ôn Khiêm Điện. Cả 04 tòa nhà được xây nối liền với nhau, tạo thành một tổ hợp kiến trúc hình chữ khẩu.
1. KHIÊM CUNG MÔN
Khiêm Cung Môn là một công trình bằng gỗ xây theo kiểu cổ lâu 02 tầng, tầng dưới 03 gian ứng với 03 lối đi, tầng trên là tháp canh 01 gian.Trên cửa có treo một bức hoành phi chạm lưỡng long triều nguyệt và tên công trình: Khiêm Cung Môn. Từ Khiêm Cung Môn nhìn về phía trước, bên ngoài la thành là núi Dẫn Khiêm (tên địa phương gọi là: Đôộn Án), thấp hơn là Long Khiêm sơn. Chếch về bên trái trước mặt lăng là Đạo Khiêm sơn (tượng trưng:“Tả Thanh long”) và đối xứng ngọn đồi bên phải có tên Lao Khiêm sơn (tượng trưng:“ Hữu Bạch hổ”).
Đây chính là các yếu tố “tiền án” và “ rồng chầu hổ phục” trong thuật phong thuỷ, che chắn và chầu về phía trước cho cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ của Khiêm lăng. Phía sau Khiêm Cung Môn là một sân gạch rộng, giữa có đường thần đạo lát bằng đá Thanh. Trên sân có đặt một đỉnh đồng hình chữ nhật dùng cho mục đích cúng tế tại khu vực này. Hai dãy hai bên thiết đặt bốn thống bằng đồng đúc dưới thời vua Minh Mạng và các chậu cảnh bằng sứ men lam. Hai bên sân có hai nhà Lễ Khiêm Vu và Pháp Khiêm Vu.
2. LỄ KHIÊM VU- PHÁP KHIÊM VU
Về kết cấu hai công trình này được xây đơn giản theo cùng một kiểu thức nhà 03 gian, tất cả các chi tiết trên vì nóc, kèo, xà đều không chạm trổ, sơn thếp. Mặt trước có cửa buồng khoa thượng song hạ bản. Bên trong nhà ở gian giữa có đặt các bàn thờ. Trên bàn thờ có các đồ tự khí và nhiều bài vị. Mái hai tòa nhà lợp ngói liệt, tráng men màu xanh lục. Các đầu bờ mái đều có đắp hình lá, giữa nóc đắp hình hoa sen. Hai công trình này dùng làm nơi chuẩn bị triều phục, tấu chương của các quan văn võ mỗi khi họ theo hầu vua Tự Đức lên ở Khiêm Cung và sau này làm nơi thờ tự họ.
3. HÒA KHIÊM ĐIỆN
Đây nguyên là nơi làm việc của vua Tự Đức mỗi khi lên Khiêm Cung, sau khi nhà vua băng hà, linh cửu được quàn ở đây gần 05 tháng rồi mới đưa ra khu vực lăng an táng, từ đó điện dùng làm điện thờ vua và hoàng hậu. Hòa Khiêm là một tòa làm theo kiểu , nhà trước có 07 gian 02 chái, nhà sau 05 gian 02 chái kép. Tiền doanh gồm 03 hàng cột ngang, với 07 bộ vì nóc dạng chồng rường giả thủ với nhiều mô típ chạm trổ tinh xảo hình hoa lá.
Để ngăn nhà ra làm nhiều phần, có một hệ thống vách đố bằng gỗ làm theo kiểu đố lụa khung tranh, trên vách đố là liên ba che kín từ trần cho đến nền. Nền tiền doanh và hai chái bên chính doanh lát gạch Bát Tràng tráng men hai màu vàng, xanh. Mái điện Hòa Khiêm lợp ngói âm dương tráng men vàng. Hàng cổ diêm và bờ mái được chia ô hộc trang trí gạch hoa đúc rỗng.
Ở giữa bờ nóc tiền doanh đắp hình dơi ngậm chữ thọ, trên đội bầu rượu; nóc chính doanh trang trí hình mặt trời bằng pháp lam, hai bên có 02 hình kỷ hà. Hai đầu bờ nóc trang trí hồi long bằng pháp lam nhiều màu. Chính giữa tiền doanh phía trên có treo tấm hoành phi đề 03 chữ Hòa Khiêm Điện và dòng lạc khoản: (năm Tự Đức thứ 17 tháng 12 ngày tốt xây dựng). Nội thất của toà nhà được sơn đen, trong khi các đồ thờ tự đều được sơn son thếp vàng rực rỡ.
Toàn bộ gian giữa được bài trí tương tự như các điện thờ ở những lăng tẩm khác của triều Nguyễn với: khám thờ, sập thờ, bàn thờ, kỷ thờ, án thờ chạm rồng và tứ linh cùng nhiều đồ tự khí các loại. Trong khám thờ đặt bài vị của vua Tự Đức và Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu. Tại đây cũng còn lưu giữ nhiều kỷ vật của vua Tự Đức và các bà hậu bà phi như: gương soi, tráp, hộp, hài thêu, sách lụa. Trong các tủ kính còn trưng bày các cổ vật gắn bó với vua Tự Đức liên quan đến trò chơi cung đình đầu hồ và đổ xăm hường. Đặc biệt là các bức tranh gương minh họa những bài thơ do vua Thiệu Trị ngự chế, khung tranh được thếp vàng và chạm trổ rất tinh xảo. Đây là số ít các bức tranh quý của nhà Nguyễn hiện còn được bảo lưu, do họa sĩ Trung Hoa thực hiện theo đơn đặt hàng của triều đình Huế.
3. LƯƠNG KHIÊM ĐIỆN
Lương Khiêm Điện nằm ở phía sau điện Hòa Khiêm, là nơi vua Tự Đức nghỉ ngơi mỗi khi lên Khiêm Cung. Sau này điện được dùng để làm nơi thờ vọng mẹ vua là bà Thái Hậu Từ Dũ. Cấu trúc điện là một tòa 05 gian 02 chái, toàn bộ khung gỗ nội thất được quét một lớp sơn đen bóng, trong khi các khám thờ, sập thờ, bàn thờ, án thờ đều được sơn son thếp vàng. Phía trong của gian giữa thiết khám thờ đặt chiếc ngai của bà Thái Hậu Từ Dũ. Ngoài ra trong điện còn đặt các chậu lung đựng cành vàng lá ngọc, trên các cột treo các bức tranh gương, các quạt lông và phất trần lông đuôi ngựa. Gian thứ hai bên trái tiền doanh có đặt một tấm bảng gỗ lớn sơn son thếp vàng khắc bài văn mừng thọ cửu tuần (90 tuổi) của Thái Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ vào năm Thành Thái thứ 11 (1899).
4. MINH KHIÊM ĐƯỜNG
Minh Khiêm Đường là một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào năm 1865. Với chức năng chính là nơi nhà vua nghe tấu nhạc và xem diễn tuồng, không gian nội thất của công trình này được thiết kế sáng tạo và mang tính thẩm mỹ cao. Minh Khiêm Đường có vị trí nối tiếp giữa Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện, Ôn Khiêm Đường, tạo thành một tổ hợp kiến trúc có mặt bằng hình chữ “khẩu”, đây là lối kiến trúc đặc trưng của cung đình thời Nguyễn, phù hợp với thời tiết khí hậu khắt nghiệt của miền Trung. Với hệ thống hành lang liên thông giữa các tòa nhà tạo điều kiện đi lại thuận tiện khỏi mưa nắng.
Ở giữa là một khoảng sân rộng hình chữ nhật, đặt chậu cảnh vừa tạo không gian thoáng vừa đem đủ ánh sáng cho các công trình. Thật là nơi thích hợp để nhà vua giải trí, tiêu sầu sau khi làm việc căng thẳng. Nhà hát Minh Khiêm Đường là tòa nhà bằng gỗ có 03 gian 02 chái, làm theo kiểu nhà truyền thống Huế. Để đáp ứng yêu cầu cần có không gian rộng rãi cho sân khấu, các nhà kiến trúc đã cắt bớt đi hai cột chính và thay vào đó hai xuyên gỗ dài. Tuy nhiên hiện nay nhà hát đã xuống cấp, để bảo tồn tạm thời nó được chống đỡ bằng hai cột gang. Về tổng thể bên trong nhà hát có ba phần chính gồm: sân khấu chiếm không gian rộng nhất nằm chính giữa của tòa nhà, hai bên là vị trí của nhạc công, sau hai cánh cửa sơn màu vàng là hậu trường.
Phía trên trần của sân khấu có bức hoành phi đề 03 chữ . Cách thiết kế trần nhà được trang trí hình ảnh mặt trời, vầng trăng khuyết, những đám mây ngũ sắc và các vì tinh tú làm bằng gương tráng thủy bọc đồng. Chính nhờ sự phản quang của gương đã tạo nên ánh sáng lung linh, sống động cho sân khấu khi nhà hát lên đèn. Tạo cho người diễn cũng như người xem cảm giác như đang ở ngoài trời, giữa cuộc đời.
Chính vì thế Minh Khiêm Đường như một minh chứng phản ánh về chủ nhân của nó: một con người hâm mộ nghệ thuật, một tâm hồn lãng mạn thi sỹ. Bên cạnh đó các liên ba, thành vọng xung quanh sân khấu được chia ra thành từng ô hộc để chạm nổi, chạm chìm, chạm lọng một cách tỉ mỉ, công phu với những đồ án trang trí lấy từ các đề tài: bát bửu, hồi văn chữ vạn và nhiều đường nét kỷ hà rất phong phú và đa dạng.
5. ÔN KHIÊM ĐƯỜNG
Ôn Khiêm Đường là một tòa nhà 03 gian 02 chái kép, nguyên là nơi cất giữ các đồ ngự dụng của vua Tự Đức, về sau bà Lệ thiên Anh hoàng hậu lên ở tại đây nên đổi thành Ôn Khiêm Điện. Cả bốn mặt của tòa nhà đều có hệ thống cửa buồng khoa . Mái điện được lợp bằng ngói liệt tráng men xanh, giữa bờ nóc gắn hình bát quái; các đầu bờ nóc, bờ quyết đều đắp hình lá hóa giao bằng vữa. Đầu hồi được gắn gạch hoa đúc rỗng tráng men nhiều màu hình khánh đá, ở giữa có chữ .
6. KHU VỰC 04 VIỆN VÀ ICH KHƯƠNG
Các Vua Tự Đức có khoảng 103 người vợ, tại khu vực Khiêm lăng nhà vua đã cho xây Chí Khiêm Đường để thờ các bà vợ của các vị vua tiền nhiệm và sau này thờ thêm vợ của mình. Đồng thời chu đáo dựng luôn bốn viện bao gồm: Tòng Khiêm Viện, Dụng Khiêm Viện, Y Khiêm Viện và Trì Khiêm Viện dành cho các phi tần của mình. Theo lịch sử thì đây cũng là nơi trú chân của các bà trong sau cuộc chính biến Thất thủ Kinh đô (1885) dưới thời vua Hàm Nghi bởi thực dân Pháp. Ích Khiêm Các là nơi nhà vua ngắm cảnh, nằm ở phía sau điện Lương Khiêm, nhưng hiện đã bị sụp đổ. Bên trái phía sau khu này còn có vườn để nuôi hươu nai.
II. KHU VỰC LĂNG
Lăng mộ quay về hướng Đông Nam, xa xa phía trước là núi Dẫn Khiêm, Long Khiêm làm , dưới chân núi là con khe từ hướng chùa Từ Hiếu chảy qua làm yếu tố trong phong thủy địa lý, ngay trước mặt lại có hồ Lưu Khiêm uốn thành hình bán nguyệt, bên kia hồ là một đồi đất nhỏ trồng thông để ngăn gió thổi vào phía mộ nhà vua.
1.BÁI ĐÌNH
Bái Đình là khu vực sân chầu nằm phía trước Bi Đình (nhà bia), sân Bái Đình được sắp xếp theo thứ tự 03 tầng từ thấp lên cao. Trên tầng sân thứ hai của Bái Đình bài trí hai hàng tượng gồm: voi, ngựa và quan văn, quan võ, tương tự như các khu vực lăng tẩm khác của triều Nguyễn. Chính giữa tầng sân thứ ba là vị trí của Bi Đình. Chung quanh sân có xây tường thấp tựa giống như hệ thống lan can, các lan can này được chia thành nhiều ô hộc trang trí các loại gạch hoa đúc rỗng tráng men với nhiều hình dạng khác nhau; phía trên lan can úp ngói ống tráng men màu. Phía trong cùng của sân này có xây 02 trụ biểu ở hai bên.
Bốn mặt của trụ biểu đều được gắn gạch hoa đúc rỗng tráng men vàng. Những ô hộc ở chân trụ biểu gắn gạch hoa rỗng tráng men xanh và mảnh sành sứ thành các chữ . Đỉnh trụ biểu được trang trí búp sen. Do hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện kinh tế nên mãi đến năm 1895 vua Thành Thái mới cho làm sân Bái Đình, dựng tượng các quan bằng đá và xây đắp các tượng voi ngựa bằng vôi vữa.
2. BI ĐÌNH
Bi đình được xây bằng gạch trát vữa, bốn mặt đều trổ cửa vòm. Hai bên cửa vòm và ở các góc có xây nổi các trụ tròn, thon dần lên phía trên. Điểm đặc biệt của Bi Đình lăng vua Tự Đức chính là ở cách thiết kế và trang trí các trụ với các hình đắp nổi theo môtip mây tản và các cột tròn bên trên đắp hình rồng cuộn bằng vữa gắn sành sứ. Nối 04 cột này với tường là các vòm cuốn xây bằng gạch, ở giữa thông lên đến tầng thứ hai. Tầng trên mái cũng xây vòm cuốn. Tất cả đều có kích thước rất lớn, tạo dáng vững chãi nhưng cũng rất thanh thoát với phần trên được thu gọn, vuốt nhỏ, vươn lên cao. Mái nhà bia được lợp bằng ngói ống tráng men vàng, cuối mái có ngói câu đầu và trích thủy. Các bờ quyết được đắp cao, trên úp ngói ống, hai bên gắn gạch hoa đúc rỗng trang trí. Đầu bờ quyết phía trên đắp hình kỷ hà bằng vữa gắn sành sứ. Cuối bờ quyết gắn hình rồng pháp lam nhiều màu, bên dưới có các tầng lá cong lên có gắn chuông gió bằng đồng ở bốn góc. Nền móng Bi Đình lát gạch Bát Tràng loại lớn, bó vỉa bằng đá Thanh.
Mỗi mặt có một bậc cấp 02 bậc, thành bậc ở hai mặt trước sau đều chạm rồng, bậc cấp ở hai bên chạm mây hóa rồng. Ở vị trí trung tâm của Bi đình là tấm bia lớn nhất Việt Nam, đặt trên một bệ đá cũng rất lớn chạm trổ sắc sảo các chi tiết hổ phù, thao thiết, hoa cúc, bát bửu… Mặc dù vua có nhiều vợ, nhưng lại không có con kế nghiệp, nên vào năm 1871, vua Tự Đức đã tự tay soạn nội dung văn bia cho mình và đặt tên là “Khiêm Cung Ký” gồm 4935 chữ. Đến năm 1875 thì cho khắc vào hai mặt tấm bia đá Thanh hiện dựng tại Bi đình.
Năm 1881 xây dựng nhà bia. Đây là tấm bia đá lớn nhất Việt nam, nó có giá trị trên nhiều lĩnh vực: kiến trúc, mỹ thuật, tư liệu lịch sử, văn học… Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Tục Biên, để làm nên tấm bia này, bộ Công phải điều động 1000 lính biền binh ra tận núi Nhồi Thanh Hóa để khai thác vận chuyển vào Huế và phải huy động hàng trăm thợ đá thay nhau chế tác. Bia đá này được thiết kế theo phong cách đặc trưng của bia ký thời Nguyễn. Tấm bia có trọng lượng 20 tấn, chiều cao 407cm, rộng 259cm. Trong đó trán bia cao 97cm, rộng 287,5cm. Tai bia mỗi bên rộng 22cm, chỗ dày nhất 48cm. Hai mặt trên tấm bia khắc 4935 chữ , mặt trước được khắc theo lối chữ “khải”; mặt sau khắc theo lối chữ“ hành khải”, nét chữ khắc sắc xảo, thần thí uyển chuyển.
Tấm bia được đặt trên bệ cao 100 cm, rộng 309 cm và dày 162,5cm. Bệ bia được tạo từ một phiến đá Thanh nguyên khối với dáng chân quỳ và được chạm trổ công phu. Mặt ngoài bệ bia chạm nổi và chạm lộng các đồ án: rồng mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ chữ trên cả S gắp khúc. Khác với văn bia ở các lăng vị vua: Gia Long, Minh Mạng,Thiệu Trị là những văn bia do người con nối dõi soạn với nội dung thường ca ngợi: tính tình, đức độ và công lao sự nghiệp của vua cha, nên đều có tên gọi là bia “Thánh đức Thần công”, còn bia Khiêm Cung Ký do chính vua Tự Đức tự soạn cho mình, nên được gọi là bài “Minh”, hay nói như ngôn ngữ ngày nay là ( Bản tự kiểm điểm).
Nội dung Khiêm Cung Ký gồm 05 phần chính có thể tóm tắt như sau:
Phần 1: Mở đầu vua Tự Đức nói lên quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của mình cũng như viết về thời tuổi trẻ của mình. Từ khi còn nhỏ vua đã thể hiện trí thông minh và biết ứng đối thơ phú nên được vua cha rất thương yêu, chiếu cố nhiều hơn so với những người con khác và có ý định truyền ngôi. Tuy nhiên, sức khỏe của nhà vua không được tốt, lại bị bệnh đậu mùa lúc gần tuổi hai mươi.
Phần 2: Bày tỏ tâm tư của nhà vua trước một số biến cố quan trọng của đất nước và triều đình. Lên ngôi từ lúc còn quá trẻ, sức khỏe lại yếu, đất nước đứng trước nạn ngoại xâm. Việc nhà vua phải xử tội anh mình cũng là vì phải coi trọng việc nước. Vua bày tỏ thái độ bất bình trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, việc để mất Nam Kỳ khiến dân chúng lầm than cũng là tội nhà vua phải gánh chịu. Trong hoàn cảnh bi quan không có chí khí, dù nhà vua muốn bảo vệ đất nước cũng chẳng giải quyết gì được. Nỗi lo lắng này đã khiến cho vua càng thêm suy sụp, phải tính chuyện xây dựng lăng tẩm.
Phần 3: Giải thích ý nghĩa của việc lựa chọn vị trí xây dựng Khiêm Lăng, như các yếu tố địa lý phong thủy và mối liên quan đến các công trình khác ở xung quanh như: chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị), đàn tế Nam Giao. Nhà vua đặt tên cho toàn bộ khu vực này là Khiêm Cung, sau khi vua băng hà sẽ đổi là Khiêm Lăng. Vua giải thích ý nghĩa chữ “Khiêm” là kính là nhường, là khiêm tốn, đồng thời cũng là quẻ trong Kinh dịch “Địa Sơn Khiêm” nên các công trình đều mang chữ Khiêm. Các quan binh, thợ thuyền tham gia xây dựng lăng đều được trả công xứng đáng.
Phần 4: Thể hiện những nhận định về bản thân và một số quan điểm trong cuộc sống của nhà vua. Vua tự xét mình là người nhút nhát, ít thích giao thiệp, lại là người trọng đạo đức, tin tưởng đạo lý ở Trời, lấy lòng thành để đối phó muôn việc, dùng đạo Khiêm để hoàn thành bổn phận.
Phần 5: Là phần kết, khẳng định đây là những nội dung bộc bạch tấm lòng của nhà vua và những suy nghĩ riêng của cá nhân vua, không chú trọng đến giá trị văn chương. Người đời sau nếu đọc không cảm thông được thì chớ lấy làm phiền. Cuối cùng nhà vua nhận hết tội lỗi về mình trước quốc gia dân tộc và nhường lời lại cho các sử gia đời sau phán quyết. Do tính chất quan trọng của di tích này nên nhiều dự án trùng tu đã được tiến hành.
Dự án bảo tồn trùng tu và kết hợp đào tạo kỹ thuật tại công trình Bi Đình – Lăng Tự Đức (năm 2013): Vốn tài trợ của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam là: 840.014.920 VNĐ (tương đương 39.586 USD) và dự án bảo tồn trùng tu Bi Đình- lăng Tự Đức (2017- 2019) của TTBTDT Cố Đô Huế với tổng mức đầu tư là khoảng gần: 2.500.000.000 đồng. Hiện nay công trình nhà bia đã hoàn chỉnh. 3. Bửu Thành và Huyền Cung Sau nhà bia là hồ Tiểu Khiêm Trì, nơi đựng nước mưa theo theo thuật phong thủy.
Bửu Thành và Huyền Cung nơi an táng thi hài của vua Tự Đức. Bửu Thành tọa lạc trên một quả đồi nhỏ gối đầu lên Lý Khiêm Sơn và xa hơn nữa là Cư Khiêm Sơn, đây chính là 02 ngọn núi làm “hậu chẩm” của lăng vua Tự Đức. Ngay phía trước Bửu Thành là tầng sân có nền của ngôi nhà Hoàng ốc (nhà phủ vải vàng để bài trí các hương án đặt lễ vật mỗi khi có cúng tế). Xung quanh tầng sân này có xây hàng lan can gạch rỗng. Mặt trước có 03 hệ thống bậc cấp và thành bậc làm bằng đá Thanh. Nền Hoàng ốc hình vuông, có 16 chân cột bằng đá, xung quanh chạm lá đề, giữa có lỗ dựng cột.
Hai bên sân có 02 dãy bồn hoa hình bát giác trồng các loại cây cảnh. Cổng Bửu Thành được xây bằng gạch, trổ cửa vòm, phía trên trang trí hình kỷ hà và ngũ phúc. Hai bên cũng được trang trí ô hộc gắn gạch rỗng men màu. Cửa có 02 tầng mái lợp ngói ống nhỏ, có câu đầu trích thủy như mái nhà, hai mặt gắn gạch rỗng, trên bờ úp ngói ống. Bờ nóc đắp lưỡng long triều nguyệt. Đầu bờ quyết đắp hình lá, mái dưới bờ quyết đắp hình các con cá, góc gắn các chuông gió. Cửa vào Bửu Thành được làm bằng đồng, những thanh đồng thau vuông vắn được đâu mộng hết sức chắc chắn, phía trước có hai then cài và khóa chốt. Ngày thường được khóa và niêm phong cẩn thận, mỗi khi có lễ thì phải có mặt đầy đủ Tam Nha hội đồng (bộ Công, bộ Lễ, Ngự tiền Văn phòng) đến bóc niêm, mở khó để mở cổng.
Đây là nơi quan trọng nhất của lăng mộ nhà vua, nên lính hộ lăng canh trực đêm ngày. Bửu thành gồm hai lớp tường thành bao bọc xung quanh ngôi mộ của vua Tự Đức. Một bức bình phong lớn che phía trước cửa và bức thành trong (khu vực Huyền cung). Trụ ở hai bên cửa cũng được chia ô hộc gắn gạch hoa rỗng tráng men nhiều màu. Thân trụ dưới to, trên nhỏ, đỉnh trụ có đắp búp hoa sen bằng vữa. Trước Huyền Cung có bức bình phong, ở giữa trang trí hình chữ “Thọ”. Chính giữa sân là ngôi mộ của vua Tự Đức được xây bằng đá Thanh theo kiểu nhà hai mái xuôi, đặt trên một nền đá cao 03 tầng. Đầu bờ nóc bờ quyết chạm hình rồng nhỏ, đầu hồi chạm chữ “Thọ”. Trước mộ đặt một bàn thờ nhỏ chạm chân quỳ chạm nổi “lưỡng long triều nguyệt”.
Công cuộc bảo tồn trùng tu Bửu Thành và bình phong khu mộ vua Tự Đức, kết hợp đào tạo kỹ thuật vào (năm 2009-2010) do Bộ Ngoại giao CHLB Đức thông qua Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức và Nhóm GCREP thực hiện với khoản tài trợ trị giá 110.525 Euro (~ 145.450 USD).
III. LĂNG MỘ LỆ THIÊN ANH HOÀNG HẬU (KHIÊM THỌ LĂNG)
Qua cây cầu Tuần Khiêm là khu vực lăng mộ của Hoàng hậu Lệ thiên Anh. Khu vực này vốn được dùng làm nơi tập bắn, dựng nhà đọc sách, ngắm cảnh của nhà vua. Nếu xét về không gian văn hóa nguyên thuỷ của lăng vua Tự Đức, Khiêm Thọ Lăng và Bồi Lăng không phải là những yếu tố hình thành nên chỉnh thể không gian vườn cảnh nơi đây. Tuy nhiên do bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội lúc bấy giờ, triều đình đành dùng vị trí này làm nơi an nghỉ của Hoàng hậu Lệ Thiên Anh (Khiêm Thọ Lăng) và vua Kiến Phúc (Bồi Lăng).
Kết cấu của Khiêm Thọ lăng cũng gồm có các tầng sân và Bửu Thành. Điều nổi bật trong khu vực này là hệ thống ô hộc được dùng gạch hoa đúc rỗng tráng nhiều màu men và mảnh sành sứ để trang trí, cùng nhiều môtip hoa lá, chim phụng, lân,…Bình phong trước mộ Hoàng hậu được làm theo kiểu cuốn thư đặt trên chân quỳ, ở giữa trang trí hai con chim phụng chầu quanh mặt trời (ở mặt trước) và hình chữ Thọ (ở mặt sau) được đắp bằng xi măng gắn các mảnh sành sứ.
Mộ của Hoàng hậu cũng được làm bằng đá theo hình một ngôi nhà, trên chạm hình chim phụng và chữ Thọ. Lệ Thiên Anh Hoàng hậu tên là Vũ thị Duyên, bà sinh vào ngày 23 tháng 06 năm 1828, quê ở huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Cha bà là Đông Các đại học sĩ Lệ Quốc Công Vũ Xuân Cẩn, mẹ là Lệ Quốc phu nhân họ Trần. Lệ Thiên Anh Hoàng hậu là người có tính nhu mì, thông thạo thơ văn chữ nghĩa và đảm đang việc nhà. Năm Thiệu Trị thứ 03 (1843) bà được tuyển vào cung hầu vua Tự Đức. Vốn tính đoan trang, hiếu thuận, nên bà rất được bà Từ Dũ và vua Tự Đức yêu quý. Năm 1848 vua Tự Đức lên ngôi tấn phong bà làm Cung tần theo lệ của triều đình.
Sau đó bà lần lượt được tấn phong làm: Cẩn phi, Thuần phi, Trung phi và trở thành Hoàng Quý phi vào năm Tự Đức thứ 15 (1862). Bà được giao trông coi Lục Viện. Năm 1882 Vua Tự Đức giận bà và giáng làm Trung phi, nguyên nhân là vì việc quản lý nhân sự của bà không được chu toàn. Năm 1883 vua Tự Đức băng hà, trước khi mất nhà vua di chiếu tôn bà làm Hoàng hậu trông coi Lục viện và nuôi dạy người kế vị là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân (tức là vua Dục Đức).
Vua Dục Đức lên ngôi mới 03 ngày thì bị hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế truất, ám hại. Sau đó họ lại đưa Nguyễn Phúc Hồng Dật lên ngôi lấy niên hiệu là Hiệp Hòa, vua Hiệp Hòa đã tôn bà là Khiêm Hoàng hậu. Tháng 10 năm 1883 vua Hiệp Hòa cũng bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường sai người giết chết, và đưa Nguyễn Phúc Ưng Đăng lên thay, lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Tháng 06 năm 1884 vua Kiến Phúc đột ngột băng hà. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tôn Hàm Nghi lên thay. Tháng 03 năm 1885 vua Hàm Nghi tấn phong Nghi Thiên Chương Thái Hoàng Thái hậu cho bà Từ Dũ, nhân đó nhà vua cũng muốn xin tôn phong hiệu cho Khiêm Hoàng hậu như đúng lễ nhưng bà không nhận.
Khi Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế năm 1885, vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra Quảng Trị, bà cùng Tam Cung Lục Viện đi theo, sau đó Tam cung về ngụ ở tại Khiêm Lăng. Đến khi vua Đồng Khánh kế vị, quân đội Pháp trao trả lại Kinh thành Huế cho triều đình nhà Nguyễn thì Tam cung quay trở về lại Kinh thành. Khiêm Hoàng hậu về lại cung Trường Ninh (về sau đổi tên là cung Trường Sanh) trong Hoàng thành Huế. Năm Thành Thái thứ 14 (1902), vào ngày 27 tháng 04 năm Nhâm dần (tức ngày 03 tháng 06 dương lịch) Thái Hoàng Thái Hậu qua đời, thọ 75 tuổi. Bà được dâng thụy hiệu là: “ Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh hoàng hậu” , thường gọi tắt là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu. Vua Thành Thái nhớ ơn bà chăm sóc cha mình (vua Dục Đức) nên tổ chức làm lễ tang long trọng và cho xây lăng bà tại đây vào năm 1902, đặt tên là Khiêm Thọ lăng.
VI. LĂNG VUA KIẾN PHÚC (BỒI LĂNG) – CHẤP KHIÊM ĐIỆN
Khu vực Bồi Lăng bao gồm mộ vua Kiến Phúc, Chấp Khiêm Điện và các công trình kiến trúc phối thuộc. Tất cả cùng nằm trên một quả đồi, nguyên là nơi hóng mát và ngắm cảnh của vua Tự Đức. Đến năm 1884 khi vua Kiến Phúc băng hà, triều đình mới cho làm lăng này (nằm bên trái Chấp Khiêm Điện ) và đưa thi hài của nhà vua đến đây an táng. Chấp Khiêm Điện vốn là nhà đọc sách của vua, được làm theo kiểu nhà kép “trùng lương trùng thiềm” nhưng kiểu thức rất đơn giản.
Sau khi vua Tự Đức băng hà, nơi đây trở thành điện thờ bài vị vua Kiến Phúc. Phía sau Chấp Khiêm Điện là vị trí của Di Khiêm Lầu, có lối kiến trúc rất giống Minh Lâu ở lăng Minh Mạng, là nơi nhà vua đến ngắm cảnh, hóng mát. Rất tiếc công trình hiện nay chỉ còn nền móng. Vua Kiến Phúc là vị Hoàng đế thứ 07 của triều Nguyễn, ngài là con thứ ba của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Húy của ngài là Nguyễn Phước Ưng Đăng, hiệu Dưỡng Thiện.
Vua Kiến Phúc sinh ngày 12 tháng 02 năm 1869, ngài lên ngôi ngày 02/ 12/1883, tuy nhiên tại vị được 08 tháng thì băng hà vào ngày 31/07/1884, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Giản Tông Nghị Hoàng đế. Kiến Phúc là vị vua yểu mệnh nhất của triều đại nhà Nguyễn, lúc băng hà ngài chỉ mới 15 tuổi. Vì không có con nên Tự Đức đã nhận ba người cháu làm con nuôi: Nguyễn Phúc Ưng Ái, Nguyễn Phúc Ưng Kỷ và Nguyễn Phúc Ưng Đăng. Ưng Đăng được vua Tự Đức truyền đem vào cung, giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi dạy từ lúc mới 02 tuổi. Sau khi vua Dục Đức và Hiệp Hòa đều mất, Hoàng tử Ưng Đăng được hai quan Phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi lấy niên hiệu là Kiến Phúc và mọi việc trong triều đều do hai quan Phụ chính quyết định.
Lúc bấy giờ ở Bắc Kỳ lực lượng của Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản đang còn phối hợp với quân nhà Thanh chống quân Pháp. Viên Khâm sứ Pháp ở Huế lấy điều đó ra trách cứ, khiến triều đình có dụ truyền cho hai viên tướng ấy phải về Kinh. Nhân nhượng như vậy, nhưng ít lâu sau quân Pháp vẫn tiến đánh và chiếm đoạt các tỉnh là Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa và Tuyên Quang.
Đến ngày 06 tháng 06 năm 1884, đại diện Pháp Jules Patenôtre ký tờ hòa ước mới với triều đình nhà Nguyễn, đó là Hòa ước Giáp Thân (năm 1884) công nhận sự bảo hộ của Pháp và chia nước Việt Nam ra làm hai khu vực đó là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Trong khi đất nước gặp nhiều rối ren thì vua Kiến Phúc băng hà. Lăng vua Tự Đức cũng không chỉ là nơi chứng kiến những trăn trở của vị vua trị vì đất nước lâu nhất trong lịch sử triều đại (36 năm, từ 1848-1883), mà còn phải chứng kiến khúc bi thương nhất của triều Nguyễn khi thi hài của vua Tự Đức an táng chưa đầy một năm, ngày mồng 02 tháng 12 năm Quý Mùi ( 30/12/1883 ), thì triều đình lại tiếp tục chọn đất làm huyệt mộ để an táng tiếp vị vua thứ hai trong khu vực này đó là vua Kiến Phúc (ngày mồng 01 tháng 10 năm 1884) tức ngày 13 tháng 08 năm Giáp Thân và cho tu sửa điện Chấp Khiêm làm nơi thờ tự. Cũng trong thời gian ấy xã hội Việt Nam, triều đình Huế trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng khi chỉ trong vòng bốn tháng, từ tháng 06 đến tháng 10 năm Quý Mùi (1883) lần lượt có đến 03 vị vua ngồi lên ngai vàng để rồi rơi vào kết cục bi thảm. Cũng từ đây mà trong dân gian tuyên truyền câu ca dao:
“Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan Thuyết Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường”.
V. GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC- MỸ THUẬT CỦA LĂNG TỰ ĐỨC
Với những đặc điểm vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính cá biệt trong lịch sử hình thành và phát triển của triều Nguyễn, lăng vua Tự Đức là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc và cảnh quan. Bản thân nhà vua là một người có trình độ học vấn uyên thâm, là một nhà văn nhà thơ có tâm hồn lãng mạn nên khi chọn đất xây dựng vua đã chọn một thung lung hẹp, một nơi có đủ cả đất bằng, có núi có khe, để rồi các nhà kiến trúc đã dựa theo ý vua sắp xếp bố trí các công trình, đặt nó trên những bình độ cao thấp khác nhau, hòa quyện nó vào phong cảnh thiên nhiên.
Ở đây có thông reo, suối chảy, có hồ có đình có tạ, có những tòa điện thâm nghiêm, tất cả đều hòa quyện vào nhau, tạo thành một khúc nhạc trầm bổng trong kiến trúc xây dựng. Khiêm lăng đẹp và lãng mạn như một bài thơ ! Điều này vừa thể hiện tâm hồn của một ông vua thi sĩ vừa thể hiện sự sáng tạo và trình độ xây dựng cao của người Việt Nam vào thời kỳ này. Các họa tiết hay hoa văn trang trí trên các công trình kiến trúc dưới nhiều dạng chất liệu khác nhau là kết tinh của trình độ thẩm mỹ và quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan của người đương thời. Bên cạnh đó lăng vua Tự Đức cũng là một bảo tàng, nơi gìn giữ các vật dụng và đồ tự khí thời Nguyễn, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của tầng lớp quý tộc nửa cuối thế kỷ 19.
Đặc biệt là khi tình hình chính trị-kinh tế – xã hội Việt Nam đang bước vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Mặt khác, với những quy chế, điển lệ khắt khe, lăng vua Tự Đức cũng là nơi thể hiện quyền lực của triều đại kể từ khi Việt Nam chưa hoàn toàn rơi vào tay Pháp cho đến khi bị mất hết chủ quyền. Với tất cả những hàm lượng văn hóa được chứa chất trong đó, lăng vua Tự Đức thực sự có giá trị nổi bật và xứng đáng là di sản văn hóa của nhân loại, là di sản của dân tộc mà chúng ta đang kế thừa, gìn giữ để truyền lại cho muôn đời sau. Nhận thức những ý nghĩa quan trọng đó, dự án bảo quản tu bổ và phục hồi di tích lăng Tự Đức từ năm (2016- 2020) của TTBTDT Cố Đô Huế đã và đang được triển khai.
“Tứ bề núi phủ mây phong Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn niên…”
Nguồn bài viết: khamphadisan.com.vn