276 lượt xem

Tìm hiểu Nho Giáo - Kì 2

4.1.4. Công bằng - Bác ái

Người ta sinh ra ở đời, ai cũng bẩm thụ cái Lý và Khí của Trời Đất như nhau, nên đều chịu mệnh Trời như nhau. Như vậy, mọi người đều bình đẳng và là anh em với nhau. Một hôm, Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử: Có lời nào khả dĩ thi hành được chung thân không? Đức Khổng Tử đáp: Kỳ thứ hồ! Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. (Chữ Thứ chăng! Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người.) Đó là Công bình và Bác ái. Nó nằm trong cái Đạo Nhất Quán của Đức Khổng Tử: Đạo Nhân.

4.1.5. Lễ Nhạc

- Lễ

Nho giáo dùng Lễ cốt để tạo thành một tập quán Lễ Nghĩa, khiến cho người ta làm điều lành điều phải một cách tự nhiên, không cần suy nghĩ. Dùng Lễ có cái hay là ngăn cản những việc xấu không  cho  xảy ra, còn dùng pháp luật là để trị những cái xấu đã xảy ra. Do đó, Thánh nhân trọng Lễ chớ không trọng Hình phạt.

Chữ Lễ, trước tiên dùng với ý nghĩa là các hình thức cúng tế cầu Thần linh ban phước và cúng tế Tổ tiên. Sau đó, chữ Lễ được dùng rộng ra bao gồm những phép tắc phù hợp với phong tục và tập quán của dân chúng trong việc Quan, Hôn, Tang, Tế. Sau nữa, chữ Lễ còn có nghĩa thật rộng, gồm cả cái quyền bính của vua và cách tiết chế các hành vi của dân chúng cho thích hợp với cái lẽ tự  nhiên của Trời Đất. Cho nên Kinh Lễ của Nho giáo nói rằng: “Lễ giả, Thiên chi tự.” Nghĩa là: Lễ là cái trật tự của Trời. Do đó, Nho giáo rất chú trọng về Lễ, và dùng Lễ vào 4 mục đích :

+ Dùng Lễ để hàm dưỡng tính tình của con người

Dùng Lễ để tạo thành một không khí đạo đức trang nghiêm, dần dần biến thành một tập quán tốt, khiến người ta làm điều phải điều lành một cách tự nhiên mà không biết. Vậy nhờ Lễ mà con người được khơi dậy những tình cảm tốt đẹp cao thượng.

+ Dùng Lễ để giữ thích hợp với đạo Trung Dung

Không cho thái quá, mà cũng không cho bất cập. Nhờ vậy, thể xác và tinh thần của con người được quân bình, hành động lúc nào cũng được sáng suốt và chừng mực. Đức Khổng Tử  bảo thầy Nhan Uyên (Nhan Hồi) là người đã hiểu rõ đạo Nhân hơn người là vì do Lễ. “Phi Lễ vật thị, phi Lễ vật thính, phi Lễ vật ngôn, phi Lễ vật động.” Nghĩa là : Không phải Lễ thì chớ nhìn, không phải Lễ thì chớ nghe, không phải Lễ thì đừng nói, không phải Lễ thì chớ làm.

+ Dùng Lễ để định lẽ phải trái, tình thân sơ, và trật tự trên dưới phân minh                                                     

Nhờ Lễ mà phân biệt được kẻ thân người sơ, kẻ nhỏ người lớn, vì Lễ qui định sự đối xử khác nhau một cách rõ rệt. Do đó không còn chỗ hiềm nghi, định rõ lẽ phải trái. Nhờ Lễ mà định được cái Chính danh. Có Chính danh  mới định cái phận cho thích hợp. Do đó mà có tôn ti trật tự, phép tắc luân lý, từ gia đình đến xã hội, tạo nên một xã hội trật tự  thái bình.

+ Dùng Lễ để tiết chế lòng dục                             

Dục vọng của con người thì không cùng và lúc nào cũng đòi hỏi để được thỏa mãn. Nếu không dùng Lễ để chế giảm, tất dục vọng sẽ làm con người hư  hỏng. Dùng  Lễ  để chế giảm mà còn hướng dẫn dục vọng vào con đường cao thượng nữa. Lễ và Pháp luật đều có mục đích ngăn chặn sự hư hỏng và tội lỗi của con người. Nhưng Lễ có ưu điểm là nó có thể ngăn cản được những việc chưa xảy ra; còn dùng pháp luật là để trừng trị những việc tội lỗi đã xảy ra rồi. Pháp luật, tuy phải đặt ra, nhưng dùng sự giáo hóa về lễ mà ngăn ngừa  sự phạm tội thì  mới ưu việt.

Tóm lại, chữ Lễ trong nghĩa rộng có bao hàm tính chất pháp luật. Nhưng Lễ chú trọng về mặt giáo hóa và ngăn ngừa sự hư hỏng; còn luật pháp thì chú trọng sự trừng phạt những điều hư hỏng và phạm tội. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì, không nên làm điều gì, và tại sao như thế. Còn pháp luật thì cấm không cho làm việc này việc nọ, mà hễ vi phạm thì bị trừng phạt. Người làm trái Lễ thì bị chê cười, có tính cách trừng phạt về phương diện  tinh thần; người làm trái pháp luật thì bị trừng phạt về  thể xác.

-  Nhạc

Nhạc là sự hòa hợp các thứ âm thanh mà tạo thành, thể hiện sự rung cảm của lòng người  đứng trước ngoại vật. Hay nói khác đi, chính sự rung động trong lòng người  mới tạo thành tiếng nhạc. Nhạc có thế lực quan trọng nên bậc Đế vương thời xưa như vua Thuấn dùng Nhạc để cảm hóa dân chúng, khiến dân trở nên lương thiện. Sách Nhạc có viết rằng: “Nhạc là cái vui của Thánh nhân, mà có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và làm phong tục dời đổi được. Cho nên Tiên vương  mới đặt ra việc dạy Nhạc.”

Nhạc cũng phải giữ cái đạo Trung Dung, dẫu vui cách mấy cũng không làm mất cái chính, mà buồn cách mấy cũng không làm mất cái hòa. Như thế, Nhạc  mới có thể điều hòa được cái tính tình của con người.

4.3.3. Sự phối hợp của NHẠC và LỄ                            

Nhạc và Lễ đều có cái chủ đích chung là sửa đổi tâm tính con người cho ngay chính, bồi dưỡng tình cảm cho thuần hậu, nhưng  mỗi bên có cách thức riêng biệt. Lễ cốt ở sự cung kính để giữ cho trật tự phân minh, Nhạc cốt ở sự điều hòa khiến cho tâm tính được tao nhã. Vậy nên  có Lễ phải có Nhạc, có Nhạc phải có Lễ, để cho cái này bổ khuyết cho cái kia thì  mới tạo được sự điều hòa tốt đẹp và một trật tự  ổn định trong xã hội. Nhưng Đức Khổng Tử  lại nói: “Nhân nhi bất nhân như Lễ hà? Nhân nhi bất nhân như Nhạc hà? “Nghĩa là: Người mà không nhân đức thì làm sao dùng Lễ được? Người mà không nhân đức thì làm sao dùng Nhạc được?

Đức Khổng Tử còn chủ trương không nghiêng về bên Lễ, cũng không nghiêng về bên Nhạc: “Nhạc thắng hóa bừa bãi, Lễ thắng hóa chia lìa. Khiến thích hợp tính tình, phục sức và dung mạo là công việc của Lễ Nhạc”. Lễ Nhạc có địa vị rất trọng yếu trong đạo trị nước và đặt ngang hàng với Hành chính và Hình pháp. “ Lễ để chỉ đạo ý chí, Nhạc để điều hòa thanh âm, Hành chính để thống nhất hành động, Hình pháp để ngăn ngừa tội ác. Lễ, Nhạc, Hành chính, Hình pháp, có mục đích cuối cùng là một, tức là thống nhất lòng dân để thực hiện một nền thạnh trị.”

Ý của Đức Khổng Tử  và các bậc Thánh xưa dùng Lễ Nhạc cao siêu như thế, nhưng lần lần, từ đời nọ truyền qua đời kia, Nhạc và Lễ biến đổi theo tình đời và trở nên sai hết. Lễ thì biến ra thêm phiền toái mà không giữ được sự Kính làm gốc, Nhạc thì biến ra đủ thứ đủ loại mà không giữ được sự Hòa làm gốc. Con người không được Nhạc và Lễ hướng dẫn và kềm chế nên đã bị dục vọng vật chất lôi cuốn đến chỗ thấp hèn, đang tiến vào hố sâu vực thẳm.

4.1.6. Chính danh Định phận

“Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành.”  Nghĩa là: Danh không chính đáng thì lời nói không xuôi, lời nói không xuôi thì việc không thành. Danh đã chính thì việc gì cũng có nghĩa lý rõ ràng của việc ấy, những điều tà thuyết không che khuất được chân lý. Danh và Phận đã được định rõ thì  mỗi người đều có địa vị và bổn phận chính đáng của mình, trật tự  phân minh.

 4.2.  Thượng học

Thượng học thuộc về Đại thừa hay Thượng thừa, Là quan niệm về thế giới quan của Nho giáo, rất uyên áo cao viễn mà Đức Khổng Tử có nhiều điều nói rõ trong Kinh Dịch (sách căn bản  về triết Lý của Nho giáo) và trong sách Trung Dung (sách Triết học bàn về Thiên đạo và Nhân đạo rất sâu xa).

Sau đây là một số điểm tiêu biểu:

- Thái cực và sự biến hóa của Thiên lý.

- Thiên mệnh.

- Quỉ Thần.

- Hồn phách.

- Đạo của Đức Khổng Tử.

4.2.1. Thái cực và sự biến hóa của Thiên lý

Quan điểm của Nho giáo về thế giới quan (sự hình thành vũ trụ và vạn vật) được diễn tả như sau: Khởi đầu của Vũ trụ là một khối mờ mịt hỗn độn. Trong cái Hỗn độn ấy có một cái Lý rất linh diệu cương kiện gọi là Thái Cực. Song Thái Cực huyền bí vô cùng, ta không thể biết rõ được, nhưng khi xem xét sự biến hóa của vạn vật thì ta có thể đoán biết được cái động và tịnh của Thái Cực. Động là Dương, tịnh là Âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra Âm; Âm lên đến cực độ lại biến ra Dương. Hai cái Âm Dương ấy cứ xoay chuyển tương đối, điều hòa nhau mà biến hóa sinh ra Trời Đất và vạn vật.

Đó là điểm cốt yếu của Kinh Dịch, bởi vì Dịch là biến đổi. Trong Trời Đất, không có cái gì là không biến đổi, không có cái gì là nhất định. Tất cả đều biến đổi, xoay chuyển, lưu hành khắp nơi, nhưng đều phát sinh từ một Lý duy nhất là Thái Cực. Chỉ có Thái Cực là tuyệt đối, còn tất cả đều là tương đối. Do đó, Đức Khổng Tử lấy chủ nghĩa “Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể “ làm căn bản cho học thuyết của Nho giáo.

4.2.2. Thiên mệnh

Trời là Chủ thể của cả Càn khôn Vũ trụ và vạn vật nên có cái sức mạnh bí mật điều khiển tất cả sự biến hóa và xoay chuyển trong Vũ trụ cho được điều hòa. Đó là Thiên mệnh, tức là Mệnh Trời.

Làm người phải biết mệnh Trời để nương theo đó mà sinh hoạt cho phải đạo. Nhưng con người cũng có cái tự chủ riêng để tự cường kiện lấy mình, khiến cho cái tâm linh của ta luôn luôn mẫn huệ, để hành động của ta lúc nào cũng phù hợp mệnh Trời, chớ không, chúng ta cứ hèn yếu nhu nhược đợi chờ số mạng. Sách Trung Dung viết: “Trời sinh ra muôn vật, nhân cái tài lực của từng vật mà đôn đốc thêm vào. Cho nên, vật nào có thể vun đắp được thì vun đắp vào cho tốt lên, vật nào nghiêng lệch thì làm cho đổ nát đi”.

4.2.3. Quỉ Thần

Nho giáo dạy người ta tin ở Trời, tin ở Thiên mệnh, tất nhiên tin có Quỉ Thần.

Sự cúng tế Quỉ Thần là để mình tỏ lòng thành kính, chớ không phải để cầu phúc riêng cho mình. Quỉ Thần đều sáng suốt và chính trực, nên chẳng hề tư vị ai. Người đời cứ  theo điều công chính mà làm thì ắt có Quỉ Thần chứng giám hộ trì cho. Nếu ai bất nhân bất nghĩa, làm điều trái đạo, phải tội với Trời, thì dẫu có cầu nguyện cúng tế quanh năm cũng không ích gì. “Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo đao” (Phải tội với Trời thì còn cầu nguyện vào đâu được).

Chúng ta là người đang sống, chúng ta tin và biết có Quỉ Thần, nhưng chúng ta không thể biết các việc của Quỉ Thần, cho nên chúng ta không nên nói điều huyễn hoặc mà gây thành mối mê tín dị đoan. “Vụ dân chi nghĩa, kính nhi viễn chi.” Nghĩa là: Vụ lấy làm việc nghĩa của người, còn Quỉ Thần thì nên kính trọng mà xa ra.

4.2.4. Hồn phách

Đức Khổng Tử nói: “Nhân sinh hữu khí, hữu hồn, hữu phách. Khí, Hồn, Phách hội chi vị sinh.” Nghĩa là: Người sinh ra có Khí, có Hồn, có Phách. Khí, Hồn, Phách hội lại gọi là sống.

Con người có sinh ắt phải có tử. Chết rồi thì hài cốt dần dần tan rã vào đất, còn cái Khí tinh anh thì lên khoảng không gian sáng rõ rực rỡ. Vậy, chết không phải là hết, chỉ hết cái hình hài, còn cái Khí tinh anh vẫn còn và đi lên chỗ sáng rõ trong vũ trụ. Cái Khí tinh anh ấy ở trong con người thì gọi là Tâm. Tâm là cái thần minh, là cái tia sáng mà Trời phú cho con người để hiểu biết các sự vật. Khi ta chết, cái tia sáng ấy trở về Trời, còn cái thể xác vật chất thì bị hủy hoại đi. Bởi cái tư tưởng ấy nên  mới nói: Sinh ký tử qui (Sống gởi thác về).

4.2.5. Đạo của Đức Khổng Tử

Đức Khổng Tử  căn cứ trên lẽ biến hóa mà điều hòa của Trời Đất và đem những tư tưởng và hành vi của bậc Thánh nhân đời trước mà lập thành Đạo để dạy thiên hạ. Ở trong cái Đạo ấy, muôn vật đều hóa dục mà không hại lẫn nhau, các Đạo đều được thi hành mà không trái nhau. Đức nhỏ thì phân minh như nước sông chảy, đức lớn thì đôn hậu mà sinh hóa vô cùng. Đức Khổng Tử nói: “Công kích Đạo khác chỉ hại mà thôi”.

Đạo của Đức Khổng Tử là theo lẽ thường, việc phải thì làm, việc trái thì bỏ, cốt giữ cái Tâm cho sáng suốt, đừng để tư dục làm cho ám muội. Đạo của Đức Khổng Tử không lấy việc Quỉ Thần mà đặt ra điều mê tín, không lấy sự sống chết mà huyễn hoặc lòng người. Ngài chỉ cốt lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Hiếu, Kính làm đạo thường. Đạo của Ngài tòng theo Thiên lý, làm cho sáng cái đức sáng, khiến người ta càng lúc càng mẫn huệ đến chí thiện  mới thôi (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện). Đạo không xa cái bổn tính con người, nếu người theo Đạo để cho xa cái bổn tính con người thì đó không phải là Đạo. (Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo).

Tóm lại, Đạo của Đức Khổng Tử  dạy rất kỹ về Nhân đạo. Nhân đạo xong thì  mới có thể đến gần được Thiên đạo.

5. Triết lý của Nho giáo

Triết lý của Nho giáo thuộc về phần Thượng học. Sau đây, chúng ta sẽ xem quan niệm của Nho giáo về Vũ trụ và Nhân sinh, về Thượng Đế và con người.

5.1. Vũ trụ quan của Nho giáo

Quan niệm về Vũ trụ của Nho giáo được nói rõ trong Kinh Dịch, giải thích Vũ trụ căn cứ trên thuyết Âm Dương và Ngũ Hành. “Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái.” Đạo Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh ra Hai Nghi: Nghi Âm và Nghi Dương; Hai Nghi sinh ra Bốn Tượng là: Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương; Bốn Tượng sinh ra Tám Quẻ là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
   
Hình bát quái

“Thoạt đầu tiên, Vũ trụ ra thế nào? Cứ như những ý tưởng của người xưa thì lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối mờ mịt hỗn độn, tức là đời Hỗn mang. Trong cuộc Hỗn mang ấy, có cái Lý vô hình rất linh diệu, rất cương kiện, gọi là Thái Cực. Song Thái Cực huyền bí vô cùng, không thể biết được bản thể của Lý ấy như thế nào. Ta tuy không biết rõ cái chân tính và cái chân tướng của Lý ấy, song ta có thể xem sự biến hóa của vạn vật mà biết được cái động thể của Lý ấy. Cái động thể của Lý ấy phát hiện ra bởi 2 cái thể khác nhau là: Động và Tĩnh. Động là Dương, Tĩnh là Âm. Dương đến cực độ thì lại biến ra Âm; Âm lên đến cực độ thì lại biến ra Dương. Hai thể ấy cứ theo liền nhau, rồi tương  đối điều hòa với nhau để biến hóa mà sinh ra Trời Đất và vạn vật.

Vậy, khởi điểm của Tạo Hóa là do 2 cái tương đối Âm và Dương mà Đạo Trời Đất cũng khởi đầu bởi sự biến hóa của 2 tương đối ấy. Trước 2 cái tương  đối ấy thì dẫu có gì cũng như không, vì không sao mà biết được. Khi 2 cái tương  đối ấy đã phát hiện ra thì cái gì cũng hiển nhiên, không thể nói là không có được.” (Trích Nho giáo của Trần trọng Kim).

Theo quan niệm này thì Đạo Trời Đất lúc đầu rất giản dị, sau  mới biến hóa dần dần đến chỗ phức tạp, càng biến hóa thì càng phức tạp, thiên hình vạn trạng. Đó là “Nhất bổn tán vạn thù”, cái Nhất bổn ấy là Thái Cực, nhưng dầu phức tạp đến đâu, rồi cuối cùng cũng qui về một, ấy là “Vạn thù qui nhất bổn”. Đức Khổng Tử cho rằng cái Lý Thái Cực rất huyền vi mầu nhiệm, mà tri thức con người thời đó khó đạt tới, nên Ngài không chú trọng xét tới, mà chỉ chú trọng cái động thể của nó, tức là Luật Biến hóa của Trời Đất, tức Luật DỊCH. Ngài thấy Đạo Dịch chi phối vạn vật, phù hợp với hiện thực. “Dịch không xa sự thật, mà đạo Dịch biến đổi luôn, không ở nhất định chỗ nào, lưu truyền khắp cả vũ trụ.”

Bỏ cái bản thể mà nghiên cứu cái động thể của Lý Thái Cực là một quan niệm rất thực tiễn, và đó cũng là khởi điểm cho thuyết tùy thời của Đạo Nho.

5.2. Nhân sinh quan của Nho giáo

Người là con cưng của Trời. Sách Thượng Thư viết: Chỉ có Trời Đất là cha mẹ của vạn vật, trong vạn vật Người là linh hơn cả. Người là con của Trời mà cũng là dân của Trời, vua là người thay mặt Trời để cai trị muôn dân. Cho nên, trong các sách của Nho giáo, chữ dân thường dùng để thay cho chữ Nhân là Người.

Người và Trời đều đồng một thể. (Thiên Địa Nhân đồng nhất thể.). Đổng Trọng Thư  có viết rằng: “Không gì tinh vi hơn khí Âm Dương, phong phú hơn Địa, thần linh hơn Thiên, cái tinh của Trời Đất để sinh ra muôn vật không gì là quí hơn Người. Người nhận lấy mệnh Trời, cho nên siêu nhiên hơn muôn vật. Muôn vật lo sợ tai vạ và không thể thi hành được lòng nhân nghĩa, chỉ riêng có Người  mới có khả năng làm được điều nhân nghĩa. Muôn vật lo sợ tai vạ nên không thể sánh vai với Trời Đất, chỉ riêng con Nguời  mới có thể sánh vai với Trời Đất.

Người có 360 tiết sánh với số Trời, hình thể xương thịt sánh với Đất. Ở trên có tai mắt thông minh, là hình tượng của nhật nguyệt. Thân thể có cửa mở, có mạch lạc, tượng hình sông ngòi và thung lũng. Tâm có thương vui, mừng giận, cùng loại với Thần khí. Muôn vật nương dựa lấy khí Âm Dương của Trời để sinh hoạt, chỉ có Người lại sáng tỏ rực rỡ với văn vẻ của Trời. Thế nên, phàm vật hiện hình ra chẳng cái nào không tuân theo mệnh Trời mà thi hành, ở địa vị nương tựa, chỉ riêng Người đứng lên trực tiếp với Trời nên xứng đáng với Trời. Cho nên, tiếp nhận  ít của Trời Đất thì ở địa vị nương tựa, tiếp nhận nhiều của Trời Đất thì ở địa vị chính đáng. Ở đây thấy loài người biệt lập với muôn vật mà tham hợp với Trời Đất.

Cho nên, thân thể của Người có đầu rộng mà tròn, tượng hình nội dung của Trời; lông tóc tượng hình các vì sao; tai mắt lanh lợi tượng hình mặt trăng mặt trời; mũi mồm hô hấp tượng trưng gió và không khí; trong bụng đạt đến hiểu biết tượng hình Thần minh, bụng ruột đầy rổng tượng hình muôn vật. Tượng trưng của Trời Đất, tương quan của khí Âm Dương thường thấy thiết dụng ở thân Người. Thân Người cũng như Trời, tương  tham hợp với số Trời, nên cùng liên hệ với Trời bằng sinh mệnh.

Trời lấy số ngày trong một năm để lập nên thân thể của Người, cho nên 360 tiết nhỏ để tương  hợp với số ngày, tiết lớn 12 phần tham hợp với số tháng. Ở trong có 5 tạng tham hợp với số Ngũ Hành. Ở ngoài có Tứ Chi (2 tay và 2 chân) tham hợp với 4 mùa. Chợt thấy chợt mở tham hợp với ngày đêm, chợt rắn chợt mềm tham hợp với mùa đông mùa hạ. Chợt thương đau, chợt vui mừng tham hợp với khí Âm Dương. Tâm có tính toán suy nghĩ, tham hợp với độ số . . .  Ở đâu đếm được thì tham hợp với số, ở đâu không đếm được thì tham hợp với loài. Ở đây có sự đồng nhất ở cả 2 bên, và chỉ có một sự  tham hợp của Người với Trời.” (Trích trong Nhân phó Thiên số, Phồn lộ, Quyển 13, Đổng Trọng Thư).

Cho nên Trời Đất là Đại Thiên Địa thì Người là Tiểu Thiên Địa; Trời Đất là Đại Vũ trụ thì Người là Tiểu Vũ trụ. Vũ trụ mà không có Người là vũ trụ không hoàn toàn, bởi vì vũ trụ là một đại hòa điệu của Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân), mà thiếu đi một yếu tố thì sự hòa điệu không còn. Trời và Người quan hệ mật thiết với nhau, bởi thế  mới lấy phép tắc tự nhiên  của Trời làm mô phạm của Người, lấy Thiên luân làm Nhân luân, lấy Thiên đạo làm Nhân đạo. Nho giáo lấy ý dân làm ý Trời, sự sáng suốt của Trời hiện ra ở trong sự sáng suốt của dân, dân muốn chính là Trời muốn. Sự sáng suốt của Người thường bị mất đi là do lòng vật dục che khuất,  do đó mà không cảm ứng được với Trời.

Con người có 2 phần: Một phần là thân thể vật chất hữu hình, và một phần vô hình phú bẩm nơi Trời Đất. Cái phần vô hình ấy là Lý Thái Cực, cũng gọi là Thần minh, Tâm hay cái tia sáng linh diệu (Linh quang). Khi chết rồi, thân xác chôn xuống đất, thối rã tan nát trở thành đất (Địa), còn cái phần tinh anh linh diệu thì bay lên khoảng không gian sáng rõ rực rỡ. Vậy chết không phải là hết, chỉ hết cái hình hài xác thịt mà thôi, còn cái Khí tinh anh tức là Tinh thần thì lại về chỗ sáng rõ ở trong vũ trụ. Cái phần chiêu minh ấy ở trong người gọi là Tâm. Tâm là cái Thần minh ở trong vạn vật, là cái tia sáng linh diệu của Trời phú cho ta để hiểu biết sự vật. Vũ trụ sở dĩ có là bởi có tia sáng ấy, chứ không thì dẫu có cũng như không. Vạn vật nhờ có cái tia sáng ấy mà biết là có và biết có Trời. Người ta có cái phẩm giá tôn quí là cũng nhờ bởi cái Tâm. Có cái Tâm thì Trời Đất rõ ràng, vạn vật linh hoạt.

Đến khi người ta mệnh chung thì cái tia sáng ấy trở về Trời, còn cái thân vật chất thì hẩm nát đi. Bởi  lý tưởng ấy, cổ nhân nói rằng: “Sinh ký dã, tử qui daõ”. Nghĩa là: Sống là gởi vậy, chết là về vậy. Trong câu nói ấy hàm chứa sự Luân hồi. (Theo Nho giáo Trần trọng Kim).

5.3. Quan niệm về Thượng Đế


Nho giáo gọi Thượng Đế là Thiên, tức là Trời.

“Nhưng ta phải biết rằng quan niệm của Đức Khổng Tử về Trời hay Thượng Đế không giống như quan niệm của phần nhiều người thường tưởng tượng là Trời hay Thượng Đế là một Đấng có hình dáng, có tình cảm, có tư dục như người ta. Trời hay Thượng Đế chỉ là cái Lý vô hình, rất linh diệu, rất cương kiện, mà khi đã định sự biến động ra thế nào thì dẫu làm sao cũng không cưỡng lại được” (Nho giáo Trần tr. Kim). Thượng Đế là vua của Càn Khôn Vũ trụ, thống ngự vạn vật và loài người. “Hoàng hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám qua Tứ phương, cầu dân chi mạc”. Đấng Thượng Đế rất lớn, soi xuống rất rõ ràng, xem xét 4 phương để tìm nỗi thống khổ của dân mà cứu giúp.

Trong Nho giáo, Thượng Đế chính là Thái Cực, là Đấng Tạo Hóa duy nhất, hóa sinh vạn vật. “Thiên giả vạn vật chi tổ, vạn vật phi Thiên bất sinh. Độc Âm bất sinh, độc Dương bất sinh. Âm Dương dữ Thiên Địa tham, nhiên hậu sinh.” Trời là tổ của muôn vật, muôn vật không có Trời không sinh ra được. Một mình khí Âm không sinh, một mình khí Dương không sinh. Âm Dương cùng với Trời Đất tham hợp, rồi sau  mới sinh.

Nho giáo quan niệm vua (Nhân quân) là người thay mặt cho Trời mà cai trị dân chúng và mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, nên gọi vua là Thiên tử (con của Trời).

CÒN TIẾP =>>