City Tour Tp Nha Trang
NHÀ THỜ NÚI
Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh Ngã Sáu, trung tâm TP. Nha Trang, Nhà thờ Chánh Tòa là địa điểm thu hút rất nhiều du khách. Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Chánh tòa Kito Vua, nhưng thường được người dân trong vùng nhắc đến với các tên gọi giản dị và quen thuộc như: Nhà thờ đá, nhà thờ Núi.
Nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 3-9-1928. Xưa kia, đây là vùng đất hoang sơ, khi người Pháp đến Nha Trang đã cho xẻ đôi núi Hòn Một. Nửa phía Tây của ngọn núi này được san phẳng bởi 500 quả mìn để có diện tích 4.500m2 xây nhà thờ. Tháng 12-1941, công trình được hoàn tất và cái tên nhà thờ Núi cũng do đó mà có.
Đứng từ xa nhìn, nhiều người vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng bằng đá chẻ, nhưng thực tế đá chẻ chỉ được dùng lát đường và sân. Còn toàn bộ các bức tường của nhà thờ được xây bằng táp lô xi măng. Chính linh mục Louis Vallet cùng các cộng sự đã trực tiếp đúc nên các khối táp lô này. Đặc biệt, chỉ phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên được đổ bê tông cốt thép, còn toàn bộ mái vòm của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo.
Nhà thờ Núi mang đậm kiểu kiến trúc nhà thờ Gotic với 3 phần rõ rệt, phần dưới cùng là cửa, phần giữa là ô cửa sổ tròn to bằng kính màu được tô điểm những bông hoa hồng; phần trên cùng là hành lang và hai tháp chuông. Nét độc đáo của nhà thờ chính là bộ chuông đồng được treo trên tháp chuông. Đây là những quả chuông do hãng chuông nổi tiếng Bourdon Carillond của Pháp chế tạo và cung cấp. Trong một chuyến kinh lý vào tháng 2-1933, vua Bảo Đại đã đến thăm khi công trình đang được hoàn thiện. Lúc ấy, bộ chuông đồng đúc ở Pháp chở sang được treo tạm trên tháp gỗ. Quả chuông đầu tiên có âm mi giáng được nhà thờ hành pháp làm phép vào ngày 29-7-1934, hai quả còn lại có âm đô và âm la được hành lễ làm phép năm 1939. Trên tháp chuông còn có gắn 1 chiếc đồng hồ lớn, có 4 mặt quay ra 4 hướng.
Nổi bật nhất của nhà thờ Núi chính là khu Thánh đường. Bước qua cửa Tiền Đàn, ta sẽ bắt gặp một không gian mênh mông, khoáng đạt và tràn ngập ánh sáng. Đặc điểm nổi bật nhất của kiến trúc Gotic tại nơi đây chính là các vòm cuốn hình múi uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Hoa văn trang trí sử dụng những đoạn thẳng, được bố trí hài hòa, tạo nên vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm. 14 tràng đàn (cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su) được mô phỏng bằng các bức họa treo trên tường. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời của hai hướng Đông và Tây, các nhà thiết kế đã cho lắp nhiều loại kính màu xanh, đỏ vào các cửa vòm, cửa hoa hồng. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp và nhẹ nhàng, làm dịu đi bầu không khí trang nghiêm vốn có thường thấy ở những nơi thờ phụng. Khu cung thánh là một không gian mở, những bức tranh Thánh bằng kính màu ở đây tạo nên vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng. “Tôi cảm thấy vô cùng khâm phục bàn tay tài hoa của những người thợ đã xây dựng nên công trình này”, anh Nguyễn Thế Trọng – du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
Nhà thờ Núi đã có mặt ở Nha Trang hơn 80 năm. Từ xa nhìn lại, nơi đây giống như một lâu đài cổ đại La Mã. Đứng chắc trên một đầu non, với bộ áo xám tro, công trình xây dựng này vẫn vững chãi, hiên ngang trước mưa nắng, gió sương. Đối với bà con giáo dân ở TP. Nha Trang, Nhà thờ Núi có một vị trí vô cùng quan trọng, họ đến đây để cầu nguyện chúa ban hồng ân. Bên cạnh đó, nhiều cặp uyên ương cũng chọn nơi đây để tổ chức đám cưới, chứng nhận cho sự thăng hoa, kết trái của tình yêu. Đây còn là địa chỉ yêu thích của khách du lịch khi đến Nha Trang – Khánh Hòa. Ngoài tham quan, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo, du khách sẽ có những phút giây thật thoải mái, yên bình khi ngắm nhìn sự thơ mộng của phố biển
CHÙA LONG SƠN
Kính thưa quí du khách, hiện tại chúng ta đang đứng trong khuôn viên chùa Long Sơn, đây là một trong những danh lam của thành phố biển Nha Trang mà du khách thường đến tham quan, chiêm bái. Chùa Long Sơn hay còn gọi là chùa Phật Trắng, trước có tên là Đằng Long Tự toạ lạc dưới chân Hòn Trại Thuỷ (Hòn Xưởng). Ngôi chùa này được tiên khởi xây dựng cách nay hơn 100 năm, trãi qua nhiều lần trùng tu và hiện nay là ngôi chùa nỗi tiếng nhất vùng đất Khánh Hoà.
Chùa Long Sơn do nhà sư Ngộ Chí lập năm 1886, ban đầu chùa chỉ là một căn nhà tranh nằm tại đỉnh đồi Trại Thủy (nơi đặt tượng Phật trắng hiện nay). Năm 1900, chùa bị sập sau một cơn bão, nên nhà sư quyết định dời xuống chân núi và đổi tên chùa thành Long Sơn tự.
Chùa được cất trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, gần kề ngay đường giao thông và khu phố đông đúc mà vẫn giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch, uy nghiêm, huyền bí, cao siêu nơi cửa Phật nhờ có sự phối hợp tuyệt vời giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên và những phần tạo dựng do con người. Khuôn viên chùa có chiều rộng 44,5m, chiều dài hơn 72m, chính điện rộng 1.670m², có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 1,6m, nặng 700kg. Từ chùa, muốn lên đến đỉnh đồi Trại Thủy phải đi lên 193 bậc tam cấp. Tại bậc thứ 44 là tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn dài 17m, cao 5m, được xây dựng năm 2003, đằng sau tượng là bức phù điêu mô tả cảnh 49 đệ tử túc trực niệm phật. Lên khỏi tượng Phật nằm 5m là tháp chuông với quả đại hồng chung cao 2,2m, nặng 1.500kg do phật tử tại Huế tặng năm 2002.Trên đỉnh đồi là bức tượng Kim Thân Phật tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngồi thuyết pháp, tượng cao 21m, đài sen làm đế cao 7m, rất dễ nhìn thấy tại một khu vực rộng xung quanh Chùa. Tượng được xây từ năm 1963 do sự đóng góp của tăng ni phật tử của vùng lân cận. Xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm. Dưới chân đài sen là bức tường chia thành những ngăn nhỏ để chứa hài cốt do các gia đình Phật tử gửi.
Đây là một trong những ngôi chùa vào loại lớn nhất và cũng ở vào một địa thế trang nghiêm, đẹp nhất trong các ngôi chùa còn lại ở Khánh Hòa đến nay và cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang.
THÁP BÀ PONAGAR
Khu di tích Tháp Bà Ponagar,Nha Trang,Khánh Hoà là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có quy mô vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung Việt Nam, được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 13, thời kỳ đạo Hinđu(Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại Vương quốc Chăm Pa cổ.
Po Nagar hay Tháp Bà là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái , cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi “Tháp Po Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét.
Nữ vương Po Nagar – còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Inu Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) – là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay: Po Nagar Dara – nữ thần Kauthara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih – nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk – nữ thần Manthit (Phan Thiết).
Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, không có quần áo, nhưng đến nay đã được Việt hoá, nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật giáo.
Tổng thể kiến trúc của Po Nagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.
Ở tầng giữa gọi là Mandapa ( tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật và sửa soạn trang phục trước khi làm lễ chính thức ở trên. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác( bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột , đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ
Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp toạ lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính.Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Po Nagar. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.
Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi v.v. Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên. Cửa chính ở phía đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hình thuẫn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giữa hai nhạc công. Bên trong tháp tối và lạnh.
Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá đặt tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vât dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy và cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái.
Các tháp khác thờ: thần Siva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo), thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Siva).
Trong quần thể kiến trúc này còn lưu giữ nhiều bia ký cổ nhất của người Chăm, ghi lại việc cúng ruộng và dân công nô lệ cho nữ thần, những lời ngợi ca Thánh Mẫu, liệt kê những cống phẩm quí giá cũng như những tốn kém trong quá trình xây dựng tháp.
Khu di tích Tháp Bà được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979. Với lối kiến trúc độc đáo và đặc sắc, quần thể đền tháp Po Nagar là nơi hành hương của các tín đồ đến tiến hành các nghi lễ tôn giáo, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Lễ hội Tháp Bà thường diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động hoạt động phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp của văn hoá Chăm và được xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia. Năm nay, Lễ hội chính thức.
KHU DU LỊCH HÒN CHỒNG
Khu du lịch Hòn Chồng thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Là một quần thể khối đá lớn với đủ loại hình thù, xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển.
Đi giữa bãi đá còn nhiều tảng đá chồng chất kỳ lạ như cảnh hai hòn đá dựng đứng, giữa có chẹt một hòn đá lớn như cái cổng qua một cụm đá khác. Cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển, nằm dưới chân đồi phía đông, mang cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng – đó là Hòn Vợ. Tục truyền rằng, thuở xưa ông khổng lồ ngồi câu cá nơi đây, có một con cá cũng khổng lồ cắn câu lôi đi, ông phải kéo lại, tay cầm cần câu, tay tì vào tảng đá lấy đà khiến bàn tay ấn vào đá và để lại dấu như đã thấy. Theo một truyền thuyết khác, xưa có một người khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông dừng lại say sưa ngắm và vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi khiến sườn núi sụp đổ, đá văng xuống để lại vết tay ông hằn trên đá. Thực ra, theo lý giải của các nhà khoa học, nơi đây là dấu tích của nước biển xâm thực chân núi. Sự xâm thực ngày càng sâu, một phần chân đồi La San bị tách rời, hình thành một cụm đá chồng chất lên nhau nên gọi là Hòn Chồng.
Quay về phía tay trái của chúng ta đó chính là núi Cô Tiên. Hình dạng của dãy núi này rất giống một cô gái đang nằm ngửa. Đầu hướng về phía biển, chân hướng về phía đất liền, và dãy núi này chia ra 2 phần nhô lên. Phần nhô lên phía trong giống như chân của cô gái hơi co lên, phần thứ 2 là cái ngực cùa cô gái và phần thứ 3 là khuôn mặt của cô. Tương truyền là ngày xưa có 1 đạo quân đóng trại ở đây, vị chủ tướng thừơng xuyên ra trận đánh giặc nên thường để nười vợ trẻ ở nhà. Và vào một ngày nọ, như thường lệ vị tướng phải dẫn quân chinh chiến thì ở nhà người vợ bị quân lính của ông làm nhục. Để giữ tiết hạnh người vợ đã tự tử và nằm trên ngọn núi sau đó đã hóa thành dãy núi có 3 ngọn mang hình dáng của nàng. Từ đó dân gian gọi núi này là núi Cô Tiên để tỏ lòng kính trọng người phụ nữ vấn số.
Ngoài ra, ở mặt đường trên đường đi xuống Hòn Chồng còn có Hội quán Vịnh Nha Trang, nơi trưng bày nhiều tranh ảnh về Hòn Chồng và các thắng cảnh ở Nha Trang. Hội quán được thiết kế theo phong cách nhà rường Huế.
Kết thúc tham quan khu du lịch Hòn Chồng đoàn di chuyển đến số 2 Nguyễn Đình Chiểu dùng cơm trưa . Sau khi đã nghĩ ngơi thì đoàn sẽ tiếp tục đi tham quan Viện Hải Dương học nơi nghiên cứu đời sống động thực vật hải dương tại thành phố Nha Trang
VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC
Viện Hải dương học Nha Trang là một viện nghiên cứu đời sống động thực vật hải dương tại thành phố Nha Trang, Khánh HòaViện Hải dương học nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi tại số 1, Cầu Đá, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Viện Hải dương học được thành lập năm 1922 thời Pháp thuộc, đến Tháng Chạp năm 1969 thì quyền quản lý chuyển sang Viện Đại học Sài Gòn. Lúc đó bộ sưu tập của Viện có hơn 60.000 mẫu. Viện còn là nơi lưu trữ các dữ kiện về địa chấn học, chu kỳ thủy triều vàhải lưu vùng Biển Đông hoạt động với 76 nhân viên và sinh viên nghiên cứu.
Viện Hải dương học là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á.
Đến thăm Viện, du khách sẽ được tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính.
Nói đến Viện Hải Dương Học, người ta không thể không nhắc đến một bộ phận hữu cơ của nó là bảo tàng Hải Dương Học – vốn rất nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ trước với cái tên dân dã là “Hồ cá Hải học viện Nha Trang”. Hiện nay, bảo tàng Hải Dương Học được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển thành một quần thể liên hoàn bao gồm các bể nuôi sinh vật biển phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng, và một hệ thống nhà lưu trữ mẫu sinh vật biển lớn nhất nước. Có rất nhiều mẫu vật đã được gửi đến nhiều phòng thí nghiệm khác nhau ở nước ngoài, nhiều bảo tàng trên thế giới.
Đến tham quan bảo tàng, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, khách tham quan còn có thể xem xét tìm hiểu hơn 10.000 loài sinh vật ở biển Đông đang được lưu trữ. Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam,Campuchia và các vùng nước lân cận, trong đó có các loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển (Dugong). Đặc biệt, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 26m, cao 3m đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm. Đây thực sự là một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá. Bảo tàng còn giới thiệu với du khách các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, giới thiệu những khoáng sản, tài nguyên quý giá, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển – để lưu ý nhắc nhở mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn lợi vì lợi ích của con cháu mai sau, bảo tàng Hải Dương Học đang trở thành trung tâm trưng bày giới thiệu và giáo dục truyền thống chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông của người Việt. Đây thực sự là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý, cần phải bảo quản và phát triển.
Mới đây, Viện được bình chọn là một trong 10 điểm du lịch lịch sử văn hóa hấp dẫn đạt danh hiệu “Điểm du lịch được hài lòng năm 2005.
Sắp tới, Viện sẽ khai trương khu công nghệ cao thuần hóa sinh vật biển, nhằm phục vụ cho chính sách phát triển kinh tế biển Việt Nam. Hy vọng rằng du khách sau khi tham quan khu vực này sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng mới cho việc kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới cho du lịch,…
VINH NHA TRANG
Vịnh Nha Trang rộng 507 km2, cùng 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Hòn Tre có diện tích 3.250ha, nhỏ nhất là đảo Hòn Nóc có diện tích khoảng 4ha. Nhìn từ trên cao, bãi biển Nha Trang uốn cong như một lưỡi liềm ôm lấy vịnh biển xanh như ngọc. Bên bờ biển, những rặng dừa và phi lao lao xao càng tôn lên vẻ đẹp ngây ngất của “hòn ngọc phương Đông”…
Vịnh Nha Trang hội tụ khá đầy đủ các yếu tố núi non, sông biển, đầm phá, hải đảo, đồng ruộng, xóm làng … tạo nên một giá trị phong phú và đặc sắc. Đây cũng là hình mẫu tự nhiên hiếm có của các hệ thống vịnh, vũng trên thế giới với sự đa dạng sinh học, có hầu hết các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới.
Đến với Nha Trang, du khách đi vòng theo hướng Bắc là có thể ghé thăm được Viện Pasteur, Tháp Bà, dừng ở Hòn Chồng và trông sang Hòn Đỏ. Nếu tiến về hướng Nam có thể thăm quan Dinh Bảo Đại, Viện Hải dương học và lên thuyền đi ra các đảo nổi tiếng như Trí Nguyên, Vinpearl Land, Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Một, Làng Chài. Vãn cảnh trong vịnh Nha Trang để hòa mình vào trời biển, để ngắm chim yến bay, để im lặng thả câu hay thưởng thức cá, tôm, mực tươi roi rói và những đặc sản nổi tiếng khác là ước muốn của bất kì du khách nào khi đã một lần đến Nha Trang….
Hòn Con Sẻ Tre:
Đối diện và cách bờ biển Nha Trang 3 km với gần 10 phút đi ca nô cao tốc bạn sẽ có mặt tại khu du lịch Con Sẻ Tre. Cùng nằm trên đảo Hòn Tre nhưng Con Sẻ Tre có phong cách khác hoàn toàn với khu du lịch Hòn Ngọc Việt. Bởi Hòn Ngọc Việt được thiết kế theo phong cách hiện đại với đường bê tông trãi nhựa, nhà cao tầng, bể bơi, đèn cao áp… cùng những dịch vụ cao cấp của khu du lịch 5 sao, còn Con Sẻ Tre được thiết kế theo phong cách cổ, dân dã, gần gủi với thiên nhiên. Đến đây bạn có thể tìm thấy những cảnh vật làng quê xưa cũ trong một không gian thanh bình đầy chất thi ca. Đặt chân lên đảo bạn sẽ bắt gặp những mặt người ngộ nghĩnh được vẽ trên đá như đang hân hoan chào đón bạn. Nét độc đáo ở đây là toàn bộ hệ thống nhà cửa, nhà hàng, nhà vườn, cầu, bàn ghế, giường, cột điện… đều làm bằng tre. Để đảm bảo tính tự nhiên một cách đồng nhất, điểm tiếp xúc các cột và kèo tre ở đây không đóng bằng đinh hoặc bắt bu lông, ốc vít mà đóng bằng các con chốt tre, gọi là con sẻ. Tên gọi Con Sẻ Tre xuất phát từ những con sẻ này.
Trầm hương:
Những năm cuối thập niên thứ 6 của thế kỷ trước, nhà văn-nhà thơ Quách Tấn đã dành nhiều công sức “lên rừng, xuống biển” để hoàn thành công trình biên khảo “Xứ trầm hương”; ông khẳng định có một thời, “hễ nói đến trầm hương là nói đến Khánh Hòa và nói đến Khánh Hòa là nói đến trầm hương”.
Sách Đại Nam nhất thống chí, phần viết về thổ sản của Khánh Hòa ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam và trầm hương, dân xã An Thành, huyện Tân Định hằng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam thì nạp thay bằng trầm hương”. Trầm hương của Khánh Hòa tập trung nhiều trong những cánh rừng nguyên sinh ở phía nam đèo Cả, chạy dọc theo dãy Trường Sơn Đông, thuộc địa lâm phần của các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh… nhưng nổi tiếng nhất là vùng Hòn Chảo ở Tu Bông, Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Đến bây giờ, những xóm làng trải rộng dưới chân đèo Cả vẫn lưu truyền câu ca dao: “Cây quế thiên thai mọc bên khe đá/ Trầm Vạn Giã hương toả sơn lâm”.
Trong dân gian thường có câu nói gắn liền với Trầm Hương đó là “Ngậm Ngãi Tìm Trầm” nói lên sự gian khổ của người xưa khi đi tìm Trầm Hương. Có nhiều người ra đi không bao giờ trở lại. Vì Trầm Hương rất quý hiếm nên nhiều người có thể đánh đổi cả sinh mạng để mong tìm được Trầm và thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, Trầm Hương có nhiều loại khác nhau và có giá trị khác nhau nên người ta dễ bị nhầm lẫn đáng tiếc.
Trầm Hương là tên gọi chung để chỉ loại gỗ Trầm đặc biệt. Trầm Hương được phân làm nhiều loại khác nhau với giá trị tương ứng. Loại quý nhất là Kỳ Nam, rất hiếm nên có giá trị và giá bán rất cao. Có nhiều người kinh doanh Trầm Hương mấy chụp năm nhưng không một lần nhìn thấy Kỳ Nam. Vì vậy, nếu ai đó tìm được Kỳ Nam sẽ rất giàu có. Và người xưa tìm Trầm Hương chính là tìm Kỳ Nam.
Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu, nhưng không phải cây dó bầu nào cũng sinh trầm hân cây dó bầu màu trắng ngà, cao khoảng 5 mét, vết thương cách đều, đẹp như tác phẩm điêu khắc. Có 3 loại dó: Dó núi, dó vườn và dó xí. Cây dó vườn, người trồng chăm bón ít nhất 10 năm tuổi mới có thể mở miệng, cấy thuốc, rồi tiếp tục săn sóc kỹ lưỡng khoảng 12-15 tháng nữa, cho 2 thợ xoi, xỉa khoảng 1 tháng, hết phần gỗ trắng, lộ ra mạch trầm. Nếu phân loại theo công dụng và giá trị kinh tế thì có đến hàng chục thứ hạng. Những người buôn kỳ thường căn cứ màu sắc để xác định – “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Bạch kỳ cực kỳ quý hiếm, có tiền tỉ chưa chắc đã mua được.
Dân đi tìm trầm ở Khánh Hòa tin rằng trầm hương là hiện thân Bà mẹ xứ sở Thiên Y A Na (tượng Bà ở Tháp Bà Nha Trang), bà không thương thì của để trước mặt cũng không nhìn thấy. Trước ngày vào rừng, mọi người tắm rửa sạch sẽ, đi đường không dám nói to, tránh từ húy kỵ, luôn luôn cầu nguyện bà và cô, cậu..”. Lên rừng, những người đi địu (tứ đi tìm trầm) có một nguyên tắc bất thành văn, hễ tìm được cây dó già, lá vàng, thân nhỏ, nhiều u bướu, biết có trầm thì bầu phải lập đủ 15 bàn cúng, cầu xin Cửu thiên huyền nữ, Thiên y thánh mẫu, Sơn lâm chúa tướng, Tam cõi hội đồng, Sơn thần thổ địa, Âm binh bộ hạ… rồi mới hái lộc. Nếu thấy cây dó trọc lá, không còn giác, bầu phải lập am thờ bà trước khi xuống rìu. Người xưa đi địu không bao giờ đốn hạ cây dó bầu mà công phu tỉa gọn những chỗ có trầm dù ở thân hay rễ; đối với cây non, họ cẩn thận chành vài nhát (mở miệng) tạo vết thương để nuôi trầm. Thời nay, người đi địu rất xô bồ, họ không chỉ chặt cây mà còn đào xới, lật tung gốc, rễ; đó là chưa kể có người ham hố nhổ bật cả dó bầu non
Người ta tin rằng Trầm Hương là khí anh tú tụ, hòa vào nhựa chảy ra từ vết thương trên cây dó bầu, được hun đúc bởi thời gian, nắng gió và các điều kiện tự nhiên đặc biệt khác gọi là linh khí của trời đất. Ngay từ ngàn xưa, trong tâm linh Người Việt, Trầm Hương là báu vật của Trời Đất ban cho, chứa đựng nguồn năng lượng linh thiêng phi thường tạo ra sức lực dồi dào, hóa giải hung khí, thường được đeo bên người làm bùa hộ mệnh, cất trong nhà làm của Gia bảo. Trầm Hương là linh vật dâng tiến Vua. Trầm Hương được đốt trong những đại lễ cúng tế linh thiêng nơi đài các phong lưu, thể hiện lòng thành kính của con người với Tổ Tiên Trời Đất. Cho nên các Cụ thường bảo con cháu rằng: “Xuân về thắm đủ trăm hoa; Mùi Trầm Hương thiếu vẫn là chưa xuân.”
Công dụng kỳ diệu của Trầm Hương là: Kích thích sự luân chuyển của khí và máu, điều hòa nhịp đập của tim, bổ thận khí, tạo giấc ngủ sâu, phòng và chữa trị bệnh tai biến mạch máu não, đau bụng, hen xuyễn và một số bệnh khác… Mùi hương Trầm luôn khiến cho tâm hồn con người thư thái lắng dịu, cảm thấy ấm áp được che chở và hướng tới những điều thánh thiện. Ấy là bởi Trầm Hương có tác dụng giải độc kỳ lạ, làm cho: “tà khí tránh xa – thanh khí lan toả”.
Ngày nay, Trầm Hương được làm thành vòng đeo tay, vòng đeo cổ, móc chìa khóa, móc điện thoại, chế tác thành Tượng Phật và nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật có giá trị cao. Nhang Trầm thờ, nhang vòng, Trầm tháp, Trầm se,v.v…là những linh vật không thể thiếu của Người Khánh Hòa và du khách thập phương. Trầm Hương Khánh Hòa linh khí của trời đất tạo ra sức sống dồi dào, đem lại điều may mắn, tốt cho sự nghiệp, phát tài lộc cho Quí khách cùng gia đình.
Chưng cây trầm trong văn phòng hay nhà hàng, khách sạn không chỉ để trang trí mà còn có thể loại trừ khí độc, tà ma. Gỗ dăm cây dó xỉn màu và phảng phất mùi trầm. Đây là hàng xô, dùng để làm nhang (hương), giá chỉ 200 ngàn/kg. Cần phân biệt trầm hương mỹ nghệ với các mặt hàng lưu niệm, gỗ chạm trổ rồi nhuộm màu, xông hương liệu để bán cho khách du lịch”.
Yến sào:
Yến sào, hay tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm – dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Đây là món cao lương mỹ vị của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, yến sào được xếp vào hàng Bát Trân (tám món ăn cao lương mĩ vị). Món yến sào đã được người Trung Hoa tiêu thụ từ cách đây 400 năm. Tổ yến được tìm thấy trên vách đá, hang động nơi chim yến sinh sống. Tổ yến được thu hoạch là tổ chim trắng (yến Hàng) và tổ chim yến đen (yến Tổ đen) nhưng chỉ có loại tổ yến của yến Hàng là được biết đến dưới tên Yến Đảo trên thị trường. Do tính chất nguy hiểm và hạn chế số lượng đảo có thể khai thác nên loại yến sào này thường có giá cao nhất so với các loại yến sào khác trên thị trường. Tổ trắng và tổ màu hồng máu (yến Huyết) được cho là giàu dinh dưỡng hơn và quý hơn.
Theo tài liệu cổ yến sào có vị ngọt, tính bình, bổ phế, vị, tăng cường sức khỏe, tỉnh táo tinh thần, tăng cường trí nhớ, thường được dùng trong những tiệc lớn của vua chúa.
Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Đại học Thủy sản và Viện Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và công nghệ quốc gia, yến sào có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu. Các nguyên tố đa, vi lượng trong yến sào rất phong phú, có đến 31 nguyên tố xuất hiện bằng phương pháp huỳnh quang tia X, rất giàu Ca và Fe là các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các nguyên tố có ích cho ổn định thần kinh trí nhớ như Mn, Br, Cu, Zn cũng có hàm lượng cao. Một số nguyên tố hiếm tuy với hàm lượng thấp, nhưng rất quý giá trong kích thích tăng tiêu hóa hấp thu qua màng ruột như Cr, chống lão hóa, chống chất phóng xạ như Se. Qua đó chúng ta càng không ngạc nhiên về giá trị dinh dưỡng cao và quý giá của tổ chim yến. Yến sào còn có công năng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, làm giảm bệnh cúm và các triệu chứng dị ứng, làm tăng thể trọng, cân bằng các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, bổ đối với hệ huyết học, làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, giảm thời gian đông máu, tăng cường các kích thích sinh trưởng cho các tế bào, phục hồi các tế bào bị thương tổn, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ. Gần đây, khi nghiên cứu tác dụng của yến sào trong trường hợp cơ thể bị nhiễm chất độc hại, người ta nhận thấy yến sào hạn chế mức độ sút cân, phục hồi sức khoẻ nhanh, ổn định các chỉ tiêu huyết học. Người ta cũng đang nghiên cứu dùng tổ yến điều trị các bệnh ung thư và HIV/AIDS vì phát hiện có một số hoạt chất sinh học kích thích sinh trưởng tế bào bạch cầu ngoại biên trong tổ loài chim này.
Tổ chim yến được xây trong mùa sinh sản và do con trống xây trong 35 ngày. Tổ được xây hình dạng như cái bát được dính vào thành hang đá. Tổ yến bao gồm nhiều phiến mỏng được dệt từ nhiều sợi tơ bằng nước bọt chim yến và bện vào nhau.
Ở Việt Nam, các địa phương có yến sào tự nhiên là một số hòn đảo của một số tỉnh Nam Trung Bộ như tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa… Các tổ chim yến thường được làm ở các đảo trên các vách đá và việc khai thác yến sào thường rất nguy hiểm do những giàn giáo cao bằng tre, công cụ thô sơ, vách đá hiểm trở. Gần đây, một số nơi đã nuôi yến trong nhà trong thành phố để thu hoạch yến sào mà đặc biệt là tại thành phố Nha Trang. Những căn nhà nuôi yến được cải tạo để gần giống với điều kiện tự nhiên nơi yến thường hay làm tổ. Nha Trang cũng là nơi du khách có thể thưởng thức món yến sào thường xuyên tại các nhà hàng sang trọng.
Những lưu ý khi sử dụng:
Bà mẹ mang thai dưới 3 tháng, em bé sơ sinh không nên dùng yến sào. Khi dùng cho các em bé, nên thử từ từ, vì có thể gây dị ứng cho bé. Tuy nhiên, không nên dùng thường xuyên cho trẻ em, nhất là trước bữa ăn. Việc dùng yến trước bữa ăn sẽ làm tăng đường huyết trong máu, làm giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ, làm tăng biểu hiện biếng ăn và có thể làm giảm khẩu phần ăn trong bữa ăn sau đó, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Nó cũng không phù hợp với những người có rối loạn đường huyết, như bệnh nhân tiểu đường hay viêm tụy.
Nên chế biến yến sào ở nhiệt độ vừa phải, không để sôi trên 100 độ C. Thông thường, phương pháp chế biến tổ yến chủ yếu là hấp, không nấu trực tiếp. Không nên cho đường quá nhiều cho dù là đường phèn, vào món ăn chế biến từ yến sào vì hàm lượng đường càng nhiều sẽ càng làm giảm tác dụng hỗ trợ tích cực của yến sào.
Ngoài ra, theo đông y người có thể trạng đàm thấp, béo mập, da mét, tay chân lạnh, cao huyết áp, thống phong, thường bị đầy bụng, tiêu chảy, lạnh bụng không nên dùng Yến sào.
Nguồn: SGT Tổng Hợp.