464 lượt xem

Tiền thật, tiền giấy và chuyện Hồ Quý Ly

Tiền thật, tiền giấy, và chuyện về Hồ Quý Ly
 
Tiền “Hội sao thông bảo” do một nhà sưu tầm vẽ lại.
Nguồn: Sưu tập

 

Phạm Hải Vũ

Ai đọc lịch sử Việt nam không thể quên một giai đoạn của đất nước gắn liền với cái tên Hồ Quý Ly. Kỷ trị vì của Hồ Quý Ly bắt đầu bằng việc cướp ngôi nhà Trần và kết thúc bằng việc Việt nam bị nhà Minh xâm lược. Đất nước sau đó đắm chìm trong 20 năm tăm tối, chỉ tìm lại được độc lập sau cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn. Các nhà sử học vẫn còn rất tự hào khi nói về Hồ Quý Ly. Ông được cho là một vị vua có hoài bão lớn, muốn cải cách toàn diện đất nước. Đặc biệt, Hồ Quý Ly được nhắc đến vì đã phát hành tiền giấy. Đồng tiền của Hồ Quý Ly ra đời cuối thế kỷ 14,trước rất nhiều những đồng tiền giấy châu Âuphát hành lần đầu thế kỷ 17. Các công trình lịch sử đánh giá cao tài năng của ông qua việc này. Tiền giấy có nhiều lợi ích, chỉ vì người dân không hiểu nên chính sách mới thất bại. Nhưng sự thật có phải như vậy không?

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi cho rằng việc phát hành tiền giấy hoàn toàn không xuất phát từ tầm nhìn đi trước lịch sử của Hồ Quý Ly. Ngược lại, nó là bằng chứng của sự thiển cận và nóng vội. Ông sẵn sàng thao túng xã hội để nhanh chóng đạt mục đích của mình. Giả thiết của tôi là Hồ Quý Ly in tiền đơn giản để chi tiêu cho các tham vọng chính trị. Việc làm này góp phần xói mòn lòng tin của dân vào triều đại nhà Hồ. Cùng với những xáo động xã hội khác mà Hồ Quý Ly gây ra, người Việt nam không còn tin bộ máy cai trị, dẫn đến không thể chống lại giặc ngoại xâm khi bị xâm lược.

Việc in tiền vô tội vạ để chi tiêu không hiếm trong lịch sử nhân loại. Lịch sử cận đại và hiện đại của thế giới ghi nhận vô sốtrường hợp tiền giấy vô giá trị tại các quốc gia có lạm phát. Ngay ở thế kỷ 21, vẫn còn những quốc gia mà phải cần hàng triệu đồng nội tệ mới đổi được một đô la Mỹ.Vì thế cần đánh giáchính xác trường hợp Hồ Quý Ly. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta tiếp tục nói với các thế hệ sau rằng nước Việt nam đã có một ông vua anh minh biết sử dụng tiền giấy từ rất sớm. Trong khi sự thật ông vua này chỉ tìm cách vẽ giấy thành tiền để có công cụ chi tiêu.
 
  1. Dữ kiện lịch sử
Hồ Quý Ly được biết đến là nhà chính trị Việt nam đầu tiên cho phát hành và lưu thông tiền làm bằng giấy.  Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên (1697) do NXB Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1993 (DVSK), Hồ Quý Ly phát hành các tờ tiền giấy « Thông Bảo hội sao » vào năm Bính Tý (1396) để thay thế cho tiền đồng, tức là từ khi ông còn chưa lên ngôi vua. Thể thức phát hành như sau « tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng ». Ngoài ra về mặt luật pháp, ông quy định « Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả». 

Sách Khâm Định Việt Sử Thông giám cương mục (KDVS) cũng ghi « Thiếu bảo Vương Nhữ Chu đề nghị đổi lại chế độ. Quý Ly nghe theo, mới định chế độ tiền giấy  như sau: loại 10 đồng vẽ rau rong; loại 30 đồng vẽ thủy ba; loại một tiền vẽ đám mây, loại hai tiền vẽ con rùa; loại ba tiền vẽ con lân; loại 5 tiền vẽ con phượng; loại một quan vẽ con rồng. Người nào làm giả phải tội tử hình, tịch thu điền sản sung công. Khi tiền giấy đã in xong, hạ lệnh cho dân được đem tiền thực đổi lấy tiền giấy: cứ một quan tiền thực chất đổi lấy tiền giấy một quan hai tiền ».

Giữa hai trích dẫn, chỉ có một khác biệt nhỏ. Tờ 10 đồng vẽ rồng theo bản DVSK, nhưng lại vẽ rau rong theo bản KDVS. Sách KDVS có một chi tiết cụ thể hơn là thể thức đổi tiền : 1 quan tiền đồng tương đương 1 quan 2 tiền giấy.

Thông qua hai nguồn chép sử này, có thể thấy ba điểm trong chính sách tiền giấy của Hồ Quý Ly. Điểm thứ nhất là ông yêu cầu sử dụng vật liệu giấy để thay cho vật liệu đồng. Điểm thứ hai là việc (tái) khẳng định độc quyền in tiền của triều đình. Bất cứ ai in tiền ngoài triều đình thì đều bị coi là làm tiền giả và bị tội chết. Điểm thứ ba, cuối cùng, là việc tiền giấy được tung ra trên cơ sở thu hồi tiền đồng thông qua trao đổi. Theo các nhà sử học, mục đích thu hồi là để có đồng làm vũ khí và đúc súng đại bác. Tuy nhiên theo các nguồn thông tin khác, Hồ Quý Ly còn cho phát hành tiền đồng Thánh Nguyên Thông Bảo khi lên ngôi [1]. Hai chữ Thánh Nguyên tương ứng với niên hiệu của triều đại mới. Còn thông bảo có nghĩa là được sử dụng thông dụng. Nếu tính thêm yếu tố này, có thể rút thêm điểm thứ tư là nhà Hồ đã cho sử dụng song song cả hai loại tiền đồng và tiền giấy. Một phần thu hồi tiền đồng cũ đã được dùng để làm ra đồng Thánh Nguyên Thông Bảo. Phần còn lại có lẽ được sử dụng làm vũ khí nhưng ta sẽ không quan tâm đến chúng.

Ngày hôm nay, nhiều ý kiến các sử gia mới chỉ tập trung vào điểm thứ nhất, tức là hoan nghênh việc sử dụng vật liệu giấy thay cho đồng, coi đó là một tiến bộ đi trước thời đại. Các ý kiến cho rằng sở dĩ chính sách thất bại là do người dân không hiểu tiện ích của tiền giấy. Nhưng đối với một người hiểu kinh tếhọc thì luận điểm này rất thiếu thuyết phục. Bản thân việc thay đổi vật liệu không phải là một cải cách chính sách. Ngược lại, nếu kết hợp tất cả các điểm một hai ba bốn nói trên, trao cho chúng một logic kinh tế rồi đặt vào bối cảnh lịch sử, chúng ta sẽ có một câu chuyện hoàn toàn khác với những gì vẫn được kể về Hồ Quý Ly cho tới nay. Phần dưới đây sẽ giải thích cụ thể vì sao.
  1. Giá trị của tiền kim loại và tiền giấy
Trước hết, hãy cũng tìm hiểu những nền tảng kinh tế của việc in tiền giấy. Theo lý thuyết kinh tế, con người sử dụng tiền trước hết vì chúng được quy ước mang một giá trị trao đổi. Khi sử dụng một vật liệu làm tiền, cốt yếu không phải vật liệu này « tiện » hay « không tiện», mà là nó có được những người tham gia trao đổi khác tin và chấp nhận không ? Đồng tiền là một bản khế ước vô hình, kết nối tất cả thành viên trong một xã hội. Nếu không được đa số chấp nhận thì tiền làm từ vật liệu gì cũng vô nghĩa, và không còn là tiền.

Tất nhiên vật liệu làm tiền cũng có ít nhiều vai trò trong lựa chọn ban đầu. Nhưng yếu tố quan trọng của việc được xã hội chấp nhận không nằm ở vật liệu, mà ở lòng tin của con người vào tiền. Lòng tin cho phép người bán hàng nhận tiền của người mua, sau đó dùng lại tiền này trong một mua bán khác mà không sợ mất giá. Thuật ngữ kinh tế khoản nợ trong tiếng Anh là « credit », được xuất phát chính từ lòng tin mà người cho vay dành cho người đi vay. Lòng tin phải được đảm bảo xã hội. Trong xã hội hiện đại, cơ chế đảm bảo do nhà nước thực thi, giúp giữ tiền ổn định trong một thời gian đủ dài. Trong quá khứ, các vua chúa, thế lực chính trị chỉ nắm được một phần vấn đề.Họ giữ độc quyền phát hành nhưng in tiền vì mục đích riêng, chứ không phải vì nhu cầu trao đổi của người dân. Do đó thường xuyên diễn ra tình trạng tiền mất giá.

Khi thương mại chưa phát triển, nhu cầu dùng tiền thấp, trao đổi diễn ra ở khoảng cách gần. Đảm bảo xã hội không có nhiều vai trò vì người mua và người bán biết nhau, do thường xuyên gặp mặt. Đồng tiền kim loại như vàng bạc có ưu thế bởi chúng có thuộc tính vật lý bền vững. Tiền kim loại đáp ứng một nhu cầu cơ bản: giữa hai lần mua bán, tiền của tôi còn nguyên vẹn.Tôi có thể giữ vàng bạc rất lâu trước khi lấy ra dùng lần tới mà không mất giá trị.Từ kinh nghiệm sống, con người rút ra điều này, và lựa chọn dùng vàng bạc để trao đổi.

Khi trao đổi phát triển hơn, kim loại quý không đủ để đúc tiền. Con người chuyển sang các vật liệu khác như đồng, kẽm…Ngoài ra thương mại tiến hành ở các khoảng cách xa, người mua và người bán không nhất thiết biết nhau. Đảm bảo giá trị cho tiền dần có một vai trò quan trọng. Nó giúp giữ nguyên lòng tin vào công cụ thanh toán. Giá trị tiền càng ít phụ thuộc vào vật liệu làm tiền, thì lại càng phải phụ thuộc nhiều vào cơ chếđảm bảo xã hội bù đắp lại. Đây là điểm sống còn đối với tiền giấy. Các tờ tiền mà chúng ta sử dụng ngày hôm này vốn chỉ là các tờ giấy, tự thân không mang giá trị. Nhưng chúng mang một giá trị quy ước được cả xã hội thừa nhận, do nhà nước đảm bảo. Một cách tương đương, một ghi nhận trên giấy, hoặc ghi nhận trên các tài khoản điện tử, và kể cả tiền ảo bitcoin mới xuất hiện gần đây đều được coi là tiền, nếu được xã hội đảm bảo tính thanh khoản. Được đảm bảo, giấy thường sẽ là tiền. Không được đảm bảo, giấy chỉ đơn giản là giấy.

Phần lý thuyết kinh tế trên cho phép nhìn nhận vấn đề tiền giấy của Hồ Quý Ly một cách rõ ràng. Theo logic kinh tế, có thể thấy đồng tiền giấy đầu tiên của Việt nam có độ khả tín gần bằng không. Không có cơ chế kiểm soát, đảm bảo giá trị khi lưu hành, nó chỉ là một tờ giấy trên đó có vẽ rồng vẽ phượng.Tiền giấy có thể rách nát bất cứ lúc nào trong khi sử dụng. Không thể nói nó thuận lợi cho việc trao đổi và lưu giữ. Nói chính xác là vào thế kỷ 14, sử dụng tiền giấy bất tiện hơn rất nhiều so với sử dụng tiền đồng.Lịch sử đã ghi nhận người dân không chịu sử dụng tiền giấy của Hồ Quý Ly. Sách Đại Việt sử ký viết « Bấy giờ, người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy. Lại lập điều luật để xử tội không tiêu tiền giấy, bán giá cao, đóng cửa hàng, bao che giúp nhau“. Vậy là đồng tiền giấy đầu tiên của Việt nam đã được lưu hành nhờ can thiệp vũ lực của Nhà nước. Hồ Quý Ly không có cơ chế đảm bảo lòng tin cho tiền giấy, chỉ có biện pháp trấn áp bằng hình phạt. Câu hỏi đặt ra là liệu Hồ Quý Ly có biết tiền giấy của mình vô giá trị không ? Nếu biết, tại tại sao ông lại làm như thế ?
  1. Mục đích in (vẽ) tiền giấy là gì ?
Quan sát bối cảnh chính trị của thời nhà Hồ, và dựa vào các đặc  điểm trong phần dữ kiện lịch sử nói trên, tôi cho rằng Hồ Quý Ly đã làm tiền giấy với hai mục đích. Trước hết,Hồ Quý Ly in tiền đơn giản vì ông ta cần tiền, mà ngân khố lúc đó đã cạn kiệt. Bất cứ hoàng đế hay nguyên thủ quốc gia nào cũng đều nghĩ đến cách có tiền để chi tiêu. Cách đơn giản nhất là tự mình làm ra nó. Sau đó, tiền giấy giúp Hồ Quý Ly theo đuổi các mục đích chính trịcủa mình. Cần nói rõ, Hồ Quý Ly không in tiền với mục đích làm lợi cho dân, hay cho nền kinh tế quốc gia.In tiền giấy không phải là một cải cách với đất nước. Nó chỉ là một biện pháp giúpông tập trung quyền lực nhanh chóng, ngõ hầu theo đuổi nhiều chính sách và tham vọng dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn.

Tuy làm ra tiền giấy, nhưng bản thân Hồ Quý Ly không tin vào tiền giấy. Bằng chứng là ông không dự trữ tiền giấy, mà cho phát hành tiền đồng Thánh Nguyên Thông Bảo để dùng ngay khi lên ngôi. Ông cũng tìm cách trưng thu các nguồn lương thực mà lẽ ra đã có thể mua bằng tiền giấy, nếu tin vào đồng tiền này.

3.1 In tiền vì cần tiền

Để hiểu nhu cầu về tiền của Hồ Quý Ly, phải nhìn lại tình hình ngân sách nhà Trần trước khi ông lên ngôi. Thời kỳ này, nhà Trần đang trên trên đà suy thoái, đất nước liên tục bị nước Chiêm Thành quấy nhiễu, đánh phá. Kho tàng trống rỗng, triều đình không thể kiểm soát tình hình. Sách Đại Việt sử ký viết khoảng năm Mậu Ngọ (1378) dưới triều vua Trần Phế Đế, người Chiêm đưa quân cướp Nghệ An, rồi đánh vào sông Đại Hoàng « ..giặc đánh vào kinh sư, bắt người cướp của rồi về….Bấy giờ đang có việc dùng binh mà kho tàng trống rỗng. Vua nghe lời Đỗ Tử Bình tăng thuế để có ngân sách. Tử Bình bắt chước phép đánh thuế dung của nhà Đường, thuế má lại nặng thêm ». Tiền đã không có, lại luôn bị cướp bóc nên vua Trần đã có « sáng kiến » đem tiền đi giấu. Sách DVSK cũng viết năm Kỷ Mùi (1379), tháng 9, vua (Phế Đế) sai quân dân chở tiền đồng vào giấu ở núi Thiên Kiện. Đến tháng 10, lại giấu tiền ở khám Khả Lãng, Lạng Sơn vì sợ nạn người Chiêm đốt cung điện. Số tiền đem giấu này đều không thu hồi lại được vì thiên tai, núi lở.

Sử thần Ngô Sỹ Liên đã bình luận việc làm này như sau: « Thiên tử có cả bốn biển, kho tàng phủ khố đâu chẳng phải là của mình? Đương khi nước nhà nhàn hạ thì làm tỏ chính hình, sửa sang lễ nghĩa, ví như con chim đi lấy rễ dâu ràng buộc cửa, thì ai làm nhục mình được? Thế mà sợ tai nạn Chiêm Thành đốt cướp, đem chở tiền của giấu tận hang cùng núi thẳm, làm kế tránh giặc, thực là nhử giặc đến, chuốc lấy tiếng chê cười của đời sau. Có thể coi là cả nước không còn người nữa vậy ».

Dữ kiện lịch sử trên không những cho thấy kho tiền của vua Trần trống rỗng, mà còn tiết lộ rằng Triều đình coi tiền đồng là tài sản, là sự giàu có. Vua Trần sợ mất tài sản nên đem giấu tiền vào chỗ không ai biết, ngõ hầu đó là một khoản tích trữ như lương thực, đồ đạc ; cất tiền đi để sau này có thể lấy ra sử dụng. Không loại trừ đây cũng là quan điểm của Hồ Quý Ly vì theo sách DVSK, tiền giấy được phát hành từ năm 1396, trong khi đó việc chôn tiền được tiến hành vào năm 1398, là thời điểm mà Hồ Quý Ly đã nắm quyền lực tuyệt đối và chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần. Nắm quyền tuyệt đối, vì sao Quý Ly không phản đối vua đem chôn tiền dự trữ ? Lẽ ra ông đã có thể thu lấy số tiền này để đúc vũ khí, nếu thật sự có nhu cầu. Phải chăng ông cũng như vua coi tiền là tài sản cần giữ kỹ, sau này có thể dùng đến ? Phải chăng ông đã không tin giá trị tiền giấy ngay từ khởi điểm ?
Việc coi tiền kim loại là tài sản thường xuyên xảy ra vào một giai đoạn lịch sử, khi chúng ta chưa hiểu nguồn gốc sự thịnh vượng quốc gia. Quan điểm này phổ biến tại nhiều nơi, nhất là ở châu Âu. Chủ nghĩa trọng thương (mercantilism) tại châu Âu kết tinh lý thuyết này như sau : một quốc gia càng sở hữu nhiều vàng bạc thì càng thịnh vượng. Sự giàu có một quốc gia đơn giản được tính bằng số lượng vàng bạc nằm trong ngân khố nhà nước [2]. (Ngày hôm nay chúng ta biết điều này hoàn toàn sai). Hiểu điều này, chúng ta dễ hiểu hơn vì sao vua Trần lại cất giữ tiền đồng. Quay lại với vấn đề ngân sách, tình hình rối ren còn kéo dài trong nhiều năm do cả các nguyên nhân từ bên ngoài và bên trong đất nước. Ví dụ việc Phạm Sư Ôn tụ họp dân chúng ở Quốc Oai, rồi đánh chiếm vào kinh sư. Kết quả là khi Hồ Quý Ly khi lên nắm quyền lực, ông ta hầu như không có tiền.
Không có tiền thì phải làm ra tiền. Phát hành tiền giấy dễ hơn tiền đồng rất nhiều. Muốn làm tiền đồng phải tìm được nguồn đồng, phải có thợ đúc, phải tổ chức phân phối. Tất cả các hoạt động này cần chi phí và thời gian, không thể tiến hành trong thời gian ngắn. Trong khi đó, Hồ Quý Ly còn rất nhiều chính sách khác cần phải được tiền hành khẩn cấp hơn, như việc rời đô vào Thanh Hóa và chuẩn bị chiến tranh (xem mục 3.2 In tiền vì mục đích chính trị dưới đây). Vẽ tiền giấy là giải pháp đốt cháy giai đoạn, nhằm đạt được mục đích trong cấp thiết. Nó cho phép triều đình ngay lập tức có một nguồn tài chính khổng lồ.


Trong một bài báo trên có nhan đề « Lịch sử hơn 600 năm của tiền giấy Việt nam » trên trang web Vietnamnet, tác giả đánh giá « Cách phát hành tiền là đổi hoàn toàn tiền cũ lấy tiền mới, nên về lí thuyết nó không ảnh hưởng gì tới giá trị đồng tiền mà thậm chí đó là một tư tưởng tiến bộ giúp tiết kiệm kim loại và sử dụng tiền thuận tiện hơn». Đánh giá này dừng lại ở bề nổi vấn đề. Để đi sâu vào sự việc, cần hiểu vì sao lại phải đổi tiền ? Nếu Hồ Quý Ly không thiếu tiền, tại sao lại phải làm một việc gây xáo động toàn xã hội như vậy ? Trước hết, hãy nhìn vào phương thức đổi. Hồ Quý Ly cho phép một quan tiền đồng đổi lấy một quan hai tiền giấy. Cứ cho là ông thật thà, thì để đổi hết một số lượng X tiền đồng trong dân gian, Hồ Quý Ly cũng cần phải in 1,2 X tiền giấy. Nếu đổi tiền triệt để, ông bơm vào xã hội một lượng tiền thừa 20% (lạm phát). Làm như vậy để được lợi gì ?

Hơn thế, ai dám tin Hồ Quý Ly thật thà ? Ai dám chắc ông chỉ in đúng một lượng thừa 20% như tuyên bố ? Nắm hết mọi quyền lực trong tay, từ quyền in tiền, cho đến thu thuế, hay quyền giết chết những người làm tiền giả, Hồ Quý Ly có thể in thừa 50%, 100% hay 1000% mà chẳng ai dám dị nghị; Trong trường hợp này, nếu không in thừa gấp nhiều lần để thực hiện các chính sách của mình, thì Hồ Quý Lymới sẽ là một ông vua ngớ ngẩn. Ta có thể suy đoán quy tắc đổi 1-1,2 chỉ dành cho người dân, làm người dân tin đổi tiền sẽ có lợi và mang hết tiền đồng ra giao nộp.  Còn về phía triều đình, con số tiền giấy được thật vẽ sẽ phải lớn hơn rất nhiều, nếu không sẽ không thể giúp Hồ Quý Ly tiến hành các chính sách. Dời đô, xây thành, tuyển mộ quân đội, đúc súng đại bác, cần phải in bao nhiêu tiền cho đủ ? Không ai có thể trả lời cụ thể, nhưng con số phải rất lớn. Hồ Quý Ly chắc cũng chẳng mất thời gian để tính toán. Có thể tự do cho in tùy ý, vì sao lại mất thời gian đặt câu hỏi bao nhiêu ?

3.2 In tiền vì mục đích chính trị

Nhưng Hồ Quý Ly in tiền là để theo đuổi các mục đích chính trị, chứ không phải vì mục đích chi tiêu hưởng thụ. Đây là điểm gỡ gạc lại hình ảnh cho ông. Về chính sách, Hồ Quý Ly là ông vua có hoài bão cải cách. Chi tiền để làm cải cách là chuyện không thể dị nghị. Cụ thể một phần các chính sách chi tiêu lớn của ông nằm ở xây dựng và hiện đại quân đội. Khi nhà Minh nhòm ngó đất nước, Hồ Quý Ly không làm ngơ, cũng không tính đường thần phục quân giặc « [Ông than thở với các quan: “Ước gì có 100 vạn quân để chống lại giặbắc“] » (DVSK). Ông cho xây thành, đúc súng thần công để chống lại xâm lược. Về tinh thần tự chủ, thái độ của Hồ Quý Ly thật sự đáng để hậu thế ngưỡng mộ. Ngoài ra, những cải cách khác như cải cách hành chính (đặt lại tổ chức châu, quận, huyện); cải cách xã hội (biên chế hộ tịch), cải cách quân sự (đúc súng thần công đầu tiên, xây thành lũy) khác đều phải tốn tiền. Tôi sẽ không trích dẫn cụ thể những cải cách này, đã được lịch sử ghi nhận. Điều cần thống nhất là Hồ Quý Ly cần tiền để làm cải cách.

Ngoài các mục đích chính sách,Hồ Quý Ly cũng không thiếu các thủ đoạn chính trị mà tiền giấy giúp ông làm dễ dàng hơn. Theo dòng lịch sử, tháng 2 năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly cướp ngôi vua, nhưng truyền ngôi ngay sau đó cho con là Hồ Hán Thương (1401). Quý Ly ở ngôi Thái Thượng Hoàng và vẫn tiếp tục kiểm soát quyền lực. Đây có lẽ cũng là một thủ đoạn giúp tránh mũi nhọn dư luận sau khi cướp ngôi, nhưng ta sẽ không bàn đến. Hãy tập trung vào chính sách xã hội mua lòng dân mà cha con Hồ Quý Ly tiến hành ngay sau đó. Sử viết, năm 1402, vua định lại thuế và tô ruộng. Sách Đại Việt sử ký chép, « Triều trước, mỗi mẫu thu 3 thăng thóc, nay thu 5 thăng. Bãi dây, triều trước thu mỗi mẫu 9 quan hoặc 7 quan tiền, nay thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy, hạng trung đẳng mỗi mẫu 4 quan tiền giấy, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy. Tiền nộp hằng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiếu theo số ruộng, người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy; từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan;1 mẫu 1 sào đến 2 mẫu thu 2 quan; từ 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sào thu 2 quan 6 tiền; từ 2 mẫu 6 sào trở lên thu 3 quan. Đinh nam không có ruộng và trẻ mồ côi, đàn bà góa, thì dẫu có ruộng cũng thôi không thu ».
Đọc qua đoạn này, người đọc có thể cảm giác là nhà Hồđã quyết định giảm các khoản thuế đểnới sức cho dân. Những ai không có ruộng sẽ không phải đóng thuế. Đàn bà góa, trẻ mồ côi được miễn.Những việc này có thể xoa dịu việc cướp ngôi.Nhưng nếu đọc kỹ lại, thì sẽ thấy thủ đoạn nghẹt thở của Hồ Quý Ly ở ngay câu đầu tiên. Ông ta tuyên bố giảm các khoản thuế thu bằng tiền (giấy), nhưng lại tăng các khoản thu bằng hiện vật (thóc). “mỗi mẫu thu 3 thăng thóc, nay thu 5 thăng” Vì sao lại làm như thế ? Khi giảm thuế, giảm tô, triều đình không mất gì bởi giảm bằng tiền giấy, mà lại được tiếng khoan dung với dân. Thiếu tiền chỉ việc in tiền,việc miễn thuế không gây ảnh hưởng cho chi tiêu nhà nước. Ngược lại, tăng tô bằng thóc là thu của cải thật, thu cái sẽ nuôi sống con người thật sự.  Người dân sẽ hân hoan vì tưởng mình phải nộp ít thuế hơn, nhưng thật ra triều đình mới là bên hưởng lợi lớn từ chính sách. Bằng việc in tiền giấy, Hồ Quý Ly chuyển những tờ giấy vẽ rồng vẽ phượng vô giá trị cho người dân, và lấy về cho mình thóc gạo qua một chính sách miễn giảm thuế. Ông thừa hiểu rằng người ta không sống được bằng tiền, mà phải bằng thóc thật, gạo thật.Và nhất là tiền giấy không có ích cho triều đình, chỉ có thể cho đi chứ không thể thu về.


Bằng chứng khẳng định điều này là viêc Hồ Quý Ly phát hành tiền đồng Thánh Nguyên Thông Bảo ngay khi lên ngôi. Sách lịch sử hầu như không ghi nhận sự ra đời của đồng tiền này, nhưng các nhà sưu tập tiền cổ vẫn còn giữ nó. Vì sao tiền đồng Thánh Nguyên Thông Bảo lại được đưa vào sử dụng? Vì sao nó lại cùng tồn tại song song với tiền giấy Thông Bảo Hội Sao? Chúng ta có hai giả thiết. Giả thiết thứ nhất là Hồ Quý Ly đã tin vào Vương Nhữ Chu, tin vào lợi ích của tiền giấyvào khởi điểm. Nhưng ngay sau đó ông hiểu tiền giấy không được người dân chấp nhận, nên quay về tiền đồng cũ ngay khi có thể. Giả thiết thứ hai là ông đã cố tình lừa dân, làm ra tiền giấyđể thu hết tiền đồng về cho mình.Sau khi có đồng, ông làm tiền đồng mới để mình chi tiêu, còn tiền giấy dành cho dân chúng. Bởi nếu chủ trương làm đồng Thánh Nguyên Thông Bảo cho toàn dân thì Hồ Quý Ly đã có thể tiến hành đổi tiền lần hai ngược với lần thứ nhất: tức là đổi từ tiền giấy thành tiền đồng. Thực tế, cuộc đổi tiền lần hai không bao giờ diễn ra. Có thể Hồ Quý Lycoi tiền đồng là một thứ tài sản có giá trị, muốn giữ riêng cho mình.Cũng có thể Hồ Quý Ly đã trót vẽ quá nhiều tiền giấy nên không có khả năng làm đủ tiền đồng để đổi ngược lại. Tôi không có câu trả lời, xin để bạn đọc tựlựa chọn. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều đi đến kết luận chung là việc đồng Thánh Nguyên Thông Bảo tồn tại chứng minhHồ Quý Ly tin tiền đồng, và không tin tiền giấy.

Lịch sử còn ghi nhận nhiều thủ đoạn cũng cố quyền lực khác của Hồ Quý Ly[3]. Vì không liên quan trực tiếp đến vấn đề, chúngta sẽ không bình luận. Thật ra ngân sách để thực hiện bất kỳ chính sách nào cũng là do người dân đóng góp. Điều này vẫn đúng từ xưa đến nay. Nhưng trong trường hợp tiền giấy, người dân bị tận thu thông qua những khoản đóng góp vô hình do người cầm quyền thao túng công cụ trao đổi. Điều đáng buồn là Hồ Quý Ly tranh thủ « vơ vét » trên cơ sở “miễn thuế cho dân”, tức là làm một điều hoàn toàn ngược lại với những gì đã nói. Ngoài ra, ông bắt dân tiêu tiền giấy trong khi bản thân mình biết tiền giấy phát hành hoàn toàn không có giá trị.
  1. Vài lời bình luận thay kết luận.
Trong lịch sử thế giới, việc các vua chúa đơn phương thao túng nguồn tiền không phải là hiếm. Fernand Braudel, nhà sử học Pháp đã ghi lại trường hợp vua nước Pháp, chỉ trong một đêm ra quyết định rằng giá trị của đồng ECU vàng ngày hôm sau sẽ tăng gấp hai lần ngày hôm trước. Có nghĩa là giả thiết một ECU vàng mua được một con ngựa thì ngày hôm sau nó sẽ mua được hai con. Về lâu dài, điều này không làm thay đổi sự thịnh vượng của đất nước, mà chỉ thay đổi số đếm của đơn vị trao đổi.  Nhưng vua nước Pháp cần tiền để chi tiêu ngay lập tức. Sau một đêm, nhờ đổi giá trị tiền, ông ta có một đàn ngựa đông gấp đôi để làm những việc muốn làm. Cũng tương tự, vào năm 1400, Hồ Quý Ly in tiền để chi tiêu và tập trung quyền lực chính trịvào tay mình. Một số năm sau đó, khủng hoảng sẽ hiện diện khắp nơi và người dân sẽ phải gánh chịu, nhưng lúc đó lại là chuyện khác. Trên thực tế, nhà Hồ mất 7 năm sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi (1407).
Trong câu chuyện Hồ Quý Ly, các sử gia đã ngộ nhận tài năng của ông vì chưa hiểu bản chất của tiền giấy. Cần nhắc lại là tính ưu việt của tiền giấy không nằm trong tờ giấy làm tiền, mà nằm ở cơ chế đảm bảo xã hội cho phép tin vào giá trị. Nhờ đảm bảo, trao đổi mới diễn ra ổn định. Tiền giấy chỉ có ưu việt trong một hệ thống tài chính phát triển. Ngày hôm nay đó là hệ thống ngân hàng quốc gia, và các thị trường tài chính. Trong quá khứ, nó là uy tín của các ngân hàng, các quỹ tín dụng, và của các thương gia lớn. Tiền chỉ là phần nổi, còn cơ chế lưu hành và đảm bảo lòng tin là phần chìm, và mới là phần quyết định. Phát hành tiền giấy thiếu cơ chế đảm bảo,không thể được coi là một sáng kiến.


Vì không hiểu vai trò của cơ chế đảm bảo, nên nhiều người cho rằng xu thế đi lên tiền giấy là tất yếu về mặt lịch sử. Một số khác cho rằng việc làm của Hồ Quý Ly là một cải cách táo bạo, nhưng không phải không có cơ sở. Lý do là vì tiền giấy đã được các tư nhân sử dụng trong giao dịch thương mại, nhất là tại Trung Quốc. Đây là một nhầm lẫn lớn vì có một sự khác biệt giữa tiền giấy do chính phủ ban hành và các giấy tờ giao dịch tư nhân như thương phiếu, hối phiếu, tín phiếu…etc… Các giao dịch tư nhân đã tồn tại lâu dài ở Trung Quốc, Trung Đông, cũng như ở Châu Âu, nhưng không thể được coi là tiền. Cùng là công cụ trao đổi, chúng chỉ là các cam kết chi trả giữa hai bên tư nhân, và chỉ có giá trị trong các quan hệ xã hội của người cam kết. Ngược lại, tiền (giấy) phải là một cam kết đơn phương, được sử dụng rộng rãi. Hai người không quen biết nhau có thể dùng tiền để trao đổi mà không cần bên kia đảm bảo, bởi sự đảm bảo này dựa vào một bên thứ ba là Nhà nước hoặc ngân hàng phát hành tiền[4].Thực tế điều kiện ở Việt Nam vào thời kỳ nhà Hồ chưa thể cho phép thương phiếu lưu thông rộng rãi được. Lại càng không thể nói đến việc chính phủđơn phương đảm bảo giá trị của tiền.

Theo thông tin mà tôi chưa kiểm chứng được nguồn trên trang web Wikipedia[5], sử gia Phan Huy Chú đã nhận định:  “Giấy sao chỉ là miếng giấy vuông chừng 1 thước, chỉ đáng giá năm ba đồng tiền, mà đem đổi lấy những vật giá năm sáu trăm đồng của người ta, đã không hợp lý, lại làm cho người ta cất giữ, thì dễ rách nát. Kẻ làm giả mạo thì không thể bắt hết; như vậy không thể làm cho vật giá trung bình mà dân thông dụng được. Quý Ly không xét đến sự lợi hại, chỉ mộ cái hư danh là sáng tác, làm ra tiền giấy, rồi cũng úng tắc ngay, không lưu thông được, chỉ làm cho dân xôn xao, không phải là chế độ để làm cho nước được bình trị” . Nhìn từ góc độ kinh tế, điều này rất hợp logic. Không thể nói Hồ Quý Ly đãcó một cải cách tiến bộ, mà phải thừa nhận rằng ban hành tiền giấy chỉ có hại cho quốc gia, vì nó phá vỡ các quy ước trao đổi thông thường của người dân. Về bản chất, nó đơn giản là một chính sách ăn cướp trắng trợn sức mua của dân để phục vụ cho tham vọng chính trị. Thực tế là sau Hồ Quý Ly, không một triều đại Việt nam nào dám rời bỏ tiền đồng & tái phát hành tiền giấy; cho tới tận thời kỳ hiện đại.

Nhưng nhìn từ góc độ lịch sử thế giới, Hồ Quý Ly không phải người đầu tiên cũng phải người cuối cùng đã thử thao túng xã hội bằng cách in tiền. Ngược lại nếu đặt mình vào vị trí của ông, chưa chắc một ông vua khác đã làm tốt hơn. Đất nước hoang tàn, ngoại xâm nhòm ngó, quyền lực manh nha cần phải củng cố, Hồ Quý Ly đã làm một việc tuy thiển cận và liều lĩnh theo hướng được ăn cả ngã về không,có lẽ vì thực ra ông cũng chẳng còn lựa chọn nào khác? Quốc gia hưng vong, nguyên nhân do nhiều yếu tố hội tụ trong một thời gian dài, chứ không phải do một hay một vài người có thể một sớm một chiều tự quyết. Hồ Quý Ly in tiền để theo đuổi các tham vọng cải cách là đúng hay sai, xin các sử gia tiếp tục đánh giá.
 28 tháng 11 năm 2016


Chú thích:

[1] Tiền đồng của Hồ Quý Ly còn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và được một số người sưu tập tiền cổ giữ.

[2] Chủ nghĩa trọng thương (mercantilism) phát triển tại châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Chủ nghĩa này xây dựng một lý thuyết kinh tế với lập luận rằng một quốc gia càng sở hữu nhiều vàng bạc thì càng thịnh vượng. Điều này chỉ đúng trên góc độ tư nhân, nhưng hoàn toàn sai ở góc độ quốc gia. Chủ nghĩa trọng thương bị bỏ qua từ khi Adam Smith (1776) chứng minh rằng ở góc độ quốc gia, sự thịnh vượng chỉ phụ thuộc vào khả năng sản xuất của quốc gia. Lập luận của Adam Smith là nền tảng của kinh tế học hiện đại ngày hôm nay.

[3]Ví dụ, Hồ Quý Ly ra ra lệnh cho dân « phải nêu rõ họ tên cắm ở trên ruộng. Quan lộ, phủ châu, huyện [33a] cùng khám xét, đo đạc, lập thành sổ sách, 5 năm mới xong. Ruộng nào không có giấy khai sinh báo hay cam kết thì lấy làm quan điền ».  Hành khiển Hà Đức Lân nói kín với người nhà rằng: “Đặt ra phép này chỉ để cướp ruộng của dân thôi”. Quý Ly nghe được, giáng Lân làm Hộ bộ thượng thư » 

[4]Những đồng tiền giấy thực sự đầu tiên ra đời tại Anh, do ngân hàng trung ương Anh (Bank of England) phát hành vào cuối thế kỷ XVII. Về bản chất, chúng là những chứng từ cam kết chi trả của Ngân hàng. Người cầm tiền, hay tờ cam kết chi trả này, có quyền đến Ngân hàng đòi rút ra một lượng vàng có giá trị tương đương. Vì lý do này các ngân hàng luôn phải có một khoản dự trữ vàng, và chế độ này chỉ hoàn toàn chấm dứt trên thế giới vào năm 1976.

[5] Thông tin trên trang web Wikipedia, mục Tiền tệ Việt nam thời Hồ. Truy cập ngày 02 tháng 8 năm 2015



Nguồn: khamphalichsu.com