189 lượt xem

Tìm hiểu Nho Giáo - Kì 3

6. Kinh điển của Nho giáo

Trước thời Đức Khổng Tử, Đạo của Thánh Hiền được chép trong các sách: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc.

Đức Khổng Tử nghiên cứu các sách ấy, rồi Ngài chú giải Kinh Dịch, chỉnh đốn Kinh Lễ và Nhạc, san định Kinh Thi Kinh Thư, và cuối cùng Đức Khổng Tử sáng tác ra Kinh Xuân Thu.

Sau khi Đức Khổng Tử mất, các sách ấy bị mất mát ít nhiều. Đến đời Tần Thủy Hoàng, có cuộc đốt sách và chôn học trò (Phần thư khanh Nho), thành ra kinh sách của Nho giáo không còn được bao nhiêu. ến đời nhà Hán, Đạo Nho mới được phục hưng. Hán Cao Tổ sai người tìm nhặt các sách thì không tìm được quyển nào còn nguyên vẹn, nhất là Kinh Nhạc mất gần hết, chỉ còn lại một thiên, phải đem ghép vào Kinh Lễ.

Hiện nay, những sách ấy tuy có sai lạc đi ít nhiều, nhưng các hậu Nho đã góp nhặt và phụ họa thành Ngũ Kinh, kể ra sau đây :

1. Kinh Dịch.              2. Kinh Thi.
3. Kinh Thư.               4. Kinh Lễ Nhạc.
5. Kinh Xuân Thu.

Những sách do các môn đệ của Đức Khổng Tử làm ra sau thời Đức Khổng Tử gồm 4 quyển, gọi là Tứ Thư, kể ra:

1. Luận Ngữ của Tăng Tử.

2. Đại Học của Tăng Tử.

3. Trung Dung của Tử Tư.

4. Mạnh Tử của Mạnh Tử.

6.1. Ngũ kinh

6.1.1. Kinh Dịch

Dịch là sách mà người xưa thường dùng để bói toán, xem xét cát hung, và lại là bộ sách Lý học rất cao siêu, giải thích lẽ biến hóa của Trời Đất và sự hành động của vạn vật. Nguyên người Tàu về thời Thượng cổ đều tin rằng ở trong Trời Đất có lẽ Âm lẽ Dương, lúc ẩn lúc hiện, biến hóa không lường.

Vua Phục Hy, nhân được Hà đồ, biết được lẽ Âm Dương mới vạch ra thành 8 quẻ gọi là Tiên Thiên Bát Quái, rồi sau đó lấy 8 quẻ ấy chồng lên nhau, tạo ra được 64 quẻ,  mỗi quẻ có 6 hào.

Đến đời vua Hạ Võ, nhờ được Lạc thư mà đặt ra Cửu Trù để làm biểu lý với Bát Quái của Phục Hy. Những quẻ của Phục Hy là để vẽ các tượng Âm Dương, còn những trù của vua Hạ Võ là để tính các số Ngũ Hành.

Những quẻ Dịch từ thời vua Phục Hy truyền lại chỉ vẽ thành các quẻ mà không có văn tự giải thích.

Đến đời vua Văn Vương nhà Châu, khi Ngài bị giam nơi Dũ Lý, Ngài  mới nghiên cứu diễn lại các quẻ Dịch, và đặt ra Hậu Thiên Bát Quái. Ngài đặt ra  Thoán từ để giải thích ý nghĩa của mỗi quẻ. Sau đó con của vua Văn Vương là Châu Công Đán nghiên cứu Kinh Dịch, rồi viết ra Hào từ để cắt nghĩa mỗi Hào trong  mỗi quẻ.

Song sự học Dịch là sự học Tâm truyền, chỉ để cho người nọ truyền cho người kia mà thôi, cho nên những lời Thoán từ của Văn Vương và Hào từ của Châu Công cắt nghĩa rất vắn tắt, có lắm câu, ý nghĩa xa xôi lơ lửng, thật khó hiểu. Đó là Kinh Dịch trước thời Đức Khổng Tử chỉ có bao nhiêu đó mà thôi.

Đến đời Đức Khổng Tử, Ngài  mới theo những Thoán từ  của Văn Vương và Hào từ  của Châu Công, rồi lấy cái kinh nghiệm hiểu biết của Ngài về nhân sự thiết thực mà cắt nghĩa thêm ra cho rõ, tức là Ngài làm ra Thoán Truyện và Tượng Truyện. Giải cái Tượng của cả quẻ thì gọi là Đại Tượng,  giải cái Tượng của một Hào thì gọi là Tiểu Tượng. Đức Khổng Tử sợ cắt nghĩa như thế chưa đủ, Ngài lại làm thêm những thiên: Hệ Từ Truyện, Văn Ngôn Truyện, Thuyết Quái Truyện, Tự Quái Truyện, Tạp Quái Truyện, gồm tất cả 10 thiên, gọi chung là Thập Dực hay là Truyện. Ngài lại lấy nghĩa lý mà phân Kinh Dịch ra làm 2 phần gọi là Thuợng Kinh  Hạ Kinh.

- Thượng Kinh để quẻ Càn (trời) , quẻ Khôn (đất) lên đầu, bởi vì Càn Khôn là bản thỉ của Âm Dương, tông tổ của vạn vật.

- Hạ Kinh thì để quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, bởi vì 2 quẻ này là mối đầu của Nam Nữ tạo thành đạo vợ chồng. Nhân đạo do đó mà hưng thịnh lên.

Từ đó, Kinh Dịch có 2 thiên Kinh (Thượng Kinh, Hạ Kinh) và 10 thiên Truyện, cả thảy là 12 thiên. Trong những thiên Truyện, Đức Khổng Tử giải thích rõ ràng các ý nghĩa sâu xa ở Kinh Dịch  và phát huy những tư tưởng uyên áo về Tạo Hóa, những quan niệm đặc biệt về vũ trụ và vạn vật. Ngài thành lập một nền Lý học rất cao siêu của Nho giáo.

Đức Khổng Tử học Dịch mất rất nhiều công phu. Khi Ngài đã già, Ngài đã xem Kinh Dịch đến 3 lần đứt lề,  mới làm ra được các thiên Truyện, thế mà Ngài còn nói: “Gia Ngã sổ niên tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỹ”. Nghĩa là: Giá cho ta thêm được mấy năm nữa để ta học Dịch cho trọn vẹn thì khả dĩ không có điều lầm lớn vậy.

Một bộ sách mà Thánh nhân đã phải dụng tâm nhiều đến như thế và cho là khó hiểu như thế, tất là có bao nhiêu tư tưởng kỳ diệu trong đó. Vậy bộ Kinh Dịch mà chúng ta đang có hiện nay đã trải qua sự đóng góp của 4 vị Thánh nhân: Vua Phục Hy, Vua Văn Vương, Châu Công Đán và Đức Khổng Tử.

6.1.2. Kinh Thư

Kinh Thư là bộ sách chép những Điển, Mô, Huấn, Cáo, Thệ, Mệnh của vua tôi dạy bảo khuyên răn nhau, từ đời vua Nghiêu vua Thuấn cho tới đời Đông Châu.

Sách ấy là một bộ sử rất có giá trị, khiến cho hậu thế có thể biết được tư tưởng của cổ nhân về đạo lý, chế độ và phép tắc từ đời nọ qua đời kia và hiểu được sự tiến hóa của dân tộc Tàu.

Nhưng vì Kinh Thư bị nhà Tần đốt mất, đến đời nhà Hán mới có quan Bác sĩ của nhà Tần tên là Phục Sinh (có người nói là con gái của ông ấy) nhớ thuộc lòng, đọc cho chép lại được 29 thiên. Sau, ở nước Lỗ, lại tìm được trong vách nhà
Khổng Tử một tập gồm 25 thiên viết bằng chữ cổ. Những thiên của Phục Sinh đọc chép lại, được gọi là Kim văn; những thiên tìm được nơi vách nhà của Đức Khổng Tử  thì gọi là Cổ văn. Về sau, Khổng An Quốc đời Đông Hán, xếp cả Kim văn và Cổ văn làm thành Kinh Thư  truyền đến ngày nay.

Xem Kinh Thư thì biết cái tính chất phác và lối văn chương của cổ nhân. Những hành vi và tư tưởng chép trong Kinh Thư đều lấy hai chữ  CHẤP TRUNG làm cốt.

6.1.3. Kinh Thi

Kinh Thi là bộ sách chép những bài ca, bài dao, từ thời Thượng cổ đến đời vua Bình Vương nhà Châu. Ca là bài hát có điệu có vần, dùng vào lúc tế tự hay khi có việc hỷ việc hiếu. Dao là lời hát truyền khẩu của dân gian thôn dã.

Xem Kinh Thi thì biết những tính tình, phong tục và chính trị qua các đời vua và các nước chư Hầu của nước Tàu. Như  Mân phong nói về cái tục cần kiệm của người nước Mân; Vệ phong thì nói về cái tục dâm mỹ của người nước Vệ; Tần phong là nói về cái sự hối quá của người Tần. Đại Nhã và Tiểu Nhã nói về việc chính trị thịnh suy đời nhà Châu.

Học Kinh Thi là để di dưỡng tính tình và để mở rộng tri thức của con người. Kinh Thi có nhiều ý tứ, nhưng khi xem sách này, phải giữ cái Tâm cho chính thì sự  học mới có lợi. Đức Khổng Tử nói: “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi: Tư vô tà” Nghĩa là: 300 bài trong Kinh Thi, lấy một lời mà nói trùm cả là: Không nghĩ bậy.

6.1.4. Kinh Lễ

Kinh Lễ là bộ sách chép những lễ nghi để hàm dưỡng những tình cảm tốt, để giữ trật tự  lớn nhỏ phân minh và để tiết chế tình dục. Phàm những tình cảm của con người mà không có cái gì để bồi dưỡng luôn luôn thì dần dần nó biến đổi hay hóa dở được.

Dùng Lễ là có ý để gây nuôi những tình cảm tốt. Người ta ở trong xã hội có những việc quan hệ đến phong tục, đến tôn giáo. Nếu không có phép tắc rõ ràng thì việc tế tự, việc hiếu, việc hỷ, cách ăn uống ở làng, ở nước thành ra hồ đồ hỗn độn; việc thù tiếp thành ra khó xử.

Dùng Lễ là để phân biệt tôn ti, thân sơ, và để giải quyết những sự hiềm nghi. Người ở đời, ai cũng có lòng tư dục, nếu không có qui củ để phòng giữ trước thì nó hay khiến người ta làm những điều bất nhân bất nghĩa. Dùng Lễ là để tài chế các hành vi cho hợp với lẽ phải.

Học Lễ thì cần phải hiểu chữ “Vô bất kính”, nghĩa là không có điều gì là không kính. Đối với mình, cũng như đối với người, bao giờ cũng lấy sự kính làm chủ. Không có kính thì bao nhiêu Lễ thành ra hư văn vô ích. (Theo Nho giáo của Trần trọng Kim).

6.1.5. Kinh Xuân Thu

Sau khi Đức Khổng Tử san định các Kinh, Ngài bắt đầu sáng tác Kinh Xuân Thu để bày tỏ hết cái Đạo của Ngài.

“Kinh Xuân Thu là bộ sách của Khổng Tử làm ra. Ngài theo lối văn làm sử mà chép chuyện nước Lỗ, kể từ Lỗ Ân Công đến Lỗ Ai Công. Trong sách ấy chép cả việc nhà Chu và việc các nước chư Hầu. Xem hình thể bề ngoài thì nó là một bộ sử biên niên, lời lẽ vắt tắt, lắm chỗ hình như không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến tinh thần thì thật là một bộ sách triết lý về đường chính trị.”

Mạnh Tử là người đã hiểu rõ Kinh Xuân Thu, nên nói rằng: “Kinh Thi hết, nhiên hậu  mới làm ra Kinh Xuân Thu. Việc ở trong sách Xuân Thu là việc Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, văn trong sách là văn sử, nghĩa thì Khổng Tử nói rằng: Khâu này trộm lấy đó vậy. Nghĩa là Ngài lấy truyện ở trong các sách nước Tấn, nước Sở, nước Lỗ mà biểu thị cái ý nghĩa của Ngài muốn bày tỏ ra. Thời Xuân Thu bấy giờ, xã hội Tàu loạn lạc, vua các nước chư Hầu làm nhiều điều bạo ngược và ai cũng muốn lấn quyền Thiên tử nhà Châu. Ngài không muốn để sự phê bình phán đoán của Ngài động chạm đến những người quyền thế đương thời, vả lại cái học sâu xa của Ngài là cái học tâm truyền, nên Ngài mượn lối văn làm sử nói việc đã qua để ngụ cái vi ý của Ngài.

Sách Trang Tử cũng có nói ở thiên Thiên hạ rằng: Xuân Thu dĩ đạo danh phận. (Sách Xuân Thu là để nói cái đạo danh và phận).

Vậy cứ theo ý kiến của các nhà hiền triết thời Chiến Quốc thì sách Xuân Thu  là sách để Tâm truyền cái đại nghĩa Danh và Phận về đường luân lý và chính trị, chứ không phải là sách chép sử như người ta thường vẫn hiểu lầm. Sách Xuân Thu có 3 chủ nghĩa là:

-  Chính danh tự,

-  Định danh phận,

-  Ngụ bao biếm.

Chủ ý của Đức Khổng Tử là tôn vua nhà Châu, dẫu đời bấy giờ các nước chư Hầu có nhiều người không biết đến vua Nhà Châu đi nữa, nhưng Ngài chép ngay đầu sách là: “Xuân Vương Chính nguyệt”, nghĩa là: Mùa Xuân, tháng Giêng, vua nhà Châu, để tỏ cái ý vẫn nhận nhà Châu làm chủ thiên hạ. . . .

Xem Kinh Xuân Thu thì phải biết cái ý nghĩa và vị trí của từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà người chính, như Thiên tử chết thì chép là băng, vua chư Hầu chết thì chép là hoăng, ông vua cướp ngôi làm sự tiếm đoạt mà chết thì chép là toà, người làm quan ngay chính chết thì chép chữ tốt, làm quan gian nịnh chết thì chép chữ tử. Người nào có danh phận chính đáng thì chép rõ chức phẩm và tên tự, người nào mà danh phận không chính đáng thì dầu có chức phẩm gì cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi.

Sự khen chê của Ngài cốt ở những chữ Ngài dùng. Có khi chỉ vì một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên cổ. Bởi thế, người đời sau bàn Kinh Xuân Thu nói rằng: “Nhất tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhất tự chi biếm, nhục ư phủ việt” Nghĩa là: Một chữ khen thì vinh như cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục như bị tội rìu búa. Đức Khổng Tử thấy đời suy, đạo mờ, các tà thuyết dấy lên, những sự hung bạo rất nhiều, con giết cha, tôi giết vua, cho nên Ngài lấy làm lo sợ mà làm ra Kinh Xuân Thu để định cái Chính thể, chủ ở sự Chính danh Định phận cho hợp Đạo lý và cho rõ sự thưởng phạt.

Sách Xuân Thu là sách định chế độ quân chủ. Đức Khổng Tử biết rằng trong một nước không thể không có quyền quân chủ, song Ngài lại sợ rằng những người giữ quyền quân chủ thường hay lạm dụng thế lực của mình mà làm nhiều điều tàn bạo. Vậy nên Ngài  mới lấy cái nguyên của dương khí mà thống trị việc Trời, lấy Trời mà thống trị các vua chúa, và bày tỏ một cách đặc biệt ở sách Xuân Thu để hạn chế cái quyền của vị nhân quân. Nhưng những người làm vua làm chúa đã dễ mấy người hiểu được cái lẽ thâm viễn siêu việt ấy, cho nên Ngài  mới lấy những điều tai dị như:

Nhựt thực, Nguyệt thực, sao chổi, việc động đất, vv . . . là những điều hiển nhiên để cảnh giới những bậc nhân quân. Ngài muốn những bậc ấy phải lấy những điềm lạ ấy mà kinh sợ, tự mình tu tỉnh và làm những điều nhân nghĩa. Đức Khổng Tử còn sợ người ta không hiểu rõ cái ý ấy, nên Ngài nói: “Tri Ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ, tội Ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ” Nghĩa là: Người biết Ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội Ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu.

Biết Ngài là biết tấm lòng của Ngài sợ những Tà thuyết, những bạo hành càng ngày càng nhiều ra, nên Ngài tỏ cái  phương pháp chính trị để đổi loạn ra trị, trừng trị những kẻ tàn bạo gian ác. Trách tội Ngài là vì không hiểu cái ý của Ngài mà cho là Ngài tiếm làm việc của Thiên tử, hoặc là ngờ Ngài dùng những điều tai dị để làm mê hoặc người đời. Học giả nên chú ý mà hiểu cái thâm ý và cái khổ tâm của Ngài trong sách Xuân Thu. Về sau, Hán Nho thường không hiểu rõ cái phần uyên thâm ấy, chỉ chú trong vào cái thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, gây thành mối mê tín, thật là sai cái ý nghĩa trong sách Xuân Thu vậy (Theo Nho giáo của Trần trọng Kim).

6.2. Tứ Thư

Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu, nhưng có thể nói một câu vắn tắt là cái học chú trọng ở luân thường đạo lý. Sự học chủ trương biến hóa và tùy thời, vụ sự thực tại, còn những viển vông ngoài việc sinh hoạt trần thế thì không bàn đến. Muốn biết những điều dạy về sự học ấy ra sao, chúng ta phải xem Tứ Thư, là 4 quyển sách do các môn đệ của Đức Khổng Tử đặt hết tâm trí vào đó.

6.2.1. Đại học

Sách Đại Học là sách dạy những người lớn, từ 15 tuổi trở lên, khi đã vào được bậc Đại học, dạy cho biết cách ở đời để ra gánh vác việc dân việc nước. Theo các Nho gia thì sách Đại học do Tăng Tử (Tăng Sâm) làm ra để diễn giải các lời nói của Đức Khổng Tử. Nội dung của sách chia ra 2 phần:

-  Phần trên có một thiên, gọi là Kinh, gồm những lời nói của Đức Khổng Tử.

-  Phần dưới có tất cả 9 thiên, gồm những lời giảng giải của Tăng Tử.

Mục đích và tôn chỉ của sách này là nói về cái đạo của người quân tử, trước hết phải sửa cái Đức của mình cho sáng tỏ để mọi người noi theo, làm sao đến chỗ Chí thiện. Muốn được vậy, trước hết phải Cách vật (hiểu lẽ sự vật), phải Trí tri (thông suốt vấn đề), phải Thành ý (ý chí thành thật), phải Chính tâm (lòng phải ngay thẳng). Làm được 4 điều ấy theo thứ tự trước sau thì sẽ sửa được mình (Tu thân), yên được nhà (Tề gia), trị được nước (Trị quốc), và bình được thiên hạ (Bình thiên hạ). Như thế  mới là cái đạo của người quân tử.

Cái gốc của đạo người quân tử là sự Tu thân. Đó là điều cốt yếu của sách Đại học.

6.2.2. Trung Dung

Sách Trung Dung do Ông Tử Tư làm ra. Tử Tư là cháu nội của Đức Khổng Tử, học trò của Tăng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử. Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Đức Khổng Tử nói về thuyết Trung Dung, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và lời nói, cũng như việc làm đều ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập, và phải cố gắng ở đời theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, cho thành người quân tử, theo bậc Thánh nhân. Sách Trung Dung chia làm 2 phần:

- Phần 1: Từ chương thứ 1 cho đến chương thứ 20, là phần chính, gồm những lời của Đức Khổng Tử dạy các học trò về đạo lý Trung dung, phải làm sao cho Tâm được: Tồn, Dưỡng, Tĩnh, Sát; mức ở gồm đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, cho hòa với vạn vật, hợp với lòng Trời, để trở thành người quân tử.

- Phần 2: Từ chương 21 đến chương 33, tức chương cuối là phần phụ, gồm những ý kiến của Tử Tư giảng giải thêm cho rõ ràng  ý nghĩa và giá trị của 2 chữ  Trung Dung.

Cả 2 quyển Đại học và Trung dung trên đây, nguyên khi trước là những thiên trong Kinh Lễ Ký, sau các Nho gia đời Tống tách riêng ra làm 2 quyển, để hợp với sách Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư. “Hai chữ Trung Dung bao gồm hết cái uyên áo của Triết lý Nho giáo, phát dương được cái đạo lý biến hóa của vũ trụ và nhân sinh một cách có hệ thống.

Trung Dung là cái Đạo tâm đắc của Đức Khổng Tử, được truyền thụ bằng Tâm, nghĩa là dùng Tâm mà lãnh hội, chớ không phải dùng lời nói mà giảng giải cho đủ lẽ được, vì ý tứ siêu việt và nghĩa lý rất  u ẩn. Đức Khổng Tử quan sát những bí ẩn của Trời Đất, thấy rõ lẽ vận hành biến hóa tự nhiên của vũ trụ, tức Ngài hiểu được Thiên đạo, rồi Ngài dựa theo chơn lý ấy mà phát minh những phép tắc dùng cho con người và cho xã hội. Trong Thiên đạo, chữ TRUNG là yếu điểm, vì sự vận hành của vũ trụ bao giờ cũng điều hòa, bình hành, nên Trời Đất  mới định vị, vạn vật  mới sinh sinh hóa hóa vô cùng.

Nhân đạo phải theo cái TRUNG thì hành động  mới trúng tiết và hợp lẽ phải. Vậy Trung Dung là đạo lý làm người, là chân lý của nhân sinh. Nhưng theo đạo Trung Dung rất khó, phải giữ cái Tâm cho công chính, cố gắng bỏ hết tư tâm, khắc phục tư dục, phát triển cái Thiên lý bản nhiên của Trời phú cho, tìm đạo ở trong Tâm mình mà tự hiểu lấy, rồi tin theo thì tư tưởng và hành vi  mới thuần nhiên như Thiên lý”. Trong phần Tử Tư dẫn giải những lời của Đức Khổng Tử nói về đạo Trung Dung, Ông nói: “Trung hòa là cái tính tự nhiên của Trời Đất, mà Trung Dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không thiên lệch bên nào, Dung là thường, nghĩa là dùng đạo Trung Dung làm đạo thường”.

Đạo Trung Dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà không mấy người chịu theo, khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vị vậy. Chỉ có Thánh nhân  mới học được mà thôi, vì theo đạo ấy cốt phải có 3 cái đạt đức là: Trí, Nhân, DũngTrí là để biết rõ các sự lý; Nhân là để hiểu điều lành mà làm; Dũng là để có cái chí khí cương kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng. Ba cái đạt đức ấy  là 3 cái cửa đi vào Đạo.

Cho nên nói rằng: Hiếu học cận hồ Trí, lực hành cận hồ Nhân, tri sỉ cận hồ Dũng. Nghĩa là: Thích học là gần có Trí, cố sức mà làm là gần có Nhân, biết thẹn là  gần có Dũng. Có 3 điều ấy  mới sửa được mình, trị được người, và trị được  quốc gia thiên hạ. “Sách Trung Dung nói cái đạo của Thánh nhân căn bản ở Trời, rồi diễn giải ra hết mọi lẽ khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và cả khi im lặng một mình. Suy cái lý ấy ra cho đến sự Nhân Nghĩa, để khiến cho  thiên hạ được bình trị, và lại tán dương cái công hiệu linh diệu của Đạo ấy cho đến chỗ tinh thần vô thanh vô sắc  mới thôi.

Thật là một quyển sách Triết lý rất cao, tưởng các sách đời cổ truyền lại, chưa có sách nào bàn đến cái Lý học siêu việt như thế (Theo Nho giáo của Trần trọng Kim). Qua sách Trung Dung, người ta thấy rõ nhận thức và quan niệm của Nho giáo về Vũ trụ, về sự biến hóa của vạn vật, về lẽ “Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể” và “Thiên Nhân tương  dữ”, tức là đã đem Thiên đạo vào Nhân đạo, cũng nói rõ sự tương  quan giữa Tâm và Vật, tức là giữa Tinh thần và Vật chất, giữa Tri và Hành.

Đó là những vấn đề rất quan trọng của Triết học từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

6.2.3. Luận Ngữ

Luận Ngữ là sách ghi chép những lời của Đức Khổng Tử  dạy học trò và những lời nói với người đương thời. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên,  mỗi thiên đều lấy chữ đầu đặt tên, và các thiên không có liên hệ gì với nhau cả.

Đọc sách này, người ta hiểu được phẩm cách và tính tình của Đức Khổng Tử, nhất là về giáo dục. Ngài tỏ ra là một vị thầy hiểu thấu tâm lý học trò, khéo đem lời giảng dạy cho thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người. Như có khi  cùng một câu hỏi mà Ngài trả lời cho  mỗi người  mỗi khác. Trình Y Xuyên đời nhà Tống nói: Có người đọc xong sách Luận Ngữ mà không thấy gì cả; có người đọc xong rồi lại thấy thích thú một vài câu; có người đọc xong cảm thấy rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết. Bởi vậy, đọc sách Luận Ngữ thì phải đọc chậm rãi, suy nghĩ cho tường tận, càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay. Trình Y Xuyên còn nói: Ai đọc xong sách Luận Ngữ mà vẫn còn những tính nết như  trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy.

Tóm lại, sách Luận Ngữ dạy cho biết cái đạo của người quân tử một cách thực tiễn, mô tả tính tình, đức độ của Đức Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời noi theo.

6.2.4. Mạnh Tử

Sách Mạnh Tử là bộ sách do Ông Mạnh Tử hợp cùng các môn đệ của Ông: Nhạch Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương, làm ra để ghi chép lại những điều đối đáp giữa Mạnh Tử và các vua chư Hầu, giữa Mạnh Tử và các môn đệ, cùng với những lời phê bình các học thuyết khác như của Mặc Địch, Dương Chu. Sách Mạnh Tử có 7 thiên chia làm 2 phần: Phần Tâm học và phần Chính trị học.

-  Tâm học

Mạnh Tử cho rằng,  mỗi người có cái Tính thiện do Trời phú cho. Sự giáo dục phải lấy cái Tính thiện đó làm căn bản, giữ cho nó không mờ tối, và trau giồi cho nó phát triển để thành người lương thiện.

Tâm là cái Thần minh của Trời ban cho người. Như vậy, Tâm của ta với Trời đều cùng một thể. Học là để giữ cái Tâm, nuôi cái Tính, biết rõ lẽ Trời mà theo chính mệnh.

Nhân và Nghĩa vốn có sẵn trong cái lương tâm của người. Chỉ vì ta đắm đuối vào vòng vật dục nên lương tâm bị mờ tối đi, thành ra phải bỏ mất Nhân Nghĩa.

Mạnh Tử đề cập đến Khí Hạo nhiên, cho rằng nó là cái tinh thần của người đã hợp nhất với Trời. Phần Tâm học của Mạnh Tử rất sâu xa, khiến học giả, dù ở địa vị hay cảnh ngộ nào cũng giữ được phẩm giá tôn quí.

-  Chính trị học

Mạnh Tử chủ trương: “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi  khinh”. Đây là một tư tưởng rất  mới mẻ và táo bạo trong thời quân chủ chuyên chế thịnh hành. Ông nhìn nhận chính thể quân chủ, nhưng ông vua không được quyền lấy nhân dân làm của riêng mình. Phải Duy dân và Vì dân. Muốn vậy phải có Luật pháp công bằng. Dẫu vua, quan, cũng không có quyền vượt ra ngoài pháp luật đó được. Người trị dân trị nước phải chăm lo việc dân việc nước, để cho đời sống của dân được sung túc, rồi phải lo giáo dục dân để dân hiểu rõ luật pháp mà tuân theo, lấy Nhân Nghĩa làm căn bản để thi hành.

Chủ trương chính trị của Mạnh Tử thật vô cùng  mới mẻ và táo bạo, nhưng rất hợp lý, làm cho những người chủ trương quân chủ chuyên chế thời đó không thể bắt bẻ được. Phải chăng, đây là lý thuyết khởi đầu hình thành chế độ Quân chủ Lập hiến  sau này?

Bộ sách Mạnh Tử rất có giá trị. Phần Tâm học trong sách này là đỉnh cao nhất trong học thuyết của Nho giáo. Nho gia đời Tống Trình Y Xuyên nói: “Kẻ đi học nên lấy sách Luận Ngữ và sách Mạnh Tử làm cốt. Đã học được 2 bộ sách này thì không cần phải học Ngũ Kinh, cũng thông rõ được Đạo của Thánh Hiền.”

Tóm lại, bộ sách Tứ Thư của Nho giáo ra đời cách nay hơn hai ngàn năm, đã trải qua bao lần sóng gió theo những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Trung hoa, lần thì bị bạo chúa Tần Thủy Hoàng gom hết các sách đốt đi, lần thì bị tiêu tan trong những cuộc nội chiến triền miên của Trung quốc, do đó không tránh khỏi cái nạn tam sao thất bổn.

Đến đời nhà Tống, bộ Tứ Thư  mới được các danh Nho tu chỉnh lại. Trước nhất là 2 anh em họ Trình: Trình Hạo (1032-1085) tự là Bá Thuần, Trình Di (1033-1107), tự là Chính Thúc, hiệu là Y Xuyên, nên thường gọi là Trình Y Xuyên, hai anh em nghiên cứu soạn tập và chú giải Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tiếp theo sau đó, Ông Chu Hy (1130-1200) hiệu là Hối Am, bổ cứu, sắp đặt và phân ra chương cú cho có thứ tự minh bạch.

Ngày nay có những bản sách Tứ Thư và Ngũ Kinh là do công lao của 2 anh em họ Trình và của ông Chu Hy trong thời nhà Tống.

7. Tiểu sử của Đức Khổng Tử

Đức Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất  (551 trước Tây lịch), đời vua Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương  ứng với đời vua Lỗ Tương Công năm thứ 22, tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là tỉnh Sơn Đông nước Tàu.

Đức Khổng Tử là dòng dõi của Vi Tử Khải và Vi Tử Diễn, 2 người này đều là anh ruột của vua Trụ, con của vua Đế Ất nhà Thương (cũng còn gọi là nhà Ân). Sau khi Châu Võ Vương diệt vua Trụ, mở ra nhà Châu, Ông Châu Công Đán hợp cùng Khương Thượng, sắp đặt cho Vi Tử  Khải làm vua nước Tống, để trông nom việc tế tự các vua nhà Thương. Vi Tử Khải mất, em là Vi Tử Diễn lên thay.

Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn là Thúc Lương Ngột, làm quan Đại phu nước Lỗ, là thân phụ của Đức Khổng Tử. Ngài lấy họ Khổng, bởi vì Thúc Lương Ngột là dòng dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ Khổng Phụ Gia, sau 5 đời Công Khanh thế tập ở nước Tống.

Thúc Lương Ngột có người vợ cả họ Thi, sinh được 9 người con gái, một người vợ lẽ sinh được một con trai nhưng bị què một chân, tên là Mạnh Bì, tự là Bá Ni. Năm Thúc Lương Ngột 70 tuổi, sợ không có người kế tự,  mới sai người  đến  nhà họ Nhan để cầu hôn. Họ Nhan có 5 người con gái đều chưa gả chồng, có ý chê Thúc Lương Ngột quá già,  mới bảo với các con rằng:

- Các con có đứa nào thuận kết duyên với quan Đại phu ở Châu Ấp đó không?

Bốn người con gái lớn đều làm thinh, người con gái út là Trưng Tại đứng dậy thưa rằng:

- Phép làm con gái, khi còn ở nhà thì theo lời cha, cha đặt đâu con xin ngồi đó.

Họ Nhan nghe con gái út nói thế thì lấy làm lạ, liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột. Trưng Tại đã kết duyên với Thúc Lương Ngột rồi, vợ chồng lo về sự hiếm hoi không có con trai nối dõi, nên cùng nhau vào núi Ni Sơn cầu tự. Khi Trưng Tại trèo lên núi Ni sơn, bao nhiêu lá cây đều rung động lên cả. Khi làm lễ cầu tự xong, đi trở xuống thì lá cây lại rủ xuống như cũ. Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm mộng thấy Thần Hắc Đế triệu đến mà bảo rằng:

- Sau này, nàng sẽ sinh con Thánh, nhưng khi nào lâm sản thì nên vào ở trong hang núi Không Tang.

Đến khi nàng thức giấc tỉnh dậy thì biết mình có thai. Một hôm khác, Trưng Tại mơ mơ màng màng như người chiêm bao, chợt thấy một Ông già đến đứng ở sân, tự xưng là Ngũ Tinh, dắt theo một con thú giống như con trâu con mà lại có một sừng, mình có vằn. Con thú ấy trông thấy Trưng Tại thì nằm phục xuống và nhả ra một cái ngọc xích, trên đó có thấy đề chữ: “Con nhà Thủy Tinh, nối đời Suy Châu mà làm vua không ngôi”.

Trưng Tại biết là điềm lạ, liền lấy dải lụa buộc vào sừng con thú ấy. Khi tỉnh dậy, Trưng Tại thuật điềm chiêm bao ấy cho chồng nghe. Thúc Lương Ngột nói:

- Con thú ấy là con kỳ lân.

Gần đến sản kỳ, Trưng Tại hỏi Thúc Lương Ngột là hang núi Không Tang ở đâu ? Thúc Lương Ngột nói:

- Núi Nam sơn có một cái hang đá, tục gọi là hang Không Tang.

Trưng Tại liền sửa soạn đến đó ở và sinh đẻ trong hang Không Tang đúng theo lời Thần nhân mách bảo. Đêm hôm sinh ra Khổng Tử, có 2 con rồng xanh từ trên Trời bay xuống nằm phục ở 2 bên sườn núi và có 2 vị Thần  Nữ  đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại. Gội xong thì biến đi. Khi Trưng Tại lâm sản, bỗng thấy trong hang đá có một suối nước nóng chảy ra để cho Trưng Tại tắm. Tắm xong thì suối cạn ngay. Thúc Lương Ngột nói:

- Vì  ta cầu tự  nơi núi Ni sơn mà được đứa bé này, nên ta đặt tên cho nó là Khâu, tự là Trọng Ni.

Trưng Tại biết đứa con này sẽ làm nên việc lớn, nên hết sức nuôi nấng và chăm sóc con. Ông Khổng Tử có tướng lạ lắm: Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu), có tính ham học.

Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha mất. Ngài sống với mẹ trong cảnh nhà nghèo. Khi lớn lên, mẹ cho đi học, Ngài chơi với trẻ hàng xóm, thích bày trò cúng tế. Năm 15 tuổi, lập chí học tập. Năm 19 tuổi, Ngài cưới vợ, vợ của Ngài là con của họ Thượng Quan nước Tống.

Năm 20 tuổi, vợ Ngài sinh đặng một con trai. Hôm đó, Lỗ Chiêu Công sai đem đến ban cho Ngài một con cá chép (Lý ngư), nên nhân đó, Ngài đặt tên con là Lý tự là Bá Ngư, để tỏ lòng tôn trọng vật của vua ban tặng. Về sau, Bá Ngư chết lúc 50 tuổi, chết trước Đức Khổng Tử. Con của Bá Ngư tên là Khổng Cấp, tự là Tử  Tư, sau theo học với Tăng Sâm, rồi làm ra sách Trung Dung.

7.1. Đức tính của Đức Khổng Tử

Đức Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, Ngài cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận  mới thôi. Tính Ngài ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh.

7.2. Thời kỳ tham chính và dạy học

Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gạt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự.

Năm Ngài 25 tuổi thì chịu tang mẹ. Năm 29 tuổi, Ngài học đàn với Sư Tương, ở nước Lỗ. Tuy làm chức quan nhỏ, nhưng Đức Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều, nên quan Đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ, cho 2 người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo Ngài học Lễ.

Đức Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Châu,  để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò Ngài là Nam Cung Quát nghe vậy, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho Ngài một cổ xe song mã và vài tên quân hầu cận để đưa Ngài và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Đức Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ.

Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì Ngài đến quan sát và hỏi han cho tường tận. Ngài đến gặp Trành Hoành  để hỏi về Nhạc. Khi ở Lạc Dương, Đức Khổng Tử còn tìm đến gặp Đức Lão Tử để hỏi về Lễ. (Xem trở lại Tiểu sử của Đức Lão Tử trong phần  Lão giáo, để biết việc đối đáp giữa 2 vị Thánh nhân). Đức Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ. Từ đó, sự học của Ngài càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng Ngài vào việc nước.

Được mấy năm, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ngài theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Ở đây Ngài học được Nhạc thiều. Tề Cảnh Công mời Ngài tới để hỏi việc Chính trị. Vua Tề rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho Ngài, nhưng quan Tướng Quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho. Năm sau, Ngài trở về nước Lỗ, thấy họ Quý dùng Dương Hổ để chuyên quyền, ý muốn tiếm đoạt. Ngài quay về quê lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh Hiền. Lúc đó Ngài được 36 tuổi.

Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định Công, Ngài được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, 4 phương lấy chính sự của Ngài làm khuôn mẫu. Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 năm trước Tây lịch), Ngài phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ 3 khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.

Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thơ) coi việc hình án. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thạnh trị.

Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong Ngài lên làm Nhiếp Tướng Sự  (Tướng Quốc), coi  việc Chính trị trong nước. Ngài cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính.

CÒN TIẾP =>>