280 lượt xem

Tìm hiểu Nho Giáo - Kì 7

3. Dạy học

3.1. Nội dung

Trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử tự coi mình là một "người truyền đạt lại cái đã có mà không phát minh ra thứ gì khác". Ông rất nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự học, và chương mở đầu Luận Ngữ cũng đề cập tới việc học. Vì thế, ông được người Trung Quốc coi là vị Đại Sư. Thay vì tìm cách xây dựng một lý thuyết mang tính hệ thống về cuộc sống và xã hội, ông muốn các môn đồ của mình phải suy nghĩ sâu sắc cho chính mình và lặng lẽ nghiên cứu thế giới bên ngoài, chủ yếu thông qua các cuốn kinh cũ và qua các sự kiện quá khứ có liên quan (như Kinh Xuân Thu) hay những tình cảm của nhân dân trong quá khứ (như Kinh Thi).

Sự giáo hóa của Khổng Tử chủ yếu là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng của con người, chớ không đặt trọng tâm vào sự truyền thụ kiến thức. Đây là một phương pháp giáo dục rất hay để khai mở cái Tâm của con người. Nền giáo dục hiện đại, nhiều nơi làm ngược lại: đặt trọng tâm vào sự truyền thụ kiến thức chứ không quan tâm đến giáo dục đạo đức lối sống, cho nên cái Tâm của học trò không được mở mang khiến họ dễ thành kẻ xấu. Đó là điều mà Khổng Tử tối kỵ, ông xem đó là dạy tiểu xảo chứ không phải dạy Người.

Tượng thờ Khổng Tử trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, Việt Nam, được làm năm 1729 .

Khổng Tử coi việc dạy học là để mưu cầu lợi ích cho nhân dân chứ không phải để mưu lợi cá nhân. Ông nói "Chỉ cần tự mình dâng lên một xâu thịt khô làm lễ xin học, thì ta chưa từng bao giờ từ chối ai làm học trò của ta ". Nội dung giáo dục của Khổng Tử đối với học trò có bốn mặt là văn, hạnh, trung, tín. Người làng Hỗ Hương rất khó cùng trò chuyện. Một đứa trẻ làng ấy đến yết kiến Khổng Tử xin vào học. Học trò của Khổng Tử cảm thấy nghi hoặc không hiểu nổi. Khổng Tử nói "Ta tán thành mặt tiến bộ của họ, không tán thành mặt yếu kém của họ. Chẳng việc gì phải đối xử quá đáng với họ. Người ta thanh khiết tốt đẹp đến với mình thì nên tán thành sự thanh khiết tốt đẹp của họ, không nên cứ truy cứu việc quá khứ của họ".

Ở thời đại của sự phân chia, hỗn loạn và những cuộc chiến tranh không dứt giữa các nước chư hầu, ông muốn tái lập Thiên Mệnh để có thể thống nhất "thiên hạ", mọi thứ dưới gầm trời (ở đây nghĩa là Trung Quốc) và mang lại hòa bình, thịnh vượng cho nhân dân. Vì thế Khổng Tử thường được coi là người đã đề xướng chủ nghĩa bảo thủ, nhưng khi xem xét kỹ những đề xuất của ông ta thấy ông đã sử dụng (và có thể cố ý bóp méo) những định chế và lễ nghi trong quá khứ nhằm đặt ra một hệ thống chính trị mới của riêng mình. Ông mơ ước về sự khôi phục một vương quốc thống nhất mà những vị vua phải được lựa chọn xứng đáng theo đạo đức (như vua Nghiêu, vua Thuấn) chứ không phải theo dòng họ. Những người cai trị phải hành động vì nhân dân, và họ phải đạt tới mức hoàn thiện. Một vị vua như vậy có thể dùng đạo đức của mình giáo hóa nhân dân thay vì áp đặt mọi người bằng pháp luật và quy định.

Nhiều khía cạnh tư tưởng của Khổng Tử vẫn còn lưu truyền và phát huy đến tận ngày nay. Có được sự trường tồn đó, là ở tinh thần đam mê học hỏi và thái độ nghiêm túc đối với việc học của Khổng Tử. Ông nói: "Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình". Theo Ông, đã không học thì thôi chứ đã học là phải "Học cho rộng, hỏi cho kỹ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học nhưng đã học điều gì thì phải học cho kỳ được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được… Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh".

Khổng Tử cũng nhấn mạnh trên cái mà ông gọi là "Lễ và Nhạc", coi hai thứ đó là những trụ cột của sự cân bằng cho trật tự và sự hài hoà. Lễ là các yêu cầu và quy phạm trong việc đối nhân xử thế; còn Nhạc (âm nhạc, văn nghệ) là để thống nhất mọi con tim cùng chung vui, cũng là để giữ gìn đức hạnh. Ông nói thêm rằng lễ không chỉ là cúng tế, và âm nhạc không chỉ là âm thanh của dùi đánh vào chuông. Cả hai còn là cách truyền đạt giữa lòng nhân của một người và hoàn cảnh xã hội của anh ta; cả hai yếu tố đó đều tăng cường các mối quan hệ xã hội, như Ngũ Thường (năm mối quan hệ chủ yếu): quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (vợ chồng), huynh đệ (anh em) và bằng hữu (bạn bè). Các trách nhiệm luôn được cân bằng, và nếu một thần dân phải tuân lệnh vua, thì thần dân cũng phải can ngăn khi nhà vua sai lầm.

Khổng Tử chú trọng vào sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trước tiên, sau đó nuôi dưỡng gia đình, rồi mới đến cai trị thiên hạ bằng lòng nhân từ: "Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ". Ông nhấn mạnh vào Ngũ thường: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín". Nhân là lòng từ thiện, Nghĩa là làm tròn bổn phận, Lễ là sự tôn ti trật tự hay quy tắc trong việc đối nhân xử thế với người trên kẻ dưới, Trí là trí tuệ minh mẫn làm việc gì cũng phải suy nghĩ, Tín là lòng thành thực hiện điều đã nói. Người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, chẳng nên để rối loạn.

Những bài giảng của Khổng Tử sau này được các môn đồ của ông hệ thống thành một bộ văn bản tỉ mỉ về những quy định và cách thức thực hiện nghi lễ. Nhiều thế kỷ sau khi ông đã qua đời, cả Mạnh Tử và Tuân Tử đều viết những cuốn sách quan trọng, và lúc ấy, một triết lý đã được tạo dựng đầy đủ, gọi là Khổng giáo. Sau hơn 1.500 năm, học giả Chu Hi đã diễn giải ý tưởng Khổng giáo theo một cách hoàn toàn mới, được gọi là Tân Khổng giáo, để phân biệt với những ý tưởng trong cuốn Luận Ngữ. Tân Khổng giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và nhiều nước châu Á khác cho tới tận thế kỷ 20.

Tư Mã Thiên đã có lời bình về Khổng Tử: "Trong kinh "Thi" có câu nói như thế này: "Cái giống như núi cao khiến người ta chiêm ngưỡng, cái giống như đại Đạo khiến người ta tuân theo. Từ xưa tới nay trong thiên hạ, Quân Vương và người tài đức thì có cũng nhiều. Họ khi đang còn sống đều vinh hoa quý hiển, nhưng chết đi rồi thì chẳng còn lại chút gì. Khổng Tử là một người bình dân, nhưng những người đọc sách đều tôn ông làm thầy. Từ Thiên tử, Vương Hầu đến nhân dân cả nước, những ai nói về "Lục Nghệ" thì đều xem học thuyết ấy của Khổng Tử là chuẩn tắc cao nhất. Có thể nói Khổng Tử là một Thánh nhân chí cao vô thượng".

Phương pháp giáo dục

Một trong những giáo lý sâu sắc nhất của Khổng Tử, một trong những điều khó hiểu nhất từ quan điểm phương Tây, có thể là việc ông sử dụng những câu chuyện cách ngôn chứ không giảng giải trực tiếp cách cư xử cho các môn đồ. Đạo đức của ông có thể được coi là một trong những kiểu đạo đức cao nhất. Cách dạy "gián tiếp" này được sử dụng rất nhiều trong các bài giảng của ông thông qua những lời ám chỉ, nói bóng gió, và thậm chí là sự lặp thừa. Điều này giải thích tại sao khi nghiên cứu cần đặt các bài giảng của ông vào đúng ngữ cảnh. Một ví dụ là câu chuyện sau:

Từ triều về nhà, nghe tin chuồng ngựa cháy, Khổng Tử nói, "Có ai bị thương không?" Ông không hề hỏi về Ngựa.

Câu chuyện không dài, nhưng có tầm quan trọng rất lớn. Ở thời ông, một con ngựa có thể đắt gấp 10 lần một nô lệ. Khi không hỏi tới ngựa, Khổng Tử thể hiện sự quan tâm lớn nhất của mình: con người. Vì thế, theo nhiều nhà bình luận cả Đông và Tây, những bài giảng của Khổng Tử có thể được coi là một biến thể kiểu Trung Hoa của Chủ nghĩa nhân đạo.

Mộ Khổng Tử tại Khúc Phụ, quê hương ông. Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận.

Có lẽ bài giảng nổi tiếng nhất của ông là Quy tắc vàng: Tử Cống hỏi: "Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?". Thầy đáp: "Có lẽ là chữ Thứ ()chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác?". Điều mình không muốn đừng bắt người phải chịu thì gọi là Thứ.

Trong quá trình giáo dục, Khổng Tử nhấn mạnh: cả thầy và trò đều phải có nghĩa vụ to lớn với nhau. Trò phải tôn kính thầy, dẫu sau này có thành đạt, quyền cao chức trọng đến đâu chăng nữa cũng không được bỏ rơi lễ nghĩa, vẫn luôn phải cung kính thầy. Ngược lại, người thầy thì phải có tư cách mẫu mực để làm gương cho trò. Người thầy có can trực, đạo đức, như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước. Trong Lịch sử Việt Nam có chuyện kể rằng: Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy là Chu Văn An. Dọc đường qua khu chợ đang họp, ông ra uy để lính thét dân phải dẹp đường. Biết chuyện, Chu Văn An giận Phạm Sư Mạnh làm quan mà tỏ ra hách dịch với dân, làm trái lời thầy dạy, nên không cho gặp mặt. Dù đã là quan lớn triều đình, Phạm Sư Mạnh vẫn phải quỳ gối cả buổi trước cửa nhà thầy để xin tha lỗi, về sau cũng hành xử khiêm nhường không dám hách dịch nữa.

4. Đại cương về Nho giáo

4.1. Chính danh và Nhân

Khổng Tử đem hết sở học, lý tưởng và năng lực để cổ vũ cho thuyết “Chính danh” của mình, dùng nó làm cơ sở thiết lập trật tự tốt lành cho xã hội, đồng thời quan tâm tới “Nhân” trong những gì liên hệ tới việc làm người đích thực. Kết quả của những suy tưởng của ngài về “Nhân” là sự hình thành một chuỗi các nghi thức giao tế: “Lễ”. Ðưa Nhân cùng Lễ vào thực tiễn cuộc sống sẽ tự nhiên tạo nên trạng thái đạo đức, an tĩnh và hòa hợp.

Ở đây, ta thấy đặc điểm chủ chốt trong nỗ lực của Khổng Tử là tìm cách đề ra các qui tắc chi phối hành động chân chính của con người; những qui tắc không đặt cơ sở trên việc đánh giá các tình huống theo quan điểm thiết thực duy lợi chủ nghĩa. Nếu bạn muốn làm người quân tử, một danh xưng thưở ấy được dùng cho nam giới, bạn nhất quyết thể hiện điều được bạn xem là chính đáng, bất chấp mọi hệ quả gây ra cho bản thân bạn.

Như thế, ta có thể tóm kết nội dung giảng dạy của Khổng Tử vào câu sau đây: “Phu tử lấy bốn điều để dạy người: văn chương, đức hạnh, lòng trung thực và lòng thành tín”. (Luận ngữ, VII:25).

4.2. Kiểu mẫu thời sơ Chu

Như đã lược qua trong phần tiểu sử, Khổng Tử ra đời trong một gia đình quí tộc tuy gặp hồi sa sút. Ngài từng làm viên chức nhỏ như Thừa điền, Ủy lại, sau đó làm quan, chức Ðại tư khấu, kế đó làm Nhiếp tướng sự của nước Lỗ. Bốn năm ngài nắm tư pháp, nước Lỗ không còn trộm cướp gian dâm, v.v… Chỉ chưa đầy ba tháng ngài giữ chức tướng quốc, nhờ đức độ cùng chính sách của ngài, khắp nước thịnh trị an lạc. Ta có thể nói điều ấy hẳn được hậu thế thêm bớt đôi chút, như hầu hết những chuyện kể về danh nhân. Thế rồi, các sách lược của ngài không còn được Lỗ hầu ưu ái vì vị quốc chủ ấy tính vốn mê thanh sắc ham của cải. Từ năm 497, Khổng Tử rời quê nhà, suốt 13 năm chu du quanh các quốc gia lân cận, “khi ở Trần khi ở Lỗ”, cố tìm một quốc chủ chấp nhận dùng ngài và các môn đệ để thực thi tư tưởng chính trị của ngài. Không đạt kết quả khả quan, thầy trò lại kéo nhau quay về cố hương. Ở đó, ngài sử dụng phần đời còn lại để lo việc giáo dục và văn hóa.

Mặc dầu được xem là người sáng lập Nho giáo, Khổng Tử tuyên bố ngài không đưa ra ý tưởng nào mới mà chỉ chuyển giao các truyền thống cũ: “Khổng Tử nói: Chỉ thuật lại [đạo thánh hiền] mà không sáng tác, thật lòng tin tưởng mà ham chuyện cổ...” (Luận ngữ, VII:1). Lời phát biểu ấy làm tăng thêm âm lượng cho tư tưởng Nho giáo và đặt vạch giới hạn cho Nho gia: một lòng tôn trọng minh triết của quá khứ.

Khổng Tử giảng dạy kinh Thư và kinh Thi như một minh họa cho thời mới mở đầu của triều đại nhà Chu (1066-249 tr.C.N.). Sinh nhằm thời Xuân thu (770-476 tr.C.N.) các tiểu quốc không ngớt đua tranh xung đột nhau nên ngài xem hai trăm năm thời sơ Chu là thuở thái bình, thịnh trị và hòa hợp. Vì thế, ngài tìm cách tái lập tổ chức xã hội và phong hóa đạo đức của thời ấy, đặc biệt dưới triều hai vua Văn vương, Võ vương và tài phụ chính của Chu Công.

4.3. Thiên (trời)

Ðề cập tới cứu cánh tinh thần hoặc cùng đích của thế giới, Khổng Tử dùng một chữ đơn giản là Thiên: trời, từ đó có thể gọi quốc chủ của một nước là thiên tử: con trời, vì kẻ ấy có nghĩa vụ lo toan sao cho mọi sự đúng với ý chí của trời và bản tính của trời: thiên đạo hay thiên lý.

Khổng Tử xem lời giảng của mình về phẩm tính con người và xã hội là phát biểu về Thiên, vì ngài dạy bảo những phương cách cá nhân mỗi người có thể tu dưỡng và thực thi để sống hòa hợp với vũ trụ như một toàn bộ. Tuy nhiên, ngài không tin con người có khả năng suy tưởng về bản tính của Thiên; con người chỉ việc phải thừa nhận có Thiên và tiếp tục sống hòa hợp với đạo trời và lẽ trời.

Nói cách khác, quan điểm của Khổng Tử có nội hàm rằng chúng ta đang sống trong một vũ trụ có trật tự theo một cấu trúc nhất định, vì thế, sống có ý nghĩa tức là tìm cách ứng xử phản ánh trật tự và cấu trúc đó. Một khi am hiểu cấu trúc của vũ trụ và sống thuận theo “đạo trời” tức là bạn có đạo đức. Chữ “đạo” trong “thiên đạo” là từ ngữ chủ chốt của Nho giáo và hầu như đồng một nghĩa với chữ “đạo”, cũng có tính chủ chốt trong Ðạo giáo, có ý nói tới nguyên lý tự nhiên - thiên lý - như một con đường đúng đắn mà con người phải đi, một đạo lý phải giữ ở đời. Ðào Duy Anh cho rằng “Kết hợp với đức thì thành đạo đức: nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào trong lòng người là đức”.

So với triết Tây:

Ở đây, có điểm tương đồng thú vị với lối tiếp cận mang tính Luật Tự nhiên đối với đạo đức, do Thomas Aquinas đề ra, và ý tưởng của Aristotle về vạn vật đều có “nguyên nhân tối hậu”, trên đó ông đặt cơ sở cho lý thuyết Luật Tự nhiên. Ðối với Khổng Tử, “Thiên đạo” không là vấn đề sở thích cá nhân mà là một thực tế đã định trong vũ trụ. Thiên đạo không là cái do con người phát minh, nhưng là cái để con người phát hiện.

Ðối với Khổng Tử và những người chấp nhận Luật Tự nhiên, việc thẩm định giá trị đạo đức không dựa trên cơ sở mang tính thực dụng chủ nghĩa hoặc thực lợi chủ nghĩa, mà trên sự phô bày cấu trúc nền tảng và cứu cánh căn bản của toàn bộ vũ trụ.

Tuy thế, giữa Aristotle và Khổng Tử có một khác biệt đáng kể: “nguyên nhân tối hậu” hình như có tính cố định, trong khi “Thiên đạo” thì chuyển động. Triết học Tây phương có khuynh hướng phân tích kinh nghiệm của chủ thể thành các sự kiện và các khách thể đặc thù, trong khi đó tư tưởng Trung Hoa có khuynh hướng nhìn vào sự chuyển dịch, chiều hướng và mối tương liên trong thế giới kinh nghiệm.

4.4. Luận ngữ

Luận ngữ chủ yếu là sách thu thập các lời giảng đạo đức để tu thân xử thế, một bộ sưu tập đầy đủ về đức hạnh cần có của con người ở đời nhằm thành tựu cuộc sống hòa hợp. Hậu thế cũng có thể tìm thấy trong sách ấy lối nói, cử chỉ của Khổng Tử và một số môn đệ. Sách không phải do một người biên soạn mà gồm những hồi ức của môn đệ trực tiếp và các học trò đời sau của Khổng Tử ghi nhớ lại, trải qua nhiều lần biên tập chỉnh lý mới có nội dung như ngày nay ta đọc thấy. Do đó sách được viết với một bút pháp cô đọng, phong phú và đa dạng.

Bản chót của Luận ngữ hoàn thành vào khoảng đầu thời Chiến quốc. Từ đó, sách trở thành một trong những kinh điển trọng yếu của Nho gia. Sách ấy còn là một tư liệu cơ bản cho giới học giả nghiên cứu học thuyết của Khổng Tử hoặc lịch sử tư tưởng, văn hóa, giáo dục và xã hội Trung Hoa thời cổ đại.

Về tổng thể, nội dung sách được qui cho Khổng Tử, nhưng trong đó có thể một số châm ngôn có thời điểm trước ngài và một số châm ngôn khác có liên quan tới các môn đệ của ngài. Nhiều câu bắt đầu với “Tử viết: Khổng Tử nói”, nhưng rõ ràng là thu thập từ truyền thống truyền khẩu.

Trong Luận ngữ, có một số châm ngôn thuộc loại áp dụng tổng quát, như: “Khổng Tử nói: Học mà không suy nghĩ ắt mờ tối, suy nghĩ mà không học hỏi ắt mỏi mệt”. (Luận ngữ, II:15). “Khổng Tử nói: Công kích đạo khác là chỉ hại mà thôi”. (Luận ngữ, II:16). “Khổng Tử nói: Khéo mồm khéo miệng, mặt mũi tươi tỉnh, người như thế ít có nhân”. (Luận ngữ, I:3).

Lời ấy đưa dẫn tới từ ngữ chủ chốt là “Nhân”. Xét theo ý nghĩa nhất định, mọi điều trong Luận ngữ đều xoay quanh câu hỏi độc nhất này: “Ðức nhân chân chính là gì? Bản tính chân chính của con người là gì, và nên phô bày nó như thế nào?”

Nhân, theo nội dung sách Luận ngữ, là sự phô bày rất thực tiễn và ngoại tại các phẩm tính của con người. Khổng Tử chia loài người thành ba hạng:

1- Thánh nhân: Bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao minh triết.

2- Quân tử: Người cao nhã, kẻ phấn đấu để làm điều chân chính.

3- Tiểu nhân: Kẻ “hèn mọn”, hành động không màng tới đạo đức.

Trong khi tu dưỡng và thực hành đức nhân thì sự nhận thức truyền thống và xã hội rất quan trọng: “Hữu Tử [một cao đồ của Khổng Tử] nói rằng: Làm người có lòng hiếu để mà ưa phạm tới bề trên, là chuyện hiếm có vậy, đã không ưa phạm tới bề trên mà lại ưa làm loạn, là chuyện chưa hề có. Người quân tử chuyên chú vào chỗ gốc, vì gốc đã gây dựng, đạo tự nảy sinh. Nết hiếu và nết để có phải là gốc của việc thi hành đạo nhân đó chăng?” (Luận ngữ, I:2).

Khổng Tử quan tâm tới phúc lợi của xã hội, vì thế ngài cổ vũ thái độ nhân từ độ lượng chung. Dù lòng quảng đại ấy không được ngài đưa ra một cách phổ quát, nhưng rõ ràng nó dựa trên những cái giá trị nhất, và trên sự trung thành với gia tộc. Và đó là điểm về sau bị Mặc Tử phê phán.

“Khổng Tử nói: Các đệ tử khi vào phải hiếu với cha mẹ, khi ra phải kính nhường người lớn tuổi, làm việc phải cẩn thận và giữ chữ tín, thương yêu mọi người mà thân với người nhân. Hãy dành sức để làm những việc đó trước rồi mới tới việc học văn”. (Luận ngữ, I:6).

Câu trích trên cho thấy cách Khổng Tử đưa dẫn đến một yếu tố chủ chốt khác trong tư tưởng của ngài, đó là “văn: văn hóa”. Học văn đối với Khổng Tử có nghĩa là học các tác phẩm cổ điển thu thập từ thời sơ Chu như Thi, Thư, Lễ & Nhạc, Dịch, và đặc biệt kinh Xuân thu của ngài, một bộ sưu tập các đề mục ngắn gọn về những biến cố lịch sử xảy ra trong thời đại đó, được ngài phê duyệt dưới ánh sáng của thuyết chính danh, định phận. Việc học văn, theo ngài, là thiết yếu để thăm dò và tiêu hóa minh triết cổ truyền. Và như thế, dưới mắt nhìn của Khổng Tử, phải đặt quá trình tư duy vào khung khổ lịch sử và văn hóa liên hệ, cái vốn là bối cảnh trong đó nó diễn ra.

Ðối với Khổng Tử, chỉ suy nghĩ thôi thì chưa đủ, ta nên dùng trí óc của mình để học hỏi. Vốn là người hiếu học, ngài lúc nào cũng thấy việc học là thiết yếu; nó ngăn không cho phẩm tính của con người bị mù mịt, đưa tới những thể hiện cực kỳ sai lạc. “Khổng Tử nói: Này ngươi Do [tên tục của Tử Lộ: Trọng Do], ngươi có nghe về sáu đức tính, và sáu điều che lấp hay chưa?

“Thưa rằng: Chưa hề.

“Hãy ngồi lại đây ta bảo cho biết: Chuộng điều nhân mà không ham học thì mối che lấp là ngu muội. Chuộng nết trí mà không ham học thì mối che lấp là phóng đãng. Chuộng chữ tín mà không ham học thì mối che lấp là tự gây hại. Chuộng sự ngay thẳng mà không ham học thì mối che lấp là nóng nảy. Chuộng sự dũng cảm mà không ham học thì mối che lấp là gây loạn. Chuộng sự cương mãnh mà không ham học thì mối che lấp là cuồng bạo”. (Luận ngữ, XVII:7).

Nói cách khác, bảng liệt kê trên là sự đánh giá có tính truyền thống và văn hóa, dùng để kiểm tra tiềm năng có thể đưa đến hành động tai hại do việc không tu dưỡng những phẩm tính tích cực của con người. Tư tưởng của cá nhân, tính quyết đoán, lòng can đảm trong tự chúng không tốt không xấu, nhưng khi thể hiện mà thiếu ý nghĩa văn hóa thì chúng trở nên nguy hiểm.

Dĩ nhiên Khổng Tử thừa nhận rằng giai đoạn nào của cuộc đời cũng có các sự thể cá biệt, có khả năng gây trở ngại cách riêng cho quá trình phát triển tu đức. “Khổng Tử nói: Người quân tử có ba điều phải răn ngừa: Lúc còn trẻ, huyết khí chưa ổn định, cần răn ngừa về nữ sắc. Tới khi tráng niên, huyết khí đang mạnh, cần răn ngừa về ham tranh đấu. Tới lúc già, huyết khí đã suy, cần răn ngừa về ham được hơn người”. (Luận ngữ, XVI:7).

Trong câu trích dưới đây, ngài dùng sự tương phản giữa “người quân tử” và “kẻ tiểu nhân”. Lối đối chiếu ấy được sử dụng rất nhiều lần, kể cả trong Kinh Lễ và Trung dung, như một cách làm nổi bật các phẩm tính hợp thành đức nhân. “Khổng Tử nói: Người quân tử sợ ba điều: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời, nên không sợ, (mà còn) khinh nhờn bậc đại nhân, giễu cợt lời nói của thánh nhân”. (Luận ngữ, XVI:8). “Khổng Tử nói: Người quân tử thân với khắp mọi người mà không tư vị, kẻ tiểu nhân tư vị mà không thân với khắp mọi người”. (Luận ngữ, II:14). “‘Khổng Tử nói: Người quân tử trầm tĩnh an hòa, kẻ tiểu nhân phập phồng âu lo”. (Luận ngữ, VII.36). “Khổng Tử nói: Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung”. (Luận ngữ, XIII:26). “Khổng Tử nói: Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người”. (Luận ngữ, XVII:20). “Khổng Tử nói: Người quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, kẻ tiểu nhân về hùa với mọi người mà không hòa với ai”. (Luận ngữ, XIII:23).

Nói chung, dường như đối với Khổng Tử, các chuẩn mực dùng để thẩm định hành động của cá nhân không dựa vào việc nó tạo hay không tạo phúc lợi cho xã hội như một toàn bộ. Tuy thế, chủ trương ấy không hoàn toàn thiếu thiết thực, đúng hơn, nó đặt cơ sở trên quan điểm rằng chính các phẩm tính nhân đức làm nên một nhà cai trị tốt, và vì thế chúng cần được toàn bộ xã hội cổ vũ. Ngài cũng tìm cách cổ vũ cho một quan điểm cởi mở và quân bình về bản thân. Thí dụ: “Khổng Tử nói: Chẳng lo không có địa vị, chỉ lo sao không đủ tài đức để được địa vị đó. Chẳng lo không ai biết tới, chỉ mong làm thế nào đáng cho người đời biết tới”. (Luận ngữ, IV:14). “Khổng Tử nói: Chất phác thắng văn vẻ thì quê mùa, văn vẻ thắng chất phác thì cứng nhắc. Văn vẻ và chất phác đều nhau, mới nên người quân tử”. (Luận ngữ, VI:16).

Khi ứng xử với xã hội, cá nhân nên vô tư và hành động vì phúc lợi của xã hội như một toàn bộ chứ không vì lợi ích của cá nhân mình. “Khổng Tử nói: Người quân tử làm việc vì thiên hạ, không nhất định phải như thế này mới được hoặc như thế kia là không được, cứ hợp đạo nghĩa mà làm”. (Luận ngữ, IV:10). “Khổng Tử nói: Người quân tử quan tâm tới đạo đức, kẻ tiểu nhân quan tâm tới nhà đất. Người quân tử quan tâm tới phép tắc, kẻ tiểu nhân quan tâm tới ơn huệ”. (Luận ngữ, IV:11). “Khổng Tử nói: Nương theo điều lợi mà làm, ắt bị nhiều người thù oán”. (Luận ngữ, IV:12).

CÒN TIẾP =>>