301 lượt xem

Tìm hiểu Nho Giáo - Kì 5

8.2. Học Từ chương (học khoa cử)

Ngoài những Học phái chuyên về đường Nghĩa lý, còn có học phái Từ chương, chỉ chú trọng về mặt Khoa cử, để đem người học vào đường danh lợi.

Học Khoa cử từ đời Hán đến đời Đường rất cực thịnh. Nho giáo nhờ cái học ấy mà lan rộng khắp thiên hạ, nhưng cũng vì cái học ấy mà thành ra cái học hư văn, làm mất chân tướng sự học của Thánh Hiền. Hoàng Lê Châu đời nhà Thanh sơ nói rằng: “Cử nghiệp thịnh nhi Thánh học vong”. Nghĩa là: Cái học Khoa cử thịnh thì cái học của Thánh Hiền mất. Đây là câu nói thật đúng cái bệnh của sự học Khoa cử vậy.

Nho giáo sở dĩ có cái mãnh lực biến thiên và phát đạt như thế là bởi có cái học “phí nhi ẩn”, rộng mà sâu, thiết thực mà huyền bí, và bao giờ cũng theo đạo Trung Dung, nghĩa là cái tư tưởng thì lên đến chỗ cực cao xa, mà sự hành vi thì vẫn giữ có chừng mực, không thiên lệch về bên nào, khiến cho sự nhân sinh của các hạng người đều được an vui (Theo Nho giáo của Trần trọng Kim).

9. Sự Giáo dục của Nho giáo

Về phương diện giáo dục, Nho giáo cho cái Tính bản nhiên của Trời phú cho  mỗi người là Chí thiện. Bởi có cái Tính ấy, nên ai sinh ra cũng có sẵn Tứ Đoan, gồm: Trắc ẩn, Tu ố, Từ nhượng, Thị phi, tức là 4 cái mối đầu của: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Người ta sở dĩ  làm điều ác là tại để cái tư tâm tư dục che lấp mất Tứ Đoan ấy. Cho nên sự Giáo dục là cốt gây nuôi lấy cái Thiện đoan và tài chế các Ác đoan. Người nào thực hiện được 4 điều: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, thì đó là người quân tử có cái phẩm giá rất tôn quí.

Việc giáo dục của Nho giáo lấy Đức dục làm gốc và lấy Trí dục làm ngọn. Cái gốc có bền chặt thì cái ngọn  mới tươi tốt. Có Đức dục thì nghĩa lý thấm thía vào lòng người ta, làm cho tự mình bỏ được cái bụng gian tà. Người có học hạnh thường phải bó mình trong cái phạm vi danh giáo, thành thử cái Tà tâm mà có sinh ra thì cũng không trưởng thành lên được. Ấy thật là cái công của Nho giáo, dẫu người ta không thực hành hoàn toàn được cái đạo của Thánh Hiền, nhưng cũng gây được cái phong khí rất hay ở trong xã hội vậy.

Cái nền Đức dục của ta là Nho giáo, đã được xây đắp lên hằng mấy ngàn năm nay rồi, và đã có hiệu quả mỹ mãn, thì ta cứ giữ lấy mà lưu truyền để làm cái sản nghiệp riêng của dân tộc ta. Ta lại thu lấy những điều Trí dục mà ta còn khiếm khuyết, bồi bổ thêm vào cái sản nghiệp ấy, làm cho Tâm với Trí điều hòa với nhau mà tiến hóa. Như thế, cái học của ta có căn bản, nên dầu có thay đổi điều gì ắt cũng ít có sự lầm lỗi vậy.

10. Nho giáo Việt Nam

Việt Nam là một nước bé nhỏ bên cạnh một nước vĩ đại Trung Hoa, dân VN lại kém văn minh, nên VN bị Trung hoa đô hộ 4 lần kéo dài đến hơn 1000 năm.

Trong khoảng thời gian bị đô hộ đó, người Tàu có ý đồng hóa dân VN với dân Tàu, biến VN thành một châu quận của nước Tàu. Người Tàu đã di dân sang VN, làm ăn buôn bán với người VN, cưới gả với người VN, truyền qua VN các phong tục tập quán của Tàu, các nghề nghiệp và các tín ngưỡng. Tuy nhiên, người VN có một tinh thần dân tộc rất mạnh, luôn luôn quật khởi chống lại sự đồng hóa của người Tàu. VN lại có tinh thần cầu tiến, luôn luôn học hỏi cái hay của người để được khôn ngoan và tiến bộ cho bằng người Tàu, để đủ sức bảo tồn nói giống VN.

Về phương diện tín ngưỡng tôn giáo, người Tàu truyền qua VN ba nền tôn giáo (Tam giáo): Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Người VN thu nạp và tôn sùng 3 nền tôn giáo đó, đồng thời lại dung hợp 3 tôn giáo ấy thành một tín ngưỡng có sắc thái riêng biệt của người VN.

Riêng về Nho giáo, người Tàu truyền qua VN sớm hơn Phật giáo và Lão giáo, qua các vị quan sang làm Thái Thú cai trị Việt Nam.

Theo Sử Ký, vào thế kỷ thứ 1, đời nhà Tây Hán bên Tàu, Thái Thú cai trị Giao Chỉ (nước VN) là Tích Quang, hết lòng lo việc khai hóa dân Giao Chỉ, dạy dân điều Lễ Nghĩa, làm lễ Cưới Hỏi trong việc vợ chồng. Dân Giao Chỉ rất mang ơn và kính trọng.

Đến đầu thế kỷ thứ 3, VN vẫn còn nội thuộc nhà Tây Hán, Giao Chỉ được đổi lại là Giao Châu, và Thái Thú cai trị là Sĩ  Nhiếp. Sĩ Nhiếp trị dân rất có phép tắc, chăm lo việc dạy dân học chữ Nho và các kinh sách của Nho giáo, tạo thành một nền đạo đức luân lý cho dân VN. Người VN cảm mộ cái công đức đó, tôn Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương và tôn là Học Tổ của VN.

Trong hơn 1000 năm đô hộ của người Tàu, người VN chịu sự  cai trị và giáo hóa của người Tàu, nên sự học vấn, luân lý, phong tục, tín ngưỡng, đều hoàn toàn theo người Tàu. Tuy vậy, người Tàu không đồng hóa được người VN vì người VN có một đức tin mạnh mẽ về nguồn gốc thiêng liêng của nòi giống dân tộc mình là con Rồng cháu Tiên, nên luôn luôn quật khởi chống lại sự đô hộ của người Tàu.

Sau đây, chúng ta xem sự biến thiên của Nho giáo VN kể từ thời Tự chủ, vua Ngô Quyền (939-965)  đến ngày nay.

10.1. Nho giáo VN dưới thời: Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và nhà Lý

Trong các triều đại này, Tam giáo đều được thịnh hành cả. Nho giáo theo cái học của nhà Đường, và cái học của Nho giáo là cái học Khoa cử để tuyển lựa nhân tài.

Đến đời vua Lý Thánh Tông (1034-1072), Văn Miếu được lập ra để thờ Đức Khổng Tử, Châu Công Đán và Thất thập nhị Hiền.

Lý Nhân Tông (1072-1127) mở khoa thi Tam Trường (1075) để tuyển người văn học Nho giáo ra làm quan, ông Lê văn Thịnh  đỗ đầu. Sau đó, vua Nhân Tông lập Quốc Tử Giám, là nhà dạy học, đào tạo nhân tài; mở Hàn Lâm Viện, có Nho gia là Mạc Hiển Tích  làm Hàn Lâm Học Sĩ.
 
Văn miếu Quốc Tử Giám thời nhà Lý

Nho giáo đời Nhà Lý thạnh hơn các triều đại trước, và nhờ vậy, sản xuất được nhiều vị hiền lương, trung nghĩa, tiết tháo. Những người Nho học có danh tiếng lớn dưới thời nhà Lý là : Lý Đạo Thành, Trương Bá Ngọc, Tô Hiến Thành. Những vị này, tuy  không phải là những học giả chuyên nghề luận đạo làm văn, nhưng biết dùng cái tinh hoa của Nho học mà thi thố trong  việc làm,  xứng đáng là những danh Nho.

10.2. Nho giáo VN dưới thời nhà Trần, nhà Hồ

Đến đời nhà Trần, Nho giáo thịnh hơn trước, có nhiều nhà Nho chân chính như: Mạc Đỉnh Chi, Trương Hán Siêu, Chu văn An, Lê văn Hưu, Nguyễn Phi Khanh, Hàn Thuyên, … Đặc biệt trong thời nhà Trần, ngoài Nho học còn có Lão học và Phật học cũng rất được tôn trọng. Vua Trần Thái Tông mở khoa thi Tam giáo, chọn những người tài giỏi về Nho học, hay Lão học,  Phật học. Ai theo cái học nào mà tinh thâm đạo lý thì được vua dùng, không nhất thiết phải là Nho học. Như thế, Tam giáo bấy giờ được xem trọng như nhau.

Nhà Hồ soán ngôi nhà Trần. Nhà Minh bên Tàu có cớ đem quân sang đánh chiếm và đô hộ nước ta, đặt ra các học quan, đem cái học của Tống Nho dạy cho dân, lấy Ngũ Kinh, Tứ Thư của họ Trình, họ Chu đã chú thích mà dạy. Cái học của Trình của Chu càng ngày càng thịnh.

10.3  Nho giáo  dưới thời nhà Lê, nhà Mạc

Vua Lê Thái Tổ (1428-1433) hết lòng mở mang việc học, đặt riêng các Học quan để lo việc giáo hóa. Vua bắt các quan từ Tứ phẩm trở xuống phải đi thi Minh Kinh, nghĩa là quan văn thì phải thi Kinh Sử, quan võ thì phải thi Võ Kinh.

Đến đời Lê Thánh Tôn (1460-1497), văn học nước ta cực thạnh. Những người thi đậu Tiến Sĩ được khắc tên lên bia đá dựng trong Văn Miếu. Những danh Nho thời nhà Lê là: Nguyễn Trãi, Lương thế Vinh, Lương đắc Bằng, và thời Lê Trung Hưng là: Phùng khắc Khoan, Lương hữu Khánh, Phạm đình Trọng.

Đặc biệt trong thời nhà Mạc, trước Lê Trung Hưng, xuất hiện một đại danh Nho là Nguyễn bỉnh Khiêm, tinh thông Lý số và Dịch Kinh, làm cho người Tàu phải kính phục.

Trong thời nhà Lê nói chung, Nho giáo rất thạnh, nhưng các Nho gia chỉ chú trọng cái học khoa cử, vụ lấy văn chương cầu sự đỗ đạt ra làm quan, chớ không có ai đạt được chỗ uyên thâm của Nho giáo, tìm được đạo lý cao siêu mà đề xướng các học thuyết có giá trị như bên Tàu. Đó là chỗ yếu kém của Nho học nước ta.

10.4. Nho giáo dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Long

Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nho học ít được các vua chúa quan tâm, mà chỉ lo việc võ bị để đánh nhau. Sự học hành thi cử đại khái giống như thời nhà Lê, luôn luôn lấy Nho học làm trọng. Một việc quan trọng là Chúa Trịnh Giang ra lịnh in sách. Trước đây, các sách Nho như Ngũ Kinh, Tứ Thư đều mua từ bên Tàu, nay Chúa Trịnh Giang ra lịnh khắc bản in tại Thăng Long và phát ra mọi nơi.

Ở Bắc Hà có các danh Nho như: Lê Quí Đôn, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Du. Ở phía Nam, Chúa Nguyễn bận lo việc mở mang bờ cõi xuống phương Nam nên ít quan tâm đến Nho học, làm cho Nho học ở phía Nam kém xa phía Bắc, nhưng cũng sản xuất được một vài danh Nho tài kiêm văn võ như: Đào duy Từ, Nguyễn hữu Dật, Nguyễn hữu Tiến, Nguyễn hữu Hào với truyện Song Tinh Bất Dạ.

Thời nhà Tây Sơn (1788-1802) kéo dài 14 năm, bị chiến tranh  liên miên, nên Nho học không được chú trọng. Có một sự kiện đặc biệt, vua Quang Trung ra lệnh chính thức dùng chữ Nôm trong văn tự, để gây thành một tinh thần dân tộc mạnh mẽ của người VN. Một nền văn học chữ Nôm đã được các Nho gia ủng hộ từ trước nhưng không được các vua chính thức công nhận và phát huy, mãi đến đời vua Quang Trung  mới được mở ra thay thế nền văn học chữ Hán.

Chữ Nôm đã được Hàn Thuyên chế ra từ đời nhà Trần, hình thức giống như chữ Hán, nhưng đọc thành tiếng nước Nam. Điều này chứng tỏ ý thức dân tộc của người VN muốn thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào văn tự  Trung quốc. Những tác phẩm chữ Nôm rất có giá trị tiêu biểu nền văn học VN như: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Hoa Tiên của Nguyễn huy Tự, Truyện Song Tinh Bất Dạ của Nguyễn hữu Hào, vv . . . Trong thời kỳ này có những bậc Nho học uyên thâm, khí tiết cao thượng, ẩn dật chốn sơn lâm, không chịu ra làm quan, như các ông: Ngô thế Lân, Đặng thái Phương, Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử), đặc biệt ông Đặng thái Phương đem sách Chu Dịch ra diễn Nôm theo lối văn vần, gọi là Chu Dịch Quốc Âm quyết.

Vua Gia Long đánh đuổi Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, rất chú trọng việc học. Vua cho lập Văn miếu ở các Doanh, các Trấn để thờ Đức Khổng Tử, tỏ lòng tôn trọng Nho học, mở trường Quốc Tử Giám để dạy Nho học. Văn chương chữ Nôm rất thịnh, nhưng nhà vua vẫn dùng chữ Hán làm chính.

Các vua triều Nguyễn rất tôn trọng Nho học, sửa sang việc thi cử để chọn những người Nho học tài giỏi ra giúp nước. Nhiều Nho sĩ nổi tiếng như: Lý văn Phức, Nguyễn công Trứ, Phan huy Chú, Nguyễn Khuyến, vv . .. Vua Gia Long phục quốc thành công nhờ sự viện trợ của nước Pháp ở Âu Châu, nên phải cho các Giáo sĩ người Pháp vào VN truyền đạo Thiên Chúa. Thiên Chúa giáo đã làm cho Nho học lung lay mạnh mẽ. Vua Minh Mạng nói: “Đạo phương Tây là Tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, nên phải nghiêm cấm để khiến cho dân  theo Chính đạo.”

Việc cấm đạo Thiên Chúa bắt đầu từ thời vua Minh Mạng. Đây chính là nguyên do để người Pháp xâm chiếm nước ta, đặt nền thống trị lên dân tộc ta gần một thế kỷ. Thiên Chúa giáo và Triết học Tây phương du nhập vào VN làm cho Nho giáo mất hẳn  độc tôn trong xã hội VN.

10.5.  Nho giáo dưới thời Pháp thuộc và  Sự suy tàn của Nho giáo VN

Tầng lớp Nho sĩ đang lãnh đạo xã hội VN, khi phải đương đầu với nền văn hóa Âu Tây, thấy người ta hùng mạnh văn minh, còn mình thì yếu hèn hủ lậu, nên tưởng lầm cái nguyên nhân gây ra sự hùng mạnh  kia là do máy móc cùng đầu óc khoa học  cơ giới. Thế rồi một số sĩ phu chủ trương rũ sạch quá khứ, bài bác Đạo học cổ truyền, cho đó là nguyên nhân gây ra yếu hèn và thất bại. Họ chủ trương hoàn toàn theo Tân học.

Người Pháp đem đạo Thiên Chúa truyền bá trong nước VN, dành cho người theo đạo nhiều quyền lợi vật chất. Các Giáo sĩ  Thiên Chúa giáo, vì nhu cầu truyền đạo, nên phiên âm tiếng VN bằng cách dùng các mẫu tự của chữ  Pháp để tạo thành chữ quốc ngữ ngày nay. Đó là công trình của 2 Giáo sĩ: Alexandre de Rhode (Đắc Lộ) và Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc).

Chữ quốc ngữ rất dễ học hơn chữ Hán hay chữ Nôm, nên được phái Tân học ủng hộ triệt để và dần dần thay thế hoàn toàn chữ Hán trong việc giáo dục.

Năm 1918, triều đình Huế, dưới sự bảo hộ của nước Pháp, đã ra lệnh bãi bỏ việc thi cử bằng chữ Hán. Nhờ vậy, chữ quốc ngữ  mới trở nên quan trọng và thiết yếu cho sự tiến hóa của VN. Chữ Hán là một lợi khí của Nho giáo, mà ngày nay đã bị bãi bỏ thì Nho học cũng không còn được trọng dụng và tồn tại nữa. Cái học từ chương, xa rời thực tế của Nho giáo thực sự chấm dứt, nhường chỗ cho Tân học với chữ quốc ngữ.

Tóm lại, đường lối học thuật và tư tưởng của Nho giáo VN từng thời kỳ đều biến đổi giống như Nho giáo Trung hoa. Những Nho gia VN cho rằng những tư tưởng mà Thánh Hiền đã nói trong các Kinh, Thư, Truyện. đều đầy đủ hết cả, không còn ai biết hơn được nữa, nên Nho gia chỉ chăm chăm học cho làu thuộc những điều ấy và cố gắng đem ra thực hành. Do đó, không có Nho gia nào đạt được cái uyên thâm cao viễn của Nho giáo mà phát minh ra một học thuyết  mới mẻ nào.  Nho giáo VN chỉ nằm trong phạm vi Hình Nhi Hạ học mà thôi.

11. Phần Kết

Xin trích ra sau đây lời nhận xét của Ông Phan Kế Bính, viết trong quyển Việt Nam Phong Tục, về Nho giáo VN, để làm phần kết của bài khảo luận về Nho giáo này. “ Đạo Nho là một đạo bình thường giản dị, thuận theo lẽ tự nhiên của Tạo Hóa, hợp với tính tình đương nhiên của người ta, ai cũng có thể noi theo được. Người mà có Nho học thì nên một người nết na, có phép tắc, có lòng nhân  ái. Nước mà dùng đạo Nho thì nên một nước có kỷ cương, có thể thống,  dễ cho việc cai trị, mà nhân dân cũng được hưởng phước hòa bình.
Duy có một điều: Triết lý thì nhiều điểm viển vông, khiến người ta khó hiểu, thủ lễ thì lắm sự câu thúc khiến người ta khó theo. Tính tình thì chuộng êm ái hòa nhã khiến cho dân khí nhu nhược, không hùng dũng hoạt động như tính người Âu Châu, nhu dụng thì chuộng cách tiết kiệm tầm thường, khiến cho kỹ nghệ thô sơ, không được tinh xảo phát đạt như các nước Âu Châu.

Nói rút lại, đạo Nho là một đạo tự trị rất hay, mà đem đối với đời cạnh tranh thì không mạnh. Còn như các thói hủ bại, phần nhiều là bởi tự người làm nên tệ, chớ không nên đổ cho tại Nho giáo. Tuy vậy, nước ta cũng nhờ có Nho học mới theo được các văn minh của nước Tàu, mà nên một nước có văn chương, có chính trị, có luân thường, có học thức.

Nếu trước khi chưa có Âu học, mà lại không có Nho học, thì nước ta chẳng qua cũng là một nơi mọi rợ mà thôi. Vậy thì cái công của Nho giáo truyền sang nước ta rất to, dẫu khi nào nhờ Âu học mà nên một nước thạnh vượng hơn trước, ta cũng không nên quên cái công ấy. Vì cái công ấy đã mở mắt cho ta, ví như đứa trẻ thơ, trước nhờ một ông thầy dạy bảo cho mở một đôi chút trí khôn, về sau dẫu có nhờ được ông thầy khác, học được thêm khôn thêm khéo, thì cũng không nên quên cái công của ông thầy trước. Và cứ theo Đạo Nho mà dùng cho khéo, bỏ những điều câu  thúc hủ bại, đem cách trí, tư  tưởng  mới để  bổ vào những nơi khuyết điểm thì cũng nên được một nước phú cường thạnh vượng, mà có lẽ lại hay hơn nữa.

Tôi thấy gần nay, các ông cựu Nho thở vắn than dài riêng với nhau rằng đạo Nho ta suy đồi, sắp đến ngày tiêu diệt. Tôi thiết tưởng, vật gì lâu ngày cũng phải mục nát, mà đạo nào cũng có lúc thạnh lúc suy. Huống chi, một thời biến đổi, là một cơ hội của Tạo Hóa xây vần, cái nền cũ có đổ nát thì  mới gây nên được cái nền  mới.

CÒN TIẾP =>>